Du học sinh Việt Nam kiếm gần 10 man/tháng từ làm thêm tại các nhà hàng trên đất Nhật Bản

Sự gia tăng các chuỗi nhà hàng Izakaya của Nhật Bản đang gặp khó khăn bởi tình trạng thiếu hụt lao động, để giải quyết vấn đề này, các ông chủ người Nhật đang có xu hướng thuê lao động bán thời gian người Việt để lấp đầy sự thiếu hụt này.

23:37 28/09/2017

Torikizoku, một nhà hàng chuyên món thịt gà nướng ở Osaka, hay yakitori, là một chuỗi như vậy. Với giá thực đơn từ 302 yen (2,76 USD), chuỗi nhà hàng này đã tuyển dụng người Việt để thay thế số nhân viên Trung Quốc vốn đang dần thu hẹp. Trước đây, những nhân viên Trung Quốc đã từng chiếm phần lớn số lao động bán thời gian ở đây, nhưng giờ chỉ còn lại 1%. Tại một số cửa hàng ở trung tâm Tokyo, tất cả nhân viên – ngoại trừ các người quản lý – đều là người Việt Nam, điều này còn tùy thuộc vào ca làm việc.

Khoảng hơn một năm trước, Nguyễn Thị Toàn, 24 tuổi, du học sinh Việt Nam bắt đầu làm việc tại một chi nhánh Torikizoku ở Osaka. Hằng ngày Toàn vẫn đi học bình thường vào buổi sáng và đi làm vào buổi tối. Toàn cho biết công việc tiếp tân khá thoải mái, nhưng lại gặp khó khăn khi phải nói tiếng Nhật. Tuy nhiên, hệ thống đặt món bằng màn hình cảm ứng của Torikizoku đã giúp công việc của Toàn dễ dàng hơn rất nhiều.

Chuỗi nhà hàng Torikizoku đã trở thành một nơi phổ biến để các du học sinh Việt Nam làm việc, kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống tại Nhật Bản. Những du học sinh Việt Nam được đánh giá là có đạo đức làm việc tốt và mạng lưới cộng đồng vững mạnh. Các sinh viên cho biết, ở đây có những món ăn tương tự như yakitori ở Việt Nam, và họ nghe từ người thân rằng Torikizoku đang tạo ra một nơi làm việc tốt cho những người có trình độ tiếng Nhật còn hạn chế.

Hiroyuki Ogawa, giám đốc điều hành Hiệp hội Nhật Bản – Việt Nam, cho biết mặc dù các phương tiện truyền thông tương đối kém phát triển ở Việt Nam, tuy nhiên thông tin truyền miệng lại khá hiệu quả và phát huy tác dụng rõ rệt tại đất nước này. Có vẻ Torikizoku dường như khá nổi tiếng và hưởng lợi từ điều này.

Chuỗi nhà hàng này đang hướng đến mục tiêu đạt 1.000 chi nhánh hoạt động vào tháng 7 năm 2021, do đó đảm bảo nguồn nhân lực là một yếu tố rất quan trọng. Để giúp đào tạo đội ngũ nhân viên người Việt đang phát triển nhanh chóng, công ty đã sản xuất sách hướng dẫn nấu ăn bằng tiếng Việt.

Hidehito Nakanishi, quản lý của Torikizoku cho biết “Họ phải phục vụ khách hàng bằng tiếng Nhật, nhưng những hướng dẫn, cách thức hoạt động cho các vai trò nền tảng nên được viết bằng tiếng Việt”.

Eita Iida, chủ tịch của Ten Allied, nhà điều hành của Tengu Sakaba và các quán rượu khác cho biết: “Người lao động bán thời gian Việt Nam rất chăm chỉ và làm việc tích cực, nếu họ có thể thành tạo tiếng Nhật, điều này sẽ rất tuyệt vời”. Tính đến tháng 7, Ten Allied đã có 480 nhân viên bán thời gian người Việt, tăng gấp 10 lần so với năm 2014. Số người Việt chiếm khoảng 18% số nhân viên bán thời gian của công ty, trở thành nhóm người lao động nước ngoài lớn nhất của công ty.

Chimney, nhà điều hành chuỗi nhà hàng Hana no Mai, cũng đang tìm kiếm người Việt Nam. Tính đến tháng 6, đã có 214 trong tổng số 512 nhân viên bán thời gian người nước ngoài của họ là người Việt, chiếm 42%.

Huyền, một sinh viên Việt Nam 19 tuổi, đang theo học tại Trường Tiếng Nhật Osaka, đã đến Nhật Bản khoảng một năm trước. Huyền có một công việc bán thời gian tại một chuỗi cửa hàng bán bánh bao. Sau khi tan trường vào 16 giờ, cô làm việc từ 18 giờ đến 22 giờ, kiếm được khoảng 110.000 yen một tháng.

Huyền ở chung một căn phòng với một người bạn đồng hương, căn phòng này có giá thuê là 28.000 yen. Cha mẹ Huyền ở Việt Nam gửi cho Huyền khoảng 250.000 yen một năm để giúp chi trả học phí. Với mức lương 110.000 yen/ tháng, Huyền có thể trang trải chi phí sinh hoạt tại Nhật Bản. Ngoài ra, nơi Huyền làm việc còn bao bữa ăn tối, nhờ vậy cô có thể tiết kiệm thêm một khoản tiền đáng kể.

Ông Ogawa cho biết, sinh viên nước ngoài được phép làm việc tối đa 28 giờ một tuần. Với mức thu nhập còn thấp tại Việt Nam, nhiều du học sinh Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc trang trải chi phí sinh hoạt tại Nhật Bản nếu chỉ phụ thuộc vào tiền từ cha mẹ. Do đó, họ có xu hướng tìm kiếm những công việc bán thời gian với mức lương cao, vì họ chỉ có thể làm việc vào buổi tối sau giờ học.

Trong quá khứ, hầu hết lao động bán thời gian tại izakayas đều là sinh viên Trung Quốc, với số lượng gấp đôi người Việt hiện nay. Tuy nhiên, theo một đại diện của Học viện Nhân văn, một trường dạy tiếng Nhật với các chi nhánh ở Tokyo và các thành phố lớn khác, số sinh viên Trung Quốc làm việc bán thời gian đang giảm dần khi được gia đình ở quê nhà chu cấp nhiều hơn.

Do đó, những sinh viên Trung Quốc này thường tìm việc làm tại các cửa hàng tiện lợi, nơi họ có thể dễ dàng lên lịch thay đổi công việc phù hợp với lịch học bận rộn, hoặc các cửa hàng miễn thuế, nơi họ có thể sử dụng các kỹ năng mà mình có.

Nguồn: Vietnamplus

Tags:
Những góc khuất khủng khiếp của Nhật Bản qua lăng kính một du học sinh Việt

Những góc khuất khủng khiếp của Nhật Bản qua lăng kính một du học sinh Việt

Nhật Bản nổi tiếng là một địa điểm du lịch và văn hóa thú vị. Bên cạnh đó, cũng tồn tại những "góc cạnh" không phải ai cũng biết.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất