'Shoplifters' - chuyện đời ngọt, đắng của gia đình trộm vặt ở Nhật

Tuyệt phẩm của đạo diễn Hirokazu Koreeda gây xúc động bởi lối kể chuyện bình dị và đặt ra câu hỏi: “Điều gì tạo nên một gia đình?”.

20:00 29/10/2018

Shoplifters - tác phẩm Nhật thắng giải Cành Cọ Vàng ở Liên hoan phim (LHP) Cannes 2018 - đang được chiếu miễn phí trong khuôn khổ LHP Quốc tế Hà Nội. Câu chuyện xoay quanh một ngôi nhà có năm con người nghèo khổ. Cặp vợ chồng là Osamu (Lily Franky) và Nobuyo (Sakura Ando) lao động chân tay với đồng lương bèo bọt. Họ thường đi ăn cắp thực phẩm, đồ gia dụng ở các cửa hàng tiện ích, siêu thị về cho gia đình. Cô gái trẻ đang ở độ xuân sắc Aki (Matsuoka Mayu) phải làm việc trong một câu lạc bộ phục vụ tình dục. Trong ngôi nhà chật hẹp ấy còn một cậu con trai nhỏ là Shota (Jyo Kai) và người bà lớn tuổi (Kirin Kiki).

Một ngày, người chồng là Osamu cùng cậu bé Shota dẫn về nhà một người lạ. Cô bé Juri (Sasaki Miyu) có nhiều vết thương trên cơ thể do bị bạo hành. Ban đầu, cô bé chỉ ở lại chơi nhưng một tình huống xảy ra khiến Juri bất đắc dĩ trở thành thành viên trong ngôi nhà. Cô bé được "truyền nghề" ăn cắp vặt và cùng gia đình mới trải qua những tháng ngày xuân, hạ, thu, đông tràn ngập tiếng cười...

Bộ phim khắc họa bức tranh khu ổ chuột và cuộc sống của những người ở dưới đáy xã hội nhưng không chút đau khổ hay nước mắt mà tươi vui, ấm áp. Trong ngôi nhà bé nhỏ ấy, không thành viên nào có không gian riêng tư. Tất cả sinh hoạt chung trong một diện tích chật hẹp, từ ăn uống cho tới ngủ nghỉ. Thế nhưng họ hạnh phúc với điều đó, mỗi khi trở về nhà lại có những gương mặt thân yêu đang chờ đón để cùng nhau thưởng thức một nồi mì gói hay món bánh gạo rẻ tiền mới trộm trong siêu thị.

Hirokazu Koreeda có cách kể chuyện dịu dàng và tinh tế khi tạo nên một bầu không khí nhẹ nhàng và trong lành nhất, dù bối cảnh có tàn khốc đến mấy. Trong Shoplifters, thật khó có thể hình dung được ngay giữa nước Nhật, ở một nơi hiện đại của thế kỷ 21 với rất nhiều đại siêu thị, lại có một ngôi nhà mà các thành viên sinh sống theo kiểu “bầy đàn” cổ xưa với đủ thứ bất tiện, thiếu thốn, tiền có bao nhiêu xài bấy nhiêu, đồ ăn thì có gì ăn nấy. Nhưng trên hết, tất cả vẫn luôn đùm bọc nhau theo cách riêng của họ.

Phim khai thác những thứ tưởng rất đời thường nhưng lại khiến cho người xem bị hút vào thế giới của những “kẻ trộm siêu thị”. Cảnh húp mì với tiếng xì xụp, cách sử dụng muối để giúp trẻ em không bị đái dầm vào ban đêm, mỗi chiếc răng khi thay thì ném lên mái nhà... Mọi câu chuyện thường nhật đều tươi vui, dí dỏm và mang vẻ lạc quan, bất chấp cuộc sống cơ cực, vi phạm pháp luật.

Tác phẩm khai thác góc khuất trong cuộc sống ở Nhật Bản.

Tác phẩm khai thác góc khuất trong cuộc sống ở Nhật Bản.

Gần về cuối, khi biến cố xảy đến, gia đình này vướng vào vòng lao lý và bị chia rẽ, phim dần trở nên chua chát. Điều đó giống như một giấc mơ đẹp rồi cũng đến lúc phải kết thúc. Hirokazu Koreeda đã đề cập tới cuộc sống gia đình hiện đại một cách rất chân thực, đặc biệt là ở một nơi như nước Nhật ngày nay, khi nhiều thành viên trong gia đình thường xuyên giam mình trong những “chiếc hộp”, sống chung một nhà nhưng thậm chí chẳng nhìn mặt nhau hàng ngày, không có một bữa cơm chung.

Hirokazu Kore-eda nhận giải cao nhất ở Cannes.

Hirokazu Kore-eda nhận giải cao nhất ở Cannes.

Bộ phim vẫn trung thành với lối kể dung dị, nhẹ nhàng từ đầu cho đến cuối nhưng cảm xúc của người xem sẽ bị xáo trộn mạnh mẽ, từ vui vẻ, mơ màng cho tới chua xót, nghẹn ngào. Phim không thuyết giáo hay cố truyền đi một tư tưởng, thông điệp nào mà chỉ đơn giản là gợi cho người xem một câu hỏi: “Điều gì tạo nên một gia đình?”. Có hay không một gia đình mà ở đó các thành viên đều mất đi sự kết nối, chỉ biết nhận lại nhưng không biết cho đi? Con người không có quyền lựa chọn gia đình của chính mình từ khi sinh ra nhưng theo thời gian, sẽ tìm thấy những mối quan hệ tạo nên một thế giới riêng mà ở đó, tình yêu thương và tiếng cười sẽ vượt lên trên mọi hoàn cảnh của cuộc sống.

Không phải ai sinh ra cũng đã được hạnh phúc. Có những đứa trẻ lớn lên trong sự bạo hành của người cha, người mẹ vô lương tâm. Có những thanh niên sớm đi trộm cướp, lao vào vòng xoáy của tội ác chỉ vì cuộc sống quá bế tắc, u uất... Nhân vật Nobuyo có một câu thoại trong phim tạo nên nhiều suy ngẫm: “Không phải ai biết mang bầu, đẻ con cũng có thể trở thành một người mẹ”.

Shoplifters có dàn diễn viên đồng đều với lối diễn xuất gây xúc động, từ người nhỏ tuổi nhất tới cao tuổi nhất. Diễn viên gạo cội Lily Franky và “nàng thơ điện ảnh Nhật Bản” Sakura Ando đã có màn hóa thân rất ngọt khi vào vai cặp vợ chồng Osamu và Nobuyo sống cùng nhiều người khác trong ngôi nhà nhỏ, không có khoảng trời riêng cho chuyện tình cảm, tình dục nhưng vẫn thấy mãn nguyện với cuộc sống. Trong khi đó, diễn xuất của hai diễn viên nhí là Sasaki Miyu (vai Juri) và Kairi Jo (vai Shota) đủ sức chạm tới trái tim của những người cứng cỏi nhất.

Có sự nghiệp kéo dài gần 30 năm, đạo diễn người Nhật – Hirokazu Koreeda – nổi tiếng với những tác phẩm đề tài gia đình cùng ngôn ngữ điện ảnh giản dị, dịu dàng, không thách đố người xem nhưng để lại sự ám ảnh mạnh mẽ. Nobody KnowsLike Father, Like Son hay Our Little Sister đều là những bộ phim có cốt truyện đơn giản, xoay quanh các thành viên trong một gia đình trước những biến cố đời thường.

Nguồn: vnexpress.net

Tags:
Nguyên nhân thực tập sinh NHẬT BẢN bỏ trốn

Nguyên nhân thực tập sinh NHẬT BẢN bỏ trốn

Tình trạng thực tập sinh bỏ hợp đồng, cư trú bất hợp pháp tại Nhật Bản làm ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác lao động mà chính phủ hai nước đã ký kết.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất