Tiến sĩ Nhật giúp đồng bào Thái xóa nghèo

Tại Hội chợ du lịch JATA Tourism Expo Japan tổ chức ở Tokyo (Nhật Bản) cuối tháng 9/2017, nhiều người ấn tượng với một giáo sư của trường Đại học Yamanashi Kenritsu đội nón lá, nói tiếng Việt, giới thiệu về du lịch Nghệ An một cách say sưa. Anh là Tiến sĩ Ando Katsuhiro, một người bạn thân thiết của đồng bào Thái ở Con Cuông, Nghệ An.

18:15 14/10/2017

Đưa khách đi thăm vườn cam đã sát mùa thu hoạch của gia đình, chị Hoài (thôn bản Pha, xã Yên Khê, huyện Con Cuông, Nghệ An) nhặt vội một trái cam nhỏ rụng gần lối đi. “Phải đưa lại nơi gọt vỏ làm tinh dầu. Ando mà thấy vứt đi trái rụng, tiếc lắm đây”.

Vườn cam Bản Pha, nơi TS Ando Katsuhiro làm điều phối viên Dự án Đa dạng hoá sinh kế dựa vào du lịch di sản của các bản làng nông, ngư nghiệp Việt Nam. Ảnh: JICA

Từ hai năm nay, người dân bản Pha đã quen với sự xuất hiện của Ando, vị tiến sĩ người Nhật, là điều phối viên Dự án Đa dạng hoá sinh kế dựa vào du lịch di sản của các bản làng nông, ngư nghiệp Việt Nam của tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).

Lặn lội đến từng gia đình, Ando tìm hiểu về tâp quán canh tác, nhận thức và điều kiện tham gia dự án của các hộ đồng bào Thái, rồi định hướng để bà con áp dụng khoa học công nghệ vào trồng cam, đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn cho trái cam bản Pha, sản xuất các sản phẩm phụ từ cam. Vẫn là vườn cam của mỗi gia đình, nhưng lối vào quang quẻ, dưới gốc trải tấm cho du khách nghỉ, cành thì treo giỏ đựng vỏ cam… nên có thể kết hợp làm du lịch. Những thiết bị giúp đồng bào sản xuất sản phẩm phụ như vỏ làm tinh dầu, ruột trái không đẹp mã làm men, làm rượu, làm mứt cam, xà phòng cam… được cấp cho các hộ, giúp họ có thêm nguồn thu từ cây cam. Gia đình chị Hoài, năm ngoái, đã thu được gần 500 triệu đồng từ hoạt động du lịch này.

“Ando rất tuyệt vời. Cần mẫn, cẩn trọng và tận tình trong từng việc nhỏ, vì sinh kế của chúng tôi. Lại thân thiện, hòa đồng. Nhiều lúc, tôi thấy Ando như… người em trong gia đình mình vậy” – ông Tăng Ngọc Sơn, trưởng nhóm sản xuất các sản phẩm từ cam của các gia đình bản Pha, trong đó có vườn cam nhà chị Hoài, tâm sự.

TS Ando Katsuhiro cùng nhóm du lịch cộng đồng tại Bản Nưa, Yên Khê, huyện Con Cuông, Nghệ An. Ảnh: T.H

Cách vườn cam bản Pha không xa, các hộ gia đình người Thái của bản Nưa cũng thân thuộc với Ando. Từ năm 2014, TS Ando đến bản Nưa, gặp từng người tìm hiểu, thuyết phục các gia đình tham gia mô hình du lịch cộng đồng. Đại diện các gia đình được đi học hỏi kinh nghiệm tại Hòa Bình, rồi được đón các chuyên gia ẩm thực, kiến trúc sư… tới tư vấn.

Chỉ sau hơn 1 năm, mô hình du lịch cộng đồng tại bản Nưa hình thành. Nhóm home stay đón khách đến nghỉ, nhóm ẩm thực phục vụ ăn uống, CLB dân ca Thái trình diễn các chương trình văn nghệ. Du khách đến bản Nưa ngày một đông. Năm 2016, có hơn 900 lượt khách, năm 2017, đến giữa tháng 9 đã có tới 1.200 lượt khách nghỉ tại các hộ home stay bản Nưa. Ba hộ làm home stay đã có tiền để sửa nhà, mua đồ dùng mới.

“Ấy thế mà những ngày đầu đến Con Cuông, tôi đã rất lo lắng. Đây là một trong những vùng xa xôi, điều kiện kinh tế và mức sống của người dân thấp. Mọi người nghĩ tới du lịch Nghệ An thường biết khu di tích ở Nam Đàn, tới biển Cửa Lò. Còn tại đây, cần phải làm gì? Đây quả là thử thách đối với nhiệm vụ của tôi” – Ando tâm sự. “Điều khiến tôi xúc động là tính cộng đồng rất cao của đồng bào Thái ở bản Nưa. Điều đó đã góp phần thúc đẩy quyết định xúc tiến hoạt động du lịch cộng đồng tại đây”.

Chỉ tay lên tấm bản đồ du lịch Con Cuông, Ando phân tích: Du khách nghỉ ở bản Nưa, có thể đi tham quan sông Giăng, thăm bản Cò Phạt của người Đan Lai, tắm mát ở thác Khe Kèm, chơi vườn và mua các sản phẩm từ cam ở bản Pha… Một cụm du lịch liên hoàn đã thành hình, giúp bà con phát triển kinh tế một cách tự chủ và bền vững. “Dự án kết thúc, người dân bản Thái vẫn có thể tiếp tục điều hành được hoạt động du lịch tại đây. Làm kinh doanh, nhưng sẽ vẫn đảm bảo tính cộng đồng và các mối quan hệ thân thiết giữa các gia đình” – Ando nói.

Dưới chân nhà sàn của home stay số 2 ở bản Nưa, kết thúc buổi họp cộng đồng, là buổi mà các gia đình làm du lịch bàn bạc, tổng kết các hoạt động trong tháng, bà con ríu rít chụp ảnh chung với TS Ando. Không có khoảng cách giữa một vị GS nước ngoài, hay một điều phối viên dự án, mà là tình cảm ấm áp, vừa biết ơn, vừa yêu mến chân thành của bà con dành cho người đã giúp họ thoát nghèo, mở ra sinh kế bền vững, làm giàu đẹp thêm cho bản làng miền núi phía Tây Nghệ An.

TS Ando Katsuhiro (ngoài cùng bên phải) tại gian hàng giới thiệu du lịch Nghệ An của Hội chợ du lịch JATA Tourism Expo Japan (tháng 9/2017). Ảnh: A.K

Bên cạnh việc triển khai Dự án đa dạng hóa sinh kế dựa vào Du lịch di sản tại các bản làng nông ngư nghiệp tại huyện Con Cuông, TS Ando đang tiếp tục phát triển Dự án tại huyện Nam Đàn. Một CLB Dân ca ví giặm ở Nam Đàn đã được thành lập, cùng các mô hình sản xuất các sản phẩm nông nghiệp như miến tỏi đen, miến nghệ, bơ lạc, bột sắn chanh, bột sắn gừng…. Khách du lịch tới Cửa Lò, thăm quê Bác, có thể thưởng thức văn nghệ tại đây, mua các sản vật địa phương về làm quà.

TS Ando Katsuhiro (ảnh) từng đoạt các giải thưởng: Giải Thành tựu (Performance award) cho nỗ lực bảo tồn di sản thế giới Hội An (2005); Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Văn hóa, Thể thao và Du lịch” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam trao tặng (2012); Giải thưởng dành cho Kiến trúc sư/Nhà thiết kế/Tư vấn, Bằng khen “Bảo tồn công trình cổ tại Làng cổ Đường Lâm”, Giải thưởng UNESCO Bảo tồn Di sản Văn hóa châu Á – Thái Bình Dương (2013); Giải thưởng Thành viên danh dự dành cho người có đóng góp bảo tồn di sản thể giới Hội An (2015)…

Thùy Hương/Báo Tin Tức

Tags:
Tin nhanh: Việt Nam bất ngờ vượt xa Nhật Bản trong bảng xếp hạng các quốc gia dễ sống

Tin nhanh: Việt Nam bất ngờ vượt xa Nhật Bản trong bảng xếp hạng các quốc gia dễ sống

Vừa qua, chuyên trang tin tức về văn hoá, đời sống Việt Nam – Vietjo đã đăng tải bài viết rất thú vị và gây được sụ chú ý của đông đảo người Nhật đang sinh sống ở nước ta.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất