Nhật hoàng Akihito – vị hoàng đế rũ bỏ hình tượng “bất khả xâm phạm” để đi vào lòng dân và những dấu ấn không thể nào quên trong 30 năm trị vì

Trong 30 năm tại vị, Nhật hoàng Akihito đã không ít lần phá vỡ quy tắc, thực hiện những điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử trị vì của Hoàng gia Nhật Bản.

10:30 29/04/2019

Khuôn viên cung điện hoàng gia ở trung tâm thủ đô Tokyo, Nhật Bản đang được tắm trong ánh nắng mùa xuân. Những người chạy bộ rảo bước quanh con hào khéo léo né các nhóm du khách nước ngoài. Nhân viên văn phòng thưởng thức bữa trưa thường nhật với cơm nắm onigiri và trà.

Ở phía bên kia con hào, ẩn sau những hàng cây, hoàng cung đang chuẩn bị cho một quá trình chuyển giao lịch sử. Đầu giờ tối 30/4, Nhật hoàng Akihito sẽ bước vào phòng khánh tiết của hoàng cung và trở thành vị vua đầu tiên của Nhật Bản thoái vị trong hơn 200 năm qua trước sự hiện diện của ngài thủ tướng Nhật Bản và các chính trị gia cao cấp khác.

Sau buổi lễ kéo dài vỏn vẹn 10 phút với các nghi thức của Thần đạo (tôn giáo bản địa của Nhật Bản), thời Heisei (Bình Thành) bắt đầu với sự kế vị của Nhật hoàng Akihito vào tháng 1/1989 sẽ chính thức khép lại.

Sáng hôm sau, con trai cả của ông, Thái tử Naruhito, sẽ bước vào chính căn phòng ấy và kế thừa Tam chủng thần khí bao gồm thanh kiếm, chiếc gương và viên ngọc. Theo thần thoại, đây là ba báu vật thiêng liêng do nữ thần mặt trời Amaterasu truyền lại, tượng trưng cho ngôi báu của Thiên hoàng. Thời Reiwa (Lệnh Hòa) sẽ chính thức bắt đầu.

Nhật hoàng Akihito - vị hoàng đế rũ bỏ hình tượng bất khả xâm phạm để đi vào lòng dân và những dấu ấn không thể nào quên trong 30 năm trị vì - Ảnh 1.

Nhật hoàng Akihito sẽ thoái vị vào ngày 30/4. (Ảnh: Shutterstock)

Thời điểm người dân Nhật hân hoan chào đón hoàng đế mới cũng là lúc họ nhìn lại di sản 30 năm trị vì của Nhật hoàng Akihito.

Trong thời kỳ Heisei, Nhật Bản đã trải qua sự suy giảm kinh tế, tụt lại phía sau Trung Quốc khi để tuột mất ngôi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và tích lũy một khoản nợ quốc gia chưa từng có. Độ tuổi trung bình của dân số cũng tăng lên và Nhật Bản gọi giai đoạn này là “những thập kỷ mất mát”. Thời đại Heisei cũng được đánh dấu bằng sự hỗn loạn chính trị và chứng kiến 17 thủ tướng được bổ nhiệm, trong đó chỉ 4 người tại vị hơn 2 năm.

Trong bối cảnh bất ổn đó, Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko vẫn được nhớ đến vì những nỗ lực hiện đại hóa chế độ quân chủ truyền thống, thể hiện lòng trắc ẩn và sự gần gũi với dân chúng, nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh do chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản gây ra ở Trung Quốc và trên bán đảo Triều Tiên.

Cùng điểm lại những dấu ấn đặc biệt, cũng như những lần phá vỡ quy tắc hoàng gia để thực hiện những điều chưa từng có tiền lệ của Nhật hoàng Akihito trong 30 năm tại vị.

Người thừa kế ngai vàng đầu tiên trong lịch sử Nhật Bản kết hôn với thường dân

Nhật hoàng Akihito sinh ngày 23/12/1933 tại Hoàng cung Tokyo, là con trai cả của Nhật hoàng Hirohito và Hoàng hậu Nagako.

Theo The Diplomat, ngay từ khi còn là Thái tử, Akihito đã cho thấy suy nghĩ và cách hành động khác biệt so với các thành viên trong gia đình hoàng tộc. Khi còn học trung học, Thái tử Akihito đã lên kế hoạch du ngoạn đến Ginza, khu mua sắm và ăn uống thời trang ở trung tâm Tokyo.

Nhật hoàng Akihito - vị hoàng đế rũ bỏ hình tượng bất khả xâm phạm để đi vào lòng dân và những dấu ấn không thể nào quên trong 30 năm trị vì - Ảnh 2.

Thái tử Akihito đem lòng yêu cô gái thường dân Michiko sau khi gặp gỡ tại một giải đấu quần vợt. (Ảnh: Kyodonews)

Trong khi các hoàng đế tiền nhiệm, bao gồm cả cha của ông là Thiên hoàng Hirohito trị vì thời Showa (Chiêu Hoàng), đều chọn hôn thê xuất thân từ “một vòng tròn nhỏ” các gia đình quý tộc, Hoàng đế Akihito lại kiên quyết kết hôn với người con gái mình yêu là Michiko Shoda, cô gái xinh đẹp ông gặp tại một giải đấu quần vợt, con gái của một doanh nhân và cũng là một thường dân.

Nhật hoàng Akihito - vị hoàng đế rũ bỏ hình tượng bất khả xâm phạm để đi vào lòng dân và những dấu ấn không thể nào quên trong 30 năm trị vì - Ảnh 3.

Đám cưới của Thái tử Akihito và Công nương Michiko năm 1959. (Ảnh: Getty)

Nhật hoàng Akihito - vị hoàng đế rũ bỏ hình tượng bất khả xâm phạm để đi vào lòng dân và những dấu ấn không thể nào quên trong 30 năm trị vì - Ảnh 4.

Đám cưới của Thái tử Naruhito và Công nương Masako năm 1993. (Ảnh: EPA)

Cùng với Hoàng hậu Michiko, Nhật hoàng Akihito đã phá vỡ quy tắc truyền thống khi tự tay nuôi dưỡng 3 người con và chung sống cùng các con dưới một mái nhà, thay vì đưa con tới cho bảo mẫu chăm sóc.

Nhật hoàng Akihito - vị hoàng đế rũ bỏ hình tượng bất khả xâm phạm để đi vào lòng dân và những dấu ấn không thể nào quên trong 30 năm trị vì - Ảnh 5.

Gia đình nhỏ của Thái tử Akihito tại biệt thự hoàng gia Nasu, tháng 7/1978. (Ảnh: Kyodonews)

Điều này khiến dân chúng yêu mến và cảm thấy gần gũi với hoàng gia dưới thời Nhật hoàng Akihito, tình cảm này khác với sự tôn kính và xa cách mà họ dành cho hoàng gia dưới thời Thiên hoàng Hirohito.

Nỗ lực hòa giải với các nước châu Á

Theo SCMP, Nhật hoàng Akihito rất được ngưỡng mộ với vai trò như một phái viên hòa giải với các nước châu Á, còn với người dân Nhật Bản, ông là người an ủi, chia sẻ nỗi buồn với những người sống sót sau thiên tai và động viên tinh thần những người thiệt thòi trong xã hội.

Ông là vị hoàng đế đầu tiên tự vạch ra cho mình những vai trò này cũng như mở rộng nhiều trọng trách của hoàng gia kể từ khi thừa kế ngai vàng từ Thiên hoàng Hirohito. Nhật hoàng Akihito kết nối với mọi người theo cách mà người cha xa cách của ông chưa từng làm và những gì ông làm được trong việc xoa dịu nỗi đau thời hậu chiến nhiều hơn tất cả các lãnh đạo chính trị của Nhật Bản cộng lại.

Nhật hoàng Akihito - vị hoàng đế rũ bỏ hình tượng bất khả xâm phạm để đi vào lòng dân và những dấu ấn không thể nào quên trong 30 năm trị vì - Ảnh 6.

Nhật hoàng Akihito bày tỏ sự hối tiếc sâu sắc trong một buổi lễ tưởng niệm nhân kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến II tại Hội trường Nippon Budokan ở Tokyo. (Ảnh: EPA)

Hiến pháp Nhật sau Thế chiến II không công nhận vị thế hậu duệ thần thánh cũng như quyền lực chính trị trực tiếp của Nhật hoàng. Trong bối cảnh bị hạn chế quyền lực, Nhật hoàng Akihito đã xoay xở để can thiệp một cách tinh tế vào vấn đề chính trị còn tồn tại từ quá khứ, bày tỏ sự hối hận sâu sắc về những hành động sai trái mà Nhật Bản đã gây ra trong quá khứ dưới vỏ bọc giải phóng châu Á.

The Diplomat nhận định, Nhật hoàng Akihito đã nỗ lực thể hiện tinh thần yêu chuộng hòa bình mà hiến pháp Nhật Bản thời hậu chiến đại diện.

Ông cũng thể hiện quan điểm rằng Nhật Bản không bao giờ nên quên quá khứ chiến tranh của mình. Để nhắc nhở con cháu nhớ về những người dân Nhật hứng chịu đau khổ trong chiến tranh, Nhật hoàng Akihito đã chỉ định 4 “Ngày đau buồn” (otsusushimi no hi), đó là ngày 23/6 (ngày kết thúc trận Okinawa), ngày 6/8 (ngày bom nguyên tử dội xuống Hiroshima), ngày 9/8 (ngày bom nguyên tử dội xuống Nagasaki) và ngày 15/8 (ngày Nhật đầu hàng vô điều kiện).

Bất chấp sự phản đối của phe Cánh hữu ở Nhật, Nhật hoàng Akihito cùng hoàng hậu Michiko vẫn đến thăm những nơi Quân đội Hoàng gia Nhật Bản từng tham chiến ác liệt. Tại mỗi địa điểm, họ luôn dành thời gian để tưởng niệm các nạn nhân.

Thái tử Naruhito sắp lên ngôi, người dân Nhật có những cách ăn mừng thật đặc biệt để tận hưởng kỳ nghỉ lễ kéo dài 10 ngày Đọc ngay

Cụ thể, trong chuyến đi mang tính bước ngoặt tới Trung Quốc năm 1992, Nhật hoàng Akihito nói rằng Nhật Bản “từng gây đau khổ cho nhân dân Trung Quốc”, bày tỏ “tôi rất lấy làm tiếc về điều này”. Hai năm trước đó, ông cũng gửi một thông điệp tương tự cho Tổng thống Hàn Quốc Roh Tae-woo sau những đau khổ mà Nhật Bản gây ra cho người dân bán đảo Triều Tiên giai đoạn 1940-1945.

Những dấu mốc quan trọng đó đã tạo điều kiện cho các cuộc viếng thăm tiếp theo của Nhật hoàng và hoàng hậu tới chiến trường của cuộc chiến tranh Thái Bình Dương (một phần của Thế chiến II) như Okinawa, Saipan, đảo Peleliu ở Palau và gần đây là Philippines vào năm 2016.

“Những chuyến thăm của Nhật hoàng đến các chiến trường trước đây và những nhận xét của ông về cuộc chiến đã tạo ra một sự khác biệt, dù khác biệt đó rất nhỏ do vị thế của ông đã bị Hiến pháp Nhật hạn chế”, Tessa Morris-Suzuki, giáo sư danh dự nghiên cứu lịch sử Nhật Bản tại Đại học Quốc gia Australia nói với The Guardian.

Rũ bỏ hình tượng “bất khả xâm phạm” để trở thành vị hoàng đế của nhân dân

Với người dân Nhật Bản, Nhật hoàng Akihito đã rũ bỏ hình tượng “thiêng liêng và bất khả xâm phạm” để trở thành một hoàng đế bình dị và gần gũi với công chúng.

Ngay sau khi lên ngôi, ông đã nói rằng ông sẽ luôn coi trọng hạnh phúc của nhân dân và đảm bảo rằng vai trò của hoàng đế phù hợp với Nhật Bản thời hiện đại. Cùng với Hoàng hậu Michiko, Nhật hoàng Akihito ưu tiên mối quan hệ của mình với người dân Nhật Bản và thường xuyên xuất hiện trước công chúng.

Sau một vụ phun trào núi lửa năm 1991, Nhật hoàng và hoàng hậu đã đến khu vực thảm họa trong trang phục bình thường và an ủi các nạn nhân. Hành động đó được giới truyền thông và người dân trong nước đón nhận.

Nhật hoàng Akihito - vị hoàng đế rũ bỏ hình tượng bất khả xâm phạm để đi vào lòng dân và những dấu ấn không thể nào quên trong 30 năm trị vì - Ảnh 7.

Nhật hoàng Akihito (trái) trò chuyện với một phụ nữ tại nơi di tản sau thảm họa sóng thần và sự cố Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi năm 2011. (Ảnh: Reuters)

Trong thảm họa sóng thần và sự cố lò phản ứng hạt nhân vào tháng 3/2011, Nhật hoàng lần đầu tiên lên sóng truyền hình trấn an dư luận đang trong tình trạng hoảng sợ, đây là có hành động chưa từng có tiền lệ.

Nhật hoàng Akihito - vị hoàng đế rũ bỏ hình tượng bất khả xâm phạm để đi vào lòng dân và những dấu ấn không thể nào quên trong 30 năm trị vì - Ảnh 8.

Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko trò chuyện với nạn nhân di tản sau trận động đất lớn ở đảo Okushiri, Hokkaido năm 1993. (Ảnh: Mainichi)

“Nhật hoàng không còn là một người cai trị, mà thực sự trở thành một biểu tượng của nhân dân”, ông Eiichi Miyashiro, nhà sử học hoàng gia kiêm cây viết lão luyện của tờ Asahi Shimbun nói.

“Nhật hoàng Akihito đã biến phong cách đó thành của riêng mình. Ông không coi thường người dân mà cố gắng nhìn mọi thứ từ quan điểm của họ. Bạn có thể thấy điều đó trong cách ông và Hoàng hậu Michiko trò chuyện với các nạn nhân hứng chịu thiên tai. Người dân dường như đồng cảm với điều đó. Đó là lý do tại sao họ thông cảm khi Nhật hoàng ngỏ ý muốn thoái vị vào năm 2016”, Miyashiro nói.

Kết thúc triều đại của mình, Nhật hoàng Akihito một lần nữa phá vỡ truyền thống khi bày tỏ ý định thoái vị trên truyền hình năm 2016, dù luật hiện hành quy định việc kế vị chỉ có thể diễn ra khi hoàng đế băng hà. Nó khiến quốc hội và chính phủ phải đưa ra ngoại lệ, cho phép Nhật hoàng thoái vị để Thái tử Naruhito kế ngôi.

Thái tử Naruhito – người thừa hưởng nền giáo dục ở Oxford (Anh), hứa hẹn sẽ là vị quân vương trẻ hơn và mạnh mẽ hơn tiếp tục nối bước cha mình với cùng chung quan điểm về chủ nghĩa tự do và ý thức về sứ mệnh của một vị hoàng đế.

Nhưng liệu Thái tử Naruhito có thể kết nối với công chúng và duy trì chế độ quân chủ như Nhật hoàng Akihito đã làm hay không? Sự so sánh là không thể tránh khỏi và chắc chắn sẽ rất khó để Thái tử Naruhito vượt qua cái bóng vĩ đại của cha mình – Nhật hoàng Akihito…

(Tổng hợp)

Tags:
Phân biệt 3 khái niệm PHỤ THUỘC visa/ bảo hiểm/thuế cho kỹ sư đi Nhật

Phân biệt 3 khái niệm PHỤ THUỘC visa/ bảo hiểm/thuế cho kỹ sư đi Nhật

Đối với các kỹ sư đi Nhật đã có gia đình thì việc phân biệt 3 khái niệm phụ thuộc visa, phụ thuộc bảo hiểm, phụ thuộc thuế là vô cùng cần thiết vì nó sẽ giúp ích rất nhiều khi kỹ sư bảo lãnh gia đình sang Nhật sinh sống. Vì vậy bài viết này sẽ giúp các kỹ sư sáng tỏ vấn đề này nhé!

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất