Nhật Bản có thể thiệt hại gần 2 tỷ USD vì phấn hoa

Nhật Bản có thể bị thiệt hại khoảng 2 tỷ USD năm nay vì ảnh hưởng các căn bệnh liên quan tới dị ứng phấn hoa tới hoạt động kinh doanh, năng suất lao động.

08:30 06/05/2018

CNN trích báo cáo của Viện nghiên cứu Dai-Ichi Life cho biết, Nhật Bản có thể sẽ mất khoảng 1,8 tỷ USD năm 2018 vì các bệnh liên quan tới hội chứng dị ứng phấn hoa. Theo người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế của viện Toshihiro Nagahama, thiệt hại từ hội chứng này có nhiều dạng như sẽ có ít người muốn ra ngoài, làm ảnh hưởng tới sức tiêu thụ hàng hóa; nhóm người ở độ tuổi lao động phải xin nghỉ ở nhà trị bệnh, hoặc khiến năng suất lao động giảm sút.

Theo dự đoán của các chuyên gia, năm 2018 có thể sẽ là năm tồi tệ nhất trong lịch sử với những người mắc hội chứng dị ứng phấn hoa. Lượng phấn hoa ở một số vùng trong năm 2018 dự tính sẽ gấp đôi năm ngoái.

Thủ đô Tokyo là địa điểm hứng chịu hậu quả nặng nề của hội chứng trên. Một khảo sát của chính quyền địa phương cho thấy một nửa dân số của khu vực này bị dị ứng phấn hoa, tăng mạnh so với con số chưa tới 1/3 năm 2008.

Nguyên nhân gốc rễ của vấn đề bắt nguồn từ nỗ lực trồng rừng của Nhật Bản từ sau Thế chiến 2. Vào thời điểm đó, Tokyo đã trồng cây tuyết tùng và cây bách. Đến nay, những loại cây này đã vào giai đoạn trưởng thành và đang phát tán ra lượng phấn hoa rất lớn.

Mỗi năm, Tokyo chi khoảng 7 triệu USD chặt hạ các cây gây dị ứng, trồng mới các giống cây ít phấn hoa. Mỗi năm chính quyền địa phương đã trồng thay thế 60 héc-ta rừng từ năm 2006, nhưng không thể đẩy tiến độ lên quá nhanh do các chuyên gia cảnh báo chặt rễ quá nhiều cây xanh có thể gây lở đất và lũ lụt.

Quan chức phụ trách vấn đề lâm nghiệp của Tokyo Mamoru Ishigaki nhận định rằng tốc độ thay mới cây hiện tại giống như “muối bỏ bể” do thành phố có tới 30.000 héc-ta cây xanh sản sinh ra lượng lớn phấn hoa. Ông Ishigaki nói dù tốc độ hiện tại có được đẩy nhanh thì Tokyo cũng sẽ mất từ 100-200 năm để hoàn thành trồng mới cây xanh và tốn hàng tỷ USD.

Tuy nhiên, vẫn có những người “hốt bạc” từ hội chứng dị ứng phấn hoa khi nhu cầu khẩu trang và thuốc chữa dị ứng tăng vọt. Theo công ty nghiên cứu Anterio, tổng doanh số thuốc chống dị ứng phấn hoa vào tháng 3 đã lên tới 184 triệu USD, cao nhất trong vòng 10 năm và tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tags:
Các cách đối phó với dị ứng phấn hoa ở Nhật Bản

Các cách đối phó với dị ứng phấn hoa ở Nhật Bản

Ở Việt Nam mình, nhờ ơn các tổ chức phá rừng, lâm tặc và vân vân, mà chúng ta đã không có cơ hội được hưởng không khí tràn ngập mùi hoa trong không khí, cũng không bao giờ được vinh hạnh được hít quá nhiều phấn hoa đến nỗi mà cái mũi ngứa điên, đôi mắt đỏ lừ lúc nào như sắp khóc, hoặc cái cổ họng lúc nào cũng buồn nôn như gái có bầu mà không đẻ được ý.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất