Chàng trai Mỹ 'phải lòng' Việt Nam
Ở tuổi 31, Stephen có thể đã là giáo sư đại học Harvard nếu tiếp tục học lên nhưng anh quyết định từ bỏ tất cả để sang ở Việt Nam.
07:59 03/04/2025
"Chuyển đến Việt Nam sống là quyết định sáng suốt nhất đời tôi", Stephen Turban, 31 tuổi, ở phường Đa Kao, quận 1 chia sẻ.
Năm 2017, chàng trai Mỹ quyết định đến TP HCM ba tháng để học tiếng Việt. Đây được coi là trải nghiệm trước khi bắt đầu công việc tại McKinsey & Company - hãng tư vấn chiến lược toàn cầu nổi tiếng nhất Mỹ. Kế hoạch ban đầu chỉ là khám phá một vùng đất mới, rồi trở về Boston, Mỹ nơi có một tương lai hứa hẹn đang chờ.
Nhưng mọi thứ thay đổi khi chàng sinh viên Harvard đặt chân đến Việt Nam.

Tuần đầu tiên ở Việt Nam, Stephen bất ngờ trước sự cởi mở, hài hước của người dân. Chỉ sau vài cuộc trò chuyện, anh đã theo hai người bạn mới khám phá Đà Lạt, Quy Nhơn suốt một tuần. "Tôi đã đi nhiều nơi, nhưng chưa từng có cảm giác thân thuộc nhanh đến vậy", anh chia sẻ
Ba tháng hè năm đó, Stephen đắm mình trong văn hóa Việt Nam. Anh dành 6-8 tiếng mỗi ngày học tiếng Việt, nghiêm túc như một học sinh sắp bước vào kỳ thi quan trọng. Từng là đồng tác giả cuốn sách về tình bạn bán chạy trên Amazon, anh hiểu rõ sức mạnh của kết nối nên dành phần lớn thời gian còn lại để xây dựng những mối quan hệ mới.
Ngày trở về, hai người bạn thân tiễn Stephen ra sân bay. Khi bước qua cửa kiểm soát, chàng trai Mỹ bỗng nhớ đến hai câu thơ của Chế Lan Viên "Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn".
Trở lại Boston và bắt đầu công việc đầy hứa hẹn, Stephen vẫn không ngừng nghĩ về Việt Nam. "Có vẻ hơi điên rồ nhưng tôi đã đi khắp nơi để 'tìm bóng dáng Việt Nam' trên đất Mỹ", anh kể.
Mấy hôm sau, trong một tiệm nail ở Boston người ta thấy một anh chàng điển trai ôm giáo trình tiếng Việt ngồi học giữa các mẹ, các chị người gốc Huế. Tối nào anh cũng "cắm rễ" từ 18-20h.
Một ngày, Stephen tình cờ thấy một sự kiện dành cho du học sinh Việt tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) nên chủ động tham gia sinh hoạt. Tại đây anh kết thân được nhiều bạn bè và còn được đặt cho cái tên Phạm Văn Vũ. Không lâu sau, anh đã đủ khả năng làm MC tiếng Việt cho VietChallenge, cuộc thi khởi nghiệp dành cho người Việt toàn cầu.
Năm 2018, Stephen chuyển công tác sang chi nhánh ở Trung Quốc. Thâm tâm vẫn khôn nguôi nỗi nhớ Việt Nam.
Chàng trai nói vốn định theo đuổi con đường học thuật như truyền thống gia đình. Nhưng một giáo sư khuyên nên có trải nghiệm thực tế tại các công ty trước khi bước vào chương trình tiến sĩ tại Trường Kinh doanh Harvard.
Hai năm trôi qua, hạn nộp đơn xin học bổng cận kề, buộc anh phải chọn, hoặc tiếp tục công việc tại McKinsey ở Trung Quốc, hoặc lắng nghe "tiếng trái tim mách bảo".
Stephen biết nếu mình không đến Việt Nam lúc này sẽ không bao giờ còn cơ hội nữa. "Thế là tôi bỏ việc, chỉ đơn giản muốn quay lại Việt Nam chứ không có kế hoạch gì khác", anh chia sẻ.

Vốn không có nhiều nhu cầu nên dù thất nghiệp, Stephen không lo lắng về tiền bạc. Được mời làm việc tại Đại học Fulbright Việt Nam với mức lương giảm 80% so với trước, anh vẫn rất vui vẻ. "Cảm giác của tôi hệt như ta về ta tắm ao ta", anh nói.
Sống ở Việt Nam, Stephen thấy "về Harvard học tiến sĩ là sai". Tinh thần khởi nghiệp hiện diện khắp nơi ở Việt Nam. Từ bạn bè làm chủ doanh nghiệp đến một xe bánh mì trên vỉa hè. Nhịp sống sôi động của TP HCM cho anh cảm giác như phiên bản châu Á của "giấc mơ Mỹ".
"Lớn lên ở Mỹ nên trước đây tôi nghĩ muốn thành công cần một ý tưởng vĩ đại. Việt Nam dạy tôi chớp cơ hội quan trọng hơn ý tưởng lớn", anh kể.
Tháng 7/2020, anh vừa khởi nghiệp vừa học tiến sĩ online từ căn phòng thuê 200 USD ở quận 1. Sau hai học kỳ, anh bỏ học, toàn tâm làm doanh nhân. "Việt Nam đã hủy hoại kế hoạch trở thành tiến sĩ Stephen của tôi", anh cười, "nhưng theo hướng tích cực".
Stephen khởi nghiệp trong lĩnh vực giáo dục không chỉ muốn lan tỏa tri thức học được từ Harvard mà còn nối dài sợi dây truyền thống gia đình. Cố anh là giáo sư Do Thái, nhưng đến ông nội vì chiến tranh mà lỡ dở việc học. Cha anh tiếp bước, trở thành giáo sư kinh tế. Lớn lên giữa sách vở và những cơ hội học tập, Stephen hiểu rõ giá trị giáo dục và muốn mở cánh cửa ấy cho học sinh toàn cầu.
Sau 5 năm, doanh nghiệp của anh đã kết nối được hàng chục nghìn học sinh Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, châu Âu và Mỹ với các giáo sư và nghiên cứu sinh, giúp họ có cơ hội làm nghiên cứu, xây dựng hồ sơ và tiến gần hơn những suất học bổng đại học danh giá.
"Chỉ riêng năm vừa qua chúng tôi đã kết nối được 3.000 học sinh, trong đó có 500 em được miễn phí. Ít nhất 8 em đã nhận học bổng Harvard", Stephen nói.
Hiện doanh nghiệp của anh có 80 nhân sự ở nhiều quốc gia. Ngoài ra, Stephen còn đầu tư vào 6 doanh nghiệp khác của bạn bè. Dù có thu nhập lên đến cả triệu USD mỗi năm, anh vẫn sống trong một căn hộ chỉ cách phòng trọ cũ vài dãy phố.

Việt Nam còn mang đến cho Stephen một trải nghiệm đặc biệt khác. Trong một lần theo cô giáo tiếng Việt đi xem hài độc thoại, Stephen lập tức bị loại hình này thu hút. Suốt một năm tiếp theo, anh theo dõi nhóm Sài Gòn Tếu, tham gia sinh hoạt, hóng kịch bản trên Zalo. Cuối cùng, mặc dù thấy "rất quê", anh vẫn đánh liều hỏi: "Tôi có cơ hội nào đứng trên sân khấu không?".
Hiền Nguyễn, một trong bốn người sáng lập nhóm Sài Gòn Tếu, cho biết rất ngạc nhiên. "Chúng tôi chỉ nghĩ cậu ấy muốn học tiếng Việt giỏi hơn", anh kể. "Ai ngờ một người nước ngoài lại muốn diễn hài độc thoại bằng tiếng Việt".
Được trao cơ hội, Stephen miệt mài viết kịch bản, nhờ hai cô giáo tiếng Việt của mình góp ý sửa từng câu chữ cho chuẩn và gây cười. Sau hai tháng tập luyện, anh ra mắt trong một show nhỏ.
"Chào mọi người, em là Stephen Turban, tên tiếng Việt là Vú!". Vừa dứt lời, cả hội trường cười ồ. Tưởng mình có duyên hài bẩm sinh, Stephen hứng khởi diễn trọn kịch bản đầy tự tin. "Xong xuôi tôi mới biết phát âm sai," anh cười nói. "Nhưng vẫn là kỷ niệm đáng nhớ".
Nói về khó khăn ở Việt Nam, chàng trai cho biết tiếng Việt vẫn là một thử thách. Anh mới chỉ hiểu được khoảng 70% các cuộc trò chuyện của bạn bè ở Sài Gòn Tếu. Tuy nhiên, theo Hiền Nguyễn, sở dĩ Stephen thấy khó hiểu là vì mọi người thường xuyên dùng tiếng lóng và dùng ngôn ngữ Gen Z.
Nhiều năm nay Stephen luôn mang theo một cuốn sổ nhỏ như vật bất ly thân. Hễ nghe được từ mới là anh nhờ viết xuống, giải nghĩa rồi khoe ngay với cô giáo hoặc đăng Facebook.
Stephen Turban đặt mục tiêu thời gian tới phải hiểu 95% suy nghĩ của người Việt, mở rộng doanh nghiệp lên 100 nhân sự và nâng cao khả năng diễn xuất.
"Tôi là một ví dụ sống về sự 'cuồng Việt Nam', một Mỹ kiều sính Việt, một đại sứ không chính thức", anh nói.
Với đủ danh xưng từ doanh nhân, nhà đầu tư, thạc sĩ Harvard nhưng Stephen nói vẫn thích nhất cách bạn bè hay gọi "nam vương phường Đa Kao".
Link nguồn:

Nỗi cô đơn của những lao động hồi hương
Sau 15 năm làm việc ở nước ngoài, Ayu Rosita trở về quê hương nhưng vùng núi Tây Java (Indonesia) đã hoàn toàn khác so với trí nhớ của cô.