Chạy trốn phố thị Nhật về Việt Nam sống 'thuận tự nhiên'

Bốn năm sống tại tỉnh Aichi, Nhật Bản, giúp vợ chồng Nguyễn Đức Quang và Minh Hiền nhận ra rằng tiền bạc không phải là thước đo của thành công.

21:17 17/05/2025

"Chúng tôi muốn quay về sống cho hiện tại", Quang, 35 tuổi, quê Bắc Giang nói.

Năm 2020, Nguyễn Đức Quang sang Nhật làm việc theo diện kỹ sư. Cũng như nhiều người trẻ khác, anh làm việc 14 tiếng mỗi ngày, mơ ước kiếm thật nhiều tiền để chứng minh mình thành đạt.

Hai năm sau, anh đón vợ sang. Minh Huyền làm trong ngành thiết kế thời trang, mang theo kỳ vọng xây dựng thương hiệu cá nhân, học thêm ngoại ngữ và tích lũy trải nghiệm sống.

Nhưng thực tế khiến họ vỡ mộng.

Cuộc sống của vợ chồng anh Đức Quang tại Nhật Bản, năm 2024. Ảnh nhân vật cung cấp
Cuộc sống của vợ chồng anh Đức Quang tại Nhật Bản, năm 2024. Ảnh nhân vật cung cấp

Làm việc quá sức và thiếu ngủ khiến Quang sút 5 kg trong một tháng, đau tức ngực. Anh được chẩn đoán rối loạn tuyến giáp do căng thẳng kéo dài. Trong khi đó vợ anh chỉ được làm việc bán thời gian, sống những ngày mùa đông lạnh buốt trong cảm giác tù túng, cô đơn và vô nghĩa. Có hôm Quang về nhà, thấy vợ ngồi trong góc nhà, nước mắt giàn giụa.

"Thành công chưa thấy đâu, chỉ thấy cả hai ngày càng kiệt quệ", anh nói.

Quang quyết định dừng làm thêm, đi học về lập trình và tìm mua nhà tại Nhật để chuyển hướng. Anh cũng khuyên vợ nên thay đổi môi trường. Hiền về nước, tham gia một chương trình tình nguyện tại làng nông nghiệp ở Phú Yên. Một tháng sống giữa thiên nhiên, hạn chế mạng xã hội, ăn uống đơn giản, thiền và tập yoga giúp cô dần tách khỏi áp lực và tìm lại chính mình.

"Ở đó mọi người sống bằng lao động chân tay, đạm bạc, không tiện nghi nhưng ai cũng thanh thản", cô kể.

Khi trở lại Nhật, Hiền thay đổi hoàn toàn. Trước đây cô rất dễ cáu kỉnh, giờ luôn vui vẻ, dễ chấp nhận. "Em nhận ra hạnh phúc không đến từ việc có nhiều tiền hay làm điều to tát, mà từ sự bình yên trong tâm hồn", cô nói với chồng.

Cả hai nghĩ nhiều hơn đến mục đích sống.

Họ giảm bớt công việc, dành nhiều thời gian khám phá thiên nhiên Nhật Bản và lên kế hoạch tích lũy để "bỏ phố về quê".

Cuối năm 2024, vợ chồng Quang về nước với số vốn khoảng một tỷ đồng. Khi biết tin con muốn đến sống ở Phú Yên, bố mẹ anh phản đối kịch liệt. Ông bà thuyết phục anh bằng lời hứa sẽ cho 4 tỷ đồng, mua nhà, tặng xe, miễn là sống gần gia đình. Nhưng vợ chồng Quang vẫn từ chối.

"Chúng tôi muốn tự tạo ra hạnh phúc, không sống dựa vào ai", Quang nói.

Họ dùng 500 triệu mua đất, dự kiến 200 triệu xây nhà, 100 triệu chi cho sinh hoạt năm đầu tiên, phần còn lại dành đầu tư. Trong thời gian chờ xây nhà, cả gia đình sống tại một homestay ở thị xã Đông Hòa, cách mảnh đất mới mua 33 km. Đi cùng họ có mẹ vợ và cháu trai.

Mỗi ngày, gia đình ăn chay bằng rau củ tự trồng, mặc lại quần áo cũ, đi chân trần trên cát biển Phú Yên. Hiền đang mang bầu tháng cuối nên Quang và mẹ vợ đảm nhận việc làm vườn.

Dù chưa từng cầm cuốc xẻng, anh háo hức với từng trải nghiệm mới. "Với tôi, mỗi ngày đều như một chuyến du lịch, dù chỉ đi quanh quẩn vài trăm mét", anh nói.

Không còn lạ lẫm với nghề nông, nhưng bà Nguyễn Thị Chín, 65 tuổi, mẹ Hiền, bất ngờ vì không khí trong lành và lối sống chậm rãi của người dân Phú Yên. Những dòng sông, con suối ở đây đều trong vắt. Hàng xóm gần homestay hôm nào không thấy bà cũng hỏi thăm con rể, con gái. Họ sẵn sàng giúp đỡ khi bà nhờ vả. Đến chợ, bà thấy dễ chịu vì người bán không chào mời đon đả, mua hay ngắm hàng đều vui vẻ.

'Cuộc sống ở đây như quê tôi 60 năm trước'', bà nói.

Ban đầu, biết các con từ bỏ công việc ở Nhật Bản về Phú Yên sống bà cũng hụt hẫng. ''Nhưng tôi tôn trọng lựa chọn của con, vui khi các con không còn áp lực và căng thẳng'', người mẹ nói.

Vợ chồng anh Quang và mẹ vợ trải nghiệm cuộc sống ở Phú Yên, đầu năm 2025. Ảnh nhân vật cung cấp
Vợ chồng anh Quang và mẹ vợ trải nghiệm cuộc sống ở Phú Yên, đầu năm 2025. Ảnh nhân vật cung cấp

Không chỉ sức khỏe tinh thần, về Phú Yên, Quang thấy hết đau cơ, không còn lạnh bụng mãn tính – những căn bệnh ám ảnh suốt 10 năm qua.

Tuy vậy, chuyển từ một thành phố Nhật Bản về vùng quê Việt không dễ. Những ngày đầu, họ choáng váng vì rác ngập lối đi, không gian công cộng ít ỏi. Ở Nhật, vài trăm mét là một công viên sạch sẽ, còn ở quê, họ phải đi cả chục km mới tìm được một nơi tương tự. Phòng trọ thuê nằm cạnh xưởng đá ồn ào, đêm đêm lại thêm tiếng karaoke.

"Người Nhật tôn trọng không gian riêng, còn ở đây, mọi thứ ồn ào không ngờ", Quang chia sẻ. Nhưng rồi cả hai học cách thích nghi vì hiểu không thể thay đổi cộng đồng, chỉ có thể thay đổi cách mình nhìn nhận.

Anh Đức Quang và vợ tận hưởng cuộc sống ở vùng biển Phú Yên, đầu năm 2025. Ảnh nhân vật cung cấp
Anh Đức Quang và vợ tận hưởng cuộc sống ở vùng biển Phú Yên, đầu năm 2025. Ảnh nhân vật cung cấp

Dẫu biết hành trình chỉ mới bắt đầu và phía trước còn nhiều thử thách, nhưng cả hai tin chọn đúng đường. "Từng nghĩ phải có thật nhiều tiền mới tự do. Giờ chúng tôi hiểu, tự do thật sự đến khi mình không còn lệ thuộc vào vật chất", Quang nói.

Sẵn sàng cho cuộc sống từ bỏ tiện nghi cũng là một trong những yếu tố anh cho là quyết định một người có nên rời phố hay không. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với không tiền bạc. Muốn sống cuộc sống không áp lực tiền bạc quá lớn khi ở quê, anh khuyên cần chuẩn bị tài chính vững vàng và luôn duy trì tinh thần học hỏi.

Ngoài làm vườn, vợ chồng học làm nông nghiệp qua Internet và cả ChatGPT. Anh vẫn tìm cách có thêm thu nhập trang trải cho chi phí tối giản hàng ngày.

Họ dành thời gian thiền định, tập yoga. Vợ chồng anh lập kế hoạch cho một lối sống gần gũi với thiên nhiên, nơi con cái lớn lên không chỉ bằng kiến thức sách vở, mà cả quan sát cuộc sống.

Với Quang và Hiền, đây không chỉ là nơi để sống, mà là bắt đầu một cuộc đời mới – nơi hạnh phúc không đến từ những gì họ có, mà từ cách họ sống.

Link nguồn:

Tags:
Mất gốc ngay tại quê hương

Mất gốc ngay tại quê hương

Tôi là người Tây mặt vàng, phải thú thật như vậy. Bởi vì tôi được sinh ra, lớn lên tại Australia nhưng trong gần 28 năm đầu đời, tôi luôn cảm thấy mình lạc trôi. Một người gốc gác Việt Nam sống trong đám đông da trắng, phải làm mọi thứ để hòa nhập, chưa bao giờ tôi thực sự cảm thấy nơi đó là nhà.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất