Giàu - nghèo học thêm
Sau ba năm áp dụng lệnh cấm toàn diện với ngành công nghiệp dạy thêm, Bộ Giáo dục Trung Quốc khẳng định, chính sách "giảm kép" bước đầu thành công, với trên 80% những người được hỏi bày tỏ sự hài lòng trong một cuộc khảo sát do Cục Thống kê Quốc gia thực hiện.
22:15 24/02/2025
Nhưng khi muốn có cái nhìn đa chiều hơn vào tác động của chính sách này, tôi đã tìm hiểu thêm những số liệu khác.
Tháng 7/2021, chính quyền Trung Quốc ban hành chính sách "giảm kép" (giảm bài tập về nhà và cấm dạy thêm sau giờ học). Quyết định này khiến vốn hóa các công ty giáo dục niêm yết tại Trung Quốc giảm hơn 90% chỉ trong vài tháng. Thị trường giáo dục tư nhân Trung Quốc trước lệnh cấm có giá trị ước tính 120 tỷ USD, với khoảng 850.000 cơ sở dạy thêm và gần 10 triệu nhân viên, theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Giáo dục Bắc Kinh. Sau lệnh cấm, khoảng 3 triệu người trong ngành này đã mất việc, theo thống kê của Reuters.
Tuy nhiên, nhu cầu học thêm không vì thế mà bị triệt tiêu. Tại các thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải, giá dạy thêm "chui" tăng vọt. Một giờ học với gia sư cá nhân có thể lên tới 3.000 nhân dân tệ (khoảng 420 USD), gấp 5 lần trước khi có lệnh cấm. Khảo sát của Đại học Sư phạm Bắc Kinh cho thấy 78% phụ huynh vẫn tìm cách cho con học thêm qua các kênh không chính thức. Theo dữ liệu từ iResearch, doanh thu của các nền tảng dạy học trực tuyến xuyên biên giới tại Trung Quốc tăng 87% trong năm 2022, đạt 2,8 tỷ USD. Các gia sư nước ngoài thường thu phí từ 150-300 USD/giờ, cao gấp 3-4 lần so với mức phí trung bình tại các trung tâm trước đây.
Một loại mô hình mới, ứng dụng AI, ra đời và hoạt động trong "vùng xám", được gọi là các "không gian tự học", nhằm tránh vi phạm lệnh cấm. Thay vì dùng thuật ngữ "giáo dục", "đào tạo", các nhà cung cấp dịch vụ sử dụng cụm từ "trung tâm văn hóa", "dịch vụ công nghệ". Học sinh sẽ tới trung tâm, tự học theo các khóa được tải sẵn và thiết kế theo tiến độ do AI lập ra trên máy tính bảng; không có giáo viên, chỉ có một vài nhân viên trông coi. Mô hình này vận hành dựa trên phí hội viên thay vì học phí, chi phí sử dụng phòng học được gọi là tiền thuê thiết bị hoặc sử dụng bản quyền.
Hiện có hơn 50.000 trung tâm đang hoạt động khắp Trung Quốc, hướng đến học sinh 8-18 tuổi.
Như vậy, thực tế thì chính sách siết chặt dạy - học thêm quyết liệt của Trung Quốc, dù nhận được sự đồng thuận cao, chưa hẳn đạt được mục tiêu mong đợi.
Việt Nam, theo tôi, đã lựa chọn cách tiếp cận mềm dẻo hơn trong quản lý hoạt động này.
Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có hiệu lực từ 14/2, thay vì cấm hoàn toàn, tập trung vào việc quản lý chặt chẽ hoạt động dạy thêm thông qua các quy định về điều kiện, thời gian và địa điểm. Trường học chỉ được dạy thêm ba nhóm, và phải miễn phí, gồm: nhóm có kết quả chưa đạt; nhóm học sinh giỏi; nhóm học sinh cuối cấp. Với dạy thêm bên ngoài, cá nhân, tổ chức phải đăng ký kinh doanh, công khai thông tin về học phí, thời lượng, môn học, thời gian, địa điểm... Giáo viên không được thu tiền dạy thêm với học sinh trên lớp của mình.
Các quy định này bước đầu được dư luận ủng hộ, với kỳ vọng đảm bảo chất lượng dạy học và bảo vệ quyền lợi người học.
Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước hiện có khoảng 55.000 trung tâm ngoại ngữ, tin học và bồi dưỡng văn hóa được cấp phép. Thị trường dạy thêm tại Việt Nam ước tính đạt giá trị 2,5 tỷ USD năm 2022, theo báo cáo của Ken Research. Một nghiên cứu của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho thấy 86% học sinh tại các thành phố lớn tham gia học thêm, với chi phí trung bình 15-20% thu nhập hàng tháng của gia đình. Áp lực thi cử và chất lượng giáo dục không đồng đều được xác định là nguyên nhân chính của tình trạng này.
Rút kinh nghiệm từ bài học của Trung Quốc, Việt Nam chọn cách đi vừa phải hơn. Quy định mới vẫn cho phép dạy thêm trong khuôn khổ, tránh đẩy hoạt động này "vào bóng tối" như ở Trung Quốc.
Tuy vậy, việc quản lý dạy thêm ở Việt Nam sẽ còn nhiều thách thức, đòi hỏi sự sâu sát của các cấp quản lý giáo dục, từ bộ đến địa phương. Thực tế từ Trung Quốc cho thấy, khi hoạt động dạy thêm "bị đẩy vào bóng tối", chênh lệch giáo dục giữa các nhóm thu nhập càng trở nên sâu sắc. Tại Bắc Kinh và Thượng Hải, chỉ những gia đình có điều kiện mới có thể chi trả mức học phí 3.000 nhân dân tệ một giờ học thêm. Trong khi đó, học sinh từ các gia đình khó khăn hoàn toàn mất cơ hội tiếp cận các lớp học thêm chất lượng. Khoảng cách này còn được thể hiện rõ qua việc nhiều phụ huynh giàu có chuyển sang thuê gia sư nước ngoài dạy trực tuyến với mức phí 150-300 USD mỗi giờ. Điều này hoàn toàn đi ngược lại mục tiêu ban đầu của chính sách là giảm gánh nặng chi phí giáo dục và tạo môi trường học tập công bằng cho mọi học sinh.
Câu chuyện từ Trung Quốc cho thấy, thay vì giải quyết được vấn đề bất bình đẳng trong giáo dục, việc cấm dạy thêm một cách cứng nhắc có thể làm trầm trọng thêm tình trạng này. Khi hoạt động dạy thêm không được quản lý minh bạch, phụ huynh có điều kiện vẫn tìm được cách cho con học thêm với chi phí đắt đỏ hơn, trong khi học sinh nghèo hoàn toàn bị bỏ lại phía sau.
Với Việt Nam, thách thức lớn nhất là làm sao vừa quản lý được hoạt động dạy thêm, vừa đảm bảo cơ hội tiếp cận công bằng cho mọi học sinh. Nếu không quản lý hiệu quả, khoảng cách cơ hội trong giáo dục giữa học sinh nghèo và giàu có thể sẽ ngày càng giãn rộng. Điều này có thể dẫn đến hệ quả lâu dài về chất lượng nguồn nhân lực và làm sâu sắc thêm bất bình đẳng xã hội.
Cùng với cấm dạy - học thêm, điều quan trọng hơn là nâng cao chất lượng dạy và học chính khóa, giảm áp lực thi cử - nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng học thêm tràn lan. Đồng thời, cần có những chính sách hỗ trợ để học sinh có hoàn cảnh khó khăn vẫn có cơ hội tiếp cận với các lớp bổ trợ chất lượng khi cần thiết.
Phan Lê Quỳnh Hoa
Link nguồn:

8 nghệ thuật sống của người trí tuệ: Có tâm ắt có tầm!
Bỏ ra 1 phút đọc để cho mình bài học sâu sắc.