Nhiệm kỳ của ông Trump: “Nước Mỹ trước tiên” hay “Nước Mỹ một mình“?
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có thể sẽ nhận thấy những mục tiêu của mình ngoài tầm với của một siêu cường cô lập.
23:02 14/01/2017
“Chúng ta không có đồng minh nào là vĩnh viễn, cũng không có kẻ thù nào là vĩnh cửu. Chỉ có lợi ích của chúng ta là vĩnh cửu và bất diệt, và những lợi ích đó là nhiệm vụ mà chúng ta phải thực thi.” Đó chính là điều mà Henry Temple, Tử tước Visconte Palmerston III đã nói về chính sách đối ngoại của Anh vào năm 1848, khi nước Anh đang ở đỉnh cao rực rỡ nhất. “Anh là một đất nước có đủ quyền lực và sức mạnh để vạch ra con đường của riêng mình”.
Không có gì lạ hơn khi chứng kiến vị tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump sử dụng câu nói từ thế kỷ 19 của Henry. Phong cách của Palmerston không còn phù hợp với thời đại truyền thông xã hội. Nhưng những người đang đấu tranh để làm rõ về những “cơn bão tweet”, về những chính sách toàn cầu của ông Donald Trump sẽ không bỏ lỡ những sự vô tâm mà họ cùng chia sẻ. Hãy quên đi những vướng mắc lịch sử, đồng minh cũng như kẻ thù: Sau lễ nhậm chức của ông Trump vào tuần tới, đất nước quyền lực nhất thế giới sẽ tự tạo ra quy tắc riêng. Chính sách “nước Mỹ trước tiên” có thể sẽ giống như “nước Mỹ một mình”.

Tuy nhiên, việc đó đã nằm trong kế hoạch. Hệ thống kinh tế toàn cầu hóa mở cửa hiện nay do Mỹ sáng lập, nhưng ông Trump dự định thực hiện mọi thứ theo quy tắc của riêng mình, bắt đầu với sự phủ nhận Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, đàm phán lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ với Mexico và Canada, và việc đánh thuế nặng với hàng nhập khẩu Trung Quốc. Hãy quên luôn cả những trật tự cũ – tất cả những thứ về giá trị chung hay tính dân chủ. Vị Tổng thống đắc cử sẽ sát cánh cùng với Tổng thống Nga Vladimir Putin chống lại cả Tổng thống mãn nhiệm Obama lẫn chính sách đối ngoại của Đảng Cộng hòa.
Ông Trump cũng đã sử dụng tài khoản Twitter của mình để đặt câu hỏi về sự tham gia của Mỹ đối với Bắc Kinh trong 4 thập niên qua bằng cách thách thức chính sách “một Trung Quốc” đối với Đài Loan. Không có sự nhất quán, ông tuyên bố nước Mỹ sẽ rút khỏi sự hỗn loạn ở Trung Đông và, tiếp theo, sẽ tạo ra các “vùng an toàn” tại Syria – chính sách mà trước kia ông đã nói sẽ dẫn đến chiến tranh thế giới thứ 3.
Những người mong đợi một kế hoạch hoàn toàn mới sẽ phải thất vọng, vì ông Trump ưa thích đàm phán hơn là tư duy chiến lược. Chiến dịch “Làm cho nước Mỹ vĩ đại một lần nữa” của ông Trump có thể nói là mớ lộn xộn của bản năng, định kiến và bốc đồng. Trong số các thành phần: chủ nghĩa dân tộc kinh tế, ác cảm với toàn cầu hóa, thù hận với người nhập cư, tập trung không ngừng vào chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo và quan điểm zero-sum (có tổng bằng không) về quan hệ siêu cường. Thêm vào đó, là sự mập mờ về bảo đảm an ninh cho các nước đồng minh Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và sự xem thường với NATO.
Vì thế, căng thẳng giữa một bên là sự phủ nhận của giới lãnh đạo quốc tế với một bên là lời hứa phục hồi sức mạnh và uy tín của nước Mỹ đã đánh trúng tâm trạng người dân trong nước. Di sản của các cuộc chiến tranh tại Iraq và Afghanistan đã khiến Mỹ bị mất đi sự ủng hộ của người dân về việc can dự ở nước ngoài. Trung tâm nghiên cứu Pew đã ghi nhận trong tháng 6 rằng có 6/10 người Mỹ muốn Mỹ “đối phó với những vấn đề của riêng mình và để cho các nước khác đối phó với những vấn đề của họ”. Tuy nhiên, các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy một phần lớn vẫn muốn Mỹ duy trì sự ưu việt trên toàn cầu.
Sự vênh vang biệt lập
Các nước đồng minh của Mỹ lo sợ rằng, với nhiệm kỳ của mình, ông Trump sẽ vạch ra một ranh giới đối với trật tự tự do quốc tế do Mỹ dẫn đầu. Ngoài việc giương cao lá cờ bảo hộ, ông hứa sẽ từ bỏ các nghĩa vụ của Mỹ về khí hậu. Ông có thể bắt tay với Tổng thống Putin, cũng như từ bỏ các thỏa thuận hạt nhân đối với Iran. Châu Âu đang hoảng sợ trước đề xuất xây một bức tường ngăn cách người nhập cư Mexico và đóng cửa biên giới Hoa Kỳ với người Hồi giáo, nhưng điều đáng ngại nhất là sự vênh vang trong cô lập – sự từ chối tiềm ẩn vai trò của Mỹ trong hệ thống quốc tế đã được củng cố mạnh mẽ ở phương Tây.
Tất nhiên, các đồng minh đã tự điều chỉnh thích nghi với chính quyền mới của Mỹ. Thủ tướng Nhật Bản – Shinzo Abe – là người đầu tiên. Ông Abe hoan nghênh đường lối cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh – đồng thời ông cũng tỏ ra bất bình trước cam kết yếu ớt hơn đối với nền an ninh Nhật Bản. Thủ tướng Anh Theresa May, trong cơn đau đớn khi tách khỏi EU – còn đau đầu hơn về việc phải bám vào một cái gì đó giống như “mối quan hệ đặc biệt”. Mối quan hệ ấy không thể thay thế cho sự hợp tác mang tính hệ thống và thể chế đã đánh dấu cho việc giải quyết hậu thế chiến 1945. Không có sự lãnh đạo của Mỹ, khái niệm “phương Tây” như dần mất đi ý nghĩa.
Mathew Burrows, một cựu cố vấn tại Hội đồng Tình báo Quốc gia và giờ là giám đốc Hội đồng Đại Tây Dương ở Washington, nói một cách ngắn gọn: “Pax Americana (nền hòa bình kiểu Mỹ) không còn phải trả tiền. Thay vào đó, ông Trump tin rằng, Mỹ đủ thực lực để vứt bỏ trật tự dựa trên luật lệ ngay cả khi những người khác bị tổn thương bởi không còn sự lãnh đạo của Mỹ.
Như ông Burrows đã chỉ ra, các đồng minh của Mỹ đã kết luận rằng ông Trump không dễ dự đoán và không đáng tin cậy. Sự quyết tâm của Trung Quốc trong việc chuyển dịch sức mạnh kinh tế thành sức mạnh chính trị dường như sẽ không bị các dòng tweet của ông Trump chi phối. Putin không nghi ngờ rằng, mình sẽ được lợi nhiều hơn so với sự thiếu hụt kinh nghiệm của ông Trump.
“Chúng ta phải xem bao nhiêu được đưa vào thực tiễn”, một nhà ngoại giao cấp cao của Châu Âu nói về những tuyên bố mới của ông Trump, “nhưng khá rõ rằng ông Trump đang đóng cánh cửa nước Mỹ lãnh đạo thế giới”. Một nhà hoạch định chính sách cấp cao của Châu Âu nhận xét: “Tất cả chúng ta sẽ đưa ra thỏa thuận song phương đối với chính quyền mới, nhưng sẽ là ngu xuẩn nếu như giả vờ sẽ có thỏa thuận xuyên Đại Tây Dương”. Ông Trump khinh biệt sự hợp tác đa quốc gia. Ở Châu Âu, đó là một tôn giáo.
Thuyết con lắc
Tại thời điểm này, một người lạc quan (mặc dù chỉ còn số lượng rất ít) sẽ lưu ý rằng, lợi ích của Mỹ lên thế giới đã suy yếu từ thời những người sáng lập. Con lắc đã đung đưa giữa chủ nghĩa biệt lập và chủ nghĩa ngoại lệ, và từ chủ nghĩa đơn phương đến chủ nghĩa đa phương. Ông Trump muốn Châu Âu tự giải quyết các vấn đề của riêng mình. Tổng thống đầu tiên của Mỹ, George Washington, đã có một điểm tương tự trong bài phát biểu chia tay của mình khi ông nhận xét rằng những “tranh cãi thường xuyên” của Châu Âu nằm “ngoài sự quan tâm của chúng ta”.
Một phần tư thế kỉ sau, Tổng thống James Monroe từ bỏ chủ nghĩa biệt lập để nỗ lực vươn ra, thâu tóm quyền bá chủ toàn bộ ở Tây bán cầu. Bước sang thế kỷ 20, Theodore Roosevelt đã có những bước đi riêng của đế quốc Mỹ. Và sau chiến tranh thế giới thứ 2, Washington đã học được bài học năm 1930 bằng cách tạo ra một trật tự toàn cầu mới do Mỹ dẫn đầu.
Gần đây, Tổng thống Geogre W Bush khởi động bằng cách bác bỏ thỏa thuận biến đổi khí hậu Kyoto và hiệp ước chống tên lửa đạn đạo với Nga. Sau vụ tấn công khủng bố ngày 11.9.2001, ông Bush chối bỏ chủ nghĩa đa phương dựa trên luật lệ, ủng hộ sự chia rẽ thế giới giữa “những người cùng ta và những người chống ta” trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo. Nếu những nước khác muốn tham gia liên minh, tốt thôi, nhưng Mỹ sẽ không bị thúc ép bởi các thể chế như NATO. Ông Bush đã tuyên bố trong bài phát biểu vào đêm trước cuộc xâm lược Iraq năm 2003: “Đất nước này không phụ thuộc vào quyết định của các nước khác”.
Hóa ra, khoảnh khắc đơn cực của Mỹ đi nhanh như nó đến. Giấc mơ tân bảo thủ về việc dân chủ hóa Trung Đông bị thất bại trước cuộc chiến tranh đẫm máu ở Iraq và sự bất mãn trong nước vì cuộc chiến tiêu tốn quá nhiều, mất mát cả về người và của. Ông Bush trong nhiệm kỳ hai của mình đã dành nhiều thời gian để tái xây dựng lại cầu nối với các nước liên minh mà ông đã từ bỏ trong nhiệm kỳ đầu. NATO được mời vào Afghanistan, trong khi Đức và Pháp được tha thứ vì đã phản đối xâm lược Iraq.
Những gì đúng với ông Bush sẽ đúng hơn với ông Trump. Cán cân quyền lực toàn cầu đang nghiêng về một Trung Quốc đang lên và ngày càng quyết đoán, cùng một nước Nga can dự ở nhiều nơi. Có một số sự kiện địa chính trị mà tân tổng thống không thể phủ nhận.
Chẳng mấy chốc, tân tổng thống sẽ nhận ra rằng Mỹ cần sự giúp đỡ trong cuộc chiến chống IS, và rằng các doanh nghiệp Mỹ sẽ là những người thua thiệt nhiều nhất khi chủ nghĩa bảo hộ toàn cầu lên ngôi.
Không có sự thay thế cho đồng minh
Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nếu nghĩ rằng quá khứ có thể được khôi phục, rằng sau vài năm biến động và nguy hiểm của chủ nghĩa biệt lập, Pax Americana đơn giản có thể khôi phục như “nó từng có”. Thế giới đã thay đổi. Sức mạnh của Mỹ đang bị tranh cãi, và không chỉ bởi một mình Trung Quốc. Hiện đang có một sự thay đổi tương ứng trong chính trị nội bộ của Mỹ. Hệ thống thương mại toàn cầu mở từng đồng nghĩa với việc mở rộng sức mạnh Mỹ: các thị trường mới cho Ford, IBM và phần còn lại. Giờ đây nó thường được xem là kẻ thù của việc làm của Mỹ. Sự ganh đua quyền lực lớn ngày càng trở nên gắt gao. Toàn cầu hóa – được phát minh ở Mỹ trong khi theo đuổi các lợi ích Mỹ – hiện mang lại lợi ích cho Trung Quốc và các đối thủ địa chính trị khác.
Cuối tuần tới, ông Trump sẽ trở thành nhà lãnh đạo của quốc gia hùng mạnh nhất thế giới. Theo đa số các tính toán, quân đội Mỹ sẽ có sức mạnh vô song trong nhiều thập kỷ tới. Nhưng sự ưu việt không giống như quyền bá chủ. Tân tổng thống sẽ nhận ra rằng phần lớn những mục tiêu của mình sẽ nằm ngoài tầm với nếu nước Mỹ hành động một mình. Các thỏa thuận không thay thế được đồng minh, các dòng tweet tức giận sẽ không khôi phục được sức mạnh và uy tín của Mỹ. Palmerston đã đúng khi nói rằng không có gì trong địa chính trị là mãi mãi. Thậm chí ngay cả trong thời đại đỉnh cao rực rỡ, đế quốc Anh cũng vẫn cần bạn bè để theo đuổi những lợi ích của mình.
Dựa trên những bằng chứng cho đến nay, ông Trump không có đầu óc hay khí chất để nhận ra sự cấp bách này. Những mối nguy trước mắt – như tính toán sai dẫn đến đối đầu với Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương, một “thỏa thuận” khuyến khích chính sách phục thù của ông Putin ở Đông Âu, hay như xung đột với Iran – là đủ rõ ràng. Mối đe dọa lâu dài là nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump chứng kiến Pax Americana – từng duy trì hòa bình và ổn định tương đối trong 70 năm qua – quay trở lại thế giới xung đột đại quyền lực thời Hobbes.
Nguồn: laodong.com.vn

Thực hư tin Tổng thống Trump miễn visa cho công dân châu Á vào Mỹ
Nhiều người châu Á đã cảm thấy rất phấn khích vì thông tin cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump miễn phí cấp visa tới Mỹ.