Thuế 'có đi có lại'

Khi ông Trump kéo tấm bảng thuế quan lên, tôi đã ngạc nhiên và khi nghe con số 46% áp vào Việt Nam, tôi phải “tua lại” để nghe cho kỹ.

23:01 04/04/2025

Ông khen "Việt Nam - những nhà đàm phán tuyệt vời, những con người tuyệt vời, họ thích tôi, tôi thích họ", rồi... nói tiếp: "Vấn đề là họ tính chúng tôi 90%. Chúng tôi sẽ tính họ mức thuế 46%".

Tôi đã hoang mang một lúc với hai thông điệp có vẻ trái chiều, đặc biệt là mức thuế áp lên Việt Nam - nằm trong nhóm cao nhất thế giới.

Để hiểu mức thuế này cao như thế nào, cần hiểu khuôn khổ đánh thuế "đối ứng" mà ông Trump gọi là "có đi có lại" hoặc "hãy đối xử với chúng tôi như cách chúng tôi đối xử với bạn".

Theo tài liệu do Nhà Trắng công bố, việc đánh thuế được chia làm hai nhóm.

Đầu tiên là mức thuế cơ bản 10% áp dụng cho tất cả quốc gia, có hiệu lực lập tức vào 5/4.

Ngoài ra, một số quốc gia sẽ phải gánh chịu mức thuế "đối ứng", cao hơn mức 10% đó. Đây là những nước mà Mỹ cho là "vi phạm" về rào cản phi thuế quan, nhưng kỳ thực, đa số có thặng dư thương mại về hàng hóa lớn với Mỹ. Mức thuế này có hiệu lực ngày 9/4.

Ở đâu ra con số 46% với Việt Nam? Chính là tính toán từ một công thức do Nhà Trắng công bố. Việt Nam đang có thặng dư thương mại, tức xuất siêu hàng hóa lớn với Mỹ, và để cân bằng, thì theo công thức của phía Mỹ, cần phải có thuế quan lên đến 90%. Nhưng ông Trump cho rằng ông chỉ áp mức "dễ chịu" là 46%.

Về quan điểm, phía Mỹ cho rằng vì Việt Nam áp dụng nhiều loại công cụ thuế quan lẫn phi thuế quan như VAT, phí, hạn chế kỹ thuật về nhập khẩu, lẫn "thao túng tiền tệ" để đạt lợi ích không công bằng về thương mại nên mới có thặng dư lớn như vậy với Mỹ, và do đó cần phải chịu thuế quan cao hơn.

Nhiều ngành của Việt Nam, bao gồm sản xuất linh kiện, điện tử, nông nghiệp, thủy sản, dệt may, da giày đều sẽ bị ảnh hưởng xấu. Nhưng hãng tin CNBC cũng cho rằng, áp thuế 46% đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam "có thể sớm làm tăng chi phí cho các tập đoàn lớn trong lĩnh vực may mặc, nội thất và đồ chơi, và một số công ty có thể chuyển phần chi phí tăng thêm này sang người tiêu dùng dưới hình thức tăng giá".

Nói vậy để thấy tuy Việt Nam gặp khó khăn, Mỹ cũng chịu ảnh hưởng không kém. Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 3/4 cũng chìm trong sắc đỏ như thị trường chứng khoán Việt Nam.

Nếu ở Việt Nam, chỉ số VN-Index giảm hơn 80 điểm, thì ở phía Mỹ, chỉ số Dow Jones cũng mất cả nghìn điểm, và Nasdaq giảm hơn 4%. Một số cổ phiếu Mỹ giảm hơn 12% trong chỉ một phiên, như Nike, HP, Dell, Ralph Lauren, vốn phụ thuộc lớn vào chuỗi cung ứng nước ngoài.

Nói cách khác, Mỹ đánh thuế nhiều nước thì doanh nghiệp Mỹ cũng tổn thất, kinh tế Mỹ cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, vấn đề là sức chịu đựng của ai tốt hơn, và Việt Nam có thể làm gì?

Rất nhiều chuyên gia khuyên Việt Nam nên đàm phán thương mại ngay với Mỹ để giảm thuế quan. Nhưng vấn đề là không chỉ có Việt Nam đi đàm phán. Ngay ngày 4/4, EU bắt đầu có phiên đàm phán với Mỹ và nhiều nước khác như Singapore, Ấn Độ, Thái Lan cũng muốn bắt đầu thương thảo. Xét tương quan nhiều phía, Việt Nam có nhiều khó khăn.

Trong bối cảnh hàng chục nước đã và đang tìm cách "chạy thuế quan" ở Mỹ, Việt Nam cần một chiến lược đàm phán thích hợp và nhận định rõ tình hình hơn.

Ông Trump, trong thông điệp của mình, ngoài chuyện đánh thuế, còn muốn đem sản xuất về Mỹ và bắt đầu một kỷ nguyên khôi phục ngành công nghiệp ở Mỹ. Việt Nam có thể xem xét chuyện đầu tư vào Mỹ hay tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất Mỹ ở Việt Nam, ngoài chuyện xét ưu đãi thuế cho một số mặt hàng nhập từ Mỹ như các chuyên gia đã đề nghị.

Quan trọng hơn, trong bối cảnh nhiều nước cùng thương lượng thuế quan, cần ý thức rõ Mỹ đang xem Việt Nam là một đối tác như thế nào trong bàn cờ thế giới để xoay xở. Nếu tình thế quá khó, cũng không nên đánh đổi bằng mọi giá.

Có một bình luận trên Financial Times tôi đọc được, đại ý nếu ông Trump muốn sử dụng thuế suất cao như công cụ đem sản xuất về Mỹ, thì thương lượng hạ thuế với ông là vô nghĩa.

Tôi thì nghĩ ở khía cạnh trung dung hơn. Ông Trump muốn mang sản xuất về Mỹ, nhưng cũng muốn đàm phán thương mại.

Trump sẽ không cực đoan một vế nào cả vì cả hai đều mang lại lợi ích về chính trị và hình ảnh cho ông. Vì vậy, kỳ vọng về mức thuế suất giảm được có thể chỉ ở mức vừa phải. Ông Trump sẽ giữ một mức thuế suất vừa đủ khiến một số nhà sản xuất vốn có thể làm ở Mỹ phải quay lại Mỹ, đồng thời tìm kiếm một lợi ích thuế quan tốt hơn với hàng mà Mỹ phải nhập khẩu.

Từ đó, có thể thấy triển vọng hạ thuế quan tới mức tối thiểu là rất khó. Nói cách khác, kinh tế Việt Nam có thể sẽ không thuận lợi như những nhận định cách đây hơn một tháng về tăng trưởng 8% và hai con số. Việt Nam có thể vẫn sẽ tăng trưởng cao so với đa số quốc gia, nhưng cần tránh nỗ lực tăng trưởng bằng mọi giá và bớt đặt trọng tâm vào những con số quá cao.

Khi xuất khẩu gặp khó thì vai trò của chi tiêu công để hỗ trợ nền kinh tế càng quan trọng, như Trung Quốc đang lên kế hoạch, nhưng cũng không nên "chạy chỉ tiêu" theo những con số, bất chấp rủi ro lạm phát, lãng phí đầu tư công và nợ xấu.

Cú sốc thuế của ông Trump lúc này chưa chắc là hoàn toàn xấu, mà ở khía cạnh nào đó, giúp ta nhìn nhận thẳng thắn, cân bằng hơn giữa mục tiêu tăng trưởng và rủi ro tiềm ẩn.

Hồ Quốc Tuấn

Link nguồn:

Tags:
Quang Linh Vlog, Hằng Du Mục bị bắt

Quang Linh Vlog, Hằng Du Mục bị bắt

Phạm Quang Linh (Quang Linh Vlog) và Nguyễn Thị Thái Hằng (Hằng Du Mục) bị khởi tố, thi hành lệnh tạm giam với cáo buộc lừa dối khách hàng, sản xuất hàng giả.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất