15 điều phải biết khi đi lễ đền, chùa ở Nhật Bản

Nhật Bản là một đất nước rất coi trọng tín ngưỡng. Trải dài khắp 47 tỉnh thành là hơn 77.000 đền, chùa chủ yếu thờ thần đạo Shinto và Đức Phật. Nếu đi lễ đền, chùa ở Nhật Bản bạn phải biết 15 điều sau đây để không trở thành đối tượng bị kỳ thị trong mắt mọi người đấy nhé.

09:00 04/02/2019

1. Mặc trang phục lịch sự

Điều đầu tiên các bạn phải ghi nhớ là luôn ăn mặc lịch sự khi viếng thăm đền, chùa. Nam giới tránh mặc áo thun ba lỗ, quần short. Nữ giới tuyệt đối đừng mặc áo sát nách hay quần đùi và váy vào đền, chùa nhé.

2. Luôn luôn xếp hàng

Xếp hàng là phép tắc tối thiểu khi đến bất cứ đâu ở Nhật Bản, đặc biệt là chốn linh thiêng như đền chùa.

Dù có vội vàng đến mấy, bạn tuyệt đối không được chen lấn, xô đẩy, không được nói chuyện ồn ào và vứt nhét tiền bạc lung tung như khi đi lễ chùa ở Việt Nam đâu nhé.

3. Cúi chào trước khi bước qua cổng Torii

Trước mỗi ngôi đền luôn có cổng gọi Torii. Đây là cánh cổng phân chia ranh giới giữa trần tục và thế giới tâm linh. Bước qua cổng này đồng nghĩa với việc bạn đã đặt chân vào lãnh địa của thần, vì thế hãy cúi đầu chào một lần trước cổng Torii như cách để tỏ lòng thành kính với thần linh vậy.

4. Không đi bộ vào giữa đường Sando

Con đường phía sau cổng Torii chính là đường Sando. Khi đi vào đường này bạn nhớ phải đi sang hai bên lề đường chứ tuyệt đối đừng đi vào giữa, chỗ đó người Nhật thường gọi là “seichuu” – đường dành cho các vị thần.

Ngoài ra, khi bạn đang ở trong khuôn viên đền, cần chú ý không nói quá to, như vậy là bất kính với thần linh đấy.

5. Thực hiện nghi lễ tẩy uế trước khi vào đền, chùa

Trước khi vào lễ đền hay chùa, bạn phải thực hiện nghi lễ rửa tay và miệng để “làm sạch” bản thân. Hãy đến bên bể nước (temizuya) nằm bên đường Sando và làm theo bảng chỉ dẫn với du khách.

Đầu tiên, bạn lấy cái muôi ở bên tay phải, múc nước và rửa tay trái, rồi lại đổi tay để rửa tay phải. Sau đó, bạn cầm muôi bằng tay phải lấy phần nước còn lại để rửa miệng. Đừng kề muôi lên miệng mà hãy dùng tay để hứng nước. Cuối cùng bạn rửa lại tay trái, cất muôi về chỗ cũ là đã làm xong nghi thức này.

Lưu ý: Bạn chỉ được múc nước một lần duy nhất cho toàn bộ quá trình vệ sinh này và khi làm xong, bạn phải vẩy muôi xuống cho khô nước.

6. Để giày/dép vào khu vực genkan

Hầu hết các đền, chùa Nhật Bản đều có một khoảng trống trước cửa gọi là genkan – nơi khách thập phương để giày dép trước khi bước vào lễ thần, Phật. Bạn hãy cởi giày và sắp xếp ngay ngắn (mũi giày hướng ra phía cửa) ở khu vực genkan. Trường hợp đền, chùa không có khu vực này, người ta sẽ đưa cho bạn một túi nhựa để bạn bỏ giày vào.

7. Nghi lễ cúng bái khi ở đền

Các bước cúng bái trước đền thờ các vị thần như sau:

- Bỏ đồng “Saisen” (vật tế thần) một cách nhẹ nhàng vào thùng đựng tiền.

- Rung chuông như lời chào đến các vị thần.

- Cúi đầu chào hai lần.

- Vỗ tay hai lần thể hiện sự vui mừng và kính trọng.

- Chắp hai tay lại với nhau bày tỏ sự biết ơn của mình (chỉ nghĩ trong dầu chứ không nói thành lời).

- Cúi đầu chào thêm một lần nữa.

- Lưu ý: Số lần vỗ tay ở mỗi ngôi đền có thể được quy định khác nhau, bạn nên xem những người xung quanh thực hiện nghi lễ này như thế nào để học tập nhé.

8. Cách khấn trong đền

Nếu lần đầu đi lễ ở đền, bạn nên bắt đầu khấn bằng cách đọc tên mình, giới thiệu địa chỉ và những điều mong muốn khi cầu khấn. Từ lần thứ hai trở đi, bạn có thẻ rút gọn phần giới thiệu và chỉ cần cầu khấn điều bạn xin thần linh ban phước là được.

9. Nghi lễ cúng bái ở chùa

Chùa Nhật Bản không có những nghi thức khắt khe như ở đền. Nếu ở chùa có nến hoặc nhang, đặt một cây (nến hoặc nhang) vào chỗ quy định sau đó ném đồng xu Saisen tế thần vào và chắp tay khấn trong yên lặng.

Lưu ý: Ở chùa, bạn không được vỗ tay.

10. Lấy thẻ may mắn

Nếu đền, chùa có thẻ may mắn, bạn hãy lấy một thẻ (nhớ tự động trả tiền theo bảng phí có sẵn nhé). Gặp thẻ không tốt, bạn hãy buộc nó lại và treo lên chỗ quy định để các vị thần linh sẽ giúp bạn xua đuổi điềm xấu.

11. Viết thẻ cầu nguyện

Người Nhật quan niệm các vị thần thường hay cưỡi ngựa và chúng cũng được coi là một món đồ tế linh thiêng. Ngày nay, họ dùng “ema” – thẻ cầu nguyện làm bằng gỗ thường có hình ngựa để gửi những lời nguyện ước tới các vị thần.

Khi đi lễ đền đầu năm, đừng quên viết những điều ước của mình lên một tấm thẻ cầu nguyện nhé.

12. Không chụp ảnh nhạy cảm

Thăm quan đền, chùa, bạn không nên chụp ảnh có một ngôi mộ vì đó là hành động thiếu tôn trọng với những người đã khuất. Không nên chụp ảnh selfile với tượng thần, Phật vì đây cũng là một vấn đề khiến dư luận xã hội tranh cãi.

13. Không hút thuốc

Đền, chùa là những nơi thường xây dựng bằng gỗ, chỉ cần không chú ý thì rất dễ gây nên hỏa hoạn. Chính vì vậy điều cấm kị khi bạn đến đây là không được hút thuốc. Bạn có thể bị đuổi ra khỏi chùa nếu không tuân thủ quy định này.

14. Không làm hư hại

Hầu hết đền, chùa ở Nhật Bản đều có lịch sử lâu đời và rất quý giá đối với văn hóa của đất nước này. Hãy trân trọng và giữ gìn, luôn nhẹ nhàng và tôn kính từng vật dụng hay kiến trúc trong đền, chùa khi đi tham quan bạn nhé.

15. Cúi chào ở cổng Torii trước khi về

Trước khi ra về, bạn hãy quay đầu lại và cúi chào lần nữa về phía đền. Nếu bạn quên không cúi chào các vị thần trước khi ra về thì những lời nguyện ước, cầu khấn bạn thực hiện trong đền sẽ bị xóa bỏ.

Theo: nguoivietonhat.com

Tags:
Người Hàn mang quan tài của nô lệ tình d.ục biểu tình phản đối Nhật

Người Hàn mang quan tài của nô lệ tình d.ục biểu tình phản đối Nhật

Bên ngoài đại sứ quán Nhật tại Seoul, nhiều người Hàn Quốc đã tuần hành bên cạnh quan tài của bà Kim Bok Dong, một nạn nhân nô lệ tình d.ục, để yêu cầu chính phủ Nhật Bản xin lỗi.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất