Chuyện lừa đảo ở Nhật!

Sống bên Nhật, lâu lâu lên các nhóm cộng đồng lại thấy mấy vụ “bóc phốt” nhau ầm ĩ hết cả lên. Nhưng phổ biến và có tần suất dày đặc nhất vẫn là “bóc phốt” lừa đảo!

08:00 23/09/2020

“Lừa đảo” ở bên này thường là “ta” lừa “ta”, rất ít khi thấy có vụ người nước ngoài lừa được anh em Việt Nam mình. Nếu có thì cũng chỉ là anh em “bộ đội” đi làm cho nó rồi bị quỵt lương, báo cánh sát đến lùa chạy tụt quần thôi chứ không lắm thủ đoạn tinh vi như “ta”. Điều này chứng tỏ rằng dân ta khôn nhất trần đời. Chả sợ ai, chỉ sợ mỗi đồng bào mình. Cay đắng nó nằm ngay chỗ đó!

Mua vé máy bay, bị lừa. Mua máy tính, điện thoại, ….bị lừa. Đi xin việc, bị lừa. Gửi tiền “tay ba” cho người ta, bị lừa. Rồi có khi chính việc đi sang được đây cũng là bị lừa nốt.

Đầu tiên, như anh em đã thấy thì hầu hết các vụ lừa đảo đều xảy ra sau những giao dịch phát sinh qua Internet. Vì vậy, mong anh em hãy cẩn trọng trong việc mua và nhận hàng online. Đặc biệt, không để lộ các thông tin cá nhân như mặt trước thẻ ngoại kiều, mã số cá nhân, mật khẩu thẻ ngân hàng, hộ chiếu, giấy tờ tuỳ thân các loại….

Bản thân mình tin rằng đại đa số những người bán hàng online đều là những người làm ăn chân chính. Họ đã dùng sức lao động, thời gian và cả tâm huyết của mình để kiếm đồng tiền đàng hoàng. Nhưng cũng chính vì vậy mà bọn lừa đảo đã dùng đủ mọi thủ đoạn để đứng trong hàng ngũ những người bán hàng onl, thậm chí là giả mạo họ để trục lợi. Vì vậy, lời khuyên của mình là các bạn chỉ nên mua ở những nơi có uy tín, đã được kiểm chứng qua thời gian.

Cú lừa thường xuất hiện ở “lần thứ 101”, nên hãy giữ quan điểm “tôi không biết ông là ai thì không bao giờ có chuyện tôi chuyển tiền trước cho ông”. Với những mặt hàng có giá trị lớn, đừng ngần ngại đến tận nơi để kiểm tra, giao dịch trực tiếp. Cách đây hơn 1 năm, mình có xem được clip một shop lớn bị ai đó giả mạo, giao cho khách hàng một chiếc Laptop giá hơn 8万円 với hình thức Daibiki (nhân viên bưu điện thu tiền hộ).

Sau khi khách mở máy ra xem thì trong đó cũng là một chiếc Laptop, nhưng được sản xuất từ đời vua Quang Trung chưa đánh ra Bắc, hỏng nguồn.Giá trị đâu đấy khoảng 500¥. Khách liên hệ lại chửi shop mới tá hoả, cả hai bên đều đã bị lừa.

Thủ đoạn đơn giản là chúng rình mò các bình luận hỏi mua trên bài đăng của các shop, sau đó giả mạo họ inb để bán và đánh tráo hàng. Tiền khách mất, tội shop chịu. Cái này thì cả anh em bán hàng không cẩn thận cũng có thể bị oan.

Giao dịch online là một cuộc cách mạng, nhưng bạn phải biết chính xác là bạn đang giao dịch với ai. Nếu không thì cứ đến tận nơi xem hàng, tiền trao cháo húp. Lúc đó mà nó vẫn lừa được bạn thì hoặc là nó quá hay, hoặc là bạn quá ***. Xin phép không bàn gì thêm!

Việc thứ hai khiến anh chị em hay ngậm quả đắng ở bên này là miếng mồi “đăng ký điện thoại”. Chắc chắn là tổng số tiền bạn phải trả để lấy chiếc điện thoại mà người ta rao là “miễn phí” sẽ cao hơn nhiều so với giá trị của nó nếu bạn bỏ tiền một lần. Một hình thức cho vay trả góp của nhà mạng.

Mình không dám bàn việc có nên đăng ký hay không, vì điều kiện kinh tế của từng người là khác nhau nhưng theo mình thì nếu có đăng ký, hãy ra thẳng nhà mạng Nhật làm việc với họ. Nhờ các anh “thế giới di động Japan”,”đăng ký full các mạng”,”hỗ trợ docomo” nan-tô-cà ….đang rao đầy trên mạng dẫn đi, có khi bạn sẽ phải trả thêm những hoá đơn mà bạn còn không biết là nó có tồn tại trên đời.

Ở Việt Nam, giấy tờ tuỳ thân của bạn có thể chỉ cầm được mười điểm lô nhưng sang đây nếu bạn để lọt vào tay kẻ xấu thì mất con bò chỉ là chuyện vặt. Nếu như bạn có lòng tham, hãy cố kìm hãm nó lại. “Chơi” với bọn não to hơn mình ở bộ môn mà luật do nó vẽ ra thì không thắng nổi đâu. Nhà mạng là một ví dụ!

Ngoài ra còn vé máy bay, xin việc…. những thủ đoạn na ná nhau và có thể tránh được bằng việc chỉ giao dịch với những nơi uy tín, đã được kiểm chứng hoặc giao dịch trực tiếp.

Với những bạn đang gặp rắc rối với việc chuyển tiền về nhà. Nếu không ở vào thế vạn bất đắc dĩ thì hãy liên hệ với SBI, DCom….bạn sẽ không phải chịu cảnh bất an mỗi khi gửi đồng tiền mồ hôi nước mắt của mình về nhà. Chênh lệch tính ra không bao nhiêu, nhưng mất là mất hết.

Đã có trường hợp nó Photoshop cả tin nhắn chuyển tiền của ngân hàng gửi đến cho ᶇạᶇ nhân. Khi mất tiền mới tá hoá ra là “font chữ hơi khác khác”. Nhưng mà muộn mất rồi ….

Việc ḻừą đảȯ ở Nhật không chỉ giới hạn trong khuôn khổ những người ở Nhật với nhau mà đã có trường hợp “hack” Facebook hoặc lấy danh nghĩa ai đó nhắn tin cho gia đình bên Việt Nam bảo gửi tiền sang. Hình thức thì rất nhiều. Bọn nó còn bỏ thời gian nghiên cứu cả cách viết hoa, thêm dấu, viết tắt, lỗi chính tả …. Của khổ chủ.

Để “hoá thân vào nhân vật” nhằm mục đích lừa đảo. Mới đây, một bạn Fan cứng trên trang của mình nhắn tin bảo rằng Facebook bị hack, bọn chúng dùng chính Facebook đó nhắn tin về nhà kêu gửi cho chúng số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng.

Chuyện nghe ra có vẻ phi lý nhưng nó đã xảy ra. Với gia đình ở nhà, cũng hãy thường xuyên lưu ý họ về vấn đề tiền bạc. Cha mẹ chúng ta hầu hết đã có tuổi, dùng mạng xã hội chủ yếu để liên lạc với con cái (và livestream khoe cây cảnh,hehe). Vì vậy, hãy có trách nhiệm bảo vệ gia đình khỏi hệ luỵ từ mặt trái của mạng xã hội.

Như mình, mình luôn dặn bu rằng nếu có ai đó nhắn tin trên Facebook hay gọi điện đến bảo chuyển tiền vì bất cứ lý do gì, cứ bảo nó gọi trực tiếp cho con. Hoặc nếu một ngày nào đó Facebook của con có nhắn về là phải gửi tiền sang gấp thì mẹ cứ gọi ngay vào số điện thoại của con.

Ở bên này, nếu chẳng may mình vắn số mà gá Hạc tiên du về hầu các cụ thì cũng không phải một cuộc điện thoại đến là có thể giải quyết xong. Vì vậy, hãy cảnh giác trước việc người nhà bị lừa đảo!

Để tóm lại câu chuyện lan man hôm nay, mình xin chúc anh em luôn mạnh khoẻ và thành công. Trước những thủ đoạn tinh vi của kẻ xấu, hãy luôn có ý thức đề phòng. Cố gắng học tiếng Nhật cho tốt để tự giải quyết được những vấn đề đơn giản trong cuộc sống. Và tự trang bị cho mình những kiến thức để không bị lừa.

Nhiều người sau khi bị lừa chỉ mong rằng “bắt” được kẻ lừa mình để “tẩn” cho một trận. Lúc nóng giận thì ai cũng nghĩ thế thôi, chứ suy tính cho kỹ thì mình vẫn cứ thiệt đơn thiệt kép. Động tay chân, mình thua nó thì mình đau. Mà ngược lại, mình “ăn” được người ta rồi thì cũng sung sướng gì.

Ở nhà mẹ đi cấy về đạp xe lên chợ chiều mua chục cá ươn về ăn cơm có khi còn phải trả giá. Nhưng đã “va” vào con người ta thì bồ câu non hầm cách thuỷ mang đến chỉ mong nó tự xúc ăn cho cái là hạnh phúc lắm rồi đấy. Vì vậy! Cố gắng đừng để bị lừa vẫn là cách tốt nhất. Bạn đừng lừa ai và cũng đừng để ai lừa được bạn!

Nguồn: Phan Việt Anh

Tags:
Bộ phim kể về 3 người Việt cư trú bất hợp pháp tại Nhật đạt giải thưởng quốc tế

Bộ phim kể về 3 người Việt cư trú bất hợp pháp tại Nhật đạt giải thưởng quốc tế

Along The Sea – bộ phim điện ảnh sản xuất bởi Công ty E.x.N K.K (Nhật Bản) và ever rolling films (Việt Nam) đã chính thức được chọn vào Liên hoan phim quốc tế San Sebastian (Tây Ban Nha) lần thứ 68 (bắt đầu vào ngày mai 18/9), hạng mục New Directors!

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất