Đường cùng của yakuza
Yakuza kiếm thu nhập bằng tống tiền, bảo kê, môi giới mại dâm, ma túy nhưng giờ họ phải làm điều “tầm thường” hơn: đánh bắt cá trộm.
12:00 21/10/2019
Các thành viên của một nhóm yakuza bị cảnh sát bắt vào tuần này, sau khi bị phát hiện đánh bắt trái phép cá và sò ốc ngoài khơi tỉnh Nagasaki, tây nam Nhật Bản. Giới chức cho biết các thành viên băng đảng đã mượn thiết bị lặn biển để thu thập sò ốc và đánh bắt trộm trong khu vực này ít nhất ba năm.
Cảnh sát cho rằng số thủy hải sản yakuza đánh bắt được bán cho một nhà hàng ở thành phố Nagasaki do họ hàng của một kẻ có vai vế trong thế giới ngầm quản lý. Nhà hàng này báo cáo doanh thu hàng năm là 2,8 triệu USD.
Jake Adelstein, ký giả chuyên viết về thế giới tội phạm, cho biết cảnh sát từ lâu đã biết về sự tham gia của các băng đảng trong ngành đánh cá nhưng đã nhắm mắt làm ngơ cho đến khi tác giả Tomohito Suzuki năm nay phát hành cuốn sách “Cá và Yakuza: Cách thức tổ chức tội phạm kiếm tiền bằng đánh bắt trộm”.
“Các băng đảng đã đánh bắt cá trái phép trong một thập kỷ sau khi cảnh sát nhắm vào các nguồn thu nhập truyền thống của họ, đặc biệt khi luật được đưa ra vào năm 2011, cấm trả tiền bảo kê cho xã hội đen”, ông nói. “Mọi người ngừng trả tiền bảo kê vì họ có thể bị bắt. Thay đổi này đã cắt đứt nguồn thu lớn cho các băng đảng”.
Hai người tham gia lễ hội Sanja Matsuri ở Tokyo năm 2017 khoe hình xăm liên quan tới yakuza. Ảnh: AFP.
Khi thế giới ngầm đột nhiên phải vật lộn để kiếm sống, các thành viên lựa chọn rời đi hoặc đa dạng hóa hoạt động. Nhiều người chọn cách thứ nhất. Số thành viên yakuza giảm xuống mức thấp kỷ lục 34.500 vào năm 2017, theo Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật. Nước này từng có 184.000 yakuza năm 1964.
Một số người cố gắng chen chân vào các ngành hợp pháp, tuy nhiên, xã hội Nhật ngày càng khó chấp nhận họ “hoàn lương”.
“Rõ ràng họ không thể tự tung tự tác phạm tội như ngày xưa mà không bị trừng phạt. Tôi cho rằng các băng đảng yakuza đang bị dồn đến đường cùng”, Mieko Nakabayashi, cựu chính trị gia hiện là giáo sư khoa học xã hội tại Đại học Waseda, nói.
“Họ đã cố gắng thay đổi để hòa nhập vào cộng đồng, không chỉ công việc mà còn cả cách ăn mặc”, bà nói. Trước đây người ta có thể dễ dàng nhận ra yakuza với cách ăn mặc điển hình: áo hoạ tiết lòe loẹt, quần rộng thùng thình, giày da, đồng hồ đeo tay lớn, nhiều đồ trang sức, kính râm và tóc uốn xoăn. Yakuza giờ đây không còn diện mạo như vậy nữa.
Do đối mặt với phản ứng dữ dội từ công chúng và chính quyền, các thành viên băng đảng giờ kín tiếng hơn và gần như không thể phân biệt được với những người Nhật Bản bình thường.
Mặc dù người Nhật lớn tuổi có thể vẫn e dè các thành viên băng đảng, người trẻ coi họ như những kẻ hết thời. “Họ không còn sợ yakuza nữa và sẽ ngày càng có nhiều người giữ thái độ đó”, Nakabayashi nói.
Mặc dù cảnh sát gần đây thực hiện vụ bắt yakuza ở Nagasaki, Adelstein cho rằng nỗ lực truy đuổi yakuza đang chững lại để tránh báo chí quốc tế đưa tin tiêu cực trước khi Tokyo tổ chức Thế vận hội Olympic vào mùa hè tới. Khi Thế vận hội kết thúc, chính quyền sẽ đẩy mạnh chiến dịch để xóa sổ những phần tử họ coi là “phản xã hội”.
“Trước hội nghị thượng đỉnh G7 tại Osaka hồi tháng 6, chính quyền đã đánh tiếng với các băng đảng trong thành phố rằng họ không muốn có bất kỳ vấn đề nào trước thềm hoặc trong thời gian diễn ra sự kiện”, Adelstein nói. “Nhật không muốn báo chí đưa tin tiêu cực. Và đó chính xác là những gì đã xảy ra, sự kiện trôi qua yên bình”.
“Sau hội nghị thượng đỉnh, ba băng đảng đang tranh giành địa bàn ở Osaka lại tiếp tục đấu đá nhau, nhưng chính quyền đã nới lỏng chiến dịch chống lại thế giới ngầm trước thềm Thế vận hội. Điều họ không muốn nhất là những hình ảnh yakuza bắn nhau hoặc đụng độ với cảnh sát xuất hiện trên khắp phương tiện truyền thông thế giới”.
“Nhưng một khi thế vận hội kết thúc, cảnh sát sẽ không án binh bất động nữa”, Adelstein nói. “Họ sẽ dốc hết sức để truy đuổi băng đảng nhằm triệt tiêu họ”.
Nguồn: VnExpress
Nhật Bản phát hiện trường hợp nhiễm virus dịch tả lợn châu Phi ở tỉnh Gifu
Các nhà chức trách Nhật Bản vừa phát hiện một trường hợp nhiễm virus dịch tả lợn châu Phi tại một trang trại ở thành phố Ena, tỉnh Gifu, miền Trung nước này.