Người Việt Nam ở nước ngoài: Đi xa để thấy yêu quê hương nhiều hơn
Đối với những người Việt Nam định cư ở nước ngoài, đất nước luôn là điều thiêng liêng đặc biệt. Đi xa càng lâu, tình yêu dành cho quê hương càng lớn, càng da diết.
22:38 21/12/2022
Tết đến xuân về là lúc mỗi người con xa quê đều khắc khoải trong mình một nỗi nhớ nhà, hướng những điều tốt đẹp nhất về Tổ quốc.
Tình nghĩa đồng bào là đáng nhớ nhất
Chị Lê Hiền, 29 tuổi, bén duyên với nước Mỹ năm 2018, qua mối tình với một chàng trai ở Michigan. Chị yêu, kết hôn ở xứ sở cờ hoa, cùng chồng vun vén cuộc sống gia đình ở nơi cách quê nhà tới nửa vòng trái đất.
Chị Hiền công tác trong lĩnh vực khai vấn về sức khoẻ và đời sống. Để đến được với công việc này, chị phải nỗ lực rất nhiều, bởi ngày còn ở trong nước, chị là diễn viên kịch nói và điện ảnh.
“Khi định cư tại Mỹ, tôi phải bắt đầu lại từ con số không, học và tạo lập một ngành nghề mới hoàn toàn, làm quen với lối sống và nhịp độ làm việc khá dồn dập ở nước Mỹ. Trong khi ở Việt Nam, cuộc sống nhẹ nhàng, thân thuộc và thoải mái hơn rất nhiều”.
Sang sinh sống ở một đất nước hoàn toàn mới, không chỉ phải học lại kiến thức nghề nghiệp, việc thay đổi môi trường, văn hóa cũng tác động nhiều tới chị. “Người Việt sang đây bị hội chứng 'mỏi mồm', do nói Tiếng Anh cả ngày. Đôi khi, tôi tự buông xuôi rồi thoại vài câu Tiếng Việt”, chị Hiền kể.
Điều gì khiến chị Hiền nhớ nhất khi nghĩ về quê hương? Cũng như bao người xa xứ khác, Tết là lúc chị nhớ nhà đến quay quắt.
“Đón Tết ở bên này không tránh được cảm giác một mình. Chồng tôi cũng tham gia chuẩn bị mâm cỗ đón Tết. Hai vợ chồng cùng mặc áo dài, gọi điện thoại video để có cảm giác đón giao thừa cùng cả nhà ở Việt Nam. Nhưng nói thật, vẫn thấy thiếu vắng lắm!”
Nỗi nhớ quê hương cồn cào khôn nguôi khiến chị Hiền luôn day dứt và muốn kết nối với những người đồng hương nơi xứ lạ. Hiện chị đang xây dựng một cộng đồng dành cho phụ nữ Việt tại Michigan, nơi mọi người có thể tham gia những cuộc đàm thoại, tâm sự trong không gian cởi mở, gần gũi. Đây là một tổ chức toàn cầu được sáng lập tại Mỹ, chị Hiền là đại diện Việt Nam. Mong muốn của chị là xây dựng được một góc sẻ chia cho những phụ nữ Việt cần nâng đỡ về cảm xúc. Ngoài ra, chị cũng cố gắng xây dựng chương trình khai vấn thiết kế riêng cho phụ nữ Việt, do những khác biệt về văn hoá và lối sống với người Mỹ.
“Sang Mỹ rồi, tôi thấy cảm thông cho đất nước hơn. Nhiều người nói cuộc sống ở trời Tây không gì bằng, nhưng bản thân tôi lại thấy cuộc sống của người Việt thật sự đáng mơ ước. Người dân phương Tây do tính tự lập tự chủ quá cao mà sự liên kết trong xã hội giữa con người với con người thiếu đi vài phần tình cảm. Người Việt thì khác, tình nghĩa đồng bào là cái đáng nhớ nhất, đáng yêu nhất. Đôi khi nhớ nhà là nhớ cả bác hàng xóm thỉnh thoảng cho thiếu vài nghìn đồng khi mua chai dầu, lọ ớt...”
Yêu tha thiết cả hai đất nước
Chị Phạm Thị Việt Hà, 35 tuổi, kết hôn và theo chồng sang Pháp từ năm 2013. Hiện chị đang làm chủ một nhà hàng Việt tại Rouen – một vùng quê thơ mộng nước Pháp.
Từ khi sang Pháp, chị Hà dành phần lớn thời gian cho gia đình. Hà Nội - nơi chị từng sống – là đô thị phồn hoa hơn nơi chị ở hiện nay. Hà Nội có nhiều điểm vui chơi, còn thành phố Rouen yên bình hơn. Sau 7 giờ tối (giờ Pháp) là hàng quán đóng cửa hết. Cũng vì thế mà chị phải từ bỏ thói quen lượn lờ mua sắm vào buổi tối. Việc tụ tập cùng bạn bè như hồi ở Việt Nam cũng hạn chế hơn.
7 năm xa quê, chị Hà luôn nhớ Việt Nam da diết, nhất là trong dịp Tết.
“Vì không cùng lịch nên ngày Tết bên này tôi vẫn đi làm bình thường, nhiều khi chả có thời gian làm mâm cơm cúng giao thừa. Muốn kiếm cành đào hay cây quất để bày cũng khó. Điều mình buồn nhất là không cho con được cảm nhận không khí háo hức đón Tết của quê nhà. Tôi thực sự thèm không khí đi mua sắm Tết”, chị chia sẻ.
Hội người Việt tại Pháp cũng có những hoạt động đón Tết, nhưng thường phải tổ chức muộn.
Khi còn ở Việt Nam, chị Hà là một thành viên tích cực của nhiều hội nhóm thiện nguyện. Dù giờ không thể tham gia trực tiếp, chị vẫn thường đóng góp tài chính cho các tổ chức từ thiện mỗi khi đọc được tin tức về những hoàn cảnh khó khăn.
Trong thâm tâm chị Hà, Việt Nam hay Pháp đều là nơi chốn chị yêu thương vô cùng. Việt Nam là nơi chị sinh ra và trưởng thành với biết bao kỷ niệm sâu sắc. Còn tại nước Pháp có chồng chị, có cô con gái bé nhỏ, có công việc chị vẫn gắn bó mỗi ngày.
“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”. Với nơi mình sinh ra và lớn lên thì điều đó lại càng đúng, lòng mỗi người đều luôn hướng về đó. Kể cả với thành phố mình đang sống cũng vậy. Nó đã trở nên thân thiết, là nhà của mình nhiều năm qua. Khi xa mình cũng thấy nhớ nhung nhiều”, chị Hà chia sẻ.
Trái tim luôn hướng về miền Trung
Anh Phan Đức Thái, 31 tuổi, sang Nhật từ tháng 01/2013 theo diện du học. Sau khi tốt nghiệp, do cơ duyên, anh quyết định sống và làm việc tại Nhật Bản.
Anh Thái kinh doanh một nhà hàng chuyên món ăn Việt Nam và mở một văn phòng chuyên cung cấp vé máy bay nội địa Nhật và vé quốc tế từ Nhật, trong đó, anh chú trọng vào dịch vụ hỗ trợ các chuyến bay từ Nhật về Việt Nam và ngược lại cho những người đang sinh sống và học tập tại Nhật Bản.
Nói về cuộc sống xa quê, anh Thái kể, việc được tiếp xúc với những điều mới, môi trường mới khiến anh cảm thấy hứng thú.“Kể từ khi sang Nhật, bản thân mình học hỏi được rất nhiều điều. Với một đất nước phát triển như Nhật Bản thì điều đó càng khiến bản thân mình cố gắng trau dồi và học hỏi! Ở đây, mình quen biết được thêm nhiều người bạn Nhật, được học hỏi thêm nhiều về văn hoá, ẩm thực và kiến thức”.
Với hầu hết người Việt sinh sống tại nước ngoài, Tết Nguyên đán là lúc nỗi nhớ quê trỗi dậy mạnh mẽ nhất. Trong tâm trí những người con xa quê luôn có nỗi buồn do “lễ tết mà lại không được ở bên gia đình, bạn bè...”.
Nhưng với anh Thái, thời điểm anh nhớ và lo lắng cho quê hương nhất là khi có tin bão lũ, vì quê anh ở miền Trung. “Mỗi khi đọc tin tức thấy bão lũ hay thiên tai, lòng tôi lại quặn thắt lo lắng”.
“Tôi cảm phục tình thương yêu, đùm bọc lẫn nhau vượt qua thiên tai của đồng bào mỗi lần xảy ra lũ lụt khủng khiếp. Khi thấy Chính phủ, Nhà nước, các cơ quan ban ngành cùng vào chung tay hỗ trợ và giúp đỡ người dân, ở xa quê tôi rất cảm động, cực kì cảm động!”.
Dù sinh sống ở Nhật, hàng ngày, anh vẫn xem tin tức ở quê nhà. Anh cũng cố gắng dành dụm để đóng góp giúp đỡ những đồng bào có hoàn cảnh khó khăn thông qua Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và ủng hộ những chương trình hỗ trợ người nghèo như “Cơm có thịt”, “Đông ấm”…
Anh Phan Đức Thái cũng từng tự mình nấu bánh chưng để bán lấy tiền làm từ thiện: “Số tiền quyên góp được chúng tôi gửi về qua các nhóm thiện nguyện ở Việt Nam để hỗ trợ các em nhỏ ở miền núi hoặc những em có cuộc sống khó khăn nói chung!”.
Mong góp sức xây dựng dự án chống thiên tai ở Việt Nam
Chị Phạm Thị Hồng Lam, 32 tuổi, đã sinh sống ở Nhật Bản gần 10 năm.
“Mình thích Nhật nhiều lắm, từ hệ thống hành chính, chăm sóc sức khoẻ y tế tới những cái nho nhỏ bình dị”, chị Lam chia sẻ.
Chị Lam tới Nhật học thạc sĩ sau khi tốt nghiệp đại học tại Việt Nam. Chị gặp và yêu một chàng trai người Nhật trong thời gian đi làm. Sau khi kết hôn, chị định cư ở Nhật cùng chồng.
Công việc hiện tại của chị Lam là thiết kế công trình thuỷ lợi, xây dựng kế hoạch phòng chống giảm nhẹ thiên tai và khắc phục hậu quả thiên tai.
Trong suy nghĩ, sự lịch sự và tôn trọng cá nhân, sự tinh tế của người Nhật khiến chị Lam cảm thấy ấm áp khi ở đây. Chị kể: “Lúc học thạc sĩ, có một em du học sinh khóa dưới của mình trên đường đi chợ thì bị đụng xe. Sau khi đưa em vào viện, chiều hôm đó cảnh sát gọi cho mình. Họ bảo họ đã nhặt rau củ quả em ấy mua và bảo quản trong tủ lạnh của Sở Cảnh sát, nhờ người tới lấy cho em ấy”.
Lam không còn thấy cuộc sống ở hai nước có nhiều khác biệt, bởi đã sống đủ lâu tại mảnh đất này. Thi thoảng có những quãng trầm trong cuộc sống, chị thường nhớ những buổi quây quần bên gia đình ở Việt Nam. “Ở Việt Nam nhà mình đông anh chị em (9 người). Mọi người thường tụ tập vào những dịp lễ tết. Khi còn bé thì mình hơi thấy phiền nhưng đi xa rồi lại thấy nhớ lắm. Mình nhớ những lúc ngồi bên cạnh bà bác lớn tuổi, có hơi lẫn. Bà bác có thể nói đi nói lại một câu chuyện vài ba lần nhưng mình vẫn thấy rất vui”.
Các dịp nghỉ lễ ở Nhật và Việt Nam không giống nhau. Thường khi gia đình ở quê nhà đang nghỉ ngơi, đoàn tụ thì ở Nhật, chị Lam lại ở trong thời điểm bận rộn nhất năm. Có những ngày, để kịp tiến độ, chị phải làm việc tới khuya. Đó cũng là thời điểm chị thấy nhớ nhà nhất.
Chị Lam thường tham gia các hoạt động thiện nguyện hướng về quê hương, trong đó có việc sửa chữa xe lăn cũ gửi về Việt Nam. Sau khi sinh con, quỹ thời gian không cho phép chị tham gia nhiều hoạt động cộng đồng. Dù vậy, chị Hồng Lam vẫn luôn ấp ủ trong lòng niềm mong mỏi được đóng góp cho đất nước và thực hiện khi có cơ hội.
“Mình có một mong ước là có thể tham gia xây dựng bản đồ đánh giá về vấn đề sạt lở ở Việt Nam. Cái mình có thể làm được có lẽ là dịch, chia sẻ, tổng hợp các hướng dẫn, kinh nghiệm của các bạn Nhật. Mình biết việc xây dựng bản đồ phòng chống rủi ro ở Việt Nam thật cụ thể ở từng vùng rất khó, do không đủ dữ liệu, chưa có hướng dẫn cụ thể. Nếu bạn đồng nghiệp nào cần ý kiến tham khảo, hãy liên lạc với mình nhé”.
Mỗi người con của Tổ quốc Việt Nam, dù ở phương trời nào cũng luôn mong ngóng về quê hương. Họ không ngần ngại đóng góp chút sức lực và thực hiện những hành động bé nhỏ hướng về quê nhà khi có dịp. Với họ, đi xa là sự lựa chọn của số phận, nhưng không vì thế mà trái tim họ rời khỏi nơi họ sinh ra và lớn lên trong quãng đời thơ bé. Với họ, đi xa để thấy yêu quê hương nhiều hơn.
San Jose: Nhà hàng nổi tiếng Ánh Hồng và hàng loạt cửa hàng người Việt khác bị điều tra phải đóng cửa vĩnh viễn
“Xin cảm ơn quý khách hàng đã là một khách hàng quý giá và luôn ủng hộ chúng tôi trong suốt những năm qua.”