Torri – cánh cổng thiêng của người Nhật

Kiến trúc đặc biệt này giống như cánh cửa ngăn cách không gian của những vị thần và con người trần gian, có ý nghĩa quan trọng trong tín ngưỡng Thần đạo của người Nhật.

15:00 10/11/2020

Là cánh cổng mang tính biểu tượng của xứ hoa anh đào, thường dùng để đánh dấu lối vào các đền thờ Thần đạo, Torii hiện diện trong văn hoá Nhật Bản sâu sắc đến mức còn được sử dụng làm chỉ dấu trên bản đồ, đánh dấu vị trí của một ngôi đền. Với khách du lịch, kiến trúc Torri có lẽ chỉ đứng sau núi Phú Sĩ về độ nổi tiếng.

Torri xuất hiện sớm nhất trong lịch sử Nhật Bản được ghi nhận vào năm 922, và kiến trúc nổi tiếng nhất là cánh cổng dẫn đến ngôi đền Itsukushima (Miyajima), tỉnh Hiroshima. Có màu đỏ rực rỡ, đặt nổi trên mặt nước, cánh cổng ngày nay là phiên bản thứ 8 của Torri nguyên bản, được xây dựng vào năm 1875 và đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới.

Torri – cánh cổng thiêng của người Nhật - 1

Torri dẫn đến ngôi đền Itsukushima (Miyajima), tỉnh Hiroshima. (Ảnh: Nytimes)

Một cánh cổng Torri tiêu chuẩn được tạo bởi hai cây cột cao với một thanh ngang nối và có mái che phía trên. Màu sắc phổ biến của Torri là đen - đỏ, chỉ một số ít có màu trắng – đỏ.

Kích thước của Torri không đồng nhất. Tại Nhật, không khó để nhìn thấy những cánh cổng Torii chỉ cao vài chục cm, nhưng cũng có những cánh cổng cao tới hàng chục mét. Đến nay, cánh cổng Torii lớn nhất thế giới được ghi nhận có chiều cao lên tới 42 m, được đặt ở thị trấn nhỏ Hongu tại Wakayama.

Giống như kích thước, việc xây dựng Torri cũng không có quy tắc thống nhất về vật liệu. Ở khu vực nông thôn Nhật, Torri được xây dựng đơn giản bằng những thanh tre, gỗ nhỏ ghép lại. Tại các di tích lịch sử, Torri thường được làm bằng đá, gỗ cổ thụ, thậm chí bằng bê tông hoặc thép.

Có nhiều giả thuyết về nguồn gốc của torii. Một trong những điều nổi tiếng nhất đến từ thần thoại Nhật Bản. Câu chuyện tên là Ama-no-iwato kể rằng sau khi đấu tranh với gia đình của mình, Nữ thần Mặt trời, Amaterasu, đã tự giam mình trong hang động Ama-no-iwato, khiến thế giới chìm trong bóng tối.

Các vị thần và nữ thần khác đã làm mọi cách để cố gắng đưa Amaterasu ra khỏi hang động.  Sau rất nhiều nỗ lực, Amaterasu rời khỏi bóng tối trong tiếng chim hót trên cây tầm gửi hoang dại mọc bên ngoài lối vào hang động.

Torri – cánh cổng thiêng của người Nhật - 2

Hệ thống hàng trăm cánh cổng torri nổi tiếng ở Fushimi. (Ảnh: Living Nomads)

Với lý giải trong câu chuyện, các vị thần của Nhật Bản được cho là cư trú bên ngoài cái cây gần nơi chim đậu, do đó có tên "torii". Torii được viết với các ký tự cho "chim" và "cư trú" trong các ký tự kanji. Giờ đây, khi các ngôi đền được cho là nơi các vị thần của Nhật Bản cư trú, thì torii là cửa trước dẫn đến nhà của các vị thần, mang ý nghĩa là sự phân chia giữa khu vực linh thiêng của ngôi đền và thế giới con người.

Du khách khi đến thăm viếng đền thờ thường cúi đầu ngay trước một torii để thể hiện sự tôn trọng hoặc tôn kính đối với sự tôn nghiêm của ngôi đền. Họ thường cúi đầu một lần nữa ngay trước khi đi qua torii để rời đi.

Theo: dantri.com

Tags:
Nhật Bản: Nhiều sinh viên ‘bị bỏ lại’, không thể tìm việc làm

Nhật Bản: Nhiều sinh viên ‘bị bỏ lại’, không thể tìm việc làm

Tại Nhật Bản, tạo cơ hội việc làm cho sinh viên mới ra trường vẫn luôn là chủ đề được quan tâm. Để tìm kiếm một công việc tốt, phần lớn sinh viên phải lao vào cuộc chiến tuyển dụng từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, thậm chí không kiếm được vị trí sau khi tốt nghiệp nhiều năm.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất