Tâm trạng người Ukraine khi ông Trump đòi 500 tỷ USD khoáng sản
Với nhiều người Ukraine, việc Tổng thống Trump đòi nước này phải bồi hoàn viện trợ quân sự từ Mỹ bằng 500 tỷ USD khoáng sản không khác gì "tống tiền".
22:13 24/02/2025
Mykola Hrechukha dùng ngón tay vẽ trên tuyết, phác họa hình ảnh mỏ lithium mới của Ukraine ở làng Kopanky, miền trung đất nước, trông như thế nào. Ông cho biết nó sẽ có một giếng sâu ở trung tâm, với hàng loạt đường hầm đào ra xung quanh.
"Lithium tập trung nhiều nhất ở độ sâu 200-500 m", Hrechukha, đại diện địa phương của công ty khai thác mỏ UkrLithiumMining, cho biết. "Chúng tôi có thể khai thác 4.300 tấn mỗi ngày. Tiềm năng rất lớn".

Mỏ lithium Kopanky nằm ở vùng Kirovohrad, cách thủ đô Kiev khoảng 350 km về phía nam. Năm 2017, công ty UkrLithiumMining đã bỏ 5 triệu USD xin giấy phép từ chính phủ Ukraine để khai thác mỏ này trong 20 năm. Các cuộc thăm dò địa chất xác nhận tại đây có petalite, nguyên liệu thô để chiết xuất lithium sử dụng trong sản xuất pin cho xe điện và điện thoại di động.
Nhưng hiện tại, có rất ít dấu hiệu hoạt động khai khoáng tại khu mỏ nằm dưới cánh đồng củ cải đường và lúa mì này. Lối vào khu mỏ nằm ở làng Liodiane, khu vực um tùm cây cối vì bị bỏ hoang từ lâu. Cư dân duy nhất của làng là một nhân viên bảo vệ, người sống trên khu đất rộng 150 ha trong chiếc xe tải Gaz-53 cũ. Lợn rừng, thậm chí cả sói, đôi khi đi lang thang qua đây.
Giờ đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng các mỏ khoáng sản đất hiếm của Ukraine phải thuộc về Mỹ. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent gần đây đến Kiev và đưa ra yêu cầu với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky rằng Mỹ sẽ sở hữu 50% trữ lượng khoáng sản của Ukraine, cũng như dầu mỏ, khí đốt cùng các cơ sở hạ tầng quan trọng như cảng biển.
Số khoáng sản trị giá 500 tỷ USD này là "khoản bồi hoàn" cho số viện trợ quân sự mà Mỹ đã cung cấp cho Ukraine trong những năm qua, Nhà Trắng giải thích.
Tổng thống Trump hôm 22/2 tuyên bố tại Hội nghị Hành động Chính trị Bảo thủ (CPAC) rằng Mỹ đang tìm cách "lấy lại tiền hoặc nhận được bảo đảm" từ Ukraine. "Tôi muốn họ đưa cho chúng tôi thứ gì đó để đổi lại số tiền mà Mỹ đã trao. Chúng tôi đang yêu cầu đất hiếm và dầu mỏ, bất kỳ thứ gì có thể lấy được", ông nói.
Ông nhấn mạnh muốn lấy lại tiền vì "điều đó thật không công bằng", ám chỉ việc Mỹ đã viện trợ hàng tỷ USD cho Ukraine mà không nhận lại được gì.
Tổng thống Zelensky đã từ chối ký thỏa thuận đổi khoáng sản lấy viện trợ ban đầu do Mỹ đề xuất. Ông nói rõ rằng Washington phải đưa ra các đảm bảo an ninh trước khi có thể đạt được bất kỳ thỏa thuận nào về nguồn tài nguyên thiên nhiên khổng lồ của đất nước, chiếm khoảng 5% trữ lượng khoáng sản toàn cầu.
Ông đồng thời cho hay Mỹ chỉ cung cấp 69,2 tỷ USD viện trợ quân sự, ít hơn số tiền mà ông Trump đang yêu cầu, thêm rằng các đối tác khác như EU, Canada và Anh cũng có thể quan tâm đến việc đầu tư khai thác khoáng sản ở Ukraine.
Phát biểu hôm 16/2, ngay trước khi Tổng thống Trump gọi ông là "nhà độc tài không được bầu", Tổng thống Zelensky cho biết ông không thể "bán rẻ Ukraine". Ông chỉ sẵn sàng làm việc với "một văn bản nghiêm túc" đảm bảo rằng Nga sẽ không tấn công Ukraine thêm một lần nữa.
Truyền thông Mỹ hôm 21/2 cho biết các nhà đàm phán Mỹ và Ukraine đang tìm cách xử lý những đổ vỡ nghiêm trọng trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương và tiến tới hoàn tất một thỏa thuận về khoáng sản.
Chánh văn phòng của Tổng thống Ukraine Andriy Yermak ngày 23/2 cho hay vòng đàm phán tiếp theo với Mỹ về thỏa thuận khoáng sản vẫn tiếp diễn. "Chúng tôi đang tiếp tục đối thoại với các đối tác. Không ai từ chối bất cứ điều gì, chúng tôi đang tiến hành quy trình làm việc theo thông lệ", ông nói.
Các nhà bình luận người Ukraine trong khi đó chỉ trích yêu sách khoáng sản của chính quyền Trump. "Giống như chúng ta đã thua cuộc chiến với Mỹ. Với tôi, điều này giống như bồi thường thiệt hại", Volodymyr Landa, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Kinh tế ở Kiev, nhận xét.
Tổng trữ lượng khoáng sản của Ukraine trị giá xấp xỉ 14,8 nghìn tỷ USD, trong đó có lithium, titan và uranium, cũng như than, thép, quặng sắt và khí đá phiến đáy biển.
Landa cho hay nhiều mỏ hiện không được khai thác do đặc điểm địa chất hay bất ổn chính trị. Số khác nằm ở những khu vực do Nga kiểm soát.
Các mỏ lithium của Ukraine, với trữ lượng khoảng 500.000 tấn, nằm trong số những mỏ lớn nhất ở châu Âu. Một địa điểm nằm tại Kruta Balka, gần cảng miền nam Berdiansk, nơi Nga nắm quyền kiểm soát kể từ đầu cuộc xung đột. Một địa điểm khác nằm ở quận Shevchenkivskyi, trên tuyến đầu ở tỉnh Donetsk, nơi lực lượng Nga kiểm soát gần đây.
Mỏ ở Kopanky là một trong hai mỏ do Ukraine nắm giữ.
Theo Landa, ngành khoáng sản của Ukraine có "rủi ro cao nhưng phần thưởng lớn". Ông cho hay nhiều kỹ sư người Pháp, Bỉ và Anh đã giúp Ukraine phát triển ngành công nghiệp khai thác than từ thế kỷ 19. Thành phố Donetsk ban đầu được đặt tên là Hughesovka, theo tên doanh nhân xứ Wales John Hughes, người đã thành lập một nhà máy thép và nhiều mỏ than trong khu vực.
Người dân sống gần mỏ Kopanky cho hay họ ủng hộ việc khai thác lithium ở đây, nhưng không sẵn sàng trao lợi nhuận cho Mỹ.
"Ý tưởng này thực sự quá đáng", Tetiana Slyvenko, người dân địa phương, giận dữ bày tỏ. "Ông Trump muốn lấy tài nguyên từ một quốc gia đang trong thời chiến. Chúng tôi phải sống thế nào đây? Chúng tôi còn con cái nữa. Cứ như thể Mỹ đang tìm cách tước đoạt tiềm năng kinh tế của chúng tôi vậy".
Khoảng 300 người sống ở các ngôi làng lân cận Kopanky, hầu hết là người cao tuổi. Stanislav Ryabchenko, 72 tuổi, cho biết ông hy vọng mỏ sẽ đưa được những người trẻ tuổi trở lại cộng đồng và tạo ra việc làm.
"Những gì ông Trump đề xuất không khác gì tống tiền. Ông ấy biết chúng tôi không thể tự mình đẩy người Nga ra khỏi đất nước. Chúng tôi cần hợp tác sản xuất, không phải tiếp quản", ông nói.
Denys Alyoshin, giám đốc chiến lược tại UkrLithiumMining, cho biết công ty đang tìm kiếm đầu tư nước ngoài. Theo ông, họ sẽ tốn 350 triệu USD để xây dựng một mỏ mới đủ hiện đại theo các tiêu chuẩn môi trường EU sau khi chiến sự với Nga kết thúc.

Tổng thống Trump nói ông muốn có một phần đất hiếm của Ukraine. Đất hiếm gồm 17 nguyên tố kim loại và có trữ lượng tương đối dồi dào trong vỏ Trái Đất. Tuy nhiên, nó tương đối khó khai thác, lượng thu được so với số đất đá đào lên rất thấp.
Trên thực tế, Ukraine có rất ít đất hiếm. Theo giới chuyên gia, Tổng thống Mỹ dường như đã nhầm lẫn chúng với kim loại hiếm và các vật liệu quan trọng khác, như lithium hay than chì.
Alyoshin cho hay nhiều người còn mang một quan niệm sai lầm nữa là có thể kiếm được lợi nhuận nhanh chóng từ khai thác khoáng sản.
"Họ nghĩ chỉ cần cắm xẻng xuống đất là đào được tiền lên. Chúng tôi đã thực hiện dự án của mình 5 hoặc 6 năm rồi. Với những gì đã đầu tư, đến năm 2028 chúng tôi mới có thể bắt đầu sản xuất", ông giải thích.
Hrechukha, đại diện địa phương của công ty UkrLithiumMining, cho biết họ đã có sẵn lực lượng lao động, sau khi một mỏ uranium tại thị trấn Smolino cách đó 20 km ngừng hoạt động vào năm ngoái.
Ông nhấn mạnh công ty của ông rất muốn hợp tác với các đối tác bên ngoài, nhưng chỉ trên cơ sở luật pháp quốc tế. Ông cho biết đặc biệt coi trọng Elon Musk, tỷ phú giàu nhất thế giới, người sở hữu doanh nghiệp ôtô Tesla đang rất cần lithium. "Chúng tôi quan tâm đến một khách hàng lâu dài", Hrechukha nói.
Trong khi đó, Mỹ vẫn ở rất xa họ. "Tôi không nghĩ người Mỹ sẽ sớm đến đây", ông dự đoán. "Khả năng người ngoài hành tinh xuất hiện còn lớn hơn".
Vũ Hoàng (Theo Guardian, AFP, Reuters)
Link nguồn:

"Thế giới ngầm" 4.0: Nữ cử nhân xinh đẹp đi Mercedes, ở căn hộ cao cấp, nắm đường dây "buôn phấn, bán hoa"
Sau khi có bằng cử nhân, Cúc đến làm ở một spa tại Hà Nội. Sau đó, Cúc dần sa đà và trở thành gái bán d.â.m cao cấp rồi môi giới m.ại d.â.m