Thái độ tiêu cực của người Mỹ với Trung Quốc bất ngờ giảm mạnh
Một khảo sát của Pew cho thấy thái độ tiêu cực của người Mỹ với Trung Quốc đã giảm lần đầu sau 5 năm, khi căng thẳng giữa hai nước tạm lắng trong ngắn hạn.
11:07 22/04/2025
Cụ thể, có đến 77% người được hỏi bày tỏ quan điểm không thiện cảm với Trung Quốc, nhưng tỷ lệ người có cái nhìn “rất tiêu cực” đã giảm mạnh 10%, chỉ còn 33%. Đặc biệt, chỉ một phần ba người Mỹ hiện coi Trung Quốc là “kẻ thù” của Mỹ - so với mức kỷ lục 42% của năm ngoái.
Khảo sát được tiến hành từ ngày 24-30/3 với 3.605 người trưởng thành tại Mỹ, ngay sau khi Tổng thống Donald Trump công bố hai đợt áp thuế 10% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, nhưng trước thời điểm ông tăng thuế lên mức 145% trong tháng 4 và các biện pháp trả đũa từ Bắc Kinh.
Sự dịu lại mang tính tạm thời?
Christine Huang, nhà nghiên cứu tại Pew, cho biết đây là lần đầu tiên kể từ năm 2020 Trung tâm này ghi nhận sự sụt giảm đáng kể về mức độ tiêu cực trong thái độ của người dân Mỹ đối với Trung Quốc.
Tuy mức giảm từ 81% xuống 77% là khá khiêm tốn, nhưng đáng chú ý là cường độ cảm xúc tiêu cực cũng giảm – tức là số người nhìn nhận Trung Quốc "hơi tiêu cực" ngày càng nhiều hơn so với nhóm "rất tiêu cực".
Sự thay đổi rõ rệt nhất đến từ nhóm cử tri Cộng hòa hoặc thiên Cộng hòa – nhóm vốn dĩ chỉ trích Trung Quốc gay gắt hơn so với nhóm Dân chủ.
Tỷ lệ người Cộng hòa có cái nhìn không thiện cảm với Trung Quốc đã giảm 8%, xuống còn 82%, trong đó tỷ lệ “rất tiêu cực” giảm đến 16%. Ở phe Dân chủ, tỷ lệ này cũng giảm nhưng nhẹ hơn – từ 77% xuống 72%.
Một sự chuyển biến quan trọng khác là góc nhìn về vai trò của Trung Quốc. Cử tri Cộng hòa nay coi Trung Quốc vừa là đối thủ cạnh tranh (47%), vừa là kẻ thù (45%) – một sự thay đổi lớn so với xu hướng trước đây. Tỷ lệ gọi Trung Quốc là kẻ thù giảm mạnh 14% so với năm ngoái.
Sự chuyển biến này đi kèm với việc nhiều người Mỹ, đặc biệt là cử tri Cộng hòa, cảm thấy nước Mỹ đang giữ vị thế kinh tế mạnh mẽ hơn Trung Quốc. Năm 2022, chỉ 46% người Cộng hòa cho rằng Mỹ là nền kinh tế hàng đầu thế giới. Con số này hiện đã tăng lên 58%, trong khi tỷ lệ chọn Trung Quốc đã giảm từ 45% xuống còn 32%.
Về phía cử tri Dân chủ, mối lo ngại lớn nhất đã chuyển dần từ Trung Quốc sang Nga. Tỷ lệ coi Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất đối với Mỹ giảm 12 điểm phần trăm, còn 28%, phần lớn do ảnh hưởng từ xung đột Nga - Ukraine và lo ngại về chính sách quân sự của Moscow.
Khảo sát của Pew về thái độ của nhóm cử tri thuộc đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đối với Trung Quốc qua các năm. Biểu đồ: Trung tâm nghiên cứu Pew.
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là quốc gia được nhiều người Mỹ nhắc đến nhất khi được hỏi đâu là mối đe dọa lớn nhất – dù tỷ lệ này cũng đã giảm từ 50% xuống còn 42%.
Khoảng lặng trước cơn bão?
Niềm tin vào vai trò lãnh đạo toàn cầu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng nhích nhẹ, với 13% người Mỹ bày tỏ “có niềm tin” – tăng 4% so với năm ngoái. Tuy vậy, có đến 3/4 số người tham gia khảo sát vẫn cho biết “ít hoặc hoàn toàn không có niềm tin”.
Người Mỹ lớn tuổi là nhóm ít tin tưởng ông Tập nhất, đồng thời cũng là nhóm nhận diện ông rõ ràng nhất. Chỉ 5% người từ 65 tuổi trở lên cho biết chưa từng nghe đến ông Tập, so với tỷ lệ 20% ở nhóm dưới 30 tuổi.
Jake Werner, Giám đốc chương trình Đông Á tại Viện Quincy, nhận định sự “dịu giọng” hiện tại phần lớn là nhờ căng thẳng Mỹ - Trung đã lắng xuống trong những tháng đầu nhiệm kỳ hai của ông Trump.
Tuy nhiên, ông cảnh báo sự thay đổi này có thể chỉ là tạm thời, vì người dân Mỹ thường không có quan điểm nhất quán về Trung Quốc như họ có với các vấn đề nội chính khác.
“Họ có xu hướng nghĩ xấu về Trung Quốc, nhưng nếu đi sâu hỏi kỹ, những nhận định đó lại không bền vững”, ông nói. “Chỉ cần cung cấp thêm thông tin và bối cảnh, quan điểm của họ có thể thay đổi nhanh chóng”.
Theo: Zingnews
Link nguồn:

Người Mỹ đổ xô tải app Trung Quốc sau ‘bão thuế’
Sự bùng nổ của DHgate tại thị trường Mỹ phần lớn nhờ các TikToker Trung Quốc đăng tải video bóc trần “sự thật bên trong” chuỗi cung ứng toàn cầu.