Trường học Mỹ dạy thiếu niên cách ngủ đủ giấc

Các trường học ở Ohio dạy học sinh cách ngủ ngon ban đêm, khi thiếu niên nước này gặp khủng hoảng giấc ngủ, ảnh hưởng từ công nghệ, căng thẳng.

00:53 18/04/2025

Trường trung học Mansfield ở bang Ohio vừa triển khai khóa học mới: Làm thế nào để ngủ.

Trong buổi thảo luận, một học sinh lớp 9 cho biết phương pháp của em là lướt TikTok cho đến khi ngủ gật. Một thiếu niên khác nói thường ngủ quên khi đang chat với bạn bè trên mạng xã hội. Không phải toàn bộ học sinh trong lớp đều tham gia thảo luận, một số em ngủ gật, gục đầu ngay trên bàn.

"Nghe có vẻ kỳ lạ khi nói học sinh trung học phải học kỹ năng để ngủ. Nhưng bạn sẽ rất ngạc nhiên khi biết có bao nhiêu em không biết cách ngủ đúng", Tony Davis, giáo viên môn sức khỏe tại trường Mansfield, người tạo ra khóa học bắt buộc trên toàn bang, cho biết.

Tuổi dậy thì ảnh hưởng đến nhịp sinh học của thiếu niên, khiến nhóm này có xu hướng thức khuya hơn. Nhưng giới chuyên gia cho biết thanh thiếu niên Mỹ đang thiếu ngủ chưa từng thấy, có thể là một trong những nguyên nhân gây nên cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần và loạt vấn đề khác đang diễn ra tại các trường học của nước này.

"Bước vào bất kỳ trường trung học nào ở Mỹ cũng thấy học sinh ngủ gật, trên bàn, ngoài sân hay ghế dài trong khuôn viên. Các em bị kiệt sức", Denise Pope, giảng viên cao cấp tại Trường Giáo dục Sau đại học của Đại học Stanford, cho biết.

Học sinh dự lớp học về giấc ngủ của thầy Tony Davis ở trường Mansfield, bang Ohio, tháng 12/2024. Ảnh: AP

Học sinh dự lớp học về giấc ngủ của thầy Tony Davis ở trường Mansfield, bang Ohio, tháng 12/2024. Ảnh: AP

Bà Pope đã khảo sát học sinh về vấn đề này trong hơn một thập kỷ, đồng thời tổ chức nhiều buổi trao đổi với phụ huynh trên khắp bang California về tầm quan trọng của giấc ngủ ở tuổi thiếu niên. "Giấc ngủ liên quan trực tiếp đến sức khỏe tâm thần. Không ai có thể phủ nhận điều đó", bà nói.

Thiếu niên cần ngủ 8-10 tiếng mỗi đêm để não bộ và cơ thể phát triển. Nhưng gần 80% thiếu niên Mỹ ngủ ít hơn mức này, hầu hết chỉ ngủ trung bình 6 tiếng, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC).

Sau nhiều năm nhận cảnh báo, một số học khu Mỹ đã áp dụng giờ bắt đầu vào học muộn hơn. California và Florida đã thông qua luật yêu cầu các trường trung học trong khu vực không vào giờ sớm hơn 8h30 sáng.

Nhưng các phụ huynh thừa nhận việc bảo một thiếu niên đi ngủ sớm không phải lúc nào cũng hiệu quả, các em cần được thuyết phục. Đó là lý do Học khu Mansfield, nơi có 3.000 học sinh ở phía trung bắc Ohio, đang triển khai "chiến dịch can thiệp giấc ngủ".

Các trường trung học của học khu đang thí điểm chương trình giảng dạy mới mang tên "Ngủ để trở thành phiên bản tốt hơn", nhằm cải thiện thành tích học tập, giảm tình trạng "vắng mặt liên miên", thuật ngữ chỉ những em nghỉ hơn 10% số tiết trong năm học. Tỷ lệ học sinh nghỉ nhiều như vậy đã giảm từ mức 44% vào năm 2021, nhưng vẫn ở mức cao là 32%.

Học sinh ngủ gật trong lớp học ở trường Mansfield, bang Ohio, tháng 12/2024. Ảnh: AP

Học sinh ngủ gật trong lớp học ở trường Mansfield, bang Ohio, tháng 12/2024. Ảnh: AP

Nhiều học sinh và phụ huynh đã nêu các vấn đề phổ biến từ việc thiếu ngủ là đi muộn, ngủ quên, lỡ xe buýt, cũng như các biểu hiện cáu kỉnh, bốc đồng, nhạy cảm, thiếu động lực. Hơn 60% học sinh trên 5 lớp của thầy Davis dùng điện thoại làm báo thức. Hơn 50% trẻ thiếp đi khi đang dùng điện thoại.

Trong khóa học 6 phần, học sinh được yêu cầu ghi nhật ký giấc ngủ hàng ngày, cũng như đánh giá tâm trạng, mức năng lượng của bản thân trong 6 tuần.

Học sinh Nathan Baker thường thức quá nửa đêm lướt smartphone, chỉ ngủ 5 tiếng. Khi về nhà trưa hôm sau, cậu thường kiệt sức, ngủ hàng giờ mà không nhận ra điều đó ảnh hưởng đến giấc ngủ ban đêm.

"Thói quen xấu này chắc chắn đến từ thời cấp hai", Baker nói, cho biết cậu đã áp dụng những mẹo ngủ được học trên lớp và kinh ngạc với kết quả. Hiện tại, cậu cất điện thoại, tránh ăn vặt hay làm bất cứ thứ gì có thể làm gián đoạn nhịp sinh học từ khoảng 19-20h, sau đó cố gắng ngủ lúc 22h, đảm bảo kéo rèm và tắt TV.

Baker thích nghe nhạc để dễ ngủ, nhưng đã chuyển từ nhạc hiphop sang nhạc R&B hoặc jazz êm dịu hơn. "Cháu cảm thấy khỏe hơn nhiều. Cháu đến trường với nụ cười trên môi. Cuộc sống đơn giản hơn rất nhiều", Baker, hiện ngủ trung bình 7 tiếng mỗi đêm, nói.

Gần 70% học sinh trường Mansfield thường xuyên cảm thấy buồn ngủ hoặc kiệt sức trong ngày học. Nhưng giới quan sát cho rằng công nghệ không phải là lý do duy nhất. Học sinh Mỹ ngày nay có lịch học dày đặc, gây căng thẳng, đặc biệt là vào những năm cuối cấp, thời điểm nộp đơn vào đại học.

Chase Cole, học sinh cuối cấp tại Mansfield, đang theo học vài khóa học nâng cao và chuyên biệt. Cậu đặt mục tiêu giành học bổng thể thao để chơi bóng đá ở đại học. Cậu tham gia ba giải bóng khác nhau và thường luyện tập đến 19h.

Sau bữa tối, cậu làm bài tập trong ít nhất ba tiếng, rồi chơi game, xem TV đến 1h sáng mới đi ngủ. "Cháu chắc chắn cần ngủ nhiều hơn, nhưng thật khó với lịch học và những việc cần làm để chuẩn bị cho đại học. Rất mệt mỏi", Cole nói.

Theo Vnexpress, AP, Washington Post

Link nguồn:

Tags:
Người bị trục xuất nhầm tới El Salvador 'sẽ không bao giờ được ở lại Mỹ'

Người bị trục xuất nhầm tới El Salvador 'sẽ không bao giờ được ở lại Mỹ'

Nhà Trắng tuyên bố Kilmar Abrego Garcia, người đàn ông bị trục xuất nhầm tới El Salvador, sẽ không bao giờ được tiếp tục sống ở Mỹ.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất