Du thuyền như 'nhà tù nổi' vì virus corona
Lễ kỷ niệm 50 năm ngày cưới của vợ chồng Abel trên du thuyền Diamond Princess bắt đầu bằng những món ăn ngon, nhưng kết thúc với hai tuần cách ly ở Nhật.
20:00 08/02/2020
Đó sẽ là một chuyến đi hoàn hảo với các bữa tiệc và phong cảnh tuyệt vời ở Đông Á, nếu như vợ chồng David và Sally Abel không bị cách ly trong buồng của mình trên tàu thêm hai tuần nữa, chỉ ăn "bánh mỳ kẹp thịt gà và rau diếp" rồi nhìn khoảng 20 người được chuyển từ tàu tới bệnh viện để điều trị căn bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona (nCoV).
Vợ chồng Abel nằm trong số hàng nghìn hành khách trên hai con tàu du lịch ở Nhật Bản và Hong Kong đang mắc kẹt trong cơn khủng hoảng vì dịch bệnh đang lây lan nhanh ở Trung Quốc và trên toàn thế giới, đến nay đã khiến 638 người thiệt mạng và 31.481 ca nhiễm.
Du thuyền Diamond Princess cập cảng Yokohama ngày 6/2. Ảnh: Reuters.
Một số hành khách và thành viên thủy thủ đoàn trên du thuyền Diamon Princess có triệu chứng bệnh hay từng tiếp xúc với những người mắc bệnh đã được xét nghiệm nhưng chưa có kết quả.
"Đây không còn là một du thuyền hạng sang nữa mà đã bị biến thành một nhà tù nổi", Abel viết trên Facebook từ con tàu Diamond Princess đang neo tại cảng Yokohama, ngoài khơi Tokyo, Nhật Bản.
Trong lúc giới chức Nhật Bản hôm qua tiếp tục đưa thêm vật tư, nhu yếu phẩm lên tàu để đảm bảo điều kiện cũng như thời gian cách ly, các hành khách bắt đầu lên mạng xã hội kể về những gì mình đã trải qua. Họ ca ngợi lòng tốt của thủy thủ đoàn và phàn nàn về tình trạng thiếu thuốc men, chất lượng đồ ăn hay việc bị hạn chế đủ đường, đến mức nhiều người còn không thể tập thể dục hay rời khỏi buồng riêng.
Những hình ảnh và video do các hành khách đăng tải cho thấy du thuyền từng có 3.711 hành khách và thủy thủ đoàn giờ đây biến thành một "con tàu ma" với bể bơi, hành lang và khu đón khách vắng vẻ, lạnh lẽo.
"Với các hành khách như chúng tôi, cuộc sống trên tàu thật nhàm chán", Abel nói. Ông tự thấy mình may mắn vì căn phòng ông ở có ban công. "Tôi thấy thương cảm cho những người phải ở trong các căn phòng không có ánh sáng tự nhiên lẫn không khí trong lành. Cuộc sống hai tuần tới đối với họ chắc hẳn sẽ khủng khiếp lắm".
"Khủng khiếp" chỉ là một cách để miêu tả về nCoV và về nỗi sợ hãi mà nó tạo ra. Dịch bệnh lây nhanh nhưng nỗi sợ về nó còn lan nhanh hơn. Khẩu trang và nước rửa tay đã cháy hàng tại nhiều khu vực ở Seoul, Tokyo, hay Bangkok. Làn sóng kỳ thị người Trung Quốc cũng đang bùng lên khắp châu Á.
Trên tàu Diamond Princess, mọi người đang tìm mọi cách để thích nghi với nghịch cảnh, làm mọi việc tốt nhất có thể.
Yardley Wong, hành khách đến từ Hong Kong đi du lịch cùng chồng, con trai và bố mẹ, viết trên Twitter rằng thủy thủ đoàn đã đưa cho con trai cô những tấm thẻ bài, bút màu cùng nhiều món quà khác để cậu bé "không cảm thấy buồn chán".
Paul và Coralie Williamson đến từ Australia cho biết phòng của họ nhỏ hơn cả một căn phòng trọ bình dân và họ đã nghe thấy nhiều lời phàn nàn từ những người khác về việc thiếu thuốc men hay thiếu thông tin.
Nhưng sau 34 năm chung sống, Coralie Williamson nói: "Nếu bị mắc kẹt trong một căn phòng với ai đó, tôi vui vì người đấy là Paul. Vậy nên, tôi thấy ổn. Chúng tôi sẽ phải đi bộ thật nhiều bên bờ biển khi trở về nhà".
Mọi người đăng các bức ảnh bữa sáng gồm một bát salad hoa quả, trứng luộc, nước ép và bánh sừng bò. Một hành khách kỷ niệm 9 năm ngày cưới còn được nhận thiệp chúc mừng từ các nhân viên tàu.
"Chúng tôi sẽ phải ở đây lâu nữa. Chắc là sẽ có một chút khó khăn. Nhưng tôi không biết nữa. Chúng tôi có thể làm gì hơn? Chúng tôi không thể nhảy khỏi tàu, lạnh lắm", Jacqui Fidrmuc từ thành phố Cairns, Australia, hóm hỉnh chia sẻ.
Du thuyền World Dream neo đậu ở Hong Kong. Ảnh: SCMP.
Trên du thuyền World Dream cũng đang bị cách ly ở Hong Kong, hơn 3.600 hành khách và thành viên thủy thủ đoàn đang được kiểm tra y tế, bởi 8 hành khách từ chuyến đi trước đã bị nhiễm nCoV. Giới chức Hong Kong cho hay đã có hơn 5.000 hành khách tham gia vào ba chuyến đi của con tàu World Dream từ ngày 19/1 đến nay. Tất cả họ đều có nguy cơ nhiễm bệnh.
Theo nghị sĩ Hong Kong Jeremy Tan, một phụ nữ đã gọi ông hôm 5/2, nói rằng cô cùng nhiều bà mẹ khác trên du thuyền World Dream đang hết sạch sữa bột và bỉm cho lũ trẻ.
Cuộc sống trên tàu Diamond Princess ở Yokohama như lời Abel mô tả đã "không còn là một chuyến du lịch trên du thuyền sang trọng". Có những bữa ăn chỉ gồm một cốc nước cam, một cốc sữa chua và chút dưa chuột hoặc "bánh mỳ kẹp gà và rau diếp" cùng món tráng miệng.
Khi các nhân viên tàu đeo khẩu trang đến gõ cửa đưa khay đồ ăn, mọi trao đổi diễn ra rất nhanh. "Không có tiếp xúc động chạm giữa người với người. Một bên đưa khay đồ ăn và bên kia nhận".
Dù những người nhiễm bệnh không còn ở trên tàu, tâm lý hoang mang vẫn ngự trị. "Chúng tôi từng thở chung bầu không khí với những người đã được đưa đi", Abel nói.
"Chúng tôi đối phó với nó như thế nào ư?", Abel viết trên Facebook. "Chúng tôi phải sáng tạo và nghĩ về những điều tốt đẹp, nếu không, chúng tôi sẽ tự kéo mình xuống vũng lầy u uất. Tôi chắc chắn không bao giờ được phép để mình rơi vào tình cảnh đó".
Nguồn: vnexpress.net
Liệu người Nhật có thể chấm dứt làm việc cật lực?
Nhân viên ở quốc gia có văn hóa công sở tàn bạo dẫn đến nhiều cái chết đang bắt đầu suy nghĩ lại.