Khu ổ chuột nức tiếng Nhật Bản bỗng trở thành điểm du lịch hút khách, sự thay đổi chóng mặt đang đe doạ nhiều người địa phương
Thật kỳ lạ, một khu ổ chuột với rất nhiều người vô gia cư tại Nhật Bản có sức hút gì mà du khách thi nhau tìm đến ngày một đông như thế?
15:00 12/09/2020
Đối với các tín đồ du lịch, Nhật Bản hay đặc biệt là vùng trung tâm thủ đô Tokyo luôn được xem là nơi có mức chi tiêu thuộc hàng đắt đỏ bậc nhất thế giới. Chính điều này dẫn đến việc vài năm trở lại đây, du khách quốc tế có xu hướng tìm đến những khu vực rẻ hơn để tìm chỗ ở và khám phá. Một trong số đó phải kể đến Nishinari – một khu ổ chuột giờ đã trở thành điểm đến ưa thích của nhiều người nước ngoài.
Nishinari là một trong 24 khu thuộc thành phố Osaka, vùng Kinki trên đảo Honshu, Nhật Bản. Trong nhiều thập kỷ, nơi đây được mệnh danh là một “khu ổ chuột” hay “vương quốc lưu lạc” – nơi tập trung số đông những người già, thanh niên thất nghiệp, người vô gia cư, tội phạm đang lẩn trốn, thành viên của các băng nhóm xã hội đen, kẻ trốn nợ hay những người làm thuê tạm bợ. Họ sống trong những khoảng không gian cũ nát và chật hẹp, biến nơi đây trở thành một khu dân cư khá biệt lập trên bản đồ nước Nhật.
Nishinari ở thành phố Osaka từ lâu đã được biết đến là khu ổ chuột với lượng người vô gia cư rất đông
Được biết kể từ sau vụ bạo loạn cuối cùng vào năm 2008, Nishinari của quá khứ giờ đã dần thay đổi chóng mặt theo hướng tích cực hơn. Trong 10 năm qua, các dự án tái sinh do thành phố Osaka điều hành đã giúp dọn dẹp khu phố và mang đến công việc ổn định cho những người địa phương.
Chính vì vậy mà những năm gần đây, lượng du khách nước ngoài đổ về Nishinari ngày một đông, biến nơi đây trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Họ đi du lịch ở khu vực này một phần vì mức chi phí ăn uống – lưu trú rẻ, một phần vì sức hút của một khía cạnh xã hội mới lạ, nơi dòng chảy cuộc sống diễn ra chậm rãi đúng những gì một người phương xa mong muốn tìm kiếm khi đi du lịch.
Nhận thấy được tiềm năng lớn của việc phát triển du lịch, một phóng viên người Nhật của trang Soranews24 đã trực tiếp đến đây và khám phá những sự thay đổi lớn trong cuộc sống của khu ổ chuột Nishinari. Trong khu phố, nhiều cửa hàng lâu đời đã bị đóng cửa, các bức tường cổ kính nhường chỗ cho những bức vẽ graffiti đầy màu sắc.
Một khách du lịch đến từ Mỹ chia sẻ sức hấp dẫn của Nishinari với anh nằm ở sự tương đồng với quận Harlem, cũng từng là khu vực vô gia cư nổi tiếng giữa thành phố New York sầm uất. Tuy nhiên, khu phố Osaka cổ kính này không nguy hiểm như Harlem và phần lớn những người vô gia cư đang sinh sống tại đây đều là người già, không gây ảnh hưởng cho du khách.
Dù biết sự thay đổi như thế là tích cực, thế nhưng dường như tiềm năng du lịch quá lớn đang khiến Nishinari mất dần những giá trị truyền thống, cổ kính vốn có. Nhiều chủ doanh nghiệp từ bên ngoài, trong đó phần lớn là nhà đầu tư Trung Quốc bắt đầu mở nhiều cửa hàng và thậm chí họ còn đề xuất tạo ra “Osaka Chinatown” (phố Tàu của Nhật Bản). Đặc biệt, một chuỗi khách sạn cao cấp mang tên Hoshino Resorts cũng dự định mở một khách sạn sang trọng tại Nishinari vào năm 2022.
Sự thay đổi này đang khiến nhiều cư dân địa phương và người vô gia cư tại khu vực đứng trước nguy cơ phải di dời, đối phó với cuộc sống bị đảo lộn hoàn toàn. Nhiều quán ăn, cửa hàng nhỏ lẻ sẽ phải đóng cửa để nhường chỗ cho những dự án nhà hàng, trung tâm thuơng mại “khủng”. Và cũng có 1 nghịch lý khác là số lượng người địa phương không đủ sức lao động trong những ngành dịch vụ du lịch luôn chiếm số đông hơn.
Nhiều quán ăn và cửa hàng địa phương lâu đời đang đứng trước nguy cơ bị đóng cửa vì đầu tư.
Dù vẫn còn vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, người dân Nishinari và Osaka nói chung vẫn nhận được dấu hiệu đáng mừng về sự thay đổi tích cực từ một khu ổ chuột trở thành điểm đến du lịch – văn hoá nức tiếng. Chỉ là, sự thay đổi đó nếu diễn ra quá nhanh chóng và đột ngột dễ dẫn đến nhiều hệ luỵ to lớn cho chính người địa phương.
Nguồn: Soranews24
“Giao tiếp bằng mắt” với người Nhật, nên hay không?
Trong giao tiếp, người Nhật thường tránh nhìn trực diện vào người đối diện khi đối thoại. Người Nhật khi giao tiếp thường nhìn vào một vật trung gian khác như cuốn sách, lọ hoa…hoặc cúi đầu xuống và nhìn sang bên.