'Tiểu thư Hà Nội' ở nhà kho, làm nông quần quật trên đất Nhật

Ở nhà được chiều chuộng, Lan đi xuất khẩu lao động Nhật với viễn cảnh hào nhoáng, không ngờ hàng ngày phải phơi mặt trên đồng.

09:00 02/11/2018

5h30, trời còn tối om, Thúy Lan và bạn cùng phòng đã í ới đánh thức nhau dậy. Người rửa mặt, kẻ mặc đồ, hai cô gái rời nhà sau khi ra khỏi giường vài phút; vừa đạp xe đến chỗ làm, vừa tranh thủ nhai nốt mẩu bánh mì trong miệng. Lan quê gốc ở Hưng Yên, chuyển lên Hà Nội sống được 10 năm thì sang Nhật lao động. Trước khi đặt chân tới xứ này, "đi nước ngoài" với cô là cụm từ xa hoa, chí ít cũng làm việc trong nhà máy hiện đại hay điều khiển dây chuyền sản xuất. Ký tên vào hợp đồng lao động ngành nông nghiệp, Lan vỡ mộng vì ngày qua ngày "phơi mặt" trên cánh đồng, chở cỏ bằng xe rùa, sống trong nhà kho có nhiều chuột và gián. Cô gái quen được nuông chiều tâm sự: "Một tháng đầu ở Nhật là những cú sốc liên tiếp khiến tôi nhiều lần bật khóc và muốn bỏ chạy về nhà".

Lan vốn được cưng chiều nên cảm thấy khó khăn khi làm việc nông nghiệp tại Nhật.

Lan vốn được cưng chiều nên cảm thấy khó khăn khi làm việc nông nghiệp tại Nhật.

'Tiểu thư' đi làm ruộng

Loay hoay với công việc trông quán ăn mấy năm, lương của Lan chỉ tầm 4 triệu đồng, chẳng đủ tiền "phấn sáp". Thấy con gái đã lớn vẫn chưa ổn định, bố mẹ Lan sốt ruột, đề nghị cô đi lao động nước ngoài. Được gia đình tài trợ chi phí môi giới là 200 triệu đồng, hỗ trợ lo thủ tục, Lan thoáng nghĩ chắc cuộc sống ở xứ mới nhiều thú vị. Cô mường tượng mai kia sẽ làm việc tại thành phố lớn, được thăm thú đó đây, có đồng ra, đồng vào phụ giúp bố mẹ. Nửa năm tập trung học tiếng Nhật, sát ngày đi, Lan vẫn không biết gì ngoài vài câu giao tiếp. Hỏi kỹ về công việc, cô mơ hồ, chỉ hiểu rằng hợp đồng của mình kéo dài ba năm và thuộc ngành nông nghiệp.

Chiếc ôtô đón Lan rời thành phố Nagoya, nơi đầu tiên cô đặt chân, di chuyển ba tiếng tới trang trại ở tỉnh Mieken. Suốt dọc đường, Lan thò đầu ra ngoài, ngỡ ngàng vì nhà cửa thưa dần, hiện lên trước mắt là miền quê heo hút. Cô gái Hà Nội chưa dám tin, quay sang hỏi người bạn: "Chỗ mình làm việc đây á?". Xe vẫn đều đều chuyển bánh, đi qua nhiều ruộng đồng, rồi dừng hẳn ở làng nhỏ không một bóng người. 

Hai cô gái trẻ chưa kịp định thần thì ông chủ người Nhật xuất hiện, xách valy lên thẳng tầng hai, nơi theo miêu tả của Lan trông giống nhà kho, đồ đạc ngổn ngang, bẩn và có mùi ẩm mốc. Lan tự nhủ: "Chắc ở tạm đây một đêm rồi mai sang chỗ mới". Cô được lót dạ món cơm rang, trứng chiên và rau sau hành trình dài đầy mệt mỏi.

Phòng trọ nơi Lan thuê với giá 3 man mỗi tháng.

Phòng trọ nơi Lan thuê với giá 3 man mỗi tháng.

Cơm chưa trôi khỏi miệng, Lan giật bắn mình vì tiếng ông chủ gọi. Ông phát cho mỗi người một bộ bảo hộ lao động, nhắc mặc vào rồi lên xe ra đồng. Ngồi trên thùng xe, Lan nhăn nhó vì đôi ủng quá khổ và chiếc mũ lụp xụp. Vài phút sau cô hiểu ra, chúng sẽ là "bạn đồng hành" của cô trong suốt những ngày lao động ở Nhật.

Lần đầu tiên trong đời, Lan biết thế nào là mồ hôi ròng ròng, khi được giao phát quang bụi cây, cột lại thành bó rồi chất lên xe rùa mang đi đổ. Suốt ba tiếng, cô cùng người bạn ngã xiêu vẹo, mỏi nhừ cánh tay vì chưa từng phải làm việc tương tự trước đó. Thấm mệt, hai cô gái trẻ được đưa về nhà kho lúc ban đầu nghỉ ngơi. Thêm lần nữa trong ngày, Lan "chết ngất" vì biết đây là nơi cô sẽ sống trong suốt thời gian còn lại với mức giá 3 man Nhật (6 triệu đồng) mỗi tháng.

Ngày làm việc tiếp theo, Lan vẫn chưa quen, bị những người làm cùng trêu là "tiểu thư đi cày ruộng". Ở đây ai làm việc người ấy, không có thời gian hướng dẫn nhau nên "lính mới" như Lan vất vả hơn. Vừa phải tự tìm hiểu, vừa lo hoàn thành năng suất nên tối nào cũng lọ mọ đến 18h. Lan về nhà với dáng đi nghiêng hẳn một bên, ngủ say "như chết" dù chốc lát lại có con chuột chạy rình rình qua đầu giường.

Mùa đông, trời rét căm căm, cô gái thành phố làm đến toát mồ hôi mà vẫn lạnh. Những hôm có tuyết, hai tay Lan cứng đờ, mặt đỏ ửng và nước mũi chảy thành dòng không lau kịp. Làm được mấy tháng, Lan phát hoảng vì nhan sắc xuống cấp: hai tay chai sạn, cơ bắp nổi lên và da có nếp nhăn. Bạn cùng phòng chung cảnh ngộ, cả hai ôm nhau khóc, thấy tủi thân nhưng không dám hé răng với bố mẹ nửa lời.

Lan ăn trưa và ngả lưng ngay trên cánh đồng.

Lan ăn trưa và ngả lưng ngay trên cánh đồng.

Tìm thấy niềm vui đơn giản trên cánh đồng

Lan chẳng rõ mất bao nhiêu thời gian mới thoăn thoắt tay liềm, tay cuốc như bây giờ. Cô chỉ biết khi đã thạo việc nhà nông, vẫn thấy rất... khổ sở.

Nhớ về số tiền bố mẹ đầu tư với mong muốn con gái có tương lai tươi sáng, cô gái trẻ trằn trọc nhiều đêm bởi đôi lần trộm nghĩ sẽ bỏ về nước. Lan thương mẹ, lo cho chính mình nếu bỏ dở con đường này sẽ đi con đường nào tiếp theo. "Người ta làm được thì mình cũng làm được", cô tự nhủ. "Đằng nào cũng khổ, sao không khổ thật phong cách", Lan nói.

Lan dậy sớm khoảng 30 phút vào sáng hôm sau để chuẩn bị cho mình suất ăn nhẹ là cơm chiên trứng. Ra đồng, cô rôm rả "buôn" chuyện với mọi người: hỏi han về gia đình, kể chuyện tình yêu, bày tỏ quan điểm sống. 10 tiếng làm việc nặng nhọc trôi qua nhanh hơn, lúc giải lao, Lan chụp ảnh gửi về cho gia đình hoặc "chém gió" trên Facebook. Cô không còn phàn nàn về những bữa cơm đạm bạc hàng ngày mà nghĩ đến dịp cuối tuần được ông chủ chở lên thành phố ăn cải thiện để làm động lực.

Cũng như các lao động Việt Nam làm việc tại đây, Lan có 4 ngày nghỉ mỗi tháng. Cô hay cùng bạn đi chơi, thăm thú mọi nơi để mở rộng tầm mắt. Nhìn Lan xinh xắn, xúng xính trong trang phục gợi cảm, bạn bè không ngớt lời: "Đi làm mà sướng như đi chơi". Riêng cô ngậm ngùi: "Trút bỏ bộ cánh đẹp, khoác bảo hộ lao động thì chẳng ai nhận ra mình".

Lan khi đi làm và khi đi chơi khác nhau trời - vực.

Lan khi đi làm và khi đi chơi khác nhau 'trời - vực".

Làm việc 10 tiếng mỗi ngày và 26 ngày mỗi tháng, Lan thu nhập khoảng 19 man (gần 40 triệu đồng). Cô không phải đóng bảo hiểm, thuế thu nhập nhưng tốn kém khi chi trả tiền nhà, ăn uống. Nữ lao động Việt cho biết "ốm lắm mới dám đi viện" bởi giá khám chữa bệnh đắt đỏ. Sau khi trừ các khoản, Lan gửi về phụ giúp gia đình được khoảng 10-20 triệu mỗi tháng.

"Không có con đường nào trải đầy hoa hồng", cô gái 22 tuổi rút ra sau một năm làm việc tại xứ người. Lan thừa nhận công việc hiện tại tuy vất vả nhưng mang đến nguồn thu nhập tốt. Cô đặt mục tiêu gửi tiền về giúp bố mẹ trả hết nợ, sau đó tích lũy chút vốn nhỏ để làm ăn. Lan tin rằng ba năm đi xuất khẩu lao động ở Nhật cho cô cái nhìn thực tế hơn về cuộc sống. 

"Nhật Bản chỉ là một đất nước, không phải miền đất hứa nơi bạn nuôi giấc mộng ăn ngon mặc đẹp mà không đổ mồ hôi. Dù là công việc gì, sang trọng hay lam lũ, miễn làm bằng tất cả trách nhiệm sẽ tìm thấy niềm vui trong lúc khó khăn nhất", Lan nhắn nhủ.

Sang Nhật cùng đợt và sống chung phòng với Lan, Nguyễn Thùy, 19 tuổi, ở Bắc Ninh, mong muốn kiếm tiền phụ giúp cha mẹ. Ngày đầu, cô thấy công việc vất vả quá sức và thỉnh thoảng tủi thân nhưng nhờ được những người đồng hương và ông chủ giúp đỡ nên dần quen việc. Mỗi ngày Thùy làm việc trên cánh đồng 10 tiếng, chủ yếu trồng và vận chuyển cỏ. Tối về, cô chỉ có ít phút giao lưu với người thân qua điện thoại rồi nhanh chóng đi ngủ để sáng mai thức dậy tiếp tục công việc.

Thùy rất sợ chuột. Thời gian đầu, hôm nào cô cũng thức tới 1-2h vì bị chúng quấy nhiễu. Lâu dần thành quen, đi làm về Thùy ngủ ngon ngay cả khi có chuột. Cô gái trẻ tâm sự từ khi có người đến ở và chịu khó dọn dẹp phòng, chuột và gián ít dần. Thỉnh thoảng Thùy và Lan thích thú chụp ảnh con vật xấu xí này để trêu chọc bạn bè.

Nguồn: ngoisao.net

Tags:
Những chuyện bạn tha hồ làm ở Việt Nam, nhưng lại không nên làm ở Nhật

Những chuyện bạn tha hồ làm ở Việt Nam, nhưng lại không nên làm ở Nhật

Nhật Bản là quốc gia có rất nhiều luật bất thành văn. Tuy rằng không trực tiếp quy định trong luật, nhưng đa phần người dân đều ngầm hiểu.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất