Văn hóa đúng giờ của người Nhật qua mắt của một công dân nước ngoài: chỉ là sự nửa vời?!
Nhật Bản là một xã hội cực nguyên tắc trong giờ giấc.
12:00 04/08/2019
Đây là quốc gia mà bạn sẽ thấy các công ty đường sắt sẽ trao cho bạn một tờ giấy xin lỗi mà bạn có thể đưa cho cấp trên của mình nếu bạn đi làm muộn vì một chuyến tàu bị chậm trễ, và xin lỗi bạn ngay cả khi tàu khởi hành sớm hơn một vài phút hay chỉ vài chục giây vì điều đó có thể làm xáo trộn thời gian của các hành khách.
Nhưng một người dân Nhật Bản gốc Tây Ban Nha, tài khoản @758adrian cho rằng sự đúng giờ của người Nhật chỉ đúng một nửa sự thật mà thôi, và bản thân anh cũng như nhiều người nước ngoài khác đang cảm thấy mệt mỏi vì sự khiển trách từ người Nhật liên quan đến vấn đề giờ giấc của mình.
“Chỉ vì tôi là người Tây Ban Nha, nếu như tôi đến muộn 1-2 phút hay đại loại như thế, người Nhật sẽ nói “Chà, đó là phong cách Tây Ban Nha của bạn” hay là “Người Latin chẳng xuất hiện đúng giờ”. Họ luôn nghĩ rằng họ chính là những người giỏi nhất trên thế giới trong việc quản lý tốt thời gian và đúng giờ, nhưng điều mà họ thực sự làm tốt chỉ là lúc bắt đầu mà thôi. Một cuộc họp dự kiến kết thúc vào lúc 5h30 nhưng rốt cuộc lại kéo dài đến tận 7h, với tôi điều đó còn tệ hại hơn cả việc đến muộn làm 5 phút nữa!”
Quả thực là như vậy, khi mà việc ở lại văn phòng quá thời gian nghỉ chính thức đã được coi như là một phần không thể tránh khỏi trong công việc, trở thành một văn hóa đối với người dân Nhật Bản, như những gì mà cộng đồng mạng chia sẻ với @758adrian:
“Bạn đến muộn 5 phút, và chắc chắn sẽ bị quở trách, nhưng sẽ không ai nói bất cứ điều gì về việc vẫn bám trụ lại văn phòng khi đã hết thời gian làm chính thức. Người Nhật thật kì lạ”
“Để tôi chỉnh lại cho đúng nè. Nhật Bản – đất nước mà người khác sẽ nói bạn nghỉ việc sớm nếu như bạn rời khỏi văn phòng đúng giờ hành chính”
“Tôi nghĩ rằng những người ở lại văn phòng sau khi hết thời gian làm việc chỉ để thể hiện là họ đang làm việc chăm chỉ thôi, điều đó khiến cho những người khác cảm thấy áp lực theo và đành phải ở lại cùng”.
Tuy nhiên, một số khác lại cho rằng việc đúng giờ và ở lại muộn là 2 vấn đề riêng biệt, và kiểu suy nghĩ rằng “Dù sao thì chúng ta cũng chẳng thể hoàn thành công việc đúng giờ mà” cũng không phải là một lý do hợp lý để bạn có thể đi làm muộn và khiến cho những người đến đúng giờ phải chờ đợi bạn để bắt đầu công việc.
Có thể nhiều công dân nước ngoài coi đó là một sự vô lý khi mà người Nhật luôn đề cao sự chính xác đến từng giây trong công việc và không chấp nhận sự chậm trễ lại nhắm mắt làm ngơ trước việc những văn phòng vẫn luôn sáng đèn cho dù thời gian làm việc văn phòng chính thức đã hết. Nhưng văn hóa là vậy, và nếu bạn sẽ phải tham gia một cuộc họp và không xuất hiện đúng giờ, điều đó đồng nghĩa với việc bạn đang khiến thời gian của những người khác bị lãng phí. Và tại Nhật, trách nhiệm cá nhân đối với tập thể luôn rất được coi trọng, vậy nên nhập gia tùy tục, việc đi làm không chậm một giây và không trở về nhà ngay sau khi giờ làm đã hết sẽ là điều mà bạn không bao giờ thay đổi được.
Theo: nguoivietonhat.com
Vì sao người già ở Nhật không được nhường ghế trên tàu điện ngầm?
Theo phép lịch sự, khi đi trên xe buýt hoặc trên tàu điện ngầm, người già và phụ nữ có thai sẽ được nhường chỗ. Nhưng chuyện đó sẽ không xảy ra ở Nhật Bản.