Mọi đứa trẻ đều mong được sống như ở Phần Lan: Không trường chuyên lớp chọn, không so bì điểm số, giờ ra chơi là bất khả xâm phạm
Nền giáo dục "kỳ lạ" ở Phần Lan khiến nhiều người làm cha mẹ phải suy ngẫm
22:09 07/02/2023
Nền giáo dục "kỳ lạ" ở Phần Lan khiến nhiều người làm cha mẹ phải suy ngẫm.
Phần Lan là một quốc gia có nền giáo dục khá tiên tiến. Trong hệ thống tiêu chuẩn PISA của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), sát hạch các môn toán, khoa học, văn học với học sinh 15 tuổi, thì Phần Lan luôn đứng trong top vị trí đầu. Từ năm 2006, Phần Lan đã giữ ngôi vị đầu bảng và dù trồi sụt trong các năm sau đó nhưng hệ thống giáo dục tại đây vẫn thuộc hàng top trong các nước phát triển.
Điều thú vị là Phần Lan không theo nguyên tắc giáo dục truyền thống ở nhiều nước mà mở một hướng đi riêng. Mặc dù vẫn có những tiêu chuẩn chất lượng quốc gia về học tập và giảng dạy tại Phần Lan nhưng không hề có một bảng xếp hạng các trường học dựa trên thành tích học tập của học sinh. Hầu hết các trường có bản tự đánh giá áp dụng cho cả giáo viên và học sinh.
Chính sách giáo dục của Phần Lan coi trọng chất lượng hơn là sự kiểm soát và cạnh tranh về thứ vị. Các trường học, giáo viên và chính quyền địa phương đạt được sự thống nhất và tin tưởng lẫn nhau về mục tiêu dạy học cho lớp trẻ.
Một điều đặc biệt nữa là Phần Lan ứng dụng phương pháp đồng đều với tất cả học sinh trước 15 tuổi. Nghĩa là bất kể học sinh giỏi hay kém, tài năng hay tầm thường được lồng ghép học chung với nhau theo tiêu chuẩn đồng đều. Phần lớn các học sinh Phần Lan đều theo học một trường công gần nhà với môi trường giáo dục toàn diện và có đủ các tầng lớp xã hội trong đó, từ con của bác sĩ cho đến con của anh công nhân, không có sự phân biệt giàu nghèo.
Chương trình này được thực hiện mà không có sự chọn lựa, tạo trường điểm hay tập trung cá biệt vào nhóm nào cho đến khi học sinh tròn 15 tuổi. Kể từ đây, các học sinh mới bắt đầu được phân lớp và có sự chọn lựa cho riêng mình.
Tầng lớp giáo viên tại Phần Lan cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong xã hội, nếu không muốn nói là tinh hoa. Kể từ thập niên 1970, chỉ 10% số giáo viên có bằng thạc sĩ 5 năm mới vượt qua được các kỳ thi và trở thành giảng viên các trường tiểu học.
Mức lương của các giáo viên tại đây cũng khá cao, vào khoảng 43.000 USD mỗi năm, thậm chí xếp trên cả Mỹ (42.000 USD/năm) và Anh (41.000 USD/năm). Đặc biệt, nghề giáo viên tại đây nhận được sự tôn trọng không kém bác sĩ hay luật sư.
Chính sự chú trọng này đã giúp Phần Lan có một chất lượng giáo dục khá ổn định so với nhiều nước phát triển.
HỆ THỐNG GIÁO DỤC "KỲ LẠ"
Trong vòng vài thập niên trở lại đây, giáo dục Phần Lan đã có những tiến bộ vượt bậc khi giáo viên được trao quyền tự do để làm bất cứ điều gì cho phép nhằm đảm bảo thế hệ trẻ nhận được sự đào tạo tốt nhất.
Tỷ lệ học sinh bình quân mỗi giáo viên tại Phần Lan chỉ vào khoảng 17 người, thậm chí ít hơn và điều này khiến các giảng viên có thể nắm được thông tin học tập của từng học sinh. Quan điểm "làm bất cứ điều gì có thể" khiến các giảng viên tại đấy áp dụng rất nhiều cách khác nhau với sự hỗ trợ hùng hậu từ các chuyên gia nhằm thúc đẩy học sinh tiến bộ.
Số liệu cho thấy gần 30% số học sinh Phần Lan trong 9 năm đầu đi học nhận được sự trợ giúp từ các chuyên gia.
Câu chuyện cải cách giáo dục của Phần Lan trên thực tế đã bắt đầu từ 40 năm trước đây nhưng mới chỉ thực sự thu hút được các chuyên gia từ năm 2000 khi điểm PISA cho thấy giới trẻ Phần Lan là những học sinh có khả năng đọc viết tốt nhất thế giới. Đến năm 2003, họ dẫn đầu về môn toán và năm 2006 là về môn khoa học.
Trong khi nước Mỹ đổ quá nhiều tiền vào các trưởng điểm, trường tư thì ngành giáo dục Phần Lan lại có quan điểm khá lạ đời. Theo họ, giáo viên nên xé bỏ những rào cản tư tưởng truyền thống để tìm ra các hướng đi mới trong giảng dạy và mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng học tập. Những con số về bảng điểm, kết quả các kỳ thi không thể đánh giá hết chất lượng của một học sinh mà còn những yếu tố về xã hội, tinh thần, thể chất…
Điểm đáng tự hào của Phần Lan là không có chuyện so bì giữa các trường học, trường tốt hay xấu cũng như so sánh giữa các học sinh. Câu chuyện học sinh tốt được tuyên dương còn học sinh kém bị chê bai là điều hiếm khi xảy ra trong ngành giáo dục Phần Lan. Đối với các chuyên gia trong ngành, mục tiêu của giáo dục không phải để ganh đua qua những bảng điểm mà là để phát triển toàn diện một con người, khiến họ thích nghi và tồn tại được trong xã hội.
Một điểm nữa khiến Phần Lan tự hào là chất lượng đồng đều của các trường học, từ thành phố cho đến vùng hẻo lánh tại đây được đảm bảo đồng đều. Những người điều hành chương trình giảng dạy là những chuyên gia trong ngành chứ không phải các doanh nhân, chính trị gia hay bị ảnh hưởng bởi các yếu tố đấu đá quyền lực. Bởi vậy, chất lượng học sinh được đưa lên hàng đầu.
Khảo sát năm 2011 của OECD cho thấy sự cách biệt giữa học sinh yếu và giỏi tại Phần Lan là ít nhất trong số các nền giáo dục tiên tiến.
Hiện nay, khoảng 93% số học sinh Phần Lan tốt nghiệp đại học trong nước và 17,5% trong số đó có mức điểm cao hơn so với Mỹ, khoảng 66% tiếp tục học lên cao học và đây là tỷ lệ cao nhất tại Châu Âu. Điều trớ trêu là là mức đầu tư ngân sách của chính phủ cho mỗi học sinh tại Phần Lan thấp hơn 30% so với Mỹ.
Bất chấp những kết quả ấn tượng trên, chính phủ Phần Lan dường như không quan tâm lắm đến điểm PISA hay những chỉ số khác vì họ cho rằng giáo viên cần giáo dục học sinh cách tiếp thu kiến thức chứ không phải để cạnh tranh về điểm số. Bởi vậy, rất nhiều lớp học tại đây diễn ra như một buổi vui chơi hơn là giảng dạy thông thường với mục đích kích thích khả năng học hỏi của học sinh hơn là vượt qua kỳ thi.
Bình quân mỗi giáo viên Phần Lan chỉ dành 32 tiếng giảng dạy mỗi tuần nhưng chỉ có vài tiếng là ở trên lớp. Thời gian còn lại họ thực hiện các nghiên cứu, xây dựng chương trình giảng dạy cho từng đối tượng học sinh, tham khảo với các chuyên gia và thậm chí là đến tận nhà giúp đỡ các học sinh yếu.
Bởi vậy, thời gian chơi của các học sinh Phần Lan rất lớn và bài tập về nhà thì khá nhẹ. Thậm chí học sinh chưa cần làm bài tập gì cho đến khi 7 tuổi. Trường học có đầy đủ các dịch vụ về thức ăn, sức khỏe, tư vấn tâm lý, thậm chí đưa đón nếu cần thiết cho học sinh nhằm đảm bảo các em nhận được sự chăm sóc tốt nhất
HỌC LÀ QUYỀN LỢI CHỨ KHÔNG PHẢI NGHĨA VỤ
Đối với chính phủ Phần Lan, giáo dục là một quyền lợi cơ bản của con người nên việc phải đóng học phí là điều không ổn. Bởi vậy, tất cả các học sinh bản địa và thậm chí phần lớn học sinh quốc tế tại đây không phải đóng học phí. Báo cáo năm 2014 của OECD cho thấy Phần Lan tài trợ đến 90-96% chi phí giáo dục tại đây.
Nghiên cứu của Gems Education Solutions năm 2014 cho thấy đầu tư cho giáo dục của Phần Lan hiệu quả nhất thế giới so với chỉ số PISA đem lại tương xứng với số ngân sách bỏ ra. Báo cáo này nhận định nước có nền giáo dục nổi tiếng thế giới khác là Anh sẽ phải cắt giảm 10% lương giáo viên thì tỷ lệ hiệu quả đầu tư giáo dục mới bằng được so với Phần Lan.
Tất nhiên, bản báo cáo này chỉ làm so sánh chứ không khuyến khích các nước giảm đầu tư giáo dục vì mỗi quốc gia có đặc điểm riêng.
Nhờ chú trọng vào chất lượng mà tiêu chuẩn của các trường học tại Phần Lan không quá khác biệt, không có trường xấu hay trường tốt. Tất cả các học sinh đều được tạo cơ hội ngang
Nếu đến Phần Lan, mọi người có thể sẽ rất ngạc nhiên khi rất nhiều học sinh tại đây tranh thủ đọc sách lúc rảnh rỗi và chính điều này đã giúp học sinh nơi đây đạt kết quả khá tốt trong các kỳ thi PISA.
Kết quả năm 2015 cho thấy học sinh Phần Lan đứng thứ 5 thế giới về khoa học, thứ 4 về đọc viết và thứ 13 về Toán học.
Một khía cạnh nữa của giáo dục Phần Lan là sự linh hoạt cũng đảm bảo hòa nhập, công bằng giữa các học sinh. Tại đây, các học sinh không thể biết được họ sẽ nhận được kiểu giảng dạy hay trợ giúp gì từ các giáo viên bởi mỗi người có một phong cách hoàn toàn khác nhau. Hơn nữa, các giảng viên cũng thiết kế sự hỗ trợ đến từng trường hợp học sinh nhằm đảm bảo các em được giáo dục và phát triển đồng đều.
Để làm được điều này, ngoài đội ngũ giáo viên được tuyển chọn gắt gao, những giảng viên cấp 1 còn được hỗ trợ bởi 1 đội ngũ các chuyên gia hùng hậu như nhà tâm lý học, chuyên gia về giáo dục, bác sĩ thể chất… nhằm đưa ra được kế hoạch phát triển phù hợp nhất cho từng trường hợp. Đặc biệt hơn, những kế hoạch giảng dạy này đều đã được thảo luận và tham khảo với cha mẹ của từng học sinh nhằm đảm bảo chúng được thực hiện cả ở trên lớp lẫn tại gia.
Giờ ra chơi là bất khả xâm phạm
So với nước Mỹ, nơi giờ giải lao tự do đã giảm dần ở trường mẫu giáo trong 2 thập kỷ qua, luật pháp Phần Lan yêu cầu giáo viên phải cho học sinh chơi 15 phút cho mỗi 45 phút giảng dạy.
Chính sách này bắt nguồn từ sự niềm tin mãnh liệt của người Phần Lan, giống như trong sách truyện, rằng trẻ em cần phải là trẻ em càng lâu càng tốt. Việc của chúng không phải là lớn lên nhanh chóng, trở thành những con vẹt học thuộc lòng và các thí sinh trong các kỳ thi.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những học sinh được cho ít nhất 15 phút hoặc hơn để giải lao hằng ngày sẽ cư xử tốt hơn ở trường và kết quả bài tập cũng tốt hơn.
Trẻ em có rất ít bài tập về nhà
Có lẽ điều duy nhất mà các trường học ở Phần Lan cung cấp thiếu cho trẻ em chính là bài tập về nhà. Nhiều đứa trẻ chỉ nhận một lượng nhỏ bài tập mỗi tối.
Triết lý này bắt nguồn từ sự tin tưởng lẫn nhau giữa nhà trường, giáo viên và phụ huynh. Cha mẹ và nhà trường tin tưởng rằng giáo viên đã dạy hầu như hết các kiến thức cần truyền tải trong thời gian học ở trường. Những người liên quan đến quá trình giáo dục trẻ thường cho rằng bài tập thêm là không cần thiết.
Thời gian ở nhà là dành cho gia đình, nơi những bài học duy nhất mà trẻ cần tiếp thu là về cuộc sống.
Mẫu giáo có chất lượng cao và phổ quát
Đối với nhiều trẻ em Mỹ, những cơ hội duy nhất của chúng để trí tưởng tượng bay xa, nghịch bẩn, và chơi các trò chơi là ở trường mầm non. Vấn đề là ở Mỹ, cha mẹ thường phải trả nhiều tiền cho cấp học này. Với những cha mẹ không cả khả năng chi trả, thì con cái họ sẽ phải ở nhà cho đến tuổi đi học tiểu học. Điều này tạo ra sự chênh lệch có thể kéo dài trong suốt những năm sau đó của đứa trẻ.
Theo báo cáo của NPR, ở Phần Lan, cha mẹ được đảm bảo mọi thứ. Nhà trẻ và các trung tâm chăm sóc trẻ ban ngày đều phổ quát cho đến khi trẻ 7 tuổi, và hơn 97% trẻ từ 3 đến 6 tuổi tham gia một trong 2 hình thức trên.
Thêm vào đó, chất lượng của các trường mẫu giáo rất tốt. Họ thống nhất chương trình giảng dạy giữa các trường. Trong trường hợp phải chuyển nhà, cha mẹ có thể yên tâm rằng những bài học tương tự cũng được giảng dạy ở đầu bên kia của thành phố.
Vua tương ớt gốc Việt chính thức trở thành tỷ phú đôla: Không tốn 1 xu quảng cáo, 40 năm không tăng giá bán buôn, âm thầm đưa Sriracha lên bàn ăn khắp thế giới
“Tôi muốn tiếp tục tạo ra những sản phẩm chất lượng tốt. Tôi không nghĩ nhiều đến việc kiếm thêm lợi nhuận đâu”, David Trần chia sẻ với Forbes.