10 điều tối kỵ mà chủ tiệm nail không nên làm với thợ
Chia sẻ từ Facebook Chuyện Đời Thường - Khánh Đặng, xin giới thiệu để bạn đọc tham khảo:
08:34 12/03/2023
Trong ngành nails, có nhiều chủ tiệm rất thành công, và biết cách cư xử rất tế nhị, công bằng, khéo léo với thợ. Nhưng cũng có rất nhiều người, may mắn có được chút tiền ra mở tiệm. Tưởng như vậy là cha mẹ thiên hạ. Muốn nói gì thì nói, muốn làm gì thì làm. Thế cho nên, tưng bừng khai trương, âm thầm bán tiệm.
Sau đây, tôi xin chia sẻ vài điều, mà người chủ tiệm xin đừng mắc phải.
1/ Đừng thiên vị mà hãy công bằng. Người chủ có thể thích thợ này hơn thợ kia. Nhưng không thể vì vậy mà dành những phần ngon, phần nhiều tiền cho họ. Nếu thích họ, cứ móc tiền túi ra cho họ. Còn trong công việc, phải công bằng thì thợ mới nễ.
2/ Đừng nghe lời mấy thợ nịnh hót.
Những người hay nịnh chủ, thường họ không thật và rất mưu toan. Họ có thể dèm pha người này ghét bỏ người kia, mục đích để người chủ đuổi hết thợ giỏi để họ ở lại làm trùm. Nếu người chủ nghe lời và thích được nịnh, thì sau này kẻ thù của chính mình là những người đã từng nịnh hót mình.
3/ Đừng nói xấu thợ.
Nếu như người chủ cứ nói xấu thợ này cho thợ kia nghe. Nói xấu thợ kia cho thợ này nghe. Thì chính người chủ là nguyên nhân gây xào xáo trong tiệm. Đừng bao giờ biện hộ, chia để trị. Nếu thợ có lỗi gì, cứ nói riêng với họ. Họ sẽ thay đổi và trọng mình hơn.
4/ Đừng sỉ nhục thợ.
Đừng bao giờ hạ thấp giá trị của người thợ. Sỉ nhục thợ trước mặt khách hay đồng nghiệp. Cứ tưởng mình làm vậy là mình chứng tỏ là người chủ có uy quyền. Sai hoàn toàn. Khi những người thợ khác và những khách hàng thấy vậy, thì người đáng bị khinh là chủ chứ không phải thợ. Và dễ bị mang tiếng lấy mạnh hiếp yếu.
5/ Đừng ăn thua đủ với thợ.
Khi có sự tranh cải, người chủ luôn tỏ ra có quyền và cái gì mình nói cũng đúng. Khi biết thợ có ý định nghỉ việc, người chủ ''thà tao đuổi mày trước, chứ không cho mày xin nghỉ việc trước''. Người chủ đòi hỏi thợ phải báo trước khi nghỉ việc. Nhưng bản thân mình lại đuổi thợ ngay tức thì. Đó là thể hiện sự nhỏ mọn, ti tiện của người chủ.
6/ Đừng nói gì đến thợ khi họ đã nghỉ việc.
Khi có thợ đã nghỉ việc, cho dù chủ không thích người thợ đó, cũng không nên nói xấu họ trong tiệm. Cũng không nên gọi đến chỗ làm mới của người thợ đó, nói xấu họ và nói chủ mới đừng nhận họ. Những việc làm đó không được lợi gì, mà thợ trong tiệm và tiệm bên kia còn cười vào mặt mình thêm.
7/ Đừng nên bịa chuyện.
Không nên bịa chuyện không nói có, để lôi kéo thợ khác phải nghe lời mình mà ghét bỏ thợ kia. Người thợ ai đi làm cũng muốn bình an và kiếm tiền. Chẳng ai muốn theo phe ai cả. Nếu người chủ nói sai câu chuyện, khi thợ phát hiện ra, thì đừng hỏi tại sao thợ kéo bầy nghỉ hết.
8/ Đừng qua cầu rút ván.
Khi tiệm làm ăn khá hơn, có khách và thợ nhiều hơn. Người chủ đừng nên thay đổi cách cư xử với những người thợ lúc ban đầu. Có thể có thêm thợ giỏi hơn, rồi coi trọng họ hơn thợ cũ. Nhưng chưa chắc gì những thợ giỏi đó, lại làm lâu dài với mình. Lúc đó, vừa mất thợ cũ lẫn thợ mới luôn.
9/ Đừng bao giờ để thợ hận thù mình.
Khi người thợ hận thù mình, họ có thể làm bất cứ điều gì để gây hại đến mình. Ngành nails luôn lách luật, và có nhiều vấn đề tế nhị. Khi ra pháp luật, thường là người chủ bị thiệt chứ không phải thợ.
10/ Đừng bóc lột và ép thợ vào đường cùng.
Có nhiều người thợ vì hoàn cảnh, họ muốn có việc làm. Chủ thấy vậy ép họ nhận lương rất thấp và ép họ phải theo yêu cầu của mình. Đó là sự tàn ác. Làm ăn mà lương lẹo, bắt chẹt thợ thầy, trước sau gì cũng không có kết quả tốt.
Trên đây là 10 điều tôi muốn chia sẻ đến các bạn. Bạn chỉ có hai tay, muốn làm giàu thì phải nhờ vào tay của thợ. Người chủ hơn thua với thợ, không phải là hơn thua nhau từng câu nói cách hành xử, mà chính là, tạo điều kiện cho thợ vui vẻ làm lâu dài cho mình.
Tiền vào túi mình càng nhiều thì mình mới là người chủ thành công.
Nguồn: Chuyện Đời Thường - Khánh Đặng
Bất chấp rủi ro được ăn cả, ngã về Không: Việt Kiều Séc với những năm tháng “cày“ vì miếng cơm xứ người
Tôi ấn tượng với cộng đồng người Việt tại Séc từ ngày đầu tiên tôi sang Praha du học tháng 9/2015. Vì vậy, khi chuẩn bị tốt nghiệp, tôi không chần chừ gì, chọn ngay đề tài khóa luận tốt nghiệp là về người Việt tại đây. Một phóng sự dài về những người đồng bào của tôi và câu chuyện của họ.