14 tuổi đã đi du học, nam sinh Hà Nội rút ra loạt kinh nghiệm sau 9 năm ở nước ngoài

9 năm ở xứ người, Mai Tuấn Minh đã trưởng thành từ một cậu học sinh cấp 2 "ngơ ngác" trở thành sinh viên trường đại học danh tiếng.

09:50 13/03/2023

Năm 2004, Mai Tuấn Minh (sinh năm 1998) khi đó đang là học sinh lớp 8, trường THCS Nguyễn Trường Tộ, Hà Nội đứng trước hai lựa chọn: Vào học tiếp ở một trường quốc tế tại ngay đất nước mình, hoặc đi du học sớm ở một quốc gia khác. Gia đình và cả bản thân Minh khi đó cân nhắc thiệt hơn rất nhiều bởi đơn giản, việc bắt đầu ở một môi trường xa lạ, ở độ tuổi chưa thực sự trưởng thành không bao giờ là một trải nghiệm dễ dàng.

Cuối cùng, sau nhiều đêm suy nghĩ, cuối cùng gia đình vẫn chọn phương án thứ 2 bởi suy nghĩ: Đi du học sớm sẽ có môi trường tốt toàn thể cho việc rèn luyện tiếng Anh và tăng thêm hiểu biết về văn hóa, xã hội; rèn luyện tính tự lập. Thế là, cậu học sinh 14 tuổi lên đường, sẵn sàng cho một cuộc sống mới.

14 tuổi đã đi du học, nam sinh Hà Nội rút ra loạt kinh nghiệm sau 9 năm ở nước ngoài - Ảnh 1.

Cấp 2 Minh du học tự túc. Sau đó, em nhận được học bổng ở bậc Cao đẳng (Polytechnic) và Đại học. Hiện Minh đang là sinh viên Đại học Công nghệ Nanyang - một trong 3 trường công lập danh tiếng hàng đầu tại Singapore.

Từng gặp khó khăn khi giao tiếp, "choáng" vì chương trình học nặng

Dù đã chuẩn bị sẵn về kỹ năng cũng như tâm lý, nhưng giai đoạn đầu, Minh cũng như nhiều du học sinh khác, vẫn gặp phải những khó khăn khi cố gắng hòa nhập môi trường mới. Minh vẫn còn nhớ, thời gian đó, em từng có những lúc không giao tiếp được. Khi đi mua đồ, chủ yếu là... chỉ vào món đồ hơn là gọi tên.

Theo Minh, Singapore không giao tiếp theo tiếng Anh "chuẩn" mà là theo "Singlish" - tức là tiếng Anh với giọng địa phương. Không những thế, với những người lớn tuổi gốc Hoa thì họ chủ yếu biết tiếng Hoa hoặc tiếng địa phương Trung. Tuy nhiên, một thời gian sau quen dần, vấn đề ngôn ngữ với Minh trở nên "dễ thở" hơn.

Bên cạnh đó, chương trình học ở Singapore với Minh cũng là một trải nghiệm khá... vật vã. Singapore nổi tiếng là "học nặng", khá nhiều bạn sinh viên quốc tế muốn đi nước khác sau vài tháng hoặc vài năm vì áp lực học tập bên này. Ngoài ra, điểm bên này sử dụng hệ thống Bell Curve, hiểu nôm na là chỉ có người đứng đầu thì điểm mới là A chứ không dựa vào hệ thang nào khác.

Tuy nhiên, "bỏ qua" vài khó khăn ban đầu, Minh cho rằng, "đảo quốc sư tử" có văn hóa khá tương đồng Việt Nam khiến em vơi đi nỗi nhớ nhà. Vì đều ở khu Đông Nam Á nên ẩm thực cũng không khác gì nhiều, có nhiều quán ăn Việt. Từ bình dân như đồ ăn ở khu chợ đến cao cấp như nhà hàng, đồ Việt xuất hiện ngày càng nhiều tại Singapore. Những ngày lễ của Việt Nam như Tết cũng được tổ chức tại Singapore.

Hệ thống giao thông công cộng của Singapore khá tốt nên không thực sự cần sở hữu phương tiện cá nhân, thường ở đây cũng không quá sợ tệ nạn như cướp bóc. Chi phí giáo dục tốt so với chất lượng. Trường ở Singapore, kể cả cấp 2 đều đạt được những chứng chỉ tốt so với giá thành giáo dục. Nếu theo học tại 2 trường đại học lớn nhất của Singapore là Đại học Quốc gia Singapore và Đại học Công nghệ Nanyang thì 2 trường này đều chi phí rất rẻ so với các trường đại học còn lại ở trong top 20 bảng QS ranking.

Từ kinh nghiệm bản thân, Minh cho rằng, đi du học sớm là một trải nghiệm mới lạ, tuy nhiên các bạn trẻ và gia đình cũng cần lưu ý rằng ngoài sức nặng về tài chính thì còn cần lưu ý về vấn đề tâm sinh lý và sức nặng của giáo trình tại Singapore. Nếu như chuẩn bị kỹ và biết được kinh nghiệm của người đi trước thì sẽ hữu ích hơn rất nhiều.

Những điều học được sau 9 năm du học

Nhiều năm ở nước ngoài, Minh nhận thấy, ngoài việc phát triển kỹ năng ngôn ngữ, trải nghiệm xa xứ khiến em yêu đất nước mình hơn, đồng thời cũng nhận được nhiều bài học kinh nghiệm khác.

1. Yêu đất nước Việt Nam hơn

Người Việt rất yêu nước và thế hệ nào cũng có sự khao khát mong đất nước đi lên một tầm cao mới. Nghe thì hơi kỳ lạ nhưng khi bạn đi ra nước ngoài thì năm đầu là năm "hoa hồng", nghĩa là mọi thứ ở nước bạn du học sẽ là thứ tốt đẹp mà mình chưa biết hết được. Đến năm thứ năm, khi bạn biết hết mọi thứ thì bạn thấy dù ở đâu cũng sẽ có nhiều điểm chưa ổn. Bạn sẽ thấy đất nước mình có nhiều ưu điểm, và thêm yêu nơi mình đã sinh ra.

2. Khả năng tự lập tốt hơn

Đi du học đồng nghĩa với việc xa gia đình, bố mẹ. Những việc rất đơn giản như rửa bát, lau nhà cửa, nấu ăn... thì bạn phải đều tự làm. Hầu như ai cũng có cú sốc lúc mới đi nước ngoài, có nhiều bạn khóc (chuyện khá bình thường) khi ở xa gia đình những ngày đầu. Nhưng lúc mà bị ngã, theo cả nghĩa bóng và nghĩa đen mà không có bố mẹ nâng đỡ thì mình sẽ học được nhiều hơn thay vì lúc nào cũng có người khác "gánh".

"Mọi người hồi học cấp 2 với mình hay trêu là mình thay đổi rất nhiều, thực ra nó không hẳn do hệ thống giáo dục của Singapore mà là mình đã phải tự lo rất nhiều. Kể cả khi đóng tiền học, quyết định học đại học nào hay đơn giản là mua đồ ở đâu tiết kiệm tiền ở Singapore đều là tự thân. Dù sao thì mọi người cũng sẽ phải có cuộc sống riêng nên việc tự lập sớm sẽ giúp cho phát triển gia đình sau này", Minh chia sẻ.

3. Hiểu biết văn hóa nước khác

Một môi trường học tập hoàn toàn mới, con người mới, cách ứng xử mới, nền văn hóa mới... sẽ khiến bạn dễ rơi vào tình trạng lạc lõng, khó hòa nhập... Những kiến thức bạn thu nhận được thông qua sách vở chỉ là một phần rất nhỏ, khi bạn thực sự bước chân đến một miền đất mới, bạn mới có thể hiểu hết về văn hóa và lối sống ở đó. Trải nghiệm phong phú này cho phép bạn vượt ra khỏi giới hạn an toàn của bản thân, gặp những điều bạn chưa từng mong đợi cũng như gặp gỡ những người lớn lên trong một nền văn hóa khác.

4. Bằng cấp có giá trị làm việc ở nước ngoài

Singapore hiện tại đã ký kết hiệp định Washington Accord nên với bằng Kỹ thuật học tại Singapore ở trường công lập, việc xin làm kỹ thuật các nước khác sẽ khá dễ dàng. Kinh nghiệm sống trong môi trường liên văn hóa và trải nghiệm sử dụng ngoại ngữ trong đời sống hàng ngày sẽ giúp tăng điểm cho CV của bạn.

Tags:
Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất