2 anh em Việt bán bánh mì “Xin chào” khiến người Nhật mê tít
Giống như câu nói xin chào là bài học đầu tiên trong cuộc đời thì ổ bánh mì là thứ đơn giản nhất đi vào lòng thực khách – câu nói này đã gieo vào lòng chàng thanh niên Việt Nam ước mơ khởi nghiệp táo bạo nơi xứ người.
16:29 30/12/2017
Cảm hứng lập nghiệp từ câu “Xin chào”
Trong một lần sang Tokyo thăm bạn gái, Bùi Thanh Tâm (1991), đã rất ấn tượng với những cu “Xin chào, xin chào” vọng ra từ các hàng quán của Nhật Bản. Tình cờ, anh cũng tận mắt chứng kiến một đoàn dài du khách từ khắp nơi trên thế giới xếp hàng để mua cho bằng được ổ bánh mì Kebab (có nguồn gốc từ Thổ Nhĩ Kì).
Tâm thấy rất kỳ lạ vì món bánh mì Kebab so với bánh mì Việt Nam không có gì đặc biệt hơn. Ý tưởng về việc mở một cửa hàng bánh mì Việt Nam trên đất Nhật bỗng lóe lên trong đầu chàng thanh niên trẻ.
Ngay sau đó, Tâm gọi điện cho anh trai mình là Bùi Thanh Duy (1986) – hiện đang là nhân viên quản lý thực tập sinh Việt có trụ sở tại Osaka để bàn bạc về ý tưởng này.
Anh trai Tâm ngay lập tức đồng tình và cùng em mở cửa hàng bánh mì thuần Việt.
Cửa hàng bánh mì của hai anh em người Việt rất đơn giản, dễ thương và gần gũi ngay từ tên gọi “Xin chào”.
Ổ bánh Mì vàng ươm, không cao sang, cầu kỳ nhưng khi cắn vào lại thấy lớp vỏ giòn rụm hòa quyện cùng lớp rau, thịt mềm mại, béo ngậy bên trong và lớp nước sốt cay cay tạo nên một hương vị đặc trưng mà không loại bánh sandwich của quốc gia nào có được. Món bánh mì này thực sự là niềm tự hào của người dân Việt vì nhắc đến bánh mì là nhắc đến Việt Nam.
Tiệm bánh mì của Tâm và Duy không phải là quán ăn kiểu Việt đầu tiên trên đất Tokyo nhưng là nơi duy nhất chỉ phục vụ bánh mì. Công thức tạo ra bánh mì của hai chàng trai đất Quảng cũng đảm bảo thuần Việt 100% và là kiểu khẩu vị rất quen thuộc của người dân Việt gồm thịt nướng, chả thái, dưa sợi muối chua.
Những loại nguyên liệu bên trong bánh mì được hai anh em tự tay chế biến để đảm bảo: “Taste bánh mì, taste Việt Nam”, trừ phần vỏ bánh mì thì phải đặt ở một xưởng bánh khác của Nhật.
Thắp lửa khởi nghiệp
Khởi nghiệp trên đất khách là một bài toán cực khó đối với những thanh niên trẻ như Tâm và Duy. Trong khi Tâm vẫn đang là sinh viên năm cuối của một trường đại học còn người anh là Duy vẫn đang phải hàng ngày vật lộn cùng công việc để nuôi gia đình nhỏ của mình thì việc khởi nghiệp ấy lại càng khó khăn hơn.
Theo luật pháp sở tại, nếu người nước ngoài muốn kinh doanh ở Nhật phải được một người quốc tịch Nhật Bản có công việc và mức lương ổn định bảo lãnh. Nhưng rất may, trong trường học của Tâm có một vị thầy giáo đáng kính đã sẵn lòng giúp đỡ anh em Tâm đứng ra bảo lãnh để đăng ký kinh doanh.
Hai anh em cũng đi học đầy đủ các lớp an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định của chính quyền sở tại.
Có những lúc Tâm và Duy thực sự thấy mình liều lĩnh vì đây là canh bạc đầu tiên nhưng cả hai lại dám dốc toàn bộ sức lực và tiền của vào canh bạc ấy.
Sau 3 tháng hoạt động, tiệm bánh mì Xin Chào của tâm và Duy đã vượt mức an toàn với số lợi nhuận ít ỏi. Tiền lãi đó hai anh em đều phải trả cho các nhà đầu tư trong công ty còn hai anh em chỉ nhận lại số tiền như lượng lương hàng tháng vẫn đi làm.
Khó khăn, vất vả nhưng Tâm và Duy không hề nản chí. Tâm vẫn nuôi ước mơ một ngày nào đó sẽ phát triển mô hình của mình với quy mô lớn bằng việc chuyển nhượng và cạnh tranh được với các đối thủ nặng ký cùng ngành khác trên thị trường.
Mới đây, câu chuyện khởi nghiệp từ bánh mì Xin chào của hai anh em Tâm và Duy phát sóng trên đài truyền hình Việt Nam đã được giới trẻ chia sẻ rộng rãi. Nó trở thành nguồn cảm hứng để thắp cháy lên ngọn lửa khởi nghiệp của những người Việt trẻ khác trên toàn thế giới.
Nguồn: Nhatbanplus.com
Người Nhật và cách “nhìn người” qua nhóm máu
Bạn là người thuộc nhóm máu A,B,O hay AB ? nếu bạn sống tại Việt Nam thì điều đó có thể không quan trọng, thậm chí có rất nhiều người hiện tại còn không biết là mình thuộc nhóm máu gì.