3 lần giáp mặt cảnh sát, tôi đã hiểu vì sao dù hoa quả rụng đầy vườn nhưng không hề có ai ở Nhật tiện tay nhặt mang về nhà
Hoa quả rơi trong vườn nhà người ta, có thể người ta không ăn đâu nhưng nếu nhặt lên mà không xin phép thì bị coi là ăn cắp, ăn trộm.
13:00 28/12/2018
Lần thứ 1
Tôi thấy mình khá có duyên với cảnh sát Nhật. Ngoài chuyện được chú cảnh sát dẫn đường đến chỗ làm thủ tục giấy tờ như đã từng kể ở trên, còn có ba câu chuyện dở khóc dở cười nữa. Lần đầu tiên là bị cảnh sát Nhật nhắc nhở khi không bật đèn xe đạp buổi tối. Hồi đó mới sang nên khỏi cần nói cũng biết tôi run sợ thế nào.
Đó là một bác cảnh sát đứng tuổi có khuôn mặt khá nghiêm nghị. Bác nói giọng địa phương nên hơi khó nghe, càng làm tôi thấy lúng túng. Sau khi bác ấy biết tôi là du học sinh Việt Nam và mới sang Nhật được hai, ba tháng, giọng bác ấy có chút thay đổi. Rồi tự nhiên hỏi tôi:
– Là người Việt thì biết ca sĩ Khánh Ly nhỉ?
– Vâng, đương nhiên ạ. Ca sỹ Khánh Ly rất nổi tiếng.
– Bác đã từng nghe Khánh Ly hát tại một hội chợ ở Osaka từ hồi bác còn ở Osaka làm việc. Có cái bài 美しい昔 Diễm xưa nghe từ hồi đó đến giờ vẫn nhớ mãi.
Rồi cứ thế từ câu chuyện một người cảnh sát làm nhiệm vụ nhắc nhở người đi đường chấp hành luật chuyển sang câu chuyện hai thần tượng nói về ca sĩ của mình.
Nếu lúc đó tôi không nói khéo là giờ cháu phải đi siêu thị mua đồ thì chắc còn bị bác ấy giữ chân buôn chuyện âm nhạc Khánh Ly mất.
Lần thứ 2
Câu chuyện thứ hai mà tôi sắp kể ra đây không khác gì một bộ phim cảnh sát hình sự. Chuyện là có một cô em khóa dưới sang học một năm trao đổi đến lúc tốt nghiệp sắp về, muốn nhượng lại chiếc xe đạp đang dùng.
Đúng lúc đó thì xe đạp của tôi hỏng nên đã ngỏ lời xin xe của em ấy. Tôi hiểu rất rõ luật bên Nhật là đối với ngay cả xe đạp, khi muốn chuyển nhượng cũng cần phải đổi cả giấy đăng ký xe để thành chính chủ. Nhưng vì đợt đó lu bu nhiều việc, tôi cứ nấn ná mãi chẳng chịu đi đổi. Và rồi, điều gì đến cũng đã đến.
Buổi trưa hôm đó tôi đi ăn ở quán sukiya yêu thích. Khổ nỗi quán đó nằm ngay cạnh bốt cảnh sát. Đợt đó đang tầm cuối tháng Ba nên cảnh sát thường xuyên đi kiểm tra khu vực xem có xe ăn cắp, ăn trộm hay gì không.
Đang ăn, bất chợt nhìn ra ngoài thì thấy một, hai cảnh sát đang ngó nghiêng vào khu vực xe đạp để trước quán, linh tính mách bảo có chuyện chẳng lành vì tự thân biết mình đang đi xe không chính chủ.
Được một vài phút sau, ngẩng đầu lên thì không thấy bóng dáng hai cánh sát đó đâu nữa, tôi thở phào nhẹ nhõm, rồi bình thản thanh toán tiền đi ra ngoài. Ra đến nơi, tôi vừa mở được khóa xe ra thì có một người phụ nữ ăn mặc bình thường đến gần và hỏi có biết đường đến địa chỉ ghi trên giấy không?
Mới chỉ kịp nhìn thấy mấy cái đường nguệch ngoạc trên giấy thì tôi giật mình hoảng hốt, chẳng biết từ đâu có một cảnh sát cao lớn mặc đồng phục đi đến, giơ thẻ tên lên vào nói: “Cảnh sát đây. Chiếc xe đạp bạn đang đi nằm trong danh sách bị nghi là xe ăn cắp. Xin mời về đồn cảnh sát để nói chuyện”.
Ảnh minh họa.
Về đến đồn cảnh sát, họ bảo tôi ngồi xuống. Nam thanh niên lúc nãy thì thầm gì với một chú trung niên (Tôi đoán là người có chức vụ cao nhất ở đây), rồi chú ấy đi ra yêu cầu tôi xuất trình giấy tờ tùy thân.
Sau màn chào hỏi lòng vòng về nguồn gốc, xuất thân rồi đang học ở đâu thì đến phần trình bày vì sao tôi đi chiếc xe đạp này. Tôi cũng đã nói rõ là tôi lấy của một kouhai về nước, chứ không phải ăn cắp.
Rồi người đó hỏi tôi có số của kouhai ở Việt Nam để liên lạc hay không.
Tôi trả lời tôi không biết thì chú cảnh sát đó nói chắc nịch rằng: “Nếu không liên lạc được với kouhai ở Việt Nam để xác nhận thông tin về chiếc xe đạp thì sẽ chuyển tôi lên Sở cảnh sát để điều tra”.
Tôi chỉ có mỗi địa chỉ Facebook của cô bé khóa dưới nên đã nhắn tin nói rõ sự việc, để nếu cảnh sát có gọi điện thì cũng biết đường trả lời sao cho khớp.
Nhắn vậy nhưng mãi chẳng thấy tin nhắn trả lời. Sốt ruột nhưng cũng chẳng thể trách bởi múi giờ lệch nhau và có phải lúc nào cũng cầm máy điện thoại đâu mà trả lời ngay được. Nói qua nói lại một lúc thì tôi bị áp giải lên Sở Cảnh sát Saga.
Lên ô tô ngồi kẹp giữa hai người, cảm giác không khác gì tội phạm. Lên đến nơi, vừa bước vào cửa thì thấy bao nhiêu bức ảnh tội phạm đang bị truy nã. Tôi nghĩ quẩn: “Nếu cái mặt của mình mà bị dán lên trên đó thì thế nào không biết?”
Mà đúng là Sở cảnh sát có khác, chẳng biết cố tình hay vốn dĩ là như vậy mà trông mặt ai cũng hằm hằm như đao phủ.
Tôi được đưa đến một căn phòng nhỏ, mà tiếng Việt gọi là phòng thẩm tra.
Ở đây, tôi lại bị một người khác hỏi cung tiếp, cũng là những câu hỏi như thế, thái độ như thế và câu trả lời như thế. Cô bé kia mãi không thấy đọc tin nhắn tôi gửi, mà chẳng lẽ cứ ngồi mãi ở đây, tôi đang nghĩ xem mình cần làm gì thì họ nói sẽ thả tôi ra với điều kiện có người bảo lãnh đến.
Tôi nhớ đến thầy giáo và điện cho thầy. Phải gọi đến cuộc thứ ba thầy mới nghe máy:
– Thầy ơi, bây giờ nói chuyện điện thoại có tiện không ạ?
– Ừ, thầy vừa dạy xong. Có chuyện gì em?
– Em đang ở sở cảnh sát thầy ạ – Tôi lí nhí.
– Cái gì? Sao em lại ở đó?
Người dân rủ nhau ra mặt đường để… câu cá
– Em đi xe đạp của một kouhai để lại nhưng chưa đăng ký tên của mình, cảnh sát nghi em đi xe ăn cắp nên bắt đến Sở. Bây giờ không liên lạc được với em kia để xác minh, nên họ nói chỉ cần có người bảo lãnh đến ký vào bản cam kết họ sẽ thả em ra. Thầy có thể đến đây giúp em được không ạ?
– Ừ, ở Sở cảnh sát Saga à?
– Vâng.
– Được rồi. Chắc khoảng 30 phút sau thầy đến nơi.
– Em cảm ơn thầy.
Tôi quay sang nói với cảnh sát là thầy giáo tôi sẽ đến bảo lãnh. Họ chuẩn bị biên bản rồi bảo tôi viết vài dòng và ký vào đó. Được một lúc thì thầy giáo tôi đến, họ lại giải thích một lần nữa và nói thầy ký vào giấy.
Thầy tôi rất nhiệt tình bảo vệ học trò, nói là sinh viên của tôi chăm chỉ, cố gắng, không làm việc xấu đâu. Họ bảo họ hiểu vì tiếng Nhật khá, lại đang học thạc sỹ nữa nên không có lý do gì để ăn trộm. Xe đạp của tôi bị tịch thu nên tôi đi taxi về cùng thầy.
Trên xe thầy cứ nhìn tôi cười, còn tôi thì vô cùng ngại khi kéo thầy vào việc chẳng hay ho này. Thầy bảo ở Nhật rất phiền toái ở những trường hợp như thế này nên cần chú ý.
Hoa quả rơi trong vườn nhà người ta, có thể người ta cũng chẳng ăn đâu nhưng nếu nhặt lên mà không xin phép thì bị coi là ăn cắp, ăn trộm. Rồi vỗ vai động viên nói: “Thôi, dù sao cũng là trải nghiệm cho biết, sở cảnh sát Nhật như thế nào”.
Lần thứ 3
Lần chạm trán thứ ba với cảnh sát tuy không trực tiếp nhưng cũng khiến tôi ngỡ ngàng. Đợt đó tôi đi ăn tối với hai bạn người Nhật, trong đó có một bạn có ô tô. Bạn tôi lại sống ở một thành phố khác nên không quen đường, còn tôi thì mang tiếng ở đó nhưng lại mù đường, cũng chẳng mấy khi đi ăn ngoài nên không biết đâu với đâu.
Ba đứa vừa chạy xe vừa nhìn xem có quán ăn nào không, thì chẳng may đi vào đường cấm.
Ngay lập tức xe cảnh sát từ phía sau bắc loa lên nói: “Đề nghị xe biển số… dừng lại”. Bạn tôi biết đó là xe chúng tôi đã phạm luật nên nghiêm chỉnh chấp hành dừng lại. Một chú cảnh sát tiến đến chào hỏi rất lịch sự rồi giải thích vì sao phạm luật.
Vì lời giải thích khá dài dòng nên bạn tôi có vẻ bực và nói: “Lập biên bản nhanh lên” thì chú cảnh sát kia ngay lập tức cúi đầu xin lỗi.
Tôi thấy rất lạ lẫm vì cảnh sát bên Nhật đúng nghĩa một nhân viên như các công nhân viên chức khác, dân có quyền mắng, có quyền khó chịu chứ không phải khép nép hay lo sợ như người Việt mỗi lần bị cảnh sát sờ gáy.
Số tiền phạt được ghi thành hóa đơn để đem đi chuyển khoản chứ không đưa tiền trực tiếp. Chừng nấy điều thôi cũng thấy được sự văn minh và kín đáo của một Quốc gia phát triển.
(*) Nội dung tham khảo cuốn sách: Nước Nhật đến và yêu- tác giả: Dương Linh.
Nguồn: soha.vn
Bí kíp xin được việc tại Nhật Bản của một du học sinh Việt dù không đúng ngành học và cạnh tranh với chính người Nhật
Xin việc là một giai đoạn quan trọng trong cuộc đời mà bất kỳ sinh viên Nhật nào cũng phải trải qua.