30 tuổi, không có tiền tiết kiệm, tôi sống trong nơm nớp lo sợ: Chúng ta cần có bao nhiêu tiền tiết kiệm để cảm thấy an toàn hơn?

Có tiền tiết kiệm đồng nghĩa với việc bạn có được nhiều quyền lựa chọn hơn, đủ năng lực để nói "KHÔNG" với thế giới này. Bạn không nhất thiết phải giàu nứt đố đổ vách, nhưng bạn cần một khoản tiền tiết kiệm - nguồn đại diện sức mạnh giúp chúng ta luôn mỉm cười đối mặt với cuộc sống.

14:00 02/06/2019

Có người nói tuổi 30 là một ngã rẽ quan trọng trong cuộc đời. Bước sang tuổi 30, bạn có nhiều sự mong đợi, đồng thời cũng phải gánh vác nhiều trách nhiệm hơn. Tuổi 30 cũng là lúc bạn phải xác lập mục tiêu sống và phương hướng phát triển cho bản thân, hướng mình vào một trạng thái quỹ đạo tương đối ổn định.

Có người từng đặt câu hỏi rằng: "30 tuổi chúng ta nên có bao nhiêu tiền tiết kiệm trong tay mới cảm thấy an toàn?"

Dĩ nhiên sẽ có rất nhiều những câu trả lời khác nhau. Mỗi người đều có những tiêu chuẩn đánh giá nhất định của riêng mình. Điều này không khó hiểu. Bởi hoàn cảnh, nghề nghiệp và trải nghiệm của mỗi người là không giống nhau. Nên con số bao nhiêu tiền mới mang lại cảm giác an toàn dĩ nhiên cũng sẽ hoàn toàn khác nhau.

Nếu như bạn nửa năm không làm việc mà cuộc sống của bạn vẫn vận hành bình thường. Bao gồm tiền thuê nhà, lãi ngân hàng, thẻ tín dụng…mọi thứ vẫn được chi trả bình thường. Như vậy tức là bạn đã có được cảm giác an toàn ở một mức độ nhất định. Cuộc sống sẽ không quá căng thẳng và o ép.

Nhưng nếu câu trả lời là không, vậy thì tình trạng của bạn tương đối nguy hiểm. Bất cứ một biến cố bất ngờ nào cũng đủ để bạn, thậm chí là cả gia đình bạn phải chịu sự đả kích lớn.

30 tuổi, không có tiền tiết kiệm, tôi sống trong nơm nớp lo sợ: Chúng ta cần có bao nhiêu tiền tiết kiệm để cảm thấy an toàn hơn? - Ảnh 1.

01

Tiền tiết kiệm chính là khả năng chống đỡ rủi ro của bạn.

Nói một cách khác, con số cụ thể là bao nhiêu không quan trọng, quan trọng là bạn có đủ tiền tiết kiệm để giữ được cuộc sống ổn định trong một khoảng thời gian nhất định. Đó chính là khả năng chống đỡ rủi ro của bạn.

Anh bạn Tùng tuần trước bị cảm cúm nặng, vẫn cố đi làm. Tôi hỏi tại sao không ở nhà nghỉ. Tùng ảm đạm kể cho tôi nghe về tình trạng cuộc sống hiện tại:

Tháng nào cũng vắt chân lên cổ mong chờ "anh lương". Lương vừa bắn vào thẻ liền rút ra trả tiền thuê nhà, điện nước, tiền lãi, thanh toán thẻ tín dụng… Số còn lại nộp học phí cho con, trang trải sinh hoạt hàng ngày. Tính kỹ ra, trong tay chẳng còn thừa được mấy đồng.

Tùng nói, nhiều đêm lo lắng suy nghĩ quá không ngủ được, không dám ốm, không dám xin nghỉ… Bởi Tùng biết rõ rằng, chỉ cần dừng lại, trật tự cuộc sống mà anh đang phải vất vả lắm mới duy trì được có thể sẽ sụp đổ ngay tức khắc.

Theo một số liệu khảo sát những người dưới 35 tuổi năm 2018, có 55% số người tham gia khảo sát chưa từng bắt đầu tiết kiệm tiền. Điều này có nghĩa là 55% số người có số dư tài khoản = 0, hoặc thậm chí là âm.

Đồng nghĩa với việc, trong xã hội nắng mưa thất thường, hiện thực tàn khốc này, nếu như có bất cứ rủi ro nào ập đến, số người này có thể sẽ bị đánh gục.

Thời trẻ, thường nghĩ rằng, cuộc đời ngắn ngủi, nên phải cố tận hưởng hết mức có thể. Có tiền tiêu tiền, có rượu uống rượu… Nhưng trưởng thành rồi mới hiểu rõ, bất cứ việc gì trên đời này cũng đều tồn tại rủi ro. Do vậy bạn buộc phải có sự chuẩn bị về tâm lý cũng như khả năng chống đỡ rủi ro.

Bạn cho rằng chỉ cần có công việc ổn định, lương tháng vào tài khoản đều như vắt chanh là đủ sao? Xã hội thay đổi không ngừng không nghỉ một cách chóng mặt. Trên đời này vốn không có công việc nào là ổn định, lâu dài cả. Càng không có cái gọi là "làm chỉ một lần mà hưởng thụ mãi mãi".

Bạn cho rằng chỉ cần tìm thấy một người đàn ông đáng tin cậy, xây dựng hạnh phúc gia đình mà không biết rằng bản thân hôn nhân là một canh bạc.

Bạn cho rằng cha mẹ mãi là bến đỗ, nhưng bạn lại quên rằng, cha mẹ đã già, sức khỏe không còn được như xưa. Một cơn đau đột ngột cũng đủ khiến cả gia đình sụp đổ…

Dựa núi núi lở, dựa người người chạy, chỉ có dựa vào chính bản thân mình mới thực sự đáng tin cậy nhất.

Xét về một mức độ nào đó, số dư trong tài khoản ngân hàng của bạn chính là khả năng chống đỡ rủi ro của bạn trong tương lai.

Rất nhiều người trẻ tiêu sài hoang phí một cách trắng trợn, lý do là bởi có cha mẹ chống lưng, đệm tiền vào túi.

Thế nhưng, cha mẹ lo liệu nửa đời, vất vả nuôi chúng ta khôn lớn. Về già không những không được bạn báo đáp công ơn. Ngược lại còn phải chịu áp lực, gánh nặng chống lưng cho bạn. Bạn có bao giờ suy nghĩ tới cảm nhận của cha mẹ chưa?

Một người trưởng thành thực sự là người vừa biết đưa ra sự lựa chọn, vừa biết trả giá cho sự lựa chọn của mình.

Những người có thể chiến đấu tới cùng không phải nhờ vận may và sự thông minh. Mà là nhờ khả năng chống đỡ rủi ro.

02

Có tiền tiết kiệm trong tay mới thực sự tự do trọn gói.

Bữa trước, ngồi nói chuyện với Hoa, cô bạn đại học cũ. Hoa than thở với tôi rằng: Công việc hiện tại không những lương thấp mà còn phải thường xuyên tăng ca. Sếp không đáng tin, đồng nghiệp không có trách nhiệm…

Tôi hỏi Hoa: "Vậy tại sao cậu không đổi không việc khác?"

Hoa dừng lại đôi chút, vẻ mặt khó coi: "Tớ cũng muốn đổi làm chứ, nhưng tiền nhà tháng tới ai trả, chi tiêu hàng ngày ai lo. Số dư trong tài khoản ngân hàng không đủ để tớ sống qua những ngày nghỉ việc".

Đúng, đây chẳng phải là hậu quả của việc trong tay không có tiền tiết kiệm sao? Điều này đâu có ít gặp trong cuộc sống hiện nay.

Ngậm đắng nuốt cay theo đuổi công việc đau khổ không như mong muốn. Vì không có tiền tiết kiệm nên không dám ốm, không dám dừng lại và không dám nghỉ việc.

Sa chân vào vũng lầy hôn nhân tồi tệ. Nhưng vì trong tay không có tiền tiết kiệm, sợ một mình không sống nổi nên chần chừ không dám ly hôn.

Mùa hè đến, cũng muốn như ai đó tới phòng tập Gym, nhưng chỉ vì không có tiền tiết kiệm nên đành phải ngước nhìn rồi lặng lẽ bỏ đi.

Nữ diễn viên Hoa Kiều Lucy Liu trong một lần tiếp nhận phỏng vấn đã kể rằng: "Tôi học được một điều từ cha của mình, đó là việc gì cũng coi như một mối làm ăn kinh doanh. Do vậy, sau khi đi làm tôi cố gắng tích cóp tiền, gọi là "quỹ riêng". Làm như vậy, khi sếp đuổi việc bạn hoặc bạn không muốn làm việc nữa, bạn hoàn toàn có thể đủ tự tin để vênh mặt với đời."

Cuộc sống này vốn không như mong muốn. Áp lực, đả kích, khó khăn hoạn nạn giống như mây trùng trùng. Nhưng tiền tiết kiệm có thể giúp bạn rời khỏi những môi trường hoặc con người không phù hợp với bạn. Giúp bạn xoay chuyển tình thế khó khăn, cho bạn động lực để bước tiếp.

Một trong những tiêu chuẩn quan trọng của hạnh phúc đó là thường xuyên nói không với những việc mà bản thân mình không thích.

Nhiều khi, tiền tiết kiệm đồng nghĩa với việc bạn có được nhiều quyền lựa chọn hơn, đủ năng lực để nói "KHÔNG" với thế giới này.

30 tuổi, không có tiền tiết kiệm, tôi sống trong nơm nớp lo sợ: Chúng ta cần có bao nhiêu tiền tiết kiệm để cảm thấy an toàn hơn? - Ảnh 2.

03

Tiền tiết kiệm cho bạn sự tự tin. 

Tôi xin chia sẻ câu chuyện của một người bạn:

Mai là một bà mẹ đơn thân, đã ly hôn được 8 năm. Ngày mới ly hôn, Mai gần như trắng tay, cuộc sống như bước vào một thế giới hoàn toàn mới. Không ai thấu hiểu được việc Mai phải cắn răng chịu đựng như thế nào để vượt qua được những chuỗi ngày đó.

Những năm qua, Mai tính toán chi tiêu tiết kiệm hết mức có thể. Số dư ngày một tăng lên trong tài khoản ngân hàng chính là nguồn động lực sống lớn nhất của mẹ con Mai. Năm ngoái, Mai đã tự mua cho mình một căn hộ chung cư cao cấp bằng chính số tiền mà Mai vất vả tích cóp được.

Đối với Mai mà nói dù là tiền tích cóp trong thẻ ngân hàng hay căn hộ chung cư, ý nghĩa quan trọng nhất của chúng đối với Mai đó là có được cuộc sống tự lập không phải dựa dẫm, ỷ lại vào người khác.

Mai bày tỏ: "Tôi không yêu tiền. Tôi chỉ yêu cuộc sống độc lập tự do mà tiền mang lại".

Tiền tiết kiệm là nguồn sức mạnh lớn nhất của mỗi người. Nó là lớp áo giáp bảo vệ rắn chắc nhất trên thế giới này. Nó giúp bạn vượt qua mọi chông gai và thử thách. Giúp bạn kiên cường và sẵn sàng đón nhận thử thách mỗi ngày.

Tôi có cậu bạn làm công việc shipper ở thành phố hơn một năm nay. Ngày ngày đội mưa đội nắng ship hàng. Tuy mệt nhưng vẫn rất phấn khởi. Bởi hiện tại cậu ấy đã có 100 triệu tiết kiệm trong ngân hàng. Nhiều người nói sống ở thành phố không có cảm giác thân thuộc. Nhưng mỗi lần nghĩ tới số tiền tiết kiệm trong tài khoản, cậu ấy là tràn đầy dũng khí để tiếp tục lập thân lập nghiệp tại thành phố.

Con người chúng ta không nhất thiết phải theo đuổi sự giàu có nhưng phải đủ để duy trì cuộc sống danh dự. Đủ để khiến bản thân không bị gò bó trong công việc, vô tư, vô lo và tự lập.

Chúng ta không nhất thiết phải giàu nứt đố đổ vách, nhưng chúng ta cần một khoản tiền tiết kiệm. Là nguồn đại diện sức mạnh giúp chúng ta luôn mỉm cười đối mặt với cuộc sống này.

30 tuổi, không có tiền tiết kiệm, tôi sống trong nơm nớp lo sợ: Chúng ta cần có bao nhiêu tiền tiết kiệm để cảm thấy an toàn hơn? - Ảnh 3.

04

Nếu quan sát kỹ những người sống ung dung, tự tại, bạn sẽ phát hiện đại đa số họ đều biết kiếm tiền, tiêu  tiền và càng biết tích cóp tiền.

Biết kiếm tiền là một khả năng của con người. Một người biết kiếm tiền sẽ trưởng thành theo sự thay đổi của thời gian. Đồng thời không ngừng khai thác tiềm năng của mình.

Biết tiêu tiền không phải là tiêu tiền một cách phung phí mà là tiêu tiền một cách tiết kiệm và có kế hoạch. Tiêu tiền đúng mục đích, đúng chỗ và có chất lượng.

Biết tích cóp tiết kiệm tiền không phải là khắc khổ tiết kiệm chi tiêu cuộc sống. Mà là phân bổ thu nhập hàng tháng một cách hợp lý. Một phần cố định để tiết kiệm hoặc quản lý tài chính. Còn một phần sử dụng để chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày.

Khi chúng ta phát hiện bản thân ngày càng không nỡ tiêu tiền, không đồng nghĩa với việc chúng ta ngày càng keo kiệt. Mà là chúng ta đang ngày càng trưởng thành, bắt đầu biết cách quy hoạch tương lai và sử dụng tiền bạc một cách hợp lý

Chỉ những người kiểm soát được tiền bạc mới có thể kiểm soát được cuộc đời. Do vậy, người trẻ ơi, không có việc gì hãy bớt buông thả, rảnh rỗi hãy năng tiết kiệm tiền.

Hy vọng, bạn đủ mạnh để bảo vệ những người mà bạn quan tâm. Hy vọng sự nỗ lực và tích lũy của ngày hôm nay đủ để soi sáng con đường đời tương lai của bạn.

Theo: kenh14.vn

Tags:
Hy hữu: Ăn mì gói suốt 60 năm, cụ ông Nhật Bản vẫn thọ gần trăm tuổi

Hy hữu: Ăn mì gói suốt 60 năm, cụ ông Nhật Bản vẫn thọ gần trăm tuổi

Cụ ông này không hề xa lạ gì mà chính là “cha đẻ” của món mì gói, đồng thời là nhà sáng lập của hãng mì trứ danh Nissin.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất