4 khoảnh khắc rất đỗi đời thường nhưng đủ để thấy người Nhật hiếu khách nhất quả đất luôn
Bạn sẽ bất ngờ khi biết chỉ một tờ giấy hay đàn vịt qua đường cũng có thể nói lên rất nhiều điều về lòng dễ mến của con người Nhật Bản đấy!
22:00 25/11/2018
Chúng ta đã nói rất nhiều về con người Nhật Bản, về những con người đặt nặng lòng hiếu khách và sự dễ mến lên hàng đầu. Dạo quanh một vòng các quán xá, nhà hàng nơi đây, những gì bạn bắt gặp được sẽ là những nụ cười luôn hé trên môi, những cái cúi đầu kính cẩn như thể chứng minh rằng "bạn rất đỗi quan trọng" vậy.
Nét đẹp trong văn hóa ứng xử của các cư dân tại xứ sở mặt trời mọc đã trở thành điều không thể chối cãi - song nó đâu chỉ bộc lộ qua cung cách phục vụ khách hàng chu đáo và mềm mại hệt như cánh hoa đào rơi trên núi Phú Sỹ, mà còn ở từng khoảnh khắc đời thường như dưới đây:
Mẩu giấy thông báo bên cạnh cây cam trĩu quả
Thông báo gì đây? Cấm vặt trộm phải không?
"Của nhà trồng được. Ai đi qua nếu thích thì cứ tiện tay hái nhé! Cẩn thận không ăn phải quả bị đắng đó!" - đây là ý nghĩa của mẩu giấy viết bằng tiếng Nhật kia.
Đối nghịch với việc phải canh giữ những vườn cây ăn quả như "giữ vàng" ở các nước khác, riêng người dân Nhật Bản lại chọn cách "vẽ đường cho hươu chạy" - chẳng ngần ngại chi mà mời gọi ngay những người lạ trên đường cùng thưởng thức món quà nho nhỏ này. Mẩu thông báo được viết vắn tắt, đi kèm với nó là một chiếc kéo cán trắng được treo ngay ngắn trên hàng rào cho thực khách tiện lấy những trái cam mọng nước kia để giải khát trong một ngày nóng nực.
Đáng nói hơn cả là dù cho đã được mời ăn đàng hoàng, nhưng cây cam vẫn còn đó chi chít quả mọng, còn cây kéo thì vẫn chưa hề biến mất dù cho được đặt ở vị trí quá dễ... lấy trộm. Vậy mới thấy người dân Nhật Bản thật hiếu khách, mà cũng thật có ý thức biết bao.
Anh cảnh sát đứng ra điều tiết giao thông để... mẹ vịt cùng đàn con qua đường
Giữa đường phố sạch tinh tươm vào một ngày nắng đẹp tại Nhật Bản, với hai bên nào là Rolex, nào là Louis Vuitton, thì một anh cảnh sát bất ngờ ra hiệu cho các tài xế dừng xe, nhưng mà để làm gì nhỉ?
Với cử chỉ ân cần cùng những cái cúi đầu xin lỗi cực chu đáo đến cánh tài xế, anh cảnh sát đã giúp mẹ vịt - cùng cả đàn con thơ lẽo đẽo theo sau - qua đường một cách an toàn. Mọi thứ diễn ra cực trơn tru, và những chiếc xe trên đường cũng chẳng thèm bấm còi thúc giục đàn vịt, cứ để chúng thong dong qua đường mà thôi! Nhưng nếu không có sự trợ giúp của viên cảnh sát ân cần kia, không biết chuyện gì đã có thể xảy đến với "đại gia đình" này nữa.
Những gian hàng không người bán
Người nào đã từng sinh sống hay học tập tại Nhật Bản chắc cũng không còn lạ lẫm gì với những sạp hoa quả không có lấy một bóng người giám sát như thế này. Toàn bộ việc mua bán đều dựa trên sự trung thực của khách hàng - cũng như lòng tin tưởng tuyệt đối của những người chủ tiệm.
Quầy hàng tự phục vụ nằm tại đảo Amami gần Okinawa, phía Nam nước Nhật. Trong cửa hàng bán các loại rau phổ biến vào mùa hè như ớt chuông, bí ngô, đỗ, dưa chuột.
Thông thường, vào mỗi buổi sáng, những người nông dân Nhật Bản sẽ mang rau, củ, quả vừa thu hoạch ngày hôm qua để đem bày bán ở các sạp ngay bên vệ đường giống như trên. Họ để giá tiền bên cạnh sạp rồi lại tiếp tục đi làm những công việc khác. Khách vãng lai muốn mua hàng sẽ tự chọn sản phẩm và cho tiền vào một lon đựng xu được đặt ở ngay trước quầy. Vào cuối ngày, chủ cửa hàng sẽ chỉ cần ra dọn đồ thừa và mang tiền về.
Cách làm này đang được áp dụng vô cùng rộng rãi tại Nhật Bản vì độ tiện dụng của nó cũng như chi phí tiết kiệm được cho cả người bán lẫn người mua. Bất ngờ ở chỗ, số tiền thu được lại chả bao giờ thiếu lấy một xu, và người chủ cũng chưa bao giờ để mất dù chỉ là một hạt đậu khi quay trở lại kiểm tra gian hàng lúc xế chiều. Những sạp hàng không người này đã khiến toàn thể quan khách du lịch nước ngoài phải đặt ra những dấu hỏi lớn về một Nhật Bản đã bỏ cách nhân loại quá xa trong lĩnh vực trồng người...
Tấm biển ghi dòng chữ: “Rau giá 100 yên/mớ”. Đây là một cửa hàng khác của người nông dân tại tỉnh Kagoshima, thuộc đảo Kyushu miền Nam nước Nhật.
Không chỉ rau, mà hoa quả như quýt cũng được nhiều nông dân Nhật bán tại những cửa hàng không người như thế này.
Và cuối cùng: Phòng thay đồ của World Cup nói gì về con người Nhật Bản?
Chia tay giải đấu World Cup năm 2018 sau trận thua trước đội tuyển Bỉ, các cầu thủ Nhật Bản đã để lại trong lòng người hâm mộ một hình ảnh không thể đẹp hơn chỉ nhờ căn phòng thay đồ của mình.
Thoáng nhìn qua, sẽ không ai có thể tin được rằng đây là phòng thay đồ đã qua sử dụng, nhất lại là sau một trận bóng đá rực lửa vừa diễn ra nữa chứ. Thua sát nút 2-3, các cầu thủ tới từ xứ sở hoa anh đào đã không hề cay cú mà trái lại còn tự mình... dọn luôn căn phòng thay đồ hộ các nhân viên lao công trước khi ra về. Thậm chí khi căn phòng đã láng bóng không còn một cọng rác, họ vẫn không quên để lại một mẩu giấy nhỏ ghi chữ "Xin cảm ơn" viết ngay ngắn bằng tiếng Nga.
Và không chỉ thầy trò huấn luyện viên Nishino đã khiến thế giới ngưỡng mộ với cử chỉ cao đẹp của mình, mà các cổ động viên đất nước mặt trời mọc cũng để lại ấn tượng khó phai với nước chủ nhà Nga cũng như người hâm mộ ở các quốc gia khác, khi luôn nán lại dọn dẹp sạch sẽ các khán đài dù cho đội tuyển Nhật Bản thua, hay thắng:
Cổ động viên Nhật Bản luôn nán lại dọn dẹp khán đài trước khi ra về, dù đội tuyển có thua, hay thắng.
Và còn nhiều nữa những khoảnh khắc khiến con người ta khó lòng quên được Nhật Bản - một đất nước luôn dễ mến và tràn đầy sự hiếu khách thấm nhuần trong tư tưởng cư dân nơi đây.
Theo: kenh14.vn
Nhật Bản sẽ nới lỏng luật về lao động nhập cư?
Nội các Nhật Bản đã thông qua dự thảo luật nới lỏng các quy định nhập cư.