6 bí quyết sống 105 tuổi của bác sĩ Nhật Bản
Không nghỉ hưu sớm, chịu khó đi cầu thang bộ và luôn bận rộn là cách bác sĩ Shigeaki Hinohara áp dụng để có một cuộc sống trường thọ và hạnh phúc.
11:00 31/08/2020
Bác sĩ Shigeaki Hinohara qua đời năm 2017, thọ 105 tuổi, được đánh giá là người có một cuộc sống phi thường. Thời điểm qua đời, ông là chủ tịch danh dự của Đại học Quốc tế St. Luke, chủ tịch danh dự của Bệnh viện Quốc tế St. Luke, Tokyo. Ông còn được biết với cuốn sách "Sống lâu, sống tốt", trong đó ông tiết lộ những bí quyết của riêng mình để có một cuộc sống khỏe mạnh, trường thọ.
Bác sĩ Shigeaki Hinohara. Ảnh: Wikimedia Commons.
Đừng nghỉ hưu. Nếu buộc phải nghỉ hưu, hãy cứ làm việc, kể cả sau tuổi 65
Tuổi nghỉ hưu trung bình với nam giới thông thường là 65 tuổi. Trong những năm gần đây, nhiều người còn nghỉ hưu sớm. Tuy nhiên, ông Hinohara nhìn nhận mọi việc theo cách khác.
Trong cuộc phỏng vấn với tờ The Japan Times, ông từng chia sẻ: "Tuổi nghỉ hưu hiện tại được đặt ra cách đây nửa thế kỷ là 65 tuổi, khi đó tuổi thọ trung bình của người Nhật Bản là 68 tuổi, và chỉ có 125 người Nhật Bản trên 100 tuổi". Ông nhận định, ngày nay, người ta sống lâu hơn rất nhiều. Do đó, việc nghỉ hưu sau tuổi 65 là bình thường trong thời đại ngày nay.
Bản thân ông Hinohara đã thực hành những điều ông nói. Cho đến năm hơn 100 tuổi, ông vẫn tiếp tục điều trị cho bệnh nhân, có ngày làm việc tới 18 tiếng.
Đi cầu thang bộ và thường xuyên kiểm tra cân nặng
Hinohara nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tập thể dục thường xuyên: "Tôi đi bộ cầu thang mỗi ngày, mỗi lần bước hai bậc để vận động cơ". Ngoài ra, ông thường tự mang đồ đạc cá nhân.
Hinohara chỉ ra, những người sống lâu có một đặc điểm chung là không để bản thân bị thừa cân. Thực tế là vậy, béo phì là một trong những nguy cơ cao nhất làm tăng tỷ lệ mắc bệnh và tử vong.
Chế độ ăn uống của vị bác sĩ rất kỹ lưỡng: "Bữa sáng, tôi uống cafe, một ly sữa, một ít nước cam với một muỗng canh dầu oliu. Bữa trưa là sữa và bánh quy. Bữa tối là rau, một chút cá và cơm, và 100 gr thịt nạc, hai lần một tuần". Các nghiên cứu cho thấy dầu oliu mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, đặc biệt là tim mạch.
Để bản thân luôn bận rộn
Theo Hinohara, không có một lịch trình kín khiến cho người ta già đi và chết sớm hơn. Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn bận rộn không phải vì mục đích bận rộn, mà tự bản thân họ phải thấy hứng khởi, nhiệt huyết.
Theo nhà báo Janit Kawaguchi, người luôn coi bác sĩ Hinohara là một nhà cố vấn, thì: "Động lực của ông ấy là giúp đỡ mọi người, làm những điều tuyệt vời cho những người khác. Đó chính là điều đã thúc đẩy ông ấy, giúp ông sống thọ".
"Thật tuyệt khi được sống lâu", Hinohara nói trong cuộc phỏng vấn: "Cho đến năm người ta 60 tuổi, họ có thể làm việc cho gia đình, đạt được các mục tiêu sống. Nhưng những năm tháng sau này, chúng ta nên cố gắng đóng góp cho xã hội. Từ năm 65 tuổi, tôi đã làm tình nguyện viên. Tôi dành 18 giờ, bảy ngày mỗi tuần cho công việc đó, và yêu thích từng phút giây tham gia vào công việc đó".
Đừng sống quá nguyên tắc
Trong khi kêu gọi việc tập thể dục và tuân thủ theo chế độ dinh dưỡng hợp lý, ông Hinohara cho rằng không nên để bản thân bị ám ảnh bởi việc phải hạn chế các hành vi của chính mình: "Chúng ta đều nhớ khi mình còn nhỏ, chúng ta vui chơi quên ăn, quên ngủ. Tôi tin rằng chúng ta vẫn có thể giữ thái độ đó khi trưởng thành. Tốt nhất là đừng làm cơ thể mệt mỏi bởi quá nhiều quy tắc".
Hãy nhớ rằng bác sĩ không thể nào giúp chữa khỏi bách bệnh
Hinohara cảnh báo rằng không phải lúc nào cũng luôn nghe theo lời khuyên của bác sĩ. Hinohara nhấn mạnh, chỉ riêng khoa học không thể giúp ích cho con người, bởi khoa học là chung cho tất cả, còn bệnh tật của mỗi người lại khác nhau. "Đau đớn vì bệnh tật là một điều không thể ngay lập tức biết được căn nguyên, và vui vẻ là cách tốt nhất để quên đi".
Tìm cảm hứng, niềm vui và bình yên trong nghệ thuật
Theo tờ The New York Times, trong năm cuối đời, bác sĩ Hinohara gặp khó khăn trong việc ăn uống, nhưng ông từ chối ống thông dạ dày. Ông xin xuất viện về nhà, và qua đời vài tháng sau đó. Thay vì cố gắng chiến đấu với bệnh tật, ông tìm thấy sự bình yên nhờ âm nhạc, nghệ thuật.
Nguồn: vnexpress.net
Việt Nam là thị trường cung cấp tôm lớn nhất cho Nhật Bản trong 6 tháng đầu năm 2020
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, giá nhập khẩu trung bình tôm vào Nhật Bản tháng 6/2020 đạt 1.115 Yên/kg (tương đương 10,6 USD/kg), giảm 113 Yên/ kg so với cùng kỳ năm 2019, đây cũng là mức giá nhập khẩu thấp nhất kể từ đầu năm 2020.