Mấy ai còn nhớ - Bài thơ đã trên 100 tuổi nhưng vẫn còn nguyên ý nghĩa về sự giáo dục con người

Mấy ai còn nhớ - Đây là bài thơ giáo khoa do Tản Đà làm cho trẻ em lên sáu tuổi, viết năm 1919. Bài thơ đã trên 100 năm nhưng vẫn còn nguyên ý nghĩa về sự giáo dục con người.

14:14 23/09/2022

Trước khi dạy trẻ yêu nước, yêu đồng bào. Hãy dạy trẻ hiếu thuận với cha mẹ, kính quý thầy cô. Thì tất cả những cái "yêu" còn lại sẽ hình thành tốt đẹp.

Còn mấy ai nhớ bài thơ này ..?

LÊN SÁU

Sách quốc ngữ - Chữ nước ta,

Con cái nhà - Đều phải học.

Miệng thì đọc- Tai thì nghe

Đừng ngủ nhè -Chớ láu táu

Con lên sáu - Đang vỡ lòng

Học cho thông - Thầy khỏi mắng.

.

Trong trời đất - Nhất là người

Ở trên đời - Hơn giống vật

Con bé thật - Chưa biết gì

Còn ngu si - Phải dạy bảo

Cho biết đạo - Mới nên thân

Sau lớn dần - Con sẽ khá

.

Ai đẻ ta - Cha cùng mẹ

Bồng lại bế - Thương và yêu

Ơn nhường bao - Con phải ngẫm

Áo mặc ấm - Mẹ may cho

Cơm ăn no - Cha kiếm hộ

Cha mẹ đó - Là hai thân

.

Hai thân là - Là thân nhất

Trong trời đất - Không ai hơn

Con biết ơn - Nên phải hiếu

Nghĩa chữ hiếu - Đạo làm con

Con còn non - Nên học trước

Đi một bước - Nhớ hai thân

.

Con còn nhỏ - Có mẹ cha

Lúc vào ra - Được vui vẻ

Con còn bé - Mẹ hay chiều

Thấy mẹ yêu - Chớ làm nũng

Đã đi học - Phải cho ngoan

Hay quấy càn - Là chẳng hiếu.

.

Con còn bé - Mẹ hay lo

Ăn muốn cho - Lại sợ độc

Con ốm nhọc - Mẹ lo thương

Tìm thuốc thang - Che nắng gió

Con nghĩ đó - Sao cho ngoan

Hay ăn càn - Là chẳng hiếu

.

Anh em ruột - Một mẹ cha

Mẹ đẻ ra - Trước sau đó

Cùng máu mủ - Như tay chân

Nên yêu thân - Chớ ganh tị

Em coi chị - Cũng như anh

Trước là tình - Sau có lễ

.

Người trong họ - Tổ sinh ra

Ông đến cha - Bác cùng chú

Họ nội đó - Là tông chi

Cậu và dì - Về họ mẹ

Con còn bé - Nên dạy qua

Còn họ xa - Sau mới biết

.

Người trong họ - Có bề trên

Lạ hay quen - Đều phải kính

Có khách đến - Không được đùa

Ai cho quà - Đừng lấy vội

Ông bà gọi - Phải dạ thưa

Phàm người nhà - Không được hỗn

.

Con bé dại - Mãi vui chơi

Muốn ra người - Phải chăm học

Miệng đang đọc - Đừng trông ngang

Học dở dang - Đừng có chán

Học có bạn - Con dễ hay

Mến trọng thầy - Học chóng biết

.

Dạy con biết - Phép vệ sinh

Ăn quả xanh - Khó tiêu hoá

Uống nước lã - Có nhiều sâu

Áo mặc lâu - Sinh ghẻ lở

Mặt không rửa - Sinh u mê

Đang mùa hè - Càng phải giữ

.

Các giống vật - Thật là nhiều.

Như con hươu - Ở rừng cỏ

Như con chó - Nuôi giữ nhà

Con ba ba - Loài máu lạnh

Loài có cánh - Như chim câu

Còn loài sâu - Như bọ róm

.

Cây và cỏ - Có khác loài

Trông bề ngoài - Cũng dễ biết

Như cây mít - Có nhiều cành

Lúa,. cỏ gianh - Có từng đốt

Còn trong ruột - Lại khác nhau.

Vài năm sau - Con biết kỹ

.

Đá bờ sông - Không sống chết

Không có biết - Không có ăn

Không người lăn - Cứ nằm đây

Như đá cuội - Như đá xanh

Như mảnh sành - Như đất thó

Các vật đó - Theo loài kim

.

Các loài kim - Tìm ở đất

Nhất là sắt - Nhì là đồng

Làm đồ dùng - Khắp trong nước

Như vàng bạc - Càng quý hơn

Đúc làm tiền - Để mua bán.

Ai có vạn - Là người giàu.

.

Vốn xưa là - Nhà Hồng Lạc

Nay tên nước - Gọi Việt Nam

Bốn nghìn năm - Ngày mở rộng

Nam và Bắc - Ấy hai miền

Tuy khác tên - Đất vẫn một

Lào, Miên, Việt - Là Đông Dương

.

Đầu trị nước - Đức Kinh dương

Truyển Hùng Vương - Mười tám chúa

Qua mấy họ - Quân Tàu sang

Vua Đinh hoàng - Khai nghiệp đế

Trải Đinh, Lý - Đến Trần, Lê

Nay nước ta - Là nước Việt

.

Chữ nước ta - Ta phải học

Cho trí óc - Ngày mở mang

Muốn vẻ vang - Phải làm lụng

Đừng lêu lổng - Mà hư thân

Nước đang cần - Người tài giỏi

Cố học hỏi - Để tiến nhanh

.

Vừa ích mình - Vừa lợi nước

Chớ lùi bước - Là kẻ hèn

Tags:
Việt kiều Mỹ nói gì sau 30 năm trở về Việt Nam: “Tôi có quốc tịch Mỹ nhưng tôi chỉ có một quê hương. Không thể chối bỏ quê hương nơi đã sinh ra”

Việt kiều Mỹ nói gì sau 30 năm trở về Việt Nam: “Tôi có quốc tịch Mỹ nhưng tôi chỉ có một quê hương. Không thể chối bỏ quê hương nơi đã sinh ra”

Trang YouTube của Tony Trần, người Mỹ gốc Việt mới đây, đã đăng tải vi-đê-ô clíp (đoạn phim) nhan đề “Việt kiều Mỹ nói gì sau 30 năm trở về Việt Nam”.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất