Ăn đồ Nhật bao lâu nhưng bạn có biết tại sao vị cay của wasabi lại xộc lên mũi không

Nếu là một tín đồ của món sushi, thì hẳn wasabi không phải xa lạ gì với bạn. Nhưng liệu bạn đã biết vị cay wasabi lại được bạn cảm nhận ở mũi thay vì lưỡi?

21:00 21/08/2019

Wasabi – gia vị không thể thiếu khi chúng ta thưởng thức những cuộn sushi ngon lành. Vị cay nồng của loại gia vị này giúp át đi mùi tanh đặc trưng của hải sản sống, và khiến chúng ta tận hưởng quốc hồn quốc túy của Nhật Bản một cách chuẩn vị hơn.

Ăn đồ Nhật bao lâu nhưng bạn có biết tại sao vị cay của wasabi lại xộc lên mũi không? - Ảnh 1.

Và nếu đã quen ăn wasabi, hẳn bạn phải nhận ra vị cay của nó rất khác so với ớt. Wasabi khi ăn thì dường như sẽ có một luồng hơi bỏng rát xộc thẳng vào mũi bạn, còn với ớt thì đó là cảm giác nóng rực ở lưỡi và cổ họng.

Tại sao lại có sự khác biệt như vậy?

Ăn đồ Nhật bao lâu nhưng bạn có biết tại sao vị cay của wasabi lại xộc lên mũi không? - Ảnh 2.

Nguyên nhân của sự khác biệt đó bởi do chất hóa học tạo nên vị cay của hai loại gia vị là khác nhau. Chất tạo nên vị cay của ớt là capsaicin, còn với wasabi xịn thì là hợp chất allyl isothiocyanate.

Capsaicin khi ăn vào chủ yếu vẫn ở lại trong miệng và gây cay do kích thích các thụ thể đau là TPRV1. Allyl isothiocyanate thì dễ bay hơi hơn nhiều, nên sẽ biến thành hơi và tràn vào trong khoang mũi.

Tại mũi, hợp chất này kích thích các thụ thể khác là TRPA1, đây là thụ thể cảnh báo bạn về sự hiện diện của các loại khí gây chảy nước mắt, khói thuốc, hay khí thải xe cộ. Nói chung, TRPA1 giúp báo động cơ thể về các chất dạng khí gây khó chịu.

Khi đã bị kích thích, TRPA1 sẽ gửi tín hiệu đến não, kết quả làm chúng ta nhận được cái gọi là cảm giác thiêu đốt hoặc ngứa. Và đơn giản do TRPA1 tập trung chủ yếu ở mũi hơn là miệng nên hầu hết cảm giác cay khi ăn wasabi sẽ được nhận thấy chủ yếu bởi khứu giác hơn vị giác.

Ăn đồ Nhật bao lâu nhưng bạn có biết tại sao vị cay của wasabi lại xộc lên mũi không? - Ảnh 3.

Ngoài việc bị kích thích bởi các dạng khí ngoại lai, TRPA1 còn khá đặc biệt khi cảm nhận cả các chất hóa học tiết ra từ bên trong cơ thể. Do đó chúng chịu trách nhiệm gây ra các cảm giác đau hoặc ngứa, xuất hiện khi cơ thể chúng ta mắc các bệnh miễn dịch hay viêm sưng.

Quay lại với mối quan hệ giữa thụ thể TRPA1 và chất allyl isothiocyanate trong wasabi. Ngoài việc khiến món sushi trở nên thơm ngon hơn, thì mối quan hệ này đang được các nhà khoa học nghiên cứu để tạo nên thiết bị tuy không liên quan lắm tới ẩm thực nhưng lại có thể cứu mạng người.

Đó là một dạng thiết bị báo cháy, thay vì dùng âm thanh báo động, thì sẽ phun ra hỗn hợp allyl isothiocyanate khi phát hiện ngọn lửa. Cách báo động này sẽ rất hữu ích đối với những người mắc chứng khiếm thính. Và hãy tưởng tượng xem, trước khi nhìn hay cảm thấy sức nóng của lửa, thì với thiết bị trên bạn đã có thể “ngửi” được nó đấy.

Bạn có biết: Wasabi bạn đang ăn không phải đồ xịn?

Thực ra thì đa số wasabi chúng ta ăn hiện nay không phải là đồ xịn 100%. Wasabi chính gốc được chế biến từ thân củ của cây Eutrema japonicum, mà loại cây này lại vô cùng khó trồng dù ngay tại chính quê hương Nhật Bản. Vì thế, wasabi thật có giá rất đắt và nếu không sống ở Nhật thì tỉ lệ bạn được nếm đồ xịn là khá thấp.

Thay vào đó, hỗn hợp sền sệt màu xanh mà chúng ta thường dùng để chấm sushi được pha trộn từ rễ cải ngựa và dầu mù tạt, rồi thêm màu lục thực phẩm để trông giống wasabi thật.

Tuy nhiên đừng quá thất vọng, bởi dù đồ xịn thì luôn ngon hơn, nhưng về cơ bản thì wasabi chính gốc và wasabi “fake” từ cây cải ngựa có vị khá tương đồng.

Theo: kenh14.vn

Tags:
Động đất mạnh 5 độ làm rung chuyển tỉnh Kumamoto của Nhật Bản

Động đất mạnh 5 độ làm rung chuyển tỉnh Kumamoto của Nhật Bản

Chiều ngày 3/1, một trận động đất cường độ 5 độ xảy ra tại tỉnh Kumamoto của Nhật Bản.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất