"Bà mụ ác quỷ": Nữ hộ sinh Nhật Bản sát hại nhiều người hơn bất cứ đồ tể nào cùng bản án gây phẫn nộ cực độ
Ở nửa đầu thế kỷ XX, luật pháp Nhật Bản cấm phá thai. Nhiều cặp vợ chồng không có khả năng nuôi dưỡng con cái rơi vào cảnh ngộ ngang trái nhất, buộc phải tìm đến "bà mụ ác quỷ" Miyuki Ishikawa.
07:00 14/09/2020
Thời kỳ bùng nổ trẻ sơ sinh
Miyuki Ishikawa (1897 - ?) quê gốc tại Kunitomi, theo học và tốt nghiệp ĐH Tokyo danh giá. Sau khi ra trường, Miyuki kết hôn với Takeshi Ishikawa và xin việc luôn ở thủ đô. Cặp vợ chồng này chung sống với nhau nhiều năm nhưng không có con.
Tại Tokyo, Miyuki là nữ hộ sinh nổi tiếng. Bà làm việc tại bệnh viện phụ sản Kotobuki, lên chức giám đốc vì có thâm niên và giàu kinh nghiệm.
Miyuki Ishikawa (1897-?)
Vào năm 1945, quân đội Nhật thua trận, Thế chiến II chấm dứt sau 2 quả bom nguyên tử rơi xuống Hiroshima và Nagasaki. Xứ sở Mặt trời mọc bị tàn phá nghiêm trọng, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, họ bùng nổ trẻ sơ sinh.
Theo ước tính tại Nhật từ năm 1947 - 1949, có đến 2,6 triệu trẻ em chào đời. Nguyên nhân cũng bởi chiến tranh đã kết thúc, các cặp đôi bị hoãn cưới và các cặp vợ chồng buộc phải xa cách được đoàn tụ. Để bảo bảo hồi phục dân số, quy định của Nhật Bản trong thời gian này cấm phá thai. Một chính sách được đánh giá là phù hợp, nhưng rốt cũng vô tình mang tới một số rắc rối.
Chỉ từ năm 1947 - 1949, Nhật Bản có khoảng 2,6 triệu trẻ em chào đời
Nhân danh "giải thoát", giết hại trẻ sơ sinh
Trên khắp nước Nhật nửa sau thập niên 1940, các bệnh viện phụ sản luôn trong tình trạng quá tải. Bệnh viện Kotobuki của Miyuki Ishikawa cũng tấp nập các bà mẹ và trẻ em mới chào đời.
Trái với hy vọng của chính phủ Nhật Bản, nền kinh tế không theo kịp sự gia tăng dân số. Phần lớn các ông bố bà mẹ người Nhật trong thời gian này gặp khó khăn nuôi con. Dù vậy, pháp luật vẫn thắt chặt quy định cấm phá thai. Bất cứ hành vi tránh thai hay phá thai nào cũng bị xử phạt nghiêm khắc. Tòa án đặc biệt kết tội nặng đối với các trường hợp cha mẹ bỏ rơi hoặc bỏ bê con cái.
Miyuki lấy danh nghĩa giải thoát, sát hại hàng trăm trẻ sơ sinh
Với vai trò giám đốc của một bệnh viện phụ sản, Miyuki sớm nhận ra lượng trẻ em mới chào đời sẽ còn tiếp tục tăng. Nhiều cha mẹ nghèo cũng kể lể với bà giám đốc đáng mến nỗi lo không thể nuôi dưỡng con cái lớn lên một cách tử tế.
Lúc này, các dịch vụ xã hội và từ thiện là vô cùng ít ỏi ở Nhật Bản. Bản thân Miyuki cũng không có khả năng chăm sóc cho những đứa trẻ tội nghiệp này. Cuối cùng, bà ta quyết định giải thoát cho cả các bậc cha mẹ không có khả năng nuôi con lẫn đứa trẻ không mong muốn bằng cách cực đoan nhất: giết chết.
Ước tính, nữ hộ sinh tàn ác đã xuống tay với 85 - 169 trẻ sơ sinh. Bà ta không hề giấu giếm hành động mà thản nhiên thực hiện giữa ban ngày ban mặt. Tất cả các nữ hộ sinh làm việc ở Kotobuki đều biết chuyện này. Phần lớn họ không chịu đựng nổi cách thức giải quyết tàn ác của Miyuki, tự động xin từ chức.
Mở dịch vụ "giết thuê", kiếm tiền từ việc sát hại trẻ con
Sau một thời gian tàn sát trẻ sơ sinh nhân danh "giải thoát", Miyuki chuyển sang vòi tiền những bậc cha mẹ không đủ khả năng nuôi con cái. Mụ hợp tác với chồng, gặp gỡ các sản phụ nghèo và đặt vấn đề. Lấy cái cớ "tiền thuê giải thoát chỉ bằng một phần nhỏ so với khoản tài chính cần phải có để nuôi đứa trẻ lớn lên", cặp đôi này ngang nhiên lập giao dịch. Chưa hết, họ còn dụ dỗ được một bác sĩ tên Shiro Nakayama đồng lõa làm giấy chứng tử giả.
Theo quy định của Nhật Bản, giấy chứng tử được nộp lên các cơ quan địa phương. Toàn bộ giấy chứng tử trẻ sơ sinh từ bệnh viện Kotobuki đều do văn phòng phường Shinjuku tiếp nhận. Các nhân viên ở đây cũng biết chúng là giấy tờ giả mạo, nhưng cố ý phớt lờ, để mặc Miyuki và 2 kẻ đồng lõa lộng hành.
Dù bị bắt vì tội giết người hàng loạt, Miyuki chỉ bị phạt 4 năm tù giam
Ngày 12/1/1948, 2 cảnh sát từ đồn Waseda vô tình phát hiện 5 thi thể trẻ em. Khám nghiệm tử thi cho thấy chúng không phải qua đời một cách tự nhiên. Các thám tử điều tra vào cuộc, nhanh chóng tìm thấy nhân chứng và thu được nhiều lời khai báo về bệnh viện phụ sản Kotobuki. Họ lập tức tiến hành bắt giữ Miyuki, Ishikawa và Nakayama.
Trong thời gian chờ xét xử, cảnh sát phát hiện thêm 70 thi thể trẻ sơ sinh bị chôn trong vườn của một ngôi đền và vườn của một nhà riêng. Tất cả các thi thể này đều liên quan đến bệnh viện Kotobuki.
Trước tòa, Miyuki tuyên bố kẻ phải chịu trách nhiệm là những cha mẹ đã bỏ rơi con mình. Bà ta phản biện hết sức hùng hồn, thậm chí còn khiến nhiều công chúng Nhật Bản cảm thấy đồng tình. Vì thế mà dù đã giết nhiều người hơn bất cứ tội phạm sát nhân hàng loạt nào ở Nhật Bản, Miyuki vẫn được xem xét giảm nhẹ, chỉ phạt 8 năm tù giam. Nhưng chưa hết, mụ kháng cáo và được giảm thêm 4 năm, cuối cùng chỉ phải ngồi tù 4 năm.
Ishikawa và Nakayama thì lúc đầu bị tuyên án 4 năm tù giam, sau đó giảm xuống còn 2 năm.
Cũng sau sự vụ này, chính phủ Nhật Bản buộc phải lên dự luật cho phép phá thai. Ngày 13/7/1948, Luật Bảo vệ Ưu sinh (tiền thân của Luật Bảo vệ Cơ thể Người mẹ ngày nay) được thành lập. Ngày 24/6/1949, phá thai vì lý do kinh tế (không đủ khả năng nuôi dưỡng) - một mục trong Luật Bảo vệ Ưu sinh của Nhật Bản được thông qua.
Theo: kenh14.n
Thường xuyên ăn cơm nhưng vì sao người Nhật hiếm khi béo phì, lại còn sống thọ bậc nhất thế giới? Hóa ra cách họ tiêu thụ gạo cũng rất đáng để học tập
Gạo là thực phẩm chứa nhiều đường, làm tăng nguy cơ tiểu đường và béo phì... nhưng vì sao người Nhật Bản vẫn có tỷ lệ béo phì thấp, tuổi thọ cao bậc nhất thế giới?