Bằng cách thần kì nào mà người Nhật có thể chợp mắt trên tàu điện ngầm và thức dậy đúng vào trạm dừng của họ?

Không còn là một hình ảnh đáng ngạc nhiên khi chứng kiến những người đàn ông trong trang phục công sở hay bất cứ một ai sẵn sàng chợp mắt một lúc ngay trên tàu điện ngầm, mặc kệ thế giới xung quanh.

18:30 27/02/2019

Nghệ thuật “inemuri”, ngủ mà như không ngủ, chợp mắt bất cứ ở nơi đâu, bất cứ lúc nào có thể, không chỉ là thói quen, mà còn trở thành một nét tiêu biểu trong nền văn hóa của Nhật Bản. Thế nhưng, làm thế nào để tiếp nhận và áp dụng “nghệ thuật đời thường” này một cách thành thạo nhất thì không phải người nước ngoài nào cũng làm được đâu. Đã lúc nào bạn tự hỏi vì sao người Nhật vẫn inemuri trên tàu điện mỗi ngày, và họ không bao giờ lỡ mất trạm cuối xuống tàu của mình?

Ý tưởng về một người mất đi hoàn toàn ý thức khi mà phương tiện đang di chuyển và bằng một cách nào đó lại tỉnh táo lại ngay khi đến với trạm xuống của mình, điều đó thật sự là một trường hợp thú vị để cho các nhà nghiên cứu khoa học vào cuộc. Điều thú vị nữa khi sự thức tỉnh này hoàn toàn thuộc về bản năng và hoạt động vật lý của cơ thể, khi phần lớn những hành khách trên tàu không có được sự hỗ trợ báo thức từ điện thoại hay các thiết bị đeo khác.

Theo nghiên cứu khái quát từ các nhà khoa học, thì một trong những yếu tố tạo nên tình huống này, đó chính là sự thường xuyên và thói quen hàng ngày. Tiến sĩ Marc I.Leavey, một chuyên gia chăm sóc sức khỏe hàng đầu tại Maryland, cho biết rằng cơ thể của những hành khách đi tàu mỗi ngày sẽ có thể quen dần với việc tỉnh dậy vào một thời điểm nhất định mỗi khi đi xe. “Cơ thể của bạn có thể làm quen với một thói quen và thích nghi với chúng, miễn là chúng đảm bảo được lặp đi lặp lại”. Điều đó cũng tương tự như việc bạn thường xuyên thức khuya và không thể ngủ sớm, nếu như tập được cách lên giường vào trước 11h, sau một thời gian, cơ thể bạn sẽ bắt đầu thích nghi và cảm giác buồn ngủ sẽ đến sớm.

Tuy nhiên, các giả thiết mâu thuẫn khác cũng được đưa ra, khi mà đồng hồ sinh học bên trong cơ thể được xây dựng theo chu kì 24 giờ, vậy nên những giấc ngủ ngắn không quá sâu trên tàu điện ngầm vẫn đặt ra nhiều nghi vấn liệu rằng chúng có tạo thành thói quen để cơ thể thích nghi hay không.

Một giải thích khác, bắt nguồn từ thực tế là bộ não con người vẫn hoạt động ngay cả khi chúng ta đang ngủ. Điều này đồng nghĩa với việc những hành khách trên tàu có thể thức dậy sau khi nghe thấy được các tín hiệu thính giác như thông báo dừng tàu tại trạm hay những âm thanh quen thuộc khi đến với điểm xuống của mình.

Theo bác sĩ Ronald Chervin, nhà thần kinh học và giám đốc của Trung tâm rối loạn giấc ngủ Michigan, bộ não có thể tiến hành sàng lọc một số tác nhân kích thích trong khi ngủ. Ngoài ra, không có chuyện một người ngủ một mạch không tỉnh dậy cho đến khi họ đến trạm xuống của mình. Có thể họ đã thức dậy ở các điểm dừng trước đó và ngủ lại mà không hề có một chút hồi ức nào, vậy nên, họ có cảm giác nhưu mình đã ngủ liền một giấc sâu và tỉnh dậy ngay đúng trạm xuống của mình.

Đây rõ ràng là một hiện tượng lý thú về tình trạng cơ thể, tuy nhiên, riêng đối với người dân Nhật Bản, điều này không lấy làm vui vẻ cho lắm, khi một giấc ngủ mộng mị nhanh ở trên tàu cũng đồng nghĩa với việc cơ thể của họ phải làm việc kéo dài đến kiệt sức, và họ không còn cách nào khác ngoài chợp mắt ngay trên tàu để có thể nghỉ ngơi một chút. Có thể là thói quen, hoặc cũng có thể áp lực công việc, khiến họ tỉnh dậy ngay đúng ngay tại điểm đến của mình.

Đối với những người nước ngoài đến với Nhật Bản và cố gắng thử thách nghệ thuật “inemuri” trên các chuyến tàu điện ngầm, chuyện ngủ quên qua điểm cần xuống và phải đi vòng lại thêm vài lần nữa là chuyện không có gì quá bất ngờ. Tất cả những gì bạn cần chính là một chút thời gian để cơ thể tập làm quen, như những gì những người dân Nhật Bản đã làm được. Còn nếu không được, và bạn vẫn ngủ say như chết, thì hãy chú ý căn chỉnh thời gian đến điểm xuống của mình, cài báo thức với âm lượng cỡ nhỏ để đánh thức, hoặc lịch sự nhờ người bên cạnh đánh thức mình dậy nếu như bạn không ngại, và cầu nguyện cùng với sự may mắn của mình mà thôi!

Theo: sugoi.vn

Tags:
Ngưỡng mộ người khác chi bằng tự mình sống tốt hơn

Ngưỡng mộ người khác chi bằng tự mình sống tốt hơn

Người ta sở dĩ không vui vẻ hạnh phúc là bởi vì họ cứ muốn làm người khác mà không muốn làm chính mình.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất