Tin Vui: California – Mỹ chính thức công nhận Tết Nguyên đán là ngày Lễ, Việt kiều Mỹ vui nhớ món ăn bánh mì Việt Nam
Tiểu bang California chính thức công nhận Tết Nguyên đán là ngày Lễ, nhiều người gốc Việt sinh sống tại đây có chút phấn khởi. Khi được hỏi về quê nhà, họ không quên ẩm thực phong phú, trong đó có món bánh mì ở Việt Nam.
18:53 22/10/2022
Thống đốc bang California (Mỹ) Gavin Newsom vừa ký ban hành dự luật chính thức xem Tết Nguyên đán ngày lễ chính thức của bang, theo trang NextShark mới đây đưa tin.
Trong thông điệp về việc ban hành đạo luật này, ông Newsom cho biết năm mới âm lịch là dịp bỏ lại những muộn phiền của năm cũ và chào đón sự thịnh vượng, may mắn tấn tới.
Bàn tán rôm rả
Ông Phạm Quang Minh (45 tuổi, ở bang California, Mỹ) cho biết, ông đã đọc quyết định Tết Nguyên đán là ngày lễ, mọi người có thể lấy ngày đó để nghỉ. Tuy nhiên, ông chưa biết ngày lễ này sẽ nghỉ có lương hay nghỉ không lương.
“Chỗ tôi làm việc vẫn chưa thông báo về việc trả lương cho ngày này hay không. Bên trường học của các con cũng chưa đề cập đến.
Ở chỗ làm, về nguyên tắc cần thông báo trước 2 tuần nếu muốn lấy ngày nghỉ nhưng trường hợp nếu có người cũng xin nghỉ vào ngày đó thì sẽ phân chia hoặc thương lượng với nhau”, ông Minh nói.
Thống đốc bang California (Mỹ) Gavin Newsom vừa ký ban hành dự luật chính thức xem tết Nguyên đán là ngày lễ chính thức của bang
Cũng theo ông Minh, nếu Tết Nguyên đán rơi vào cuối tuần sẽ xôm tụ hơn so với vào ngày thường. Ở Mỹ, cuộc sống của cha mẹ hầu như gắn liền với lịch học của con.
“Theo cảm nhận của tôi, Tết bên này chủ yếu cho con nít và người già là chính. Tết cũng tùy thuộc vào việc con trẻ có được nghỉ học hay không. Bên này, các công ty đều có quy định về ngày nghỉ, tối thiểu là 8 ngày lễ.
Nếu ai làm việc cho liên bang hoặc tiểu bang (nhân viên nhà nước) sẽ được nghỉ thêm theo ngày của liên bang hoặc tiểu bang”, ông Minh nói.
Ông Minh sinh ra và lớn lên ở TP.HCM. Ông cùng vợ và hai con sang Mỹ sống 6 năm nay. Theo ông, ở TP San Jose – nơi ông sống nghề nào cũng có người Việt làm việc nhưng phổ biến làm ở các hãng gia công hàng điện tử.
Gia đình ông Minh sống ở Mỹ 6 năm nay
Chị Sophia Luff (người Việt đang sinh sống và làm việc ở California) cho biết, chị sang được khoảng 10 năm, hiện đang kinh doanh tự do. Chị vui sau khi biết Tết Nguyên đán là ngày lễ ở California.
“Tôi làm tự do nên thời gian làm việc khá thoải mái. Cũng giống bên Việt Nam, người nào làm ở công ty, trường học hay bệnh viện khi đọc được thông tin Tết Nguyên đán là ngày lễ họ sẽ mừng.
Trước đây, vào ngày này nếu chủ là người Việt thường họ sẽ cho nghỉ. Hoặc nếu muốn xin nghỉ sẽ báo bệnh hoặc nghỉ không lương vào ngày Tết Nguyên đán”, chị Sophia Luff chia sẻ.
Trên hội nhóm người Việt tại California cũng chia sẻ thông tin tiểu bang California chính thức công nhận tết Nguyên đán là ngày lễ để mọi người biết đến.
Tài khoản Nguyễn Hoàng Minh bình luận: “State Employee (nhân viên nhà nước – PV) có thể chỉ áp dụng cho những ai làm cho tiểu bang như trường học, vận chuyển công cộng. Nói chung là chúng ta khoan mừng vội. Chờ công ty của mình thông báo lịch nghỉ cho năm sau”.
Bạn Tiffany Lê chia sẻ: “Có nghị định này chắc xin nghỉ dễ hơn nhưng nghị định này dành cho nhân viên tiểu bang thôi.
Các công ty tư nhân cứ xin trước thì chủ cho thôi, vì lấy ngày phép. Trừ khi làm trong khu vực sản xuất thì phải xin trước cả tháng, mấy ông chủ đôi khi rầu rĩ vì họ đòi nghỉ một lúc nhiều người”.
Nhớ món Việt, có cả bánh mì Việt Nam
Khi được hỏi về quê nhà Việt Nam, ông Minh nhắc về ẩm thực và những nét đặc trưng của các con hẻm ở Sài Gòn.
Múa lân mừng tết Nguyên đán 2022 tại California
Ông cho hay, khi còn ở Việt Nam ông thường ăn bánh mì Bảy Hổ (ở Q.1), bánh mì Lan Huệ (Q.3), bánh mì Hòa Mã (Q.3),…
“Ở Califonia nhiều người cũng bán bánh mì nhưng chắc chắn không ngon bằng ở Sài Gòn nhưng ăn riết thấy cũng được.
Chủ quán và nhân viên là người Việt. Bánh mì ở đây phổ biến sẽ có pate, chả lụa thịt nguội, thịt heo, có đầy đủ dưa leo, đồ chua, ớt,…Một số tiệm có những món đặc trưng như thịt nướng, chả cá, bánh mì, thịt ba chỉ và bánh mì chay”, ông nói.
Gia đình ông thỉnh thoảng vẫn ăn bánh mì, thường lúc đi chơi xa, mang theo ăn trên xe.
“Tiệm bánh mì Bảy Hổ có trước năm 1975, ngon nhờ thịt heo. Bánh mì ở Sài Gòn nhiều tiệm trong những hẻm nhỏ cũng ngon lắm.
Điều đặc biệt, ở chỗ tôi sống không có bán bánh mì xíu mại. Có thể do bên này bánh mì mang đi ăn, xíu mại có nước sợ chảy, không vệ sinh”, ông chia sẻ.
Mỗi năm chị Sophia Luff về Việt Nam một lần nhưng từ khi dịch Covid-19 bùng phát, chị chưa về thăm quê được. Chị chia sẻ, nhiều nơi ở Califonia bán bánh mì.
Trước đây, mỗi ổ có giá 3$ (khoảng 70.000 đồng) nhưng giờ có giá 6$ (khoảng 140.000 đồng) nhưng ổ to và rất nhiều thịt, phải 2 người ăn mới hết.
“Theo tôi thấy bánh mì Việt Nam ngon hơn vì ổ nhỏ và ít thịt. Ở đây bỏ nhiều thứ quá nên tôi ít ăn nhưng nói chung khẩu vị mỗi người mỗi khác.
Tôi thấy nhiều chỗ bán lắm nhưng không bán dọc lề đường vì bên Mỹ khu nhà ở cách khu buôn bán. Nếu muốn mua phải chạy xe đi chứ không đi bộ ra đầu ngõ được”, chị nói.
Công bố danh tính 2 người gốc Việt vừa trúng số 7 triệu USD ở California, Mỹ
Đài NBC dẫn thông cáo báo chí ngày 15-7 của Công ty Xổ số California cho biết Danh Pham, một cư dân Mỹ gốc Việt ở TP San Francisco, đã trúng số 5 triệu USD từ một vé cào 100X mua tại cửa hàng L và J Groceries trên đường Leland.