Bi hài du lịch hành xác với những người bạn nghiện chụp ảnh "câu like"
Sang ngày thứ hai, anh Đạt chỉ muốn kỳ nghỉ kết thúc thật nhanh để thoát cảnh "thợ ảnh bất đắc dĩ". Anh không thể hiểu, tại sao nhiều người chỉ tập trung chụp ảnh sống ảo thay vì tận hưởng cảnh đẹp.
07:25 16/10/2022
Khốn khổ vì "tài" chụp ảnh đẹp
Ngày nay, những bức ảnh "nghìn like" là mơ ước của nhiều người khi tham gia mạng xã hội. Chính vì vậy, không ít người khi đi du lịch đã dành nhiều thời gian, công sức để có một bức ảnh đẹp, thu hút sự chú ý của bạn bè. Thay vì tận hưởng những trải nghiệm thực tế, với họ, ảnh sống ảo là quan trọng hơn cả.
Mỗi lần nhắc đến chủ đề này, anh Bùi Tấn Đạt (32 tuổi, khu đô thị Xa La, Hà Đông, Hà Nội) lại nhớ về những tình huống dở khóc, dở cười mà mình gặp phải.
Đầu năm 2022, vì một vài lý do cá nhân, anh Đạt xin chuyển việc đến công ty mới. Tháng 6/2022, anh có chuyến du lịch đầu tiên cùng các đồng nghiệp.
Đà Nẵng và Hội An là điểm đến của cả đoàn. Hai thành phố này có nhiều địa điểm check-in nổi tiếng như bãi biển, quần thể du lịch nghỉ dưỡng Bà Nà, Công viên Kỳ quan thế giới, Chùa Linh Ứng, phố cổ Hội An….
Đi đến đâu, các đồng nghiệp của anh Đạt cũng miệt mài chụp hình. Thậm chí, họ sẵn sàng xếp hàng một lúc lâu chờ đến lượt chụp ảnh ở các địa điểm "nhất định phải đến" khi tới Hội An, Đà Nẵng.
Ngày đầu tiên, anh Đạt vui vẻ chụp ảnh cùng mọi người. Anh cũng sẵn lòng giúp đồng nghiệp lưu lại các khoảnh khắc đẹp. Vì từng đọc và tìm hiểu một số kỹ năng liên quan đến chụp ảnh nên chàng kỹ sư công nghệ biết cách căn góc, điều chỉnh ánh sáng.
Dưới tay máy của anh, ai cũng có những bức ảnh như ý. Anh Đạt cũng coi đây là cách mình kết nối, làm quen với những đồng nghiệp mới.
Tuy nhiên, đồng nghiệp nào cũng nhờ anh chụp ảnh. Có người biết ý nhờ chụp một hai kiểu, nhưng cũng có không ít cô gái đến đâu cũng réo "Anh Đạt ơi, chụp giúp em một tấm…".
Người đàn ông này kể: "Nhiều khi tôi đang nâng cốc bia lên nhậu cùng anh em cũng bị các bạn gái lôi xềnh xệch ra làm phó nháy. Sang ngày thứ hai, tôi chỉ muốn kỳ nghỉ kết thúc thật nhanh để thoát cảnh thợ ảnh bất đắc dĩ".
Cũng theo anh Đạt, khi có ảnh đẹp, các đồng nghiệp của anh lại đăng hàng loạt lên Facebook. Cả chuyến đi họ chỉ đắm đuối bên chiếc điện thoại, trả lời bình luận. Niềm vui của họ dường như là từ lời khen trên mạng thay vì sự hứng thú được đến khám phá một vùng đất mới.
Chỉ đi du lịch chung một lần rồi "cạch"
Vừa trở về sau chuyến đi khám phá mùa lúa chín Mù Cang Chải (Yên Bái), Nguyễn Ngọc Trâm đã được Thu T. - cô bạn thân rủ lên lịch trình đi ngắm hoa tam giác mạch ở Hà Giang vào cuối năm nay. Tuy nhiên, cô gái 26 tuổi không cần suy nghĩ mà lập tức nhắn tin từ chối.
Trâm nói với T. thời gian gần Tết công việc của cô rất bận nên cô không thể đi được. Song thực tế, lý do khiến Trâm từ chối bạn là vì ngao ngán cảnh du lịch hành xác, suốt ngày chỉ lo chụp ảnh sống ảo, "nuôi" Facebook của T.
Trâm và T. vốn là bạn thân từ hồi cấp 3. Sau khi tốt nghiệp THPT, Trâm đi du học ở Trung Quốc và mới về nước hồi đầu năm. Mấy năm qua, cả hai chỉ liên lạc qua mạng xã hội.
Khi còn đi du học, cứ vài ba ngày, T. lại cập nhật các hình ảnh về cuộc sống du học xứ người. Lượng tương tác của cô gái này tăng lên mỗi ngày. Nhiều bức ảnh của T. có tới hàng nghìn lượt like.
Đối lập với T., Trâm ít chia sẻ về cuộc sống của mình lên Facebook. Cô chỉ coi đó là cầu nối để gắn kết với mọi người. Đầu năm 2022, Trâm về nước. Hai cô bạn thân có dịp gặp gỡ nhiều hơn. Chuyến đi Mù Cang Chải vừa rồi là chuyến đi chơi xa đầu tiên của cả hai.
Dù biết bạn thích sử dụng mạng xã hội nhưng tới khi đi du lịch cùng, Trâm mới nhận ra, cô bạn thân "nghiện" sống ảo hơn mình nghĩ.
Suốt 3 ngày 2 đêm ở Mù Cang Chải, T. đặt mục tiêu phải đến được tất cả các địa điểm nổi tiếng như xã Tú Lệ, điểm bay dù đèo Khau Phạ, bản Lìm Mông, đồi Mâm Xôi, cầu Ba Nhà, rừng trúc, đồi hoa…
Lịch trình di chuyển dày đặc. Địa hình đồi núi đi lại khó khăn và mất nhiều thời gian hơn thường lệ nên Trâm cảm thấy mệt nhoài.
"Tưởng đi du lịch khám phá mà thành du lịch hành xác. Tới mỗi địa điểm, T. lại thay trang phục để chụp thật nhiều góc, nhiều hình. Quan điểm về ảnh đẹp của tôi và bạn có lẽ không giống nhau nên có những nơi, tôi phải chụp tới hàng trăm kiểu bạn mới ưng ý", Ngọc Trâm kể.
Suốt chuyến đi, Trâm có phần thất vọng vì cô bạn thường kè kè chiếc điện thoại bên mình thay vì tận hưởng vẻ đẹp say lòng của núi non Tây Bắc, hít hà hương thơm mùa lúa chín. Các bức ảnh sau chụp đều được T. chỉnh sửa bằng các app chỉnh ảnh rồi mới đăng tải lên Facebook.
Sau chuyến đi, Trâm bảo mình không hề trách cứ gì T. Tình cảm của cả hai cũng không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, cô nhận ra, T. không hợp để đi du lịch với một người "sống trầm" như cô.
Thực tế, không khó để bắt gặp những câu chuyện tương tự như trên. Hiện nay, nhiều người khi đi du lịch thường rất xem trọng khâu chụp hình, chụp từ khi bắt đầu chuyến đi, chụp trên ô tô, check-in máy bay, chụp cùng hành lý... cho đến các tất các hoạt động ăn uống, tham quan...
Họ bằng mọi giá phải có được những khung hình đẹp để "khoe" lên mạng xã hội. Nhiều người thậm chí còn tỏ ra buồn phiền, tức giận khi không có được "hình đẹp đăng phây".
Lẽ thường, đi du lịch lưu lại kỷ niệm là điều không có gì phải bàn cãi. Tuy nhiên, nếu coi đó là hoạt động chính, là tiêu chí để đánh giá chất lượng một chuyến đi thì chưa thật phù hợp.
Thói quen chụp ảnh không những không giúp tăng cường trải nghiệm mà nó còn đang phá hủy sự gắn kết giữa các cá nhân với nhau hay giữa các cá nhân với thế giới thực.
“Hot boy xăm trổ” gây hấn với giang hồ 12 quận: Bỏ showbiz qua Mỹ làm nail, tậu nhà 45 tỷ
Từ bỏ quá khứ nhiều tai tiếng, Hoàng Anh Lê qua Mỹ làm lại cuộc đời.