Bí mật cuộc đời của MC Kỳ Duyên: Những chuyện chưa ai biết, sắc tài đi liền lận đận.
Là người dẫn chương trình nổi tiếng của cộng đồng người Việt ở hải ngoại, hai lần đổ vỡ trong hôn nhân, cuộc đời của Nguyễn Cao Kỳ Duyên sắc tài đi liền lận đận.
09:36 09/10/2022
Nghe chuyện về Kỳ Duyên người ta lại phải ngỡ ngàng hơn khi người phụ nữ này ngoài những thành công trong con đường sự nghiệp còn những bí mật về tuổi thơ và cuộc sống gia đình mà ít ai biết đến.
MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên
Trang trải cuộc sống bằng đủ mọi nghề
Tốt nghiệp xuất sắc ngành luật tại một trường ĐH ở Mỹ, Nguyễn Cao Kỳ Duyên theo nghề luật sư, nghề danh giá số một tại Mỹ. Hồi sinh viên, để có tiền đóng tiền học, tiền nhà, mua sắm… chị đã từng làm đủ mọi nghề từ chạy bàn trong các nhà hàng đến phụ tá cho các văn phòng luật sư. Chị cũng đã có nhiều năm làm photographer, chuyên chụp cho các model để họ tự giới thiệu họ cho giới quảng cáo.
Từ nghề chụp hình, chị có mối quan hệ tốt với các người mẫu, rồi dẫn dắt đến nghề đọc tên người mẫu, ca sĩ trong các show biểu diễn thời trang. Rồi đến một ngày người ta phát hiện chị có khiếu ăn nói trên sân khấu, và chị đã dần dần trở thành MC ca nhạc chuyên nghiệp.
Bà Đặng Tuyết Mai nhớ lại thời kỳ khó khăn của con gái: “Nhớ hồi mới rời Việt Nam sang Mỹ, Duyên còn bé lắm, vừa lên ba… Khi cuộc hôn nhân đổ vỡ, hai mẹ con đã sống nương tựa vào nhau. Duyên là người khá tự lập nên ngay từ hồi còn là sinh viên đã đi làm thêm để tự trang trải sinh hoạt của mình”.
Sinh ra trong một gia đình danh giá, bố là Phó tổng thống của chính thể Sài Gòn trước năm 1975, Nguyễn Cao Kỳ nhưng Kỳ Duyên chưa bao giờ xem mình là một công chúa. Tuổi thơ của chị cũng như bao người bình thường khác. Ngay từ nhỏ, bà Tuyết Mai đã dạy con gái phải biết quý trọng nghề nghiệp, làm người thì nghề gì cũng quý miễn là sống lương thiện. Biết Kỳ Duyên có cá tính khá mạnh mẽ nên bà Tuyết Mai nhất định khuyên con gái học luật để ít nhất để tự bảo vệ mình.
“Duyên là một cô bé thông minh, thích văn chương, thơ phú từ nhỏ. Năm tuổi, con bé đã thuộc lòng những bài thơ dài như Nhớ rừng của Thế Lữ. Tôi cho Duyên học tiếng Anh, nhưng tiếng Pháp và tiếng Việt thì đích thân mẹ dạy. Duyên được trời phú cho trí nhớ rất tuyệt vời, học giỏi xuất sắc. Đó là điều tự hào nhất của tôi về con gái. Rất nhiều sinh viên ngành Luật ở Mỹ, thậm chí cả con trai tổng thống Kennedy phải thi đến 3 lần mới đậu và có bằng hành nghề. Kỳ Duyên có thể vượt qua thử thách này ngay từ lần đầu tiên. Chúng tôi đã thỏa thuận, sau khi có bằng Luật sư, Duyên được tự do lựa chọn công việc yêu thích”, bà Tuyết Mai tự hào nói về con gái.
Cũng chính vì cá tính mạnh mẽ của Kỳ Duyên mà bà Tuyết Mai và con gái đã có thời gian “chiến tranh lạnh” với nhau. Đó là một kỷ niệm nhớ đời năm Kỳ Duyên 20 tuổi, chị đã cãi mẹ và dọn ra ở riêng. Chị thích một anh bạn thuộc giới văn nghệ, còn bà Mai thì muốn con tập trung học đại học và không cho phép con đi chơi riêng với anh này. Chị bướng, cứ nghĩ là ừ mình cứ đi chơi cũng đâu có hại gì? Bà Mai bảo với con rằng trong nhà này mẹ có quyền có ý kiến, ai cãi lại thì đi ra khỏi nhà.
Thế mà chị dám dọn đi thật . Chị dọn ra ở chung với vài người bạn học, cùng chia nhau tiền thuê nhà. Quen sống với mẹ từ nhỏ được cơm nóng canh sốt, giờ sống riêng, chị chẳng biết nấu nướng gì. Bà Mai đến thấy xót con gái, thế là cứ chạy lui chạy tới nấu món này món kia để tủ lạnh cho con gái ăn. Cứ thế rồi mẹ con vui vẻ với nhau như cũ. Nhưng chị vẫn ở riêng, và càng ở xa mẹ, chị càng thấy cái nếp mẹ dạy càng ăn sâu vào mình, và mình không thể “hư hỏng” được. Chị tập sống tự lập, làm đủ nghề để có tiền đóng tiền học cho đến lúc tốt nghiệp.
Nghề luật ở nước Mỹ muốn thành công, một tuần phải bỏ ra ít nhất 70-80 tiếng. Ông chủ Kỳ Duyên lúc đó đã hơn 70 tuổi, ba lần ly dị, sáng tới sớm nhất, tối về trễ nhất, làm việc tới nỗi sinh ra nghiện rượu vì stress nhiều quá. Đó không phải là cuộc sống mà chị muốn, chị muốn mình đi làm về chơi với con và cảm thấy vui vẻ. Chính vì vậy sau khi sinh đứa con đầu lòng, do áp lực về công việc, lúc nào cũng phải nghĩ tới việc phải làm sao thắng kiện khiến chị quyết định bỏ nghề để ở nhà chăm con, giữ gìn hạnh phúc gia đình.
Tấm bằng Luật bị Kỳ Duyên bỏ quên, và như bà Đặng Thị Tuyết Mai nói – thì nó được “treo trong gara để xe của gia đình”. Là người mẹ, bà Đặng Thị Tuyết Mai vẫn đồng ý đề cô con gái cưng của mình lựa chọn những điều mà mình muốn, miễn là điều đó khiến con gái bà cảm thấy hạnh phúc.
Nói về thành công trong nghề MC của con, bà cũng không khỏi tự hào: “Người mẹ nào cũng vui khi nghe con mình được khen. Và chắc chắn đứa con nào cũng sẽ tự hào khi nghe người ta ca ngợi mẹ. Ngày xưa tôi đã dạy Kỳ Duyên nói tiếngViệt, dạy Kỳ Duyên hát… Nhưng khi “đệ tử” xuống núi 15 năm rồi mà “sư phụ” thì vẫn còn trên núi, vì vậy trong nghề nghiệp có khi sư phụ chỉ đáng làm “sư muội”. Hai mẹ con có khi xem như hai người bạn, hai chị em”.
Nhan sắc Việt lận đận tình duyên
Nguyễn Cao Kỳ Duyên nổi tiếng không chỉ bởi nhan sắc trời phú mà còn là một người phụ nữ đa năng. Thế nhưng thành công trong sự nghiệp bao nhiêu thì đường tình duyên của chị lại lận đận bấy nhiêu. Hai lần kết hôn và hai lần ra tòa, giờ đây Kỳ Duyên là bà mẹ đơn thân nuôi hai con gái dễ thương của người chồng cũ.
Bà Tuyết Mai
Lần đổ vỡ hôn nhân đầu tiên của Kỳ Duyên với bác sĩ người Việt ở Mỹ – Nguyễn Quang Li, bà Tuyết Mai, người không chịu được thói đa tình của ông Nguyễn Cao Kỳ, đã mừng vì con ly dị. Bà là người sống bên cạnh Kỳ Duyên, chứng kiến sự bất hòa trong mối quan hệ giữa con và người chồng đầu. Có lần bà kể: “Mỗi lần con đi biểu diễn, mẹ đều đi đón thay vì chồng con. Lúc con đang có bầu đứa thứ hai lại đi nguyên một tour về, mẹ vừa lái xe vừa khóc nhưng không nói với con”.
Cuộc hôn nhân thứ hai của Kỳ Duyên với luật sư, người dẫn chương trình Trịnh Hội đẹp như trong mơ nhưng cuối cùng vẫn không tránh khỏi cuộc chia ly. Bà Tuyết Mai dù tiếc nuối nhưng vẫn tôn trọng quyết định của con gái bởi khi xưa con gái cũng đã từng tôn trọng mẹ như thế.
Bà nhớ lại: “Đối diện với cuộc ly hôn của bố mẹ, con gái tôi đã tìm nhiều cách để bố mẹ làm hòa với nhau, thậm chí bày ra chuyến du lịch vòng quanh một số nước chấu Á, dĩ nhiên là có con gái đi cùng. Kỳ Duyên nói: “Bố mẹ cố gắng sống cùng nhau thêm chút nữa, nếu sau chuyến đi này, bố mẹ vẫn quyết định chia tay, con sẽ tôn trọng quyết định này”. Nhưng việc gì đến đã đến. Sau “biến cố” đó, Duyên không chỉ là một đứa con mà còn như người bạn thân thiết để tôi chia sẻ những tâm tình, ước muốn. Mẹ con tôi luôn có mặt bên nhau, chăm sóc lẫn nhau, bất cứ lúc nào.”
Cuộc chia tay với người chồng thứ hai, Trịnh Hội đã khiến Kỳ Duyên sợ hôn nhân. Tiếc nuối duy nhất từ cuộc hôn nhân này là không được cùng nhau chăm sóc con cái (hai đứa con riêng của Kỳ Duyên và hai con do cô và Trịnh Hội nhận nuôi từ các chuyến đi từ thiện). Chị cho rằng, sự đổ vỡ của hôn nhân không khiến chị đau khổ nếu nỗi đau khổ đó không dính đến con cái.
Theo Kỳ Duyên: “Ai mà có con rồi sẽ hiểu, không bao giờ dám tự tử vì tình nữa. Và cũng không bao giờ có một cuộc tình nào đó đánh ngã mình được. Bây giờ tôi là single mum (bà mẹ đơn thân), tôi phải là người mạnh mẽ để làm chỗ dựa cho các con. Tôi không biết thứ tình cảm đặc biệt dành cho các con trong tôi sẽ giữ được bao lâu nhưng nó rất thiêng liêng. Bây giờ, mỗi lần buồn vì người yêu có thể khóc một chút rồi thôi nhưng buồn vì con thì thật khủng khiếp”.
Chợ quê đậm chất Việt ở Mỹ: Rau củ bày lề đường, người mua ngồi xổm lựa đồ, cảnh tưởng khiến nhiều người bất ngờ
Ở Việt Nam, bên cạnh vào siêu thị, cửa hàng tạp hóa hay khu chợ lớn để mua đồ thì nhiều người còn có thói quen đến những khu chợ cóc, chợ tạm. Hầu hết những khu chợ này đều là tự phát ở nơi gần khu dân cư đông đúc hay cách xa các trung tâm mua sắm lớn.