Bỏ học đại học vẫn kiếm trăm tỷ nhờ công việc có vẻ nhàn nhã: Dắt chó đi dạo được 2,8 tỷ/năm, làm YouTuber thu về 98 tỷ/năm
Tuy không học đại học và tốt nghiệp với tấm bằng cử nhân nhưng anh chàng đã kiếm tiền tỷ nhờ công việc tưởng chừng nhàn nhã: dắt chó cưng đi dạo mỗi ngày.
09:58 14/09/2022
Hẳn là nhiều người thường có suy nghĩ về một “lộ trình” thành công, đó là thi đậu đại học, chăm chỉ suốt 4 năm để tốt nghiệp với tấm bằng danh giá và bắt đầu xin việc làm tại các công ty tiếng tăm. Điều này chẳng hề sai chút nào bởi kiến thức từ trường lớp, sách vở sẽ là nền tảng vô cùng vững chắc giúp mỗi người bước ra thực tế không bị bỡ ngỡ cũng như dễ dàng gặt hái thành công.
Tuy nhiên, cuộc đời vốn muôn hình vạn trạng, không phải cứ học đại học, tốt nghiệp cử nhân loại khá giỏi mới được gọi là thành công. Chưa kể, thước đo của thành công đôi khi không nằm ở bằng cấp mà ở số tiền mà bạn kiếm được mỗi tháng, mỗi năm là bao nhiêu. Không phải cứ trượt đại học hoặc chủ động không học đại học là sẽ thất bại, không có cơ hội kiếm ra thật nhiều tiền. Nếu mọi người còn nghi ngờ, thử đọc qua vài trường hợp hy hữu, thú vị bên dưới rồi cùng bàn luận thêm nhé.
Anh chàng tên Ryan Stewart (New York, Mỹ) đã được gia đình giao nhiệm vụ dắt chó cưng đi dạo mỗi ngày từ khi anh còn rất nhỏ. Từ đó, Ryan dần gắn bó, yêu mến với loài vật bốn chân và thông minh này. Anh chàng cũng không ngờ việc dắt chó cưng đi dạo mỗi ngày lại có thể khiến cuộc đời của anh lại rẽ sang một hướng khác hoàn toàn.
Ryan quyết định không theo học đại học và nhận ra dắt chó cưng đi dạo có thể là một công việc giúp anh hái ra tiền. Cách đây 20 năm, Ryan đã mở dịch vụ dắt chó cưng đi dạo. Trong nửa năm đầu tiên, chỉ có 2 khách hàng đăng ký dịch vụ này. Hẳn là từng có không ít ý kiến hoài nghi, thậm chí là chê cười, cho rằng Ryan khó lòng duy trì dịch vụ này được. Con số 2 khách hàng trong 6 tháng là quá ít ỏi, làm sao đủ để Ryan sống qua ngày chứ đừng nói là làm giàu.
Tuy nhiên, đến nay đã hai thập kỷ trôi qua, dịch vụ dắt chó cưng đi dạo cả Ryan đã phát triển vượt bậc và mang lại doanh thu lớn với khoảng 120.000 USD/năm (hơn 2,8 tỷ đồng). Anh chàng đã xem đây là công việc toàn thời gian và gắn bó lâu dài với nó trong 20 năm qua. Nếu như lúc đầu, Ryan tỏ ra nản chí và không tin tưởng vào lựa chọn của mình thì anh sẽ mãi không bao giờ biết có ngày lại hái ra tiền nhờ công việc tưởng chừng không có gì là đặc biệt này.
Theo thông tin mình đọc, Ryan chỉ làm 6 ngày/tuần và thời gian mỗi ngày là 6 tiếng. Anh dùng kinh nghiệm của mình để chăm sóc, quản lý các chú chó cưng của khách hàng gửi đến. Do “tự làm chủ” nên Ryan cho biết anh phải tự đóng bảo hiểm, không có ngày nghỉ phép được hưởng nguyên lương như khi làm ở công ty. Thỉnh thoảng, anh chàng cũng gặp những khách hàng khó tính, có ý giám sát công việc khi họ giao chó cưng cho anh.
Tuy vậy, đó chỉ là những hạn chế, thách thức không đáng kể vì nếu làm công việc nào cũng sẽ phải đương đầu với những khó khăn nhất định. Ryan cảm thấy trân trọng, biết ơn công việc dắt chó cưng đi dạo vì nó giúp anh kiếm ra khoản tiền không hề nhỏ so với một người không có bằng đại học như anh. Hơn nữa, anh cũng là một người có tình cảm đặc biệt dành cho những chú chó nên xem như vừa làm việc vừa tận hưởng vui vẻ thay vì phải mệt mỏi làm công việc mà bản thân không hề yêu thích.
Mình nghĩ, một trong những điều giúp Ryan có thể gặt hái thành công với công việc này đó là tính kiên trì, không vì chút khó khăn ban đầu mà chùn bước, thay đổi suy nghĩ. Với những ai kinh doanh, khởi nghiệp hẳn sẽ hiểu trong 6 tháng mà chỉ có 2 khách hàng là một thất bại nặng nề cỡ nào. Tuy vậy Ryan vẫn tiếp tục, dùng mọi cách cũng như áp dụng kinh nghiệm mà bản thân có được khi đi cùng những chú chó để thuyết phục khách hàng tin tưởng.
Ngoài ra, Ryan còn làm công việc mà anh yêu thích nên đó không chỉ đơn thuần là “làm”, mà là tận hưởng. Từ đó, anh chàng không quá áp lực, dễ dàng tìm thấy hứng khởi, niềm vui sướng với công việc dắt chó đi dạo mỗi ngày.
Nói đến chuyện được làm việc mà bản thân yêu thích, mình lại nhớ đến trường hợp của anh chàng Brian Jung (21 tuổi, Mỹ) cũng quyết định bỏ học đại học để theo đuổi công việc mà anh cảm thấy có hứng thú. Vào năm 2019, anh chàng đã dồn hết thời gian để làm YouTube. Anh sản xuất những video có nội dung đánh giá, review thẻ tín dụng. Ban đầu, kênh của anh có khoảng 6.000 lượt đăng ký và mỗi ngày kiếm được tầm 200 - 300 USD.
Cứ duy trì như vậy, đến năm 2021, kênh YouTube của Brian bất ngờ “trúng lớn” khi gặp “cơn sốt” tài chính. Số lượt đăng ký kênh cũng tăng chóng mặt, từ 100.000 lượt lên đến 900.000 lượt trong vòng chưa đầy một năm.
Ở tuổi 25, anh chang đã sở hữu kênh Youtube hơn 1 triệu lượt đăng ký và đây là “mỏ vàng” giúp anh kiếm ra nhiều tiền. Ước tính, trong năm 2021, Brian đã kiếm khoảng 3,7 triệu USD và phần lớn nguồn thu nhập đến từ kênh YouTube của anh.
Không dừng lại ở việc trở thành một YouTuber toàn thời gian, anh chàng còn có cổ phần trong một nhà hàng thịt nướng Nhật Bản và mỗi tháng đút túi thêm tầm 5.500 USD (gần 130 triệu đồng).
Với những gì đang có ở hiện tại, Brian cho rằng quyết định bỏ học đại học và dành toàn thời gian để trở thành YouTuber là điều đúng đắn mà anh đã lựa chọn. Mình nghĩ, sẽ có nhiều người cho rằng Brian thành công nên mới mạnh miệng tuyên bố như vậy, còn chẳng may thất bại, anh sẽ thấy quyết định bỏ ngang việc học để thành YouTuber là một điều bộc phát, dễ dàng gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, người xưa cũng có một câu khá hay là “phóng lao thì phải theo lao” ý nói một khi đã lựa chọn làm điều gì thì phải quyết tâm, tin tưởng và theo đuổi đến cùng thì mới mong gặt hái thành công. Điều này không phải là không có lý do vì nhìn vào câu chuyện của Brian hay Ryan ở trên thì cả hai đều không lung lay, cố gắng hết sức mình một khi đã can đảm lựa chọn con đường không theo học đại học.
Mình hay nghe nhiều người nói vui với nhau là “ra đời mới biết ai hơn ai”. Có thể đứa bạn ngày xưa tuy học kém, kết quả lẹt đẹt đứng cuối lớp nhưng sau này lại là ông chủ sở hữu tài sản bạc tỷ. Còn đứa bạn thường đứng nhất lớp, là con ngoan trò giỏi và đỗ đại học với điểm số cao lại là làm công ăn lương hàng tháng.
Dĩ nhiên, điều này không phải là không có vì vẫn có rất nhiều người thành công, kiếm ra nhiều tiền nhưng vẫn là tỷ phú. Để làm dẫn chứng cho vấn đề này, dễ dàng nhất là nhắc đến câu chuyện của Bill Gates - người đã từ bỏ giảng đường đại học Harvard để khởi nghiệp với công ty công nghệ và sau này thành công toàn cầu, sở hữu khối tài sản thuộc hàng top những người giàu có nhất thế giới.
Tuy nhiên, hãy tỉnh táo và lý trí nhìn vào cách Bill Gates bỏ học đại học. Đó là ông sở hữu tài năng cũng như có bộ óc của một thiên tài. Có thông tin mình đọc được là tỷ phú này đã biết lập trình từ khi chỉ là học sinh tiểu học. Lúc là sinh viên ở đại học Harvard, ông đã dành thời gian rảnh để đọc hết Bách khoa Toàn thư Thế giới với 22 cuốn.
Đấy, nếu bạn có tài năng thiên bẩm, bộ óc thiên tài như Bill Gates thì khả năng thành công sau khi bỏ học đại học sẽ rất cao. Hoặc chí ít là có tính kiên trì, không vì thất bại bước đầu mà lung lay suy nghĩ như 2 trường hợp kể trên thì mới mong vào tương lai kiếm nhiều tiền, có công việc như ý muốn trong khi không tốt nghiệp đại học.
Học vẫn là con đường ‘ăn chắc mặc bền” giúp mỗi người có được nền tảng vững chắc trước khi vào đời. Thay vì lựa chọn “nhảy cóc” là không học đại học, hãy tỉnh táo suy xét bản thân có đủ đam mê, tài năng, kiên định, không nản lòng hay không rồi hãy nghỉ học.
Hoặc còn có một lựa chọn khác, đó là vẫn đến trường, hoàn thành việc học và nhận bằng tốt nghiệp nhưng sau đó lại bén duyên để rẽ sang một công việc hoàn toàn khác. Ví dụ là câu chuyện của anh Nguyễn Vạn Tiến, người đã tốt nghiệp đại học nhưng quyết định đi… “nhặt ve chai” để khởi nghiệp. Ban đầu, nhiều người đã hoài nghi, cười cợt và khó tin đây là quyết định sáng suốt của anh Tiến. Trong suy nghĩ của người ngoài, họ nhìn thấy một anh chàng tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh lại cặm cụi, ăn mặc tuềnh toàng đi thu mua ve chai là điều thất bại, là một bước lùi phí công sức ăn học bao năm.
Tuy vậy, sau gần 10 năm, công ty của anh Tiến ngày càng phát triển và có hơn 200 đối tác thân thiết. Mỗi tháng, sau khi trừ thuế, chi lương cho nhân viên và các chi phí khác, anh “đút túi” khoảng 70 triệu đồng. Tuy không phải là con số quá lớn nhưng cũng là mức thu nhập khá “xịn”, thậm chí gấp 5-6 lần lương của một nhân viên văn phòng.
Từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường, anh Tiến đã suy nghĩ tìm cách để khi tốt nghiệp sẽ ở công ty riêng thay vì đi làm thuê cho người khác. Ba mẹ của anh đã phản đối rất nhiều vì họ khó lòng tin con sẽ thành công với lựa chọn táo bạo, khó hiểu này. “Thực sự là không có cha mẹ nào muốn con mình tốt nghiệp Đại học xong lại lấy cân đi mua ve chai, nắng nôi cực khổ. Gia đình không muốn điều đó”, anh tâm sự.
Tuy nhiên, vượt qua bao gian nan, thử thách, khó khăn, Vạn Tiến đã thành công với ý tưởng kinh doanh phế liệu và khiến bố mẹ, người thân, bạn bè tin tưởng anh đã không đi sai đường.
Từ những câu chuyện này, mình nghiệm ra là cuộc đời vốn muôn hình vạn trạng và không hề có một công thức nhất định cho mỗi người. Ai cũng có thể thành công trong khả năng của họ, miễn phải kiên trì, không nản lòng, đầu hàng trước thử thách. Quan trọng không kém, khi bạn ngừng học ở trường lớp không có nghĩa là sẽ không học thêm gì nữa. Kiến thức là vô tận, đặc biệt là từ những trải nghiệm thực tế sẽ là những bài học đắt giá giúp bạn gặt hái thành công.
Em gái tỷ phú của Cẩm Ly về nước: Ở nhà 800 tỷ tại Mỹ, mỗi lần về là lộng lẫy hội ngộ dàn sao
Cẩm Ly, Minh Tuyết và Hà Phương là 3 chị em đình đám của làng giải trí Việt, cả 3 đều theo đuổi nghệ thuật và gặt hái được nhiều thành công. Trong khi Cẩm Ly, Minh Tuyết vẫn tham gia showbiz một cách sôi nổi thì Hà Phương lại kín tiếng hơn khi lấy chồng tỷ phú ở Mỹ. Gần đây, nữ ca sĩ vừa có dịp về Việt Nam hội ngộ dàn sao Việt.