Cách học tiếng Nhật 6,5 tháng từ số 0 lên N3, thuộc 2000 kanji

Xin chào các bạn, phải chăng các bạn đang lùng soát, tìm kiếm trên mạng “Làm thế nào để học giỏi tiếng Nhật”, “cách học tiếng Nhật”, “Phương pháp học tiếng nhật từ con số 0”, “Nên học tiếng Nhật từ đâu khi chưa biết gì”…

10:00 12/11/2019

Rất nhiều vấn đề mà các bạn đang thắc mắc phải không nào?

Hôm nay mình xin mạn phép trình bày bài viết về vấn đề này cho những bạn bắt đầu từ con số 0, không những thế, những bạn nào đang học nhưng cảm thấy mình học chậm, tại sao thi JLPT nhiều lần không đậu, hoặc học nhiều năm nhưng vẫn chưa có bằng JLPT thì hãy tham khảo bài đọc này, biết đâu nó sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều đấy.

Chỉ 6,5 tháng liệu bạn có thể làm được như mình? Từ số 0 lên N3 và thuộc 2000 kanji?

Mình xin tự giới thiệu về mình một tí, mình sinh năm 1997, khi còn là sinh viên năm nhất trường đại học Bách Khoa Hồ Chí Minh, mình nhận được học bổng MEXT (học bổng toàn phần của nhà nước), chuyên ngành lĩnh vực hạt nhân.

Sau đó mình được chuyển ra Hà Nội học tiếng Nhật 6,5 tháng tại trường đại học Ngoại Ngữ Hà Nội (nay đã đổi tên thành trường đại học Hà Nội).

Trong 6,5 tháng đó, những thành tích mình đạt được đó là từ một người chưa biết gì về tiếng Nhật lên trình độ N3, đủ khả năng giao tiếp và phỏng vấn với người Nhật, không những thế mình cũng thuộc được 2000 chữ Hán tự, và mình cũng đã dự thi kì thi tiếng Nhật EJU (với 3 môn toán, lý, hóa thi bằng tiếng Nhật đều đạt trên 50% tổng số điểm).

Sau khóa học cấp tốc 6,5 tháng này, các giảng viên thuộc trường đại học Hà Nội khoa tiếng Nhật công nhận chúng mình học rất nhanh, và đây là khóa học đầu tiên mà các cô dạy, được những thành tích trên là một thành công rất lớn đối với các cô cũng như là đối với chúng mình.

Thành công chỉ đến với những ai thực sự cố gắng, kiên trì

Bản thân mình đưa ra các thành tích trên không phải là để khoe khoang này nọ, chỉ với mong muốn là mọi người có thể yên tâm “chọn mặt gửi vàng” mà thôi.

Mình biết còn rất rất nhiều người giỏi hơn mình, nhưng ở đây mình đang đề cập đến quá trình làm thế nào trong 6,5 tháng đạt được những thành tích như trên.

Hãy tin mình! Bạn cũng sẽ làm được như mình

Mình biết rằng, khi bắt đầu học một ngôn ngữ mới nào đó, chúng ta đều gặp khó khăn, chướng ngại vật. Mà đặc biệt lại là tiếng Nhật – Một trong những thứ tiếng khó nhất trên thế giới.

Thế nhưng, nếu như có ai hỏi mình: “Tiếng Nhật và tiếng Anh, tiếng nào dễ hơn?”.

Mình không biết mọi người trả lời thế nào chứ mình sẽ trả lời tiếng Nhật dễ hơn bởi trong 6,5 tháng mình được học tiếng Nhật một cách bài bản nhờ sự tận tình của các giảng viên khoa tiếng Nhật trường đại học Hà Nội và một phần nhờ sự tìm tòi, học hỏi của bản thân mình.

Còn tiếng Anh, mặc dù đã học hơn 10 năm nhưng mình vẫn chưa đủ khả năng giao tiếp, chỉ đơn giản là vì mình chưa có phương pháp học đúng, cũng như là chưa biết phải bắt đầu từ đâu.

Tuy nhiên, sau khi học tiếng Nhật xong, mình cũng bắt đầu việc học lại tiếng Anh, thì mình thấy tiếng Anh cũng dễ đi phần nào so với trước.

Có lẽ, khi chúng ta có một ngôn ngữ, học thêm một ngữ khác thì cảm thấy không có gì là khó khăn nữa phải không nào?

Không gì là không thể phải không các bạn?

Chúng ta đi vào vấn đề chính nhé:

Học tiếng Nhật được chia làm nhiều giai đoạn, do đó chúng ta cần phải kiên trì, phải biết vượt qua khó khăn.

Nếu bạn không kiên trì, đừng học tiếng Nhật nữa, đừng đọc bài dưới đây làm gì cho tốn thời gian. Đã học tiếng Nhật thì phải xác định mình học vì gì, mục tiêu ra sao.

Đừng bảo rằng mình học tiếng Nhật là để chơi cho biết thì mình khẳng định với bạn rằng, trong 6,5 tháng bạn không thế nào đạt trình độ N3,.. từ con số 0 như mình.

I. Giai đoạn đầu tiên:

1. Chữ viết trong tiếng Nhật:

Phải khẳng định rằng, giai đoạn đầu học tiếng Nhật, chữ viết và cách phát âm đã làm cho chúng ta bắt đầu chán nản với việc học tiếng Nhật rồi, nhưng nếu bạn không vượt qua giai đoạn này thì bạn không thể nào học tiếng Nhật được.

– Mình nói sơ qua về bảng chữ cái một tí, trong tiếng Nhật có 4 bảng chữ cái:

KANJI: Chữ Hán tự (Tại sao phải học chữ Kanji? Lý do như thế nào thì mình sẽ viết vào phần Phương pháp học kanji nhé ).

KATAKANA: Chữ cứng, nghĩa là trong nét chữ thường có mũi nhọn, được dùng để phiên âm tên người nước ngoài chẳng hạn như nước Việt Nam mình.

HIRAGANA : Chữ mềm, nghĩa là nét nó mềm mại, cong, không có mũi nhọn trong nét chữ. Người Nhật thường dùng bảng chữ này.

ROMAJI: Đây là chữ la tinh, phiên âm chữ Nhật để cho người nước ngoài dễ đọc hơn như “a, i, u, e, o” chẳng hạn.

Nhiều bạn thắc mắc, làm sao phân biệt chữ tsu(ツ) và chữ shi (シ) trong KATAKANA ?

Chữ Shi(シ)thì các bạn viết nét cong từ dưới lên có móc và 3 nét trong chữ Shi không ngang hàng nhau.

Còn chữ Tsu(ツ) thì các bạn viết nét cong từ trên xuống và 3 nét trong chữ Tsu phải ngang hàng nhau.

Tương tự như chữ So(ソ) và chữ n( ン) . Chữ So nét cong từ trên xuống và 2 nét ngang hàng nhau, chữ n nét cong từ dưới lên, có móc và 2 nét không ngang hàng nhau.

Làm sao để nhớ được bảng chữ cái trong tiếng Nhật trong thời gian nhanh nhất?

Thứ nhất bạn cần phải có một cách nhớ khác với người ta, bạn hãy tưởng tượng mỗi chữ nó giống với cái gì, đừng học một cách gò bó nét thứ nhất viết như thế nào, nét thứ hai viết như thế nào,…

Mình thấy nhiều trung tâm dạy, ngay cả trung tâm mình đang dạy cũng dạy là nét thứ nhất, nét thứ hai.

Như vậy một buổi học chỉ nhớ được có 10 chữ.

Mình thì không thích như vậy, mình thích phá cách, giáo án là dạy 10 chữ trong 1 buổi nhưng mình dạy luôn gần như hết bảng hiragana trong 1 tiếng rưỡi, bởi vì mình đã được học trước nên mình có sự liên tưởng, và khi mình hướng dẫn lại cho mọi người thì mọi người sẽ dễ nhớ hơn rất là nhiều so với mọi người tự mài mò trong thời gian dài mà chưa có ý tưởng gì.

Sau khi các bạn đã liên tưởng được rồi, thì việc tiếp theo là dùng flash card, hãy dùng thật nhiều, thì bảng chữ cái sẽ tự khắc ghi trong đầu bạn mà thôi.

Hoặc có thể vào google search: game hiragana, sau đó các bạn thực hành, mình tin các bạn sẽ nhớ hiragana chỉ trong vòng 1 buổi.

Hoặc vào CH Play ( Hệ điều hành android ) tải các ứng dụng chơi game hiragana, sau đó luyện tập cũng oke.

Hình minh họa game hiragana

Vì đây là bài viết nên mình không thể chỉ được cách nhớ, nếu có điều kiện thì mình sẽ quay video hướng dẫn các bạn học bảng chữ cái.

Mình ví dụ tạm chữ a(あ)nhé, đầu tiên bạn hình dung 2 nét đầu tiên là dấu +, nhưng nét ngang nó dịch lên phía trên 1 tí, tưởng tượng nó là cây Angten, có chữ A rồi đó, và khi học mà chán mình thường hay la AAAAAA và quẹt vào vở như thế này?

Các bạn có giống mình không?

Vậy là ta đã nhớ được chữ A rồi phải không nào?

Cách nhớ chữ A thật vi diệu ^^!

2. Cách Phát âm tiếng Nhật:

Tiếng Nhật hay bất cứ một thứ tiếng nào khác, mảng phát âm rất quan trọng. Vì vậy, khi bắt đầu học các bạn hãy tập cho mình cách phát âm làm sao cho đúng , nếu không đúng thì hãy dùng mẹo. Chẳng hạn như:

Âm Tsu (つーツ), ngày xưa mình dược dạy là đọc chữ “Trư” trong “Trư Bát Giới” nhưng phải “có hơi gió đưa ra”. Để biết mình phát âm đúng thì các bạn đưa tờ giấy trước miệng rồi đọc “Trư”, nếu tờ giấy nhích một khoảng thì bạn đã đọc đúng rồi đó.

Âm Fu (ふーフ) phát âm như nào?

Khi được học, các cô chỉ rằng sẽ đọc giữa âm “HU” và âm “FU”. Nhưng làm sao để có thể đọc được như vậy? Lý thuyết là như vậy thôi, bản thân mình thấy nhiều cô đọc thiên về “FU” hơn.

Hàng “r” (らりるれろーラリルレロ) phát âm là “R” hay “L” trong tiếng Việt của mình. Lý thuyết là đọc giữa “R” và “L” nhé các bạn, tuy nhiên nếu các bạn làm không được điều đó, thì đọc luôn “R” hoặc “L” đều được, nó vẫn gần đúng so với người Nhật.

Âm Shi (しーシ) đọc khác so với các âm (さすせそーサスセソ), âm Shi thì đọc chu mỏ lên, có hơi gió mạnh, giống vối âm SH ( ʃ ) trong tiếng Anh , những âm còn lại thì giống với âm “S” trong tiếng Anh, đọc nhẹ và không chu mỏ nhé.

Âm ya(やーヤ), za( ざー ザ ), ja( じゃ ージャ ) phân biệt như nào?

Âm ya (やーヤ) thì chúng ta đọc như “DA” trong tiếng Việt. Âm za(ざーザ) như âm “Z” trong tiếng Anh. Âm ja(じゃージャ) như âm “ʒ”trong tiếng Anh.

Âm kya (きゃ) và những âm tương tự phát âm như nào?

Bình thường khi bạn đọc chữ ki (き) thì nó 1 là phách, đọc chữ ya là 1 phách, khi đọc chữ kiya (きや) là 2 phách, nhưng vì đây là âm ghép của 2 âm lại làm 1 nên chúng ta đọc trong vòng 1 phách. Cách đọc là “ki-a”(きゃ) nhưng đọc thật nhanh sao cho nó chỉ được phép kết thúc trong vòng 1 phách ( 1 nốt nhạc ý ).

Âm shu(しゅ) chúng ta đọc là “SHIU” nhé.

Nếu bạn nào không giỏi tiếng Anh thì có thể lên youtube search “Cách phát âm Âm /s/,/z/”, ” Cách phát âm Âm /ʃ/ và /ʒ/ ” nhé.

Bảng chữ cái tiếng Nhật

Giáo trình sử dụng: Kana nyuumon かな入門

Thế là xong giai đoạn đầu, ngày xưa chúng mình học giai đoạn này, thêm một số cái như trường âm, âm ngắt, âm câm,…

Tổng cộng là hết 0,5 tháng, như vậy, chúng mình chỉ có 6 tháng để học lên N3 sau khi học xong bảng chữ cái. Thật khó tin phải không các bạn?

Nếu bạn nào không tin thì có thể đến trường đại học Hà Nội, khoa tiếng Nhật, các bạn có thể hỏi đã từng dạy 1 khóa nào như thế này chưa, là các bạn sẽ tin bài viết của mình.

Mình cũng không rãnh rỗi để mà đi lừa gạt mọi người trong khi phải tốn thời gian suy nghĩ viết từng li từng tí như thế này cả.

Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình

II. Giai đoạn 2

Chúng ta tiếp tục giai đoạn tiếp theo, học ngữ pháp, từ vựng, kanji, luyện nghe, nói, đọc, viết, dùng từ điển ,ứng dụng ,……. Giáo trình các bạn nên dùng cho việc học Trong giai đoạn này đó là Bộ Minna No Nihongo (Giải thích ngữ pháp bằng tiếng Việt).

Học xong bộ Minna No Nihongo là có thể đạt được trình độ N4. (Nếu kiên trì, chịu khó học)

Bộ giáo trình Minna No Nihongo

1. KANJI, Ứng dụng, Từ Điển:

Sở dĩ mình đưa KANJI lên đầu tiên vì nếu như bạn giỏi được kanji, bạn có thể giỏi được nhiều thứ khác nữa như học từ vựng rất nhanh, đọc bài viết hiểu được nội dung. Mà khi có từ vựng thì bạn mới nói, nghe được.

Vì vậy, hãy học kanji ngay sau khi học bảng chữ cái, đó là lời khuyên chân thành mình dành cho mọi người.

Kanji

Tại sao người Nhật lại dùng chữ Kanji? viết toàn bộ HIRAGANA không được sao?

Hẳn nhiều bạn sẽ suy nghĩ như vậy, tuy nhiên, nếu như mình đưa cho bạn thử một bài viết toàn hiragana, chưa hẳn người Nhật đã hiểu được hết toàn bộ bài viết đó, chứ đừng nói là chúng ta, bởi trong tiếng Nhật có nhiều hiện tượng gọi là đồng âm nhưng khác nghĩa.

Bạn hiểu đại khái là như vậy nhé, đây là ví dụ minh họa:

ははははは、ははのははははははとわらいます。

Khi có 漢字   :母ははは、母の母ははははと笑います。

Nghĩa: Mẹ thì cười haha, mẹ của mẹ thì cười hahaha. ^^

Cách đọc chữ Kanji:

Kanji có 2 cách đọc, âm ON và âm KUN. Âm ON là âm Hán Nhật, còn âm KUN là âm thuần Nhật (Giống tiếng việt có âm hán Việt và âm thuần Việt vậy đó ^^).

Tại sao lại có 2 âm, bởi vì THƯỜNG khi nó đứng 1 mình thì đọc âm KUN (thuần Nhật), khi ghép chung với những chữ kanji khác thì đọc âm ON (Hán Nhật).

Mỗi chữ Hán đều có âm Hán Việt, và cũng có cách suy ra từ âm Hán Việt sang âm Hán Nhật (âm ON).

Tuy nhiên, mình thấy ko cần phải học cách suy ra, vì bạn học nhiều là khắc bạn tự nhớ, và không phải chữ nào cũng có thể suy ra được, còn nếu bạn muốn thì có thể search google:

” Cách chuyển âm Hán Việt sang âm ON”.

Các bạn lưu ý chữ “THƯỜNG” màu đỏ trên kia hộ mình nha @@@@

Nhiều bạn hỏi mình, giai đoạn này học chữ Hán, học cách viết, học nghĩa Hán Việt, rồi có học âm ON, KUN luôn không? Mình xin trả lời là không cần học âm ON, KUN nhé các bạn. Các bạn chỉ cần học cách viết, viết mỗi chữ khoảng 1 hàng trong tờ giấy A4 là được, và học âm Hán Việt (nếu cần thiết), tuy nhiên giai đoạn này KHÔNG CẦN HỌC âm ON, âm KUN.

Sau này khi các bạn quen rồi, tự nhiên bạn nhớ âm ON, KUN thôi.

Cũng có nhiều bạn hỏi: Có cần viết đúng thứ tự nét viết Kanji không?

Câu trả lời đẩy đủ như sau: Ban đầu bạn hãy tập thói quen cho mình viết đúng như hướng dẫn, sau này, bạn quen viết như thế nào thì cứ viết, không cần phải đúng nữa, vì chẳng ai kiểm tra bạn ngồi viết từng nét đâu.

Không cần học âm On, âm Kun

Người Việt mình học Kanji lợi thế hơn so với các nước khác bởi vì có âm Hán Việt, còn nước ngoài thì làm gì có ^^.

Vậy có nên học âm Hán Việt không ?

Câu trả lời là: Tùy chữ nữa bạn nhé T_T, vậy làm sao biết chữ nào học, chữ nào không học.

Dễ thôi bạn, bạn tra từ điển (Dùng từ điển nào mình sẽ nói sau) nếu thấy từ đó ghép được với 1 từ khác mà ra nghĩa thì mình học, còn không ghép được thì thôi, chẳng hạn như chữ Thích (刺)thì có thể ghép với chữ Kích(激)tạo ra từ Kích thích (刺激ーしげき-Từ này ngoại lệ, ghi chữ Thích trước rồi mới chữ Kích sau, ngược một tí).

Chữ Xuy (吹ーcó nghĩa là thổi), nó ko thể ghép với từ nào mà ra nghĩa hết, vậy thôi, không cần phải học âm Xuy(吹) làm gì cho tốn bộ não bạn nhỉ.

Tùy chữ nữa bạn nhé!

Ứng dụng nên dùng trong tiếng Nhật là gì ?

Thứ mà không thể thiếu cho việc học tiếng Nhật – Đó là ứng dụng từ điển. Đầu tiên, bạn phải sắm cho mình chiếc điện thoại Android (Hầu hết các ứng dụng tiếng Nhật thuộc hệ điều hành Android) .

Mình đã tải nhiều ứng dụng về tiếng Nhật rồi, Mình khuyên các bạn nên tải

a. Từ điển mazii

Từ điển mazii

b. Từ điển mẫu câu tiếng Nhật ( cái này dùng online).

Từ điển mẫu câu tiếng Nhật

c. Ứng dụng Minna No Nihongo ( Có đầy đủ 50 bài và nhiều sách khác nữa)

Ứng dụng Minna No nihongo

d. Từ điển Suge dict

Từ điển suge dict

(Tải luôn cả 2 cũng được, bản thân mình thì thích dùng Suge Dict hơn, tuy nhiên Mazii thì có ứng dụng đọc báo nữa, bạn hãy tải cả 2 về, rồi xem mình phù hợp với cái nào nhé).

Đó là những ứng dụng nhất định bạn phải có, còn 1 ứng dụng rất cần nữa, chúng ta xem ở phần 2.

Học từ vựng nhé! Ngoài ra bạn cũng có thể tải những úng dụng về những mẫu câu tiếng Nhật hay dùng trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, một vài ứng dụng về ngữ pháp N5,N4,N3,N2,N1, rất rất nhiều, bạn lượn 1 vòng trên CH PLAY là có hết ấy mà…

Nếu bạn muốn học song ngữ Nhật – Anh thì có thể tải ứng dụng Akebi, ứng dụng này khá hay đó là với 1 chữ kanji có thể hiện ra toàn bộ những từ mà có chữ kanji đó, các bạn thử tải về rồi tìm hiểu thêm nhé.

Akebi

Thực ra không nhất thiết các bạn học song ngữ Nhật – Anh mới tải ứng dụng này, Nếu các bạn muốn hiểu rõ hơn về cách dùng từ,… thì cũng nên tải ứng dụng này. Mình sẽ nói phía dưới phần Ngữ pháp

Làm sao để laptop có thể sử dụng những ứng dụng trên điện thoại?

Nếu như bạn ít sử dụng điện thoại, muốn sử dụng những ứng dụng bên trên qua laptop, thì bạn có thể search google: Download phần mềm giả lập Android cho laptop. Với điều kiện cấu hình máy của bạn phải mạnh 1 tý thì lướt mới êm được.

Droid 4x cũng là một phiên bản cho phần mềm giả lập android

III. Phương pháp học Kanji

Bản thân mình học kanji có rất nhiều cách học cho mỗi chữ, vì không phải chữ nào cũng áp dụng cách này, cách nọ được.

Thứ nhất, để học được kanji, các bạn phải có giáo trình đã.

1. Kanji Look and Learn (N5-N3)

2. Kanji look and learn ( N3-N2)

3. Kanji look and learn (N2-N1)

4. Remember the kanji

Mục số 2 và số 3: Nguồn Facebook Duy Trieu

Đó là toàn bộ những cuốn sách kanji mà mình đã học (còn nhiều quyển nữa nhưng mình thấy những quyển sách đó không cần thiết).

Làm thế nào để sử dụng hiệu quả những cuốn sách trên?

Mình nói sơ qua một tí về các quyển sách, những quyển Kanji Look and learn là học theo hình ảnh, mỗi chữ có 1 hình ảnh riêng, còn quyển Remember the kanji là học từ những chữ kanji đơn giản đến những chữ phức tạp.

Khi học thì các bạn sử dụng quyển Remember the kanji để học (quyển này bằng tiếng anh, nếu bạn không giỏi tiếng anh thì làm sao đây?

Các bạn cứ yên tâm nhé, mình đang trong quá trình viết cách nhớ bằng tiếng việt, không phải dịch quyển sách @@, nên hãy theo dõi website cũng như là fanpage để mình hướng dẫn học nhé).

Nếu website/ fanpage chưa có bài giảng thì các bạn có thể tự học như sau: Học từng bài 1 trong remember the kanji, nếu chữ nào bạn không nhớ được thì sang 3 file pdf Kanji look and learn bên trên để tìm kiếm xem có hình ảnh không, nếu có thì nhớ, quá tốt.

Nếu không thì các bạn chuyển sang cách học khác, xem chữ kanji cần học có liên quan gì đến những chữ kanji đã học.

Mình ví dụ nhé, chữ Cổ (古 ) nghĩa ( cũ, xưa ) gồm chữ Thập (十 ) nghĩa (số 10) và chữ Khẩu ( 口) nghĩa (cái miệng ). Vậy bạn hãy đặt 1 câu làm sao mà có liên quan đến nghĩa ” số 10″ “cái miệng”, “cũ, xưa” .

Mình đặt 1 câu là “Miệng nói cái gì đó 10 lần thì cũ”. Vậy khi chúng ta muốn viết chữ cũ thì cứ đọc câu mình đã đặt là có thể viết được.

Ngoài ra mình cũng có thêm một vài ví dụ cho các bạn:

Bộ Khiếm

Hình ảnh sinh động

Bạn đã biết chữ kanji này chưa?

Thiếu Băng thì làm sao có thể Tiếp Tục trượt băng đây, huhuhu

Ăn là phải uống

Ca ca hát dở quá

Cái nón chắc đẹp

Đừng đầu tư tiền vào chứng khoán khi không biết chơi

Ý nghĩa hỏi ý kiến chính xác hơn nhé

Vẻ bên ngoài Ngọc Trinh

Phần mềm của chiếc xe là gì vậy

Hoặc nhiều chữ hán có hiện tượng cùng âm Hán ví dụ như chữ Công (工 ) trong công nghệ, công sự, công sức, thủ công, công dân,… Chữ Cống (貢) trong cống hiến bao gồm chữ Công và chữ Bối ( SÒ – thường quy ước là tiền ngày xưa (貝) .

Vậy mình lấy 1 nghĩa nào đó trong chữ Công mà dễ đặt với chữ Tiền mà có liên quan đến Cống Hiến.

Đặt 1 câu nhé : Công dân cũng phải Cống Hiến Tiền cho nhà nước. Hoặc cách nhớ khác, vì nó cùng âm Hán: Công và Cống, vậy muốn Cống hiến thì phải có tiền (貝 ), mà vì cùng âm nên phải có bộ Công(工 )。

Sẵn đây mình nói luôn, có nhiều bộ không có nghĩa hoặc nghĩa của nó ít dùng thì mình phải quy ước là một nghĩa khác.

Chẳng hạn như chữ Đinh ( 丁 ) nghĩa nó mông lung, thôi mình quy ước nó là cây Đinh luôn. rồi bộ ( 广 ) nghĩa là mái nhà (Cái này các bạn sẽ được học quy ước trong quyển sách).

Chữ SẢNH ( 庁 ) nghĩa ( Chi Cục, Viện ) gồm 2 bộ trên, vậy mình đặt 1 câu: Mái nhà mà có đinh lòi ra thì chắc chắn không phải của Chi Cục, Viện, Nhà Nước rồi .

Hoặc chữ Đính ( 訂 ) trong nghĩa (Đính Chính), cách nhớ: Muốn đính chính người khác thì phải có miệng để nói ( 言) , vì cùng âm nên phải có bộ Đinh ( 丁 )。

Hoặc chữ Đỉnh(頂 ) trong nghĩa ( đỉnh, mũi nhọn) ghép từ bộ Hiệt (頁) nghĩa là (trang giấy), đặt cách nhớ mà có hiện tượng cùng âm Hán Việt ( khác dấu tí thôi ^^): Trang giấy vở của chúng ta luôn có 4 đỉnh, vì cùng âm nên thêm bộ Đinh ( 丁 ) vào.

Vậy là xong !

Ôn lại 1 tý nhé

Có thể các bạn đặt một câu vô nghĩa cũng được, nhưng miễn sao là có hết những ý nghĩa của các chữ trong đó là oke, bản thân các bạn tự đặt mà ví dụ đó thú vị thì bạn sẽ nhớ lâu hơn so với ví dụ của mình, hoặc mình có thể hướng dẫn, tuy nhiên, không phải hướng dẫn nào cũng hấp dẫn, thú vị, cũng có nhiều cái vô lý nhưng đành chấp nhận thôi

Mình xin lưu ý với các bạn một điều nữa, đó là không phải 2 âm Hán Việt nào ghép lại với nhau cũng ra đúng nghĩa, chẳng hạn như Báo ( 報 ) Thù (酬) không có nghĩa là trả thù mà có nghĩa là thù lao, tiền công.

Vậy làm sao biết khi nào ghép vào mà không đúng như nghĩa Hán Việt?

Cái này thì bạn phải học thuộc, tra từ điển thôi, với lại số lượng cũng ít, không đáng kể, nên cứ yên tâm mà học các bạn nhé!

Các bạn ghi nhớ điều này nhé

Làm sao biết Âm ON của chữ Hán đó có trường âm hay không?

Về Trường âm trong âm ON của chữ Hán, Hầu hết những từ có 3 âm trở lên (Đảo, Trường, Đàm, Lạc, Vực…) thì nó có trường âm ví dụ như Đảo ( 島 ) âm ON là tou ( とう ),….

Tuy nhiên có 1 vài từ chi có 2 âm tiết như Ưu ( 優 ) trong ưu tiên(優先) thì nó cũng có trường âm.

Vậy làm sao để nhớ, thực ra thì ko có ai ngồi liệt kê ra cho các bạn đâu, các bạn cứ nhớ là 3 âm trở lên, rồi khi học thì các bạn chú ý một tí, nếu không đúng với quy tắc thì nó là ngoại lệ.

Còn khi đi thi, nếu không biết có trường âm hay không thì chúng ta cứ áp dụng cái đa số chứ đừng dại mà áp dụng cái thiểu số.

(Nếu biết âm Hán @@, chứ không biết âm Hán thì cũng không thể nào đoán được có trường âm hay không)

Một cách để luyện đọc chữ KATAKANA

Làm sao biết một chữ Kanji được cấu tạo từ những chữ kanji khác?

Làm sao biết những từ nào có chữ Kanji đó?

Trả lời cho câu hỏi trên, như phần trên mình đã hướng dẫn bạn tải ứng dụng AKEBI, các bạn xem hướng dẫn sử dụng qua các ảnh dưới đây nhé!

Giao diện ban đầu

Click vào tìm kiếm, gõ chữ

Kéo xuống phía bên dưới chót

Giải thích nghĩa và ví dụ

Kéo xuống dưới cùng để xem từng chữ kanji trong chữ vừa tìm kiếm

Thứ nhất: Xem những từ mà có chữ kanji này

Thứ hai: xem thứ tự vẽ

Thứ ba: Xem từ này là từ số bao nhiêu trong các giáo trình (Không cần xem cũng được)

Thứ tư: Chữ này được cấu tạo từ những chữ kanji nào khác

Thứ năm: Thêm vào danh sách mà mình tự tạo

Rất nhiều người cảm thấy Kanji rất loằng ngoằng, khó nhớ. Xin khẳng định với các bạn một điều là Học Kanji không khó, nhưng phải chăm.

2. Ngữ pháp Tiếng Nhật:

Về ngữ pháp, mình nghĩ ngữ pháp tiếng Nhật không khó (vì mình là dân kỹ thuật, học để giao tiếp, lấy JLPT nên mình nghĩ vậy, chứ mình thấy nhiều bạn khoa ngôn ngữ Nhật còn phải phân biệt đồ nữa, nên chắc cũng phức tạp lắm nhỉ@@),

Nếu như học theo giáo trình Minna no Nihongo ( bản tiếng Việt) cộng thêm vài ứng dụng điện thoại minna no nihongo thì bạn có thể tự học được > 50%.

Vì nhiều cái trong sách không có, chỉ phải đi học thêm ở ngoài mới được học, chẳng hạn như học về đếm tuổi, ngay từ bài 1 là các bạn đã học, thế nhưng trong sách lại không đề cập, vì vậy cái này bạn phải tự tìm hiểu từ các nguồn trên mạng.

(Hiện nay có rất nhiều nguồn, nên các bạn hãy tìm nguồn nào đáng tin cậy một chút nhé)

Có nhiều ngữ pháp giống nhau, làm thế nào để phân biệt những ngữ pháp đó, nếu các bạn thắc mắc thì cứ search google là sẽ ra thôi

Tuy nhiên, các bạn cũng nên đừng quá toàn cầu hóa vấn đề, có những ngữ pháp mặc dù giống nhau, nhưng chúng ta không cần phân biệt đâu, vì chúng ta không phải dân đi chuyên sau về học ngôn ngữ. Nói gì thì nói cũng nên phân biệt thì tốt hơn nhỉ @@.

Có nhiều bạn thắc mắc Làm sao phân biệt trợ từ Wa(は) và Ga(が)? Đừng cố gắng hiểu sâu về vấn đề này, ngày xưa mình được dạy: Phân biệt 2 trợ này, là cả 1 luận án tiến sĩ của người ta.

Mình mà học chẳng khác nào đang đi nghiên cứu về luận án này sao ?

Làm sao biết động từ đi với trợ từ nào?

Cái này rất đơn giản các bạn nhé, các bạn vào ứng dụng Akebi gõ động từ đó ra, sau đó vào xem các ví dụ, là chúng ta sẽ rõ trợ từ đi kèm với nó là gì.

Làm sao để nhớ ngữ pháp lâu thì các bạn nên sử dụng nó thường xuyên, bên cạnh đó các bạn cũng có thể dùng flash card để học nữa, trên quizlet có hết, các bạn chỉ cần tải về học thôi.

Bản tiếng việt

3. Phương pháp học từ vựng:

Như mình đã nói ở phần 1, khi chúng ta học được kanji thì khả năng học từ vựng của chúng ta sẽ nâng cao lên. Chẳng hạn như Chữ Tiên, Tiền (先 ), nó có trong từ Tiên Sinh ( 先生ーせんせい – Giáo viên ).

Từ đó chúng ta có thể suy ra âm ON của chữ Tiên, Tiền là Sen (せん ).

Vậy ta ghép chữ Tiên, Tiền này vào các chữ khác :

Tiền Bối – Senpai (先輩 ーせんぱい ), Tiền Tệ – Senrei (先例 ーせんれい ), Ưu Tiên – Yuusen (優先ーゆうせん ) , Tiên Tiến – SenShin ( 先進ーせんしん ), Tổ Tiên- SoSen (祖先ーそせん ), Tiên Đạo (Nghĩa là sự hướng dẫn, chỉ đạo) – Sendou (先導ーせんどう ).

Như vậy từ 1 chữ chúng ta có thể học thêm nhiều chữ khác nữa.

Cách học từ vựng như nào để mau thuộc và lâu quên?

Cũng giống như kanji, cũng có nhiều cách học, mình sẽ đưa ra cho bạn một số cách học như sau:

– Thứ Nhất là flash card, mình xin khẳng định với các bạn, học Tiếng Nhật dùng Flash card cực kỳ hiệu quả nhé, các bạn có thể mua giấy A4 rồi ra tiệm in kêu họ cắt giấy, sau đó các bạn về viết từng tờ, mặt trước là tiếng Nhật,các ví dụ, đằng sau là nghĩa, cách dùng.

Tuy nhiên, bạn thử nghĩ xem, 1 quyển sách gần 1000 từ, liệu bạn có thời gian làm hết flash card, liệu bạn có hứng thú học khi nhìn thấy 1 xấp giấy gần 1000 tờ không?.

Thực ra ở ngoài tiệm sách, trên mạng cũng có bán đó, nhưng nếu bạn là một người tiết kiệm thì liệu bạn có thực sự muốn mua không?

Flasd card tiếng Nhật

Các bạn à, nay là thời buổi công nghệ rồi, cái gì trên mạng xã hội cũng có hết ^^.

Bạn có thể tạo flash card trên mạng, sau đó tải về điện thoại, bạn chỉ cần chạm vào màn hình là có thể dùng như flash card, đặc biệt, nếu như bạn học theo giáo trình Minna No Nihongo thì bạn không cần phải tạo vì đã có nhiều người đi trước, họ đã tạo sẵn rồi, bạn chỉ cần lên đó tải của họ về và xem là được.

Ứng dụng nào có thể giúp bạn làm được điều đó?

Đó chính là quizlet

Quizlet

Có cả trên laptop và Điện thoại nhé, các bạn tải về, và hãy tìm hiểu về ứng dụng này tại đây.

Part 1: Cách dùng Quizlet thuộc Kanji trong 2 tiếng đồng hồ P1

Part 2: Cách dùng Quizlet thuộc Kanji trong 2 tiếng đồng hồ P2

– Thứ hai, học thông qua hình ảnh, các bạn có thể vừa học 1 từ vựng, vừa vào google search xem hình ảnh của nó là gì để chúng ta dễ nhớ hơn.

(Nên lựa những hình nào mà bắt mắt, dễ nhớ).

Tuy nhiên, hiện nay cũng có rất nhiều ứng dụng học từ vựng tiếng Nhật thông qua hình ảnh trên hệ điều hành android, các bạn có thể dạo trên CH Play và đem về dùng thử như thế nào nhé.

– Thứ ba, với mỗi từ học, bạn hãy cố gắng liên tưởng nó giống từ nào trong tiếng việt hoặc nó giống với từ nào mà mình đã biết, sau đó đặt 1 cái câu gì đó để nhớ nó. Chẳng hạn như có từ Saku – nghĩa là Nở (咲くーさく ).

Để nhớ từ này, hẳn học tiếng Nhật, ai cũng biết đến hoa anh đào (Sakuraーさくら) nhỉ. vậy đặt 1 câu, hoa anh đào (sakuraーさくら) sẽ Nở ( sakuー咲くーさく) vào mùa xuân chẳng hạng.

Hoặc từ khác Machimasu – Đợi ( 待ちますーまちます ), để nhớ từ này ta đặt, ĐỢI nó Mà Chi, tốn thời gian thêm.

Còn nhiều từ rất là hay, các bạn có thể tự tạo ra cho bản thân mình.

– Thứ tư, khi học một từ, các bạn nên cố gắng sử dụng nó, bằng cách đặt ví dụ cho nó thì sẽ nhớ lâu hơn.

Những từ mà các bạn đã học rồi thì hãy nhớ: nên thường xuyên ôn lại, lập kế hoạch, thời gian biểu, cứ bao lâu chúng ta nên ôn lại một lần ( mình thỉnh thoảng 1 tháng ôn lại 1 lần).

Còn đối với những từ học trong ngày, trước khi đi ngủ chẳng hạn, các bạn thường hay cầm điện thoại trên tay, thì tại sao không cố gắng vào ứng dụng flash card mở lên và thực hành lại, để xem mình còn nhớ hay không, nhưng mục đích chính vẫn là để ôn lại, nhớ lâu hơn.

Tự đúc kết lại nào

Làm sao biết từ đang học có từ đồng nghĩa hay không, hoặc bạn muốn tìm kiếm từ đồng nghĩa thì làm như thế nào?

Phải chăng thỉnh thoảng bạn muốn học những từ đồng nghĩa?

Phải chăng bạn muốn nói khác so với những người còn lại?

Website : http://ejje.weblio.jp/ sẽ giúp bạn làm điều đó. Trang web này bằng tiếng Anh, rất bất tiện cho những bạn nào không giỏi tiếng Anh, và mới bắt đầu học tiếng Nhật.

Học từ đồng nghĩa, thể hiện một đẳng cấp khác so với mọi người

4. Làm sao để giỏi phần đọc trong tiếng Nhật ( dokkai – 読解ーどっかい):

Để đọc được, bạn cần phải có từ vựng, kanji và ngữ pháp. Nếu như đọc 1 bài mà có những từ vựng bạn chưa gặp, những chữ kanji mà bạn chưa từng thấy, những ngữ pháp chưa từng học, thì lúc đó bạn đừng bối rối hoặc đừng lấy từ điển tra ngay lập tức, tập thói quen, ” KHÔNG TOÀN CẦU HÓA”,

bỏ qua phần mình không biết, sau đó đọc sang câu kế tiếp, sau đó bạn tự dự đoán câu trên nó nói cái gì, hãy tự tập suy luận đoạn văn, đúng hay sai gì mặc kệ, sau đó dò đáp án xem mình làm đúng không rồi mới bắt đầu dò từ điển về từ vựng, kanji, ngữ pháp.

Mình khuyên các bạn như vậy bởi vì nếu mà bạn thấy những từ mà bản thân không biết là bắt đầu đem đi tra là sau này khi vào thi, gặp từ không biết, cảm giác của bạn sẽ ấp úng, lúc này kéo dài thời gian suy nghĩ, ảnh hưởng đến toàn bộ bài thi.

Như vậy thì rất là tiếc, vậy tại sao bây giờ chúng ta không tập tự suy luận đi, đầu ốc chúng ta cũng trở nên phong phú hơn mà.

Viết thì dễ mà thực hành mới quan trọng đúng không các bạn?

Chẳng hạn đưa ra 1 bài toàn là chủ đề mà mình không biết, thử hỏi lúc đó chúng ta làm sao mà suy luận được đây?

Khuyên chân thành, chẳng cần phải suy luận gì chi cho mệt, khó quá bỏ qua, khoanh lụi 3s là xong thôi mà, để dành thời gian qua phần khác mà làm.

KAKA, còn nếu như bài nào cũng không biết hết thì tức là mình chưa đủ để thi trình độ JLPT đó rồi.

Trong 1 bài thi ít nhất cũng phải có những thứ mình không biết chứ, đâu phải ai cũng hoàn hảo đâu phải không các bạn ?

Sách dokkai N3

5. Luyện nói và nghe trong tiếng Nhật:

Để luyện nói thì khi mới bắt đầu, có những câu dài, chúng ta chưa quen, buộc chúng ta phải lập đi lập lại nhiều lần câu đó, và lập lại với tốc độ nhanh thì một lúc nào đó não bạn tự dưng bắt miệng bạn đọc cái câu đó mà bạn không cần phải suy nghĩ nữa.

Bên cạnh đó, khi chúng ta luyện nghe, thì nghe xong chúng ta phải nói lại những gì mình vừa nghe.

Bởi vì những đoạn hội thoại đó là cuộc sống hàng ngày của người Nhật, chúng ta nói lại tức là chúng ta đang sống chung với người Nhật ( tưởng tượng tí thôi mà, hề hề ).

Lưu ý, khi nói lại phải có ngữ điệu cho giống với file nghe nhé.

Làm sao để nghe tốt tiếng Nhật?

Phải đỗ JLPT cho bằng được

Thà để giọt mồ hôi rơi trên trang giấy còn hơn để giọt nước mắt rơi cuối mùa thi

Khi bạn đang thắc mắc câu hỏi đó trong đầu, điều đó đồng nghĩa với việc bạn đang thắc mắc sở thích của người ta.

Bạn biết tại sao không?

Vì có người thích xem anime thì họ luyện nghe bằng cách xem anime, và rồi họ sẽ trả lời bạn: Nên xem anime để luyện nghe tiếng Nhật.

Có người thích nghe báo, luyện nghe bằng cách nghe báo, rồi trả lời bạn: Nên nghe báo nha,… Ôi trời, mỗi người mỗi ý kiến, mà tự dưng bạn hỏi sở thích người ta làm gì

☻☻☻☻Giờ mình phải hỏi lại bạn mới đúng, bạn thích cái gì? Thích nghe nhạc Nhật hả?

Vậy thì tại sao không luyện nghe bằng cách nghe nhạc Nhật? Thích xem những chương trình Nhật Bản hả? Vậy còn chần chờ gì nữa?

Vào youtube search và thế là nghe thôi.

Tuy nhiên có bạn nói với mình, họ chẳng thích gì cả, vậy luyện nghe bằng cách nào đây?.

(Căng nè nha^^)

Lúc đó mình không biết trả lời sao, và rồi mình về nhà suy nghĩ thì có câu trả lời thế này: Vậy bạn học tiếng Nhật để làm gì?

Và rồi bạn ấy cũng chịu nghe, nhưng không làm theo như những cách trên, bạn ấy nghe một cách thụ động, vì bạn ấy ghét tiếng Nhật nên phải nghe tiếng Nhật (Nghe vô lý nhỉ – ghét mà còn đi nghe @@),

Nhưng bạn biết không?

Mỗi lần nghe tiếng Nhật là bạn ấy cảm thấy buồn ngủ, vậy nên trước khi đi ngủ bạn thường mở tiếng Nhật để nghe, vậy mà cũng thấm được rất rất nhiều đó các bạn. Hãy thử cách học của bạn ấy xem sao @@

Bản thân mình không giỏi về nghe cho lắm, làm đề thi thử chỉ toàn trên 50% thôi (N3), nhưng với số điểm đó là đủ để đỗ JLPT rồi.

Tuy nhiên, Với trình độ N5 – N4, mình thường hay xem script trước, xem và hiểu được nó, rồi thực hành, rồi mới nghe, hoặc nghe xong rồi mới thực hành,

Vì chúng ta đang ở giai đoạn N5-N4 thì mình thấy làm cách này hợp lý hơn, và cách học này của mình ngược với những bạn cùng được học bổng, thế nhưng kết quả thi N4 của mình là đứng nhì lớp,

Như vậy các bạn có thể thực hành theo cách của mình, kết quả cũng khá yên tâm mà, nhưng mà các bạn cũng chịu khó nghe 1 tý nhé, rãnh rỗi thì cứ nghe thôi, đi xe buýt cũng nghe, rửa chén cũng nghe, giặt đồ cũng nghe,,…

Tuy vậy, sang giai đoạn N3 rồi thì các bạn phải nghe trước sau đó xem script, vì lúc này trình độ chúng ta lên cao hơn rồi, nên hãy thử thách chính bản thân mình nhé,…

Có nhiều bạn hỏi có cần ghi ghép ra lại không, thực ra thì bọn mình học trong 6,5 tháng thì thời gian rãnh rỗi đâu mà chép, và cách học này mình đã từng áp dụng rồi nhưng cảm thấy không phù hợp, tốn thời gian của bản thân thêm thôi, tuy nhiên bạn cũng nên thử xem, biết đâu nó phù hợp với bạn thì sao.

Thêm 1 điều về nghe nữa, các bạn đừng nên vội nản khi nghe không hiểu gì, vì chúng ta là những người mới bắt đầu, nghe không hiểu là đúng thôi (bởi thế mình mới khuyên đọc script trước đối với giai đoạn N4-N5)

Nghe được câu nào thì nghe, câu nào không nghe được thì bỏ qua, mặt khác, chúng ta tự suy luận cho bài nghe, nghe nhiều là chúng ta tự suy luận theo những gì chúng ta nghĩ, cũng giống như việc đọc vậy.

Cuối cùng thì cũng đã xong!!!!!!!

Dường như đó là toàn bộ quá trình học của mình, tuy nhiên giáo trình thì chỉ mới là minna no nihongo (N5- N4), giáo trình học N3 của chúng mình là New Approach ( Nyu-apuro-chi — ニューアプローチ ),

Vậy giáo trình này cần phải có người hướng dẫn thì mới học được?

Không nhất thiết nhé các bạn, các bạn có thể lên quizlet xem bản tiếng Việt trên đó, bên cạnh đó cũng còn nhiều giáo trình học N3 khác nữa như:

SHINKANZEN, MINI KARA OBOERU, SOUMATOUME,…

Trên youtube có hết, các bạn có thể lên xem, cảm thấy mình phù hợp với giáo trình nào thì học.

Một công cụ khác giúp học tiếng Nhật trực tiếp!

Bạn muốn tra từ tiếng Việt sang tiếng Nhật hoặc tiếng Nhật sang Việt, hoặc Anh sang Nhật rồi lại sang Việt không?

Nếu muốn thì các bạn vào google search: extension mazii.

(Dùng trình duyệt chorme nhé, còn Crom + thì mình không biết có không).

Sau đó tải extension mazii về, cài đặt tiếng Việt, sau đó vào tùy chỉnh mốt số nút, các bạn có thể tra ngay từ điển bằng 1 cú click chuột.

Extension mazii

Dù sao đi nữa, đó cũng chỉ là phương pháp của mình, phù hợp với bản thân mình, quan trọng nhất vẫn chính là bạn, nếu như bạn cố gắng thì bạn sẽ thực hiện được thôi.

Chúc các bạn thành công.

Nguyễn Việt/ Theo congdong85.com

Tags:
Mặt trái trong văn hóa kiên trì nổi tiếng của người Nhật: Từ một chữ 'Nhẫn', tích tụ mãi cũng đến lúc vỡ bờ

Mặt trái trong văn hóa kiên trì nổi tiếng của người Nhật: Từ một chữ "Nhẫn", tích tụ mãi cũng đến lúc vỡ bờ

Mọi công dân Nhật Bản đều được giáo dục đức tính kiên nhẫn vượt qua trở ngại từ thuở bé. Cứ nhìn vào thái độ bình tĩnh đối mặt khó khăn, thiên tai của họ, bạn liền thấy dân tộc này giàu chữ "nhẫn" đến mức nào.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất