Cách Nhật chiến đấu với siêu bão Hagibis

Để giảm thiểu thiệt hại, nhà chức trách phải liên tục đưa ra khuyến cáo từ trước khi bão về. Giải cứu người dân luôn là nhiệm vụ ưu tiên.

14:00 14/10/2019

Khi siêu bão Hagibis đổ bộ Nhật Bản tối 12/10, một lượng mưa kỷ lục trút xuống khiến 77 con sông tràn bờ và làm ít nhất 35 người thiệt mạng. Ngay cả những trung tâm đô thị lớn cũng chịu thiệt hại nghiêm trọng.

Trong hoàn cảnh ngặt nghèo, các cuộc giải cứu đầy kịch tính đã diễn ra ở một số điểm nóng bị tàn phá nặng nề bởi cơn bão, những người dân bị mắc kẹt được kéo khỏi mái nhà bằng trực thăng hoặc được đưa qua các khu vực ngập sâu bằng thuyền cứu hộ.

Nhân viên cứu hộ đi thuyền cao su tìm kiếm người còn mắc kẹt trong những ngôi nhà ở thành phố Ise, tỉnh Mie. Ảnh: Reuters.

Nhân viên cứu hộ đi thuyền cao su tìm kiếm người còn mắc kẹt trong những ngôi nhà ở thành phố Ise, tỉnh Mie. Ảnh: Reuters.

Tại Kawagoe, thành phố với khoảng 350.000 dần bên bờ sông Oppegawa thuộc tỉnh Saitama, sông tràn bờ gây ngập hàng loạt khu dân cư. Bên trong nhà dưỡng lão Kings Garden, mực nước dâng nhanh trong đêm khiến 120 người không kịp sơ tán.

Nỗ lực giải cứu tốn rất nhiều nhân lực bởi mỗi người từ trại dưỡng lão chỉ được chở trên một thuyền cứu hộ và có tới 4 nhân viên tìm kiếm cứu nạn đi cùng. Khi tới vùng khô ráo, nhân viên cứu hộ tiếp tục cõng người được giải cứu, là các ông bà lão đang hoảng sợ, đi những bước cuối cùng đến nơi an toàn. Ngay lập tức, các tình nguyện viên đã xếp hàng chờ sẵn trên xe lăn trùm chăn cho các nạn nhân và phục vụ họ trà ấm.

Tình trạng ngập lụt nặng, ngay cả tại những khu đô thị ở vị trí cao, còn bắt nguồn từ việc đê chắn sông bị vỡ. Thành phố Nagano, thủ phủ tỉnh Nagano, nơi tổ chức Thế vận hội mùa Đông 1998, bị nhấn chìm trong nước bùn khi đê trên sông Chikuma vỡ. Một bệnh viện ở Setagaya, một quận giàu có ở Tokyo, cũng không tránh khỏi bị ngập.

Tại Kawasaki, thành phố công nghiệp nằm giữa Tokyo và Yokohama, 900.000 người dân đã nhận được yêu cầu sơ tán. Tại Fukushima, nơi hứng chịu hậu quả vì vụ rò rỉ hạt nhân từ nhà máy điện nguyên tử trong trận động đất và sóng thần hồi năm 2011, các hộ gia đình ở một số nơi bị cô lập bởi nước lũ.

Các tình nguyện viên đã khẩn trương hỗ trợ cho thành phố Kawagoe, cách trung tâm Tokyo khoảng 48 km. "Đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy những điều như thế này", Kosuke Yanagawa, 34 tuổi, y tá từ Saitama, người tình nguyện tới hỗ trợ nhà dưỡng lão Kings Garden sau khi xem đoạn phim về nỗ lực giải cứu phát trên truyền hình, cho hay. "Điều gây bất ngờ là lũ còn gây ảnh hưởng cả những khu vực đô thị".

Kimiko Oda, 87 tuổi, nói bà không thể chợp mắt bởi mưa xối xả dội xuống mái nhà trại dưỡng lão và nước dâng nhanh chóng, khiến họ phải dồn hết lên tầng hai để chờ đội cứu hộ tới.

"Mọi thứ thật đáng sợ bởi tôi không biết chuyện gì đang diễn ra", bà Oda nói và thêm rằng lần duy nhất mà bà thấy sợ hãi như vậy là từ thời Thế chiến II.

Một cây cầu đường sắt bị sập ở Ueda, miền trung Nhật Bản. Ảnh: Reuters.

Một cây cầu đường sắt bị sập ở Ueda, miền trung Nhật Bản. Ảnh: Reuters.

Nhà chức trách Nhật sẽ phải mất nhiều ngày để tính toán tổng thiệt hại do bão Hagibis gây ra, song đến tối 13/10, truyền thông Nhật đưa tin ngoài ít nhất 35 người thiệt mạng, 100 người bị thương, 15 người mất tích.

Khoảng 27.000 nhân viên cứu hộ đang tích cực giúp người dân sơ tán khỏi những vùng ngập tại các tỉnh thành, gồm Fukushima, Kanagawa, Nagano, Saitama và Tokyo.

Ở Kawagoe, lính cứu hỏa và cảnh sát trong trang phục nổi bật màu cam chậm rãi lái những chiếc thuyền nhỏ qua các cánh đồng lúa ngập nước và khu dân cư để tìm kiếm người còn mắc kẹt.

Khi bão đổ bộ, các nhà ga và đường phố vốn đông đúc ở Tokyo trở nên vắng vẻ, không một bóng người bởi trước đó, nhà chức trách đã khuyến cáo người dân ở yên trong nhà. Khoảng 17.000 cảnh sát và binh sĩ quân đội nhận lệnh sẵn sàng tham gia các sứ mệnh giải cứu vào bất cứ thời điểm nào.

Những trung tâm sơ tán được dựng lên ở các thành phố, thị trấn ven biển để làm nơi trú ẩn cho hàng chục nghìn người. Kyodo News cho biết cảnh báo sơ tán đã được phát đi tới hơn 6 triệu dân.

Để nâng cao cảnh giác của người dân, nhà chức trách liên tục cảnh báo rằng bão Hagibis có sức tàn phá tương đương cơn bão đã tấn công Tokyo hồi năm 1958 khiến 1.200 người thiệt mạng và nửa triệu ngôi nhà bị ngập.

Chính phủ Nhật Bản sáng nay thông báo công tác tìm kiếm, cứu nạn vẫn tiếp tục được gấp rút thực hiện. Nhà chức trách cam kết nâng cao điều kiện cơ sở vật chất tại các trung tâm sơ tán và nơi trú ẩn mà không cần chờ đợi yêu cầu từ chính quyền địa phương.

Tối qua, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã dự một cuộc họp với lực lượng đặc nhiệm được thành lập để đối phó với thảm họa. Ông khẳng định giải cứu người dân là nhiệm vụ quan trọng hơn cả.

Bên cạnh đó, chính phủ còn cam kết cập nhật tình hình bão một cách chính xác từng giờ cho người dân. Các đội chuyên gia đã được cử tới tỉnh Miyagi, Fukushima, Saitama, Ibaraki, Tochigi và Nagano nhằm theo dõi sát tình hình và thu thập thông tin về thiệt hại.

Ở những khu vực bị ngập nặng, người dân, vốn đã quen với cảnh lụt lội từ các trận bão trong quá khứ, cũng cảm thấy bất ngờ. Yasuyuki Tamura, 52 tuổi, cư dân Kawaoe, trước khi bão tới vẫn nghĩ ông không cần thiết phải sơ tán khỏi nơi mà mình đã sống gần như cả cuộc đời.

Trong những trận bão trước, nước chỉ ngập tới lối vào ngôi nhà hai tầng của Tamura. Nhưng đêm 12/10, nước dâng lên không ngừng. "Tôi đã đánh giá thấp cơn bão và nghĩ mọi chuyện sẽ ổn", Tamura cho hay. Ông được giải cứu vào sáng qua và đang sơ tán tại phòng thể dục thuộc một trường tiểu học trong vùng.

Tamura cho hay ông không chắc khi nào mới có thể trở về nhà bởi nước vẫn chưa rút. Hợp đồng bảo hiểm của ông có lẽ đã bị cuốn trôi. "Tôi chưa bao giờ tưởng tượng được nước lại lên nhanh và cao đến thế", ông nói.

Tại ngôi trường tiểu học khác gần đó, cuộc sống vẫn tiếp diễn, các học sinh vẫn nhiệt tình tham gia một trận đấu bóng đá đã được lên lịch từ trước. Kiyoshi Odaka, 45 tuổi, lặng im nhìn cậu con trai 12 tuổi đang chơi bóng từ bên rìa sân. Ông đã cùng gia đình sơ tán khỏi nhà ở Kawagoe từ chiều 12/10. Odaka cũng chưa thể về để kiểm tra thiệt hại bởi theo những gì ông xem trên truyền hình, nước vẫn ngập tới cổ. Ông than thở về việc đã không để ý hơn tới những rủi ro khi mua nhà cách đây 7 năm tại một khu vực rất gần sông, dễ bị lũ lụt.

"Tôi chưa bao giờ nghĩ thảm họa như thế này sẽ xảy ra", Odaka nói và thêm rằng ông hy vọng chính quyền sẽ có những quy định phân vùng chặt chẽ hơn để ngăn việc phát triển nhà ở tại các cộng đồng dễ chịu thiên tai.

"Dường như tôi đã quá lạc quan và tin tưởng chính phủ", ông chia sẻ. "Thật lãng phí tiền của khi mà nhà chức trách phải huy động trực thăng để thực hiện nhiệm vụ giải cứu và các quan chức thành phố đáng lẽ được nghỉ vào cuối tuần nay lại phải làm việc. Xây nhà ở những khu vực như thế này quả thật là lãng phí tiền bạc".

Một cụ bà được giải cứu khỏi trại dưỡng lão bị ngập ở thành phố Kawagoe ngày 13/10. Ảnh: NYTimes.

Một cụ bà được giải cứu khỏi trại dưỡng lão bị ngập ở thành phố Kawagoe ngày 13/10. Ảnh: NYTimes.

Nguồn: vnexpress.net

Tags:
Nhà hàng Nhật đun đi đun lại nồi nước dùng suốt 74 năm

Nhà hàng Nhật đun đi đun lại nồi nước dùng suốt 74 năm

Dù biết nồi nước dùng của một nhà hàng tại Tokyo được đun đi đun lại qua hàng chục năm, thực khách vẫn đổ xô đến ăn.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất