Cắt móng tay lúc hoàng hôn, ăn xong nằm biến thành bò... là những "sự tích" thú vị mà bạn chưa từng nghe về Nhật Bản
Đất nước Nhật Bản không thiếu những truyền thuyết và điều cấm kỵ lạ lùng, miễn là bạn đủ gan để khám phá vì nhiều cái cũng rất đáng sợ!
06:00 11/05/2018
Những niềm tin dưới đây gắn bó mật thiết với đời sống của người dân Nhật Bản. Hầu hết chúng bắt nguồn từ sự kiện lịch sử, thần thoại, cách chơi chữ cũng chẳng vì lý do gì cụ thể.
Nhưng dù sao, "nhập gia tùy tục", nếu bạn có ý định đến Nhật hay đơn giản là yêu thích văn hóa xứ hoa anh đào thì cứ biết cho chắc mấy điều sau đi nhé.
1. Đừng huýt sáo giữa đêm
"Huýt sáo ban đêm, rắn sẽ tới thăm ngươi" là lời cảnh báo của người Nhật dành cho những ai có thói quen huýt sáo bất chấp thời gian.
Có 2 lý do cho việc ngăn cấm này. Thứ nhất, người ta lo sợ xà tinh sẽ xuất hiện theo tiếng huýt sáo (bằng một thế lực siêu nhiên nào đó).
Thứ hai, rắn là từ ám chỉ những người không minh bạch, thường hoạt động về đêm ở Nhật Bản thời xưa như hội buôn người, trộm cướp và các thành phần bất hảo khác. Họ thường dùng tiếng huýt sáo như "mật mã" để giao tiếp với nhau.
Nói chung, dù là xà tinh hay các thanh niên "rắn" thì bạn cũng không muốn gặp họ đâu đúng không? Vậy thì cẩn thận với môi miệng mình nhé!
2. Hãy che ngón tay cái khi xe tang đi qua
Ngón cái trong tiếng Nhật gọi là oya yubi, trong đó oya có nghĩa là "cha mẹ". Vì vậy, người Nhật quan niệm rằng khi xe tang (biểu tượng của cái chết) đi qua, hãy che ngón tay cái của mình để tránh mang vận xui về cho cha mẹ.
Một lời đồn khác lại nói linh hồn của người chết có thể nhập vào người bạn thông qua đường... móng tay ở ngón cái, vậy nên phải che đi.
3. Ngưng cắt móng sau hoàng hôn
Cách nói "cắt móng tay vào buổi tối" trong tiếng Nhật nghe rất giống với "cuộc sống rút ngắn lại", đều liên quan đến phiên âm yo-tsume. Vì vậy một số người Nhật khuyên bạn không nên cắt móng tay sau khi Mặt trời đã lặn, nhằm tránh họa hại thân.
Một cách giải thích khác là người Nhật ngày xưa thường cắt móng tay bằng... dao. Nên nếu bạn thực hiện việc này vào buổi tối nhá nhem, rất có thể nhát chém sẽ lấy đi nhiều hơn một cái móng!
4. Ăn xong nằm, biến ngay thành bò
"Nếu con cứ nằm dài ra ngay sau bữa ăn, con sẽ bị biến thành một con bò cái!". Đây là một lời nói vừa đùa vừa dọa những đứa trẻ lười biếng, không phụ bố mẹ dọn dẹp sau khi ăn.
5. Quạ báo điềm hung: động đất, ốm đau và chết chóc
Người Nhật truyền miệng rằng nghe tiếng quạ kêu tức điềm xui đang đến, có ai đó sẽ chết hoặc thậm chí là một trận động đất lớn.
Dĩ nhiên điều này không có thật mà chỉ liên quan đến một truyền thuyết Nhật Bản. Trong đó kể rằng một con quạ lớn có tên Yatagarasu chính là "vị sứ giả tai họa", nó bay đến khi thánh thần muốn can thiệp vào vấn đề của con người.
6. Đừng nằm ngủ hướng bắc
Niềm tin này cũng khá phổ biến. Nó bắt nguồn từ truyền thống tang lễ theo đạo Phật: người mất sẽ được đặt nằm ở hướng bắc. Vì vậy nếu ta nằm ngủ ở hướng bắc thì sẽ không may mắn.
7. Hãy che rốn khi nghe tiếng sấm
Hầu hết trẻ em Nhật Bản rất quen với lời đồn này.
Đất nước Mặt trời mọc thường gánh chịu nhiều đợt mưa bão lớn, vậy nên các vị thần đại diện cho thiên nhiên như Thần sấm Raijin rất được người dân kính sợ. Nhưng theo truyền thuyết thì thần Raijin cũng... rất nghịch ngợm, ưa thích rốn của trẻ con.
Do đó, các mẹ Nhật thường bảo con mình che bụng khi nghe tiếng sấm, kẻo sẽ bị thần Raijin "bắt cóc" và ăn mất rốn!
8. Lược là để... nâng niu
Nếu như phương Tây quan niệm vỡ gương sẽ mang tới điều xui xẻo, thì với người Nhật là làm gãy lược.
Niềm tin này gắn với vị thần Izanagi-no-Mikoto và vợ - được cho là những người sinh ra nhiều hòn đảo ở Nhật Bản. Khi vợ thần phải bước xuống cõi chết, Izanag-no-Mikoto vì quá yêu thương nên đã rút cây lược trên tóc mình, đốt sáng nó để nhìn vợ lần cuối.
Một lời giải thích khác lại cho rằng chiếc lược ngày xưa được chế tác vô cùng tinh xảo và đắt đỏ, nên dĩ nhiên là người ta phải trân trọng chúng hết mực rồi.
Nguồn: Soha.vn
[Sốc] Những thông tin bạn đọc được về Nhật Bản…có thể đã bóp méo sự thật
Một người Nhật từ trang Madameriri khi đọc các tin tức về Nhật Bản trên trang truyền thông nước ngoài nhận định rằng rất nhiều trong số đó là…tin vịt. Ví dụ, trán Donut rất phổ biến ở Nhật Bản, béo phì ở Nhật là bất hợp pháp,…Những tin ấy có thể đúng trên một khía cạnh nào đó, ở một số ít người, thế nhưng dùng cụm từ “đa số người Nhật” là phóng đại.