Câu chuyện hy hữu của người đàn ông “số nhọ” nhất hành tinh, nhưng cũng đồng thời là người may mắn nhất
Tsutomu Yamaguchi có lẽ là người đàn ông may mắn nhất hành tinh khi thoát chết sau thảm họa bom hạt nhân tại Nhật Bản, với con số thương vong hơn 250,000.
14:00 01/11/2019
Thế nhưng sự may mắn này có được cũng nhờ “đối chiếu” với những khủng hoảng quá lớn đã xảy ra với người đàn ông này, khi ông ta đã trải nghiệm đầy đủ sự khủng khiếp từ không chỉ một, mà hai quả bom nguyên tử đổ xuống nước Nhật.
Vào ngày 6 tháng 8 năm 1945, khi quả bom nguyên tử mang tên “Little Boy” đổ xuống thành phố Hiroshima, Nhật Bản, khi ấy, chàng trai Tsutomu Yamaguchi mới chỉ ở độ tuổi đôi mươi. Quả bom đã tiêu hủy gần như toàn bộ cơ sở vật chất, cướp đi sinh mạng của hơn 160,000 người.
Trong số những con người đang sống và làm việc tại Hiroshima khi ấy, có một anh kỹ sư trẻ, làm việc cho ngành công nghiệp nặng của hãng Mitsubishi, đang trên đường đi công tác.
Dù ở cách tâm vụ nổ 3km, Tsutomu vẫn ở trong tình trạng bỏng nặng nửa thân trên, tai trái điếc hoàn toàn do âm thanh tiếng nổ quá lớn và trực tiếp tác động vào màng nhĩ. Xung quanh anh, những xác người cháy đen nổi lềnh bềnh trên sông, từ đàn ông, phụ nữ đến trẻ em. Sáng hôm sau, anh nhanh chóng trở về quê nhà, tránh xa khỏi cơn ác mộng mình vừa trải qua.
Có ai ngờ, một cơn ác mộng khác lại đang chờ Tsutomu tại chính quê nhà, Nagasaki, nơi mà 2 ngày sau đó quả bom nguyên tử thứ hai mang tên “Fat man” rơi xuống, tàn sát hơn 70,000 người. Khủng hoảng này được miêu tả “thậm chí không nghe thấy được cả tiếng côn trùng”. Lần này, như một trò đùa trớ trêu của định mệnh, Tsutomu cũng ở cách trung tâm vụ nổ 3 km. Khi ấy, chàng thanh niên đang ở văn phòng, giải thích với cấp trên về những điều tồi tệ đã xảy ra vài ngày trước. Thình lình, căn phòng sáng trắng, dường như không còn nhìn thấy gì khác. “Tôi cứ nghĩ rằng đám mây đen vẫn bám theo tôi từ Hiroshima” Tsutomu chia sẻ.
Những tưởng cuộc sống đã quá ưu ái cho người đàn ông này, thế nhưng khi ta chứng kiến quãng đời về sau của Tsutomu, chúng ta mới hiểu ra đó là một sự trừng phạt. Năm 2010, ông qua đời ở tuổi 93 do căn bệnh ung thư dạ dày, nguyên nhân gây ra do di chứng bức xạ từ thảm họa hạt nhân – thứ đã cố gắng giết ông 2 lần và đeo bám mãi cho đến khi ông qua đời.
Năm 2005, chính phủ Nagasaki và Hiroshima đã ghi nhận ông Yamaguchi như một hibakusha – từ dành riêng cho những người sống sót sau thảm họa hạt nhân.
Những ngày cuối đời, khi nhắc lại về chuyện đã xảy ra, Tsutomu cho rằng “Tôi đã hai lần đi qua địa ngục, đáng ra tôi phải chết rồi, nhưng số phận vẫn bắt tôi sống tiếp. Tôi có mặt ở đây để kể về những điều tồi tệ trong lịch sử, hy vọng rằng thế hệ sau có thể biết đến và đừng bao giờ lặp lại sai lầm ngu ngốc ấy nữa”.
Không chỉ Tsutomu, vợ ông cũng mất cùng năm vì ung thư thận và ung thư gan. Hai đứa con đầu (một trai một gái) của người đàn ông “hibakusha-kép” này cũng không thoát khỏi bệnh tật vì phóng xạ, chỉ riêng cô con gái út sinh năm 1948 thoát được khỏi số phận nghiệt ngã của các nạn nhân thảm họa nguyên tử Hiroshima và Nagasaki. Cô kể rằng “Đến năm tôi 12 tuổi, bố vẫn phải quấn băng trắng khắp người, da thịt ông bị thương tổn nghiêm trọng”.
Sau đó, tên tuổi của Tsutomu được xuất hiện trên truyền hình toàn thế giới, với cái danh “Người đàn ông may mắn nhất hành tinh”, thế nhưng gia đình ông chưa bao giờ nhắc đến những điều như vậy. Khi được hỏi về cảm nghĩ, Tsutomu chỉ mỉm cười, có lẽ ông thật sự không biết. Sau tất cả, mọi tiếng tăm chẳng còn ý nghĩa gì hơn ngoài nỗi đau.
Dù là kẻ may mắn, hay người ra đi, tất cả đều trở thành minh chứng cho những sai lầm mãi mãi không thể trả hết trong quá khứ. Chỉ hy vọng rằng thế hệ sau rút ra được bài học cay đắng cho chính mình.
Nguồn: Japo
20 siêu phát minh kỳ quặc nhưng vô cùng hữu dụng của người Nhật, số 3 F.A nào cũng thích
Người Nhật nổi tiếng là chăm chỉ, thông minh, sáng tạo, họ làm việc ngày đêm để tạo ra những phát minh hữu ích trong đời sống. Một số trong những phát minh đó khá độc đáo nhưng cũng không kém phần ‘kỳ quặc’.