Chuyện cảm động về vợ chồng người Việt hàng ngày nấu cơm từ thiện trong vùng chiến sự Ukraine
"Hôm đó là một ngày trung tuần tháng 3 năm 2022, thấy chuông cổng reo, tôi vội chạy ra mở, có một bà cụ người Ukraine dắt theo 2 cháu nhỏ, tay cụ run lên vì đói, cụ hỏi tôi nhà có gì ăn không, đã 3 ngày rồi cụ và các cháu không có gì để ăn…, khoảnh khắc đó ám ảnh tâm trí tôi mãi tận bây giờ", chị Nguyễn Ngần, người Việt ít ỏi còn bám trụ ở Ukraine rưng rưng khi kể cho phóng viên Dân Việt nghe câu chuyện đã khiến chị quyết tâm phải làm điều gì đó giúp đỡ những người dân Ukraine trong hoạn nạn.
11:06 21/02/2023
Chị Ngần kể: "Đêm đó tôi bàn với chồng, nhà mình có chút tiền tiết kiệm, mình lấy ra để hỗ trợ người dân lúc khó khăn. Ông xã mình suy nghĩ một lúc rồi nói, nếu giờ mình làm từ thiện hết số tiền tiết kiệm được nhưng chiến tranh vẫn chưa kết thúc thì lúc đó biết phải làm thế nào?
Tôi nghĩ cũng thấy ông xã nói có lý, nhưng tôi nói với anh rằng, chúng tôi có những đứa con đã trưởng thành, lại có hiếu với cha mẹ, chúng sẽ không để cha mẹ phải đói khổ, các con sẽ là chỗ dựa của chúng tôi sau này. Nghe xong ông xã cũng đồng ý với tôi. Thế là vợ chồng tôi quyết định, sáng hôm sau sẽ bắt đầu công việc thiện nguyện của mình bằng số tiền mà chúng tôi tích lũy được từ những năm tháng sống ở Ukraine".
Trở lại câu chuyện của bà cụ người Ukraine gõ cửa hành khất nhà chị Ngần một hôm trước đó, chị nói rằng, sau khi gặp bà cụ, chị vội vào nhà lấy đồ ăn cho ba bà cháu. Chị quan sát thấy bà cụ ăn rất ít và cố ý nhường đồ ăn cho hai cháu nhỏ. Chị Ngần nói với bà cụ rằng, "cụ đừng lo, ngày mai lại đến, chúng tôi sẽ lại để dành đồ ăn cho ba bà cháu".
Ngày hôm sau, vợ chồng chị Ngần nấu cơm để phần cho bà cụ, nhưng không thấy bà quay lại, những ngày tiếp theo, bà cụ và các cháu vẫn không quay lại, chị cầu mong họ đã tìm được một nơi để nương náu chứ không phải trúng đạn pháo của chiến tranh…
Cũng từ lúc đó (thời điểm cuối tháng 3), chị Ngần và chồng chị là anh Hùng hàng ngày nấu từ 200-700 suất cơm phát cho người dân trong các quận ở thành phố Kharkov. Đó cũng là thời điểm thành phố Kharkov nơi chị sống đang có những cuộc giao tranh dữ dội.
Chị Ngần tự đi tìm những người vô gia cư, chị đến các trung tâm liên lạc để xin thông tin và địa điểm có những người cần cứu giúp, chị vào tận các bệnh viện để phát suất ăn…
Dần dần, những người liên lạc Ukraine đã quen với hình ảnh của chị, người cần cưu mang tìm đến với những bữa ăn từ thiện của vợ chồng chị Ngần ngày càng nhiều. Chị kể, có hôm đang phát cơm thì đạn pháo nổ xé trời, mọi người hoảng sợ tìm nơi trú ẩn, hết đạn bom lại tiếp tục phát cơm.
Nhưng sau 3 tháng ròng rã ngày nào cũng nấu hàng trăm suất ăn từ thiện, số tiền tiết kiệm của vợ chồng chị Ngần đã cạn.
Kể đến đây, chị Ngần nghẹn ngào: "Chị không thể dừng công việc này lại, chị phải tiếp tục cứu giúp người dân đang đói khổ. Nếu thân thể chị là chiếc bánh, chị sẽ bóc cho em xem trái tim của chị lúc này. Chị đã từ chối mọi cơ hội để ra đi khi người thân và bạn bè chị đã đi đến các nước thứ 3 để lánh nạn. Chị nghĩ mình thuộc về nơi này, trái tim chị là ở đây, gắn với người dân nghèo khổ và bất hạnh nơi đây. Chị quyết định tự mình cũng sẽ làm người hành khất…".
Nói là làm, chị Ngần viết tâm thư đăng trên nhóm của một câu lạc bộ trên mạng xã hội có hơn 6 ngàn thành viên mà chị đã tham gia từ lâu.
Chị viết: "Hôm nay tôi mạo muội viết lên đây, xin làm người hành khất đến từ vùng chiến sự mang theo cả tình yêu, nỗi nhớ, lời tri ân sâu sắc và lời thỉnh cầu từ trái tim, xin hãy giúp đỡ những người dân Ukraine đang đói khổ, những cụ già không nơi nương tựa tay run run vì đói cùng với cây gậy rụng xuống đường lọc cọc tiếng đơn côi…".
Đăng kèm tâm thư là những hình ảnh thực tế từ vùng chiến sự, từ những việc làm thiện nguyện, những bữa cơm đầy yêu thương của vợ chồng chị dành cho người dân Ukraine.
Thật bất ngờ, việc làm của chị đã lan tỏa trong cộng đồng, chị nhận được sự ủng hộ của nhiều người Việt ở các nước khác trên thế giới đã chung tay hỗ trợ để chị tiếp tục các suất ăn từ thiện. Chiến tranh vẫn diễn ra ác liệt, chị Ngần vẫn ngày ngày nấu cơm từ thiện cho đến hết tháng 9, sau đó chị nghỉ một tháng để lấy sức và từ ngày 1/11/2022 chị lại quay lại công việc và vẫn đang làm cho đến nay.
Chị kể, vừa rồi chị phát được 250 túi quà năm mới cho những gia đình khốn khó ở trong quận. Có nhiều gia đình họ phải cưu mang những người anh em họ hàng nên có nhà lên đến 15 miệng ăn rất khó khăn. Những túi quà đã mang đến cho họ một cái Tết ấm lòng hơn.
Chia sẻ về cuộc sống của người dân Ukraine trong chiến tranh, chị Ngần nói đây là một năm đặc biệt, chưa bao giờ người Ukraine đón năm mới mà buồn thê thương đến thế, không pháo hoa, không có tiệc tùng, đường phố vắng lặng.
Nhưng có một tín hiệu mừng, những ngày này tiếng súng đạn ở Kharkov đã giảm dần, cuộc sống của người dân ở đây cũng đang dần bình thường trở lại.
Người dân vẫn đi làm, đi chợ, tiếng đạn pháo vang lên họ vẫn bình tĩnh nắm tay nhau đi lại trên đường, chỉ khi nào có báo động cần xuống nơi trú ẩn thì mới phải sơ tán.
Khi hỏi chị, có điều ước gì cho năm mới 2023, chị Ngần nói: "Tôi có một điều ước cháy bỏng, Ukraine nhanh được hòa bình, mọi người có cơm no áo ấm, được đoàn tụ gia đình và vợ chồng tôi có thật nhiều sức khỏe để tiếp tục làm nhiều việc thiện nguyện".
Chị Ngần cũng mong mỏi mọi người cùng chung tay ủng hộ nhiều hơn nữa, cùng nối vòng tay yêu thương hỗ trợ người dân Ukraine trong lúc khó khăn này.
Chuyến đi cuối cùng của chú chó bị “liệt”: Bị chính gia đình bỏ rơi khi trở nên già yếu và tàn tật
Chú chó chăn cừu trong giai thoại này cảm thấy nó thuộc về một gia đình cho đến khi anh ta trở nên già yếu và tàn tật, lúc đó họ ném anh ta ra ngoài như một thứ gì đó.