Chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn mượn tiền người Nhật?
Người Nhật là dân tộc kỹ tính trong chuyện tiền bạc. Từ văn hoá Warikan (chia tiền) đến cách người Nhật chi li từng khoản đủ để chúng ta thấy rõ điều đó.
08:30 04/03/2018
Nhạy cảm trong chuyện tiền nong là thế nhưng về vấn đề vay mượn tiền thì sao?
Người Nhật sẽ nghĩ gì nếu được người khác nhờ vả cho vay tiền?
Câu trả lời cho việc này đó là, rất khó để mượn tiền người Nhật.
Họ có thể mua quà tặng bạn dẫn bạn đi ăn ngon nhưng tuyệt nhiên sẽ không cho bạn mượn tiền. Mặc dù cũng tuỳ vào hoàn cảnh của người mượn.
Tại sao ư?
Lý do có thể kể ra như sau:
+Sợ tan vỡ tình bạn
+Không muốn nuông chiều người kia.
+Không thích bản thân vướng vào rắc rối.
Ảnh: iitokoronet.com
1.Sợ tình bạn tan vỡ
Người Nhật có câu:
“金の切れ目は縁の切れ目”
(Kane no kireme ha en no kireme)
Hiểu nôm na là: Một khi xung đột về tiền bạc, thì ắt hẳn mối quan hệ sẽ không thể hàn gắn.
Tiền bạc là vấn đề nhạy cảm. Chỉ vì chuyện vay mượn mà mất đi một mối quan hệ. Đó là điều người Nhật luôn luôn tránh. Khi được mượn, hầu như ngoài mặt họ sẽ cho thấy sự cân nhắc, trăn trở nhưng hầu như trong tâm đã quyết rằng không thể cho mượn tiền nếu trân trọng mối quan hệ giữa hai bên.
2.Không muốn nuông chiều người kia
Một khi càng thân với người Nhật, họ sẽ càng cho thấy những mặt khắt khe khác của mình chứ không đơn giản là nụ cười thân thiện như lần đầu chào hỏi.
Nghe thì có vẻ không vui tí nào, nhưng đó là cách người Nhật mở lòng thật sự. Họ sẽ chỉ rõ cho bạn điểm tốt và không tốt, cái gì không phù hợp với văn hoá Nhật hay suy nghĩ của người Nhật. Và trong việc mượn tiền cũng vậy, người Nhật cho rằng cho người khác mượn tiền nghĩa là đã tạo cho người bạn đó một thói quen xấu.
Có lần 1 sẽ có nhiều lần khác, từ đó sẽ sinh ra tính dựa dẫm và không biết quản lý tiền bạc cho tương lai.
Đây còn là đại diện cho văn hoá Omoiyari nghĩ cho người khác, một phần trong nhân cách của người dân xứ sở Hoa Anh Đào.
Ảnh: mapleheart.net
3.Không thích bản thân vướng vào rắc rối.
Người Nhật nghĩ rằng, lỡ đâu số tiền mình cho mượn trở thành công cụ của tội ác nào đó thì bản thân cũng sẽ liên luỵ và không thoát khỏi cảm giác tội lỗi.
Mặt khác, nếu người cho mượn không dư dả thì lúc muốn đòi lại số tiền đã đưa đi mà không được thì quả là khó khăn chồng chất khó khăn.
Đây là 3 nỗi lo lớn luôn canh cánh trong lòng người Nhật mỗi khi cho mượn tiền.
Hai trong số 3 điều đó, tôi được nghe từ chính một người bạn Nhật đang sống ở Việt Nam. Anh ta luôn than thở rằng tại sao người Việt có thể đễ dàng cho người khác mượn tiền đến vậy.
Những lúc thế này, tôi chỉ biết ậm ừ và trả lời rằng, chắc là họ tin tưởng nhau.
Tuy nhiên, tôi biết rằng câu trả lời của mình chẳng có căn cứ vì ngay lúc này, ngoài kia đang có rất nhiều người Việt lừa lọc lẫn nhau chỉ vì bản tính tin người này.
Không chỉ riêng Việt Nam, việc vay mượn tiền dường như cũng xảy ra vô cùng bình thường ở một số quốc gia khác.
Ý kiến từ người nước ngoài:
“Nếu tôi là người được ai đó hỏi mượn 25.000 Yên, thì có lẽ tôi sẽ cho họ mượn. Mặc dù có lẽ số tiền đó sẽ không quay trở lại. Đó là điểm khác nhau giữa người châu Âu và người Nhật. Tôi rất biết ơn những người đã sẵn sàng dang tay giúp đỡ tôi lúc khó khăn, vì vậy tôi muốn báo đáp lại trong khả năng có thể. Với chúng tôi, việc vay mượn không hề to tát, khi khó khăn chúng tôi sẽ vay, khi được hỏi mượn tôi cũng sẽ sẵn sàng.
Tất nhiên là tôi sẽ không để mối quan hệ bị ảnh hưởng bởi điều đó”.
(Người Pháp)
“Không chỉ tiền đâu, tôi nghe nói giữa người trong họ hàng và bạn bè, việc mượn xe hơi cũng rất khó. Dù hiểu rằng ở Nhật có dịch vụ cho thuê xe hơi, cộng với tính cách sống không làm phiền của người Nhật là vậy, nhưng tôi không thể chấp nhận được chuyện này”.
(Người Trung Quốc)
- Ảnh:manesetsu.jp
Ý kiến từ người Nhật: Nguồn: komachi.yomiuri.co.jp
“ Nhà tôi chẳng mấy dư dả. Là một công nhân viên chức bình thường, nhưng đủ lo cho sinh hoạt. Không đến nỗi phải vay mượn người khác. Chỉ là tôi cần phải tiết kiệm cho ước mơ sau này nên cuộc sống mới dừng lại ở mức đủ ăn. Đối với chúng tôi, việc mượn tiền được xem là một sự xấu hổ và nếu làm như thế, tôi sẽ bị nghĩ rằng bản thân không biết cách quản lý tiền bạc”.
“Khi được một cặp vợ chồng người Nam Âu hỏi vay tiền để về nước làm thủ tục đổi Passport mới. Lúc đầu tôi cũng cảm thấu mủi lòng vì hoàn cảnh hai người có phần khó khăn. Tuy nhiên, nghĩ lại thì sao họ không đổi ở lãnh sự quán hay đại sứ quán nước họ ở Nhật.
Bạn người nước ngoài của tôi từng làm vậy và họ cũng chưa phải vay tiền tôi lần nào. Mà lỡ đâu hai vợ chồng đó không quay lại Nhật nữa thì sao…”
“Tôi cũng có bạn người Trung Quốc và Hàn Quốc. Quả nhiên người dân hai nước này xem việc vay tiền là đương nhiên. Có một ngày, người bạn Trung Quốc hỏi mượn tiền bạn cùng phòng chỉ để mua quà tặng cho người thân khi về nước. Nào là đồ điện tử, mỹ phẩm cao cấp… tốn đến mấy mươi nghìn Yên. Thế mà người bạn kia vẫn cho mượn và bảo rằng “không còn cách nào khác mà”’.
“Tôi thì sẽ cho mượn. Vì những người bạn nước ngoài tôi đã cho vay đều trả lại đúng hạn. Cũng tuỳ vào đối tượng nhưng hầu như nếu người kia khó khăn hoặc khẩn cấp thì tôi sẽ không ngần ngại”.
Ảnh: cashing7.tokyo
Tạm kết
Qua những lý do khiến người Nhật khó tính trong chuyện tiền nong trên, bạn đã lý giải phần nào cách suy nghĩ của họ chưa?
Không phải vì keo kiệt hay vô cảm trước hoàn cảnh khó khăn. Mà đó là vì nghĩ cho người khác, cho bản thân và trên hết là mối quan hệ giữa hai người trong tương lai. Vì thế muốn quan hệ bền chặt, tốt nhất đừng mượn tiền người Nhật.
Nguồn: Japo.vn
Những bài học giản dị từ cách sống của người Nhật
Không chỉ tiếp xúc với người Nhật, đọc văn hoá của họ mỗi ngày trên báo chí. Đất nước này sẽ khiến bạn học hỏi được nhiều điều.