Cô gái 26 tuổi được mời làm giảng viên kiểm toán ở Mỹ
Tô Minh Tú nhận được điện thoại của giáo sư cũ nói về một vị trí trống ở trường sau hai năm làm kiểm toán viên một công ty ở Mỹ.
14:29 09/01/2023
Tô Minh Tú, 26 tuổi, hiện là giảng viên ngành Kiểm toán, Đại học Troy, bang Alabama, Mỹ. Tú từng tốt nghiệp đại học này với điểm trung bình (GPA) cao nhất khóa - 3.94/4.0 năm 2019, sau đó học thạc sĩ và làm nhân viên kiểm toán.
Ngày nhỏ, Tú mơ ước được ra thế giới mỗi khi đọc về các tấm gương giành học bổng du học trên báo. Tú kể ngày đó phong trào du học ở trường em chưa sôi nổi, các thông tin cũng chưa nhiều nên chỉ còn cách tự tìm hiểu. Khi đang học chuyên Anh, trường THPT chuyên Sơn Tây, Hà Nội, Tú được học bổng khóa học SAT và TOEFL của Đại sứ quán Mỹ. Lớp học diễn ra 2-3 buổi mỗi tuần, từ 18h đến 20h nên để theo được, Tú một mình đi xe buýt từ thị xã Sơn Tây về nội thành để học, sau đó bắt xe về nhà dì ở Quốc Oai ngủ, mỗi ngày khoảng 40-50km. 5h hôm sau, nữ sinh lại đi ôtô về để kịp giờ học ở trường.
Năm 2015, Tú giành học bổng toàn phần Đại học Troy và sang Mỹ du học. Học chuyên Anh nhưng những ngày đầu đến Mỹ, Tú không thể diễn đạt được một câu tiếng Anh mạch lạc, tự tin. Phát âm của cô cũng chưa chuẩn khiến người đối diện không hiểu, phải hỏi lại nhiều lần. Giọng nói tiếng Anh ở miền Nam nước Mỹ lại nặng hơn các vùng miền khác nên sau vài tháng, Tú vẫn chỉ nghe được bập bõm những gì giáo sư và bạn bè nói. Tú buộc phải về nhà đọc thêm sách và xem lại bài giảng powerpoint.
Tú sợ nhất nghe điện thoại, tim đập thình thịch mỗi lần nghe chuông reo. Khi nói chuyện trực tiếp, cô có thể nhìn khẩu hình để đoán nhưng nghe qua điện thoại khó hơn. "Bị nhiều người đề nghị nhắc lại khiến em xấu hổ và tự ti. Em xác định một là ở nhà, không giao tiếp với ai hoặc nói giỏi lên để người khác không bắt nói lại nữa", Tú, hiện sống cùng chồng và con gái 10 tháng tuổi tại thành phố Montgomery, nhớ lại.
Tú phát hiện muốn nói tiếng Anh tốt, phải luyện cơ miệng vì phát âm tiếng Anh dùng các cơ khác nhau. Cô luyện bằng cách thay vì nhìn vào báo để đọc thì sẽ đọc to thành tiếng. "Mỗi ngày em làm như thế khoảng 1-2 tiếng. Khi cơ miệng đã quen và cảm thấy thoải mái với việc phát âm tiếng Anh, em không còn ngượng nữa", Tú nói, cho biết luyện nghe qua chương trình TED Talks, bật phần phụ đề để đọc theo, sau đó nghe lại diễn giả nói để sửa phát âm. Cô cũng nói chuyện với mọi người và cố gắng nghe điện thoại nhiều hơn. Sau khoảng một năm, Tú đã tự tin bắt chuyện với người khác và nói trước đám đông.
Đặt mục tiêu GPA tốt nghiệp 4.0, Tú tham khảo ý kiến các cố vấn học tập ở trường để chọn môn cho từng kỳ và lên chiến lược cho bản thân. Mỗi môn học có cách chấm điểm khác nhau, bằng bài kiểm tra hoặc làm dự án (project). Tú thường tìm hiểu trước, nếu là project, cô sẽ dành nhiều thời gian để thực hành kỹ năng này, còn nếu làm bài kiểm tra, cô không có cách nào khác ngoài học. Với môn bắt buộc phải học, Tú xem phim, đọc báo về môn liên quan để hiểu và khiến việc học dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, kế hoạch giành điểm tuyệt đối của Tú cuối cùng không thực hiện được do điểm số ở một kỳ học trao đổi tại Bỉ kéo xuống. Tốt nghiệp cử nhân kế toán với 120 tín chỉ, Tú nhận thấy cần học thêm chứng chỉ kiểm toán quốc tế CPA (Certified Public Accountants) để tăng cơ hội việc làm. Để được quyền đăng ký thi CPA, Tú xin học bổng học thạc sĩ cho đủ 150 tín chỉ. Theo Tú, bài thi CPA thách thức với bốn phần, trong đó có thuế, kiểm toán, luật, mỗi phần thi bốn tiếng. Tú mất 8 tháng ôn luyện và thi mới có được chứng chỉ này. Cô sau đó làm cho một công ty kiểm toán trong top 20 ở Mỹ.
"Sau này đi làm, em mới thấy GPA không quan trọng bằng chứng chỉ kiểm toán CPA. Có CPA, em xin được việc làm với mức lương cao", Tú cho hay. Dù vậy, Tú luôn mong trở thành giảng viên vì có thời gian cho gia đình, cơ hội tiếp xúc với sinh viên trong môi trường năng động, trẻ trung. Hồi tháng 5/2022, khi đang nghỉ sinh, Tú nhận được điện thoại từ cô giáo cũ thông báo trường đang trống vị trí giảng viên và hỏi cô có muốn nộp hồ sơ không. "Cuộc gọi đó đến đúng thời điểm vì lúc ấy em đã có con và đang suy nghĩ lại quyết định cuộc đời mình. Em nhận lời ngay", Tú kể.
Trở lại giảng đường sau thời gian đi làm, Tú gặp rào cản tâm lý. Trong suy nghĩ của cô, giảng viên phải lớn tuổi, có kinh nghiệm làm việc trong các công ty quốc tế và có nhiều trải nghiệm để chia sẻ với sinh viên. Cô cảm thấy mình chưa đạt mức đó. Những ngày đầu, Tú nghe sách, podcast về giảng dạy, tập nói trôi chảy và chuẩn bị một vài câu đùa vui với sinh viên trong lớp. "Bước vào lớp, em cố gồng mình kết nối với sinh viên để giấu đi mình đang run. Trong đầu em luôn có giọng nói 'học sinh sẽ biết mình chưa đủ giỏi'. Em sợ bị phát hiện mình là người mới", Tú nhớ lại.
Mỗi ngày Tú có ba lớp, mỗi lớp 1,5 tiếng. Suốt tháng đầu chưa quen phải nói nhiều, Tú luôn cảm thấy như bị rút cạn năng lượng. Cô không kiểm soát được hơi thở nên nói nhanh và chóng mệt. Tham khảo kinh nghiệm từ các đồng nghiệp, Tú điều chỉnh tốc độ nói và dần quen với việc giảng bài liên tục. Giảng viên người Việt cho hay kinh nghiệm đi làm thực tế giúp ích nhiều cho việc giảng dạy. Với trải nghiệm ở doanh nghiệp, cô có thể đưa những ví dụ cụ thể để giải thích cho khái niệm hay lý thuyết trong bài học.
Vài tháng qua, Tú được giao phụ trách hai lớp đại cương và một lớp phân tích kế toán. Lớp thứ ba thiên về kỹ thuật, lại mới có ở kỳ này và hiện chưa nhiều tài liệu tham khảo. "Em phải tự nghiên cứu thêm và học các khóa học trên coursera để nâng cấp bản thân. Em dành 80% thời gian cho việc chuẩn bị bài", Tú cho biết.
Theo Tú, cô đạt được ước mơ sớm nhờ "dày mặt" và luôn chủ động tìm kiếm, duy trì các mối quan hệ. Từ bậc trung học, nếu không kiên trì và chủ động, cô đã không có cơ hội học SAT, TOEFL ở đại sứ quán, cũng như giành được học bổng. Ở trường đại học, dù gặp nhiều rào cản về ngôn ngữ và văn hóa, Tú đã cải thiện bằng cách tham gia các hội nhóm sinh viên và tạo dựng nhiều mối quan hệ trong trường. "Bạn không thể biết lúc nào bạn có thể giúp họ hoặc họ có thể giúp bạn nên nếu có cơ hội được làm việc với giáo sư, bạn cùng lớp, hãy giữ mối quan hệ tốt", Tú nói.
Giảng viên 26 tuổi khuyên khi mong muốn có đươc vị trí nào, bạn hãy chủ động nói và nhắc đi nhắc lại với người phụ trách. Với những bạn có mong ước du học, Tú gợi ý nên tham gia các hội thảo du học và gửi email cho đại diện tuyển sinh của trường. Email chỉ là lời chào hỏi, nhắc lại ấn tượng về buổi gặp tại hội thảo nhưng sẽ giúp trường nhớ tới bạn. "Hầu như các bạn đi hội thảo không gửi email nên khi bạn gửi, bạn tự nhiên trở nên đặc biệt. Nếu sau này bạn nộp hồ sơ, bạn đã có sẵn ấn tượng tốt với trường", Tú nói.
Về dự định của bản thân, Tú cho biết sẽ học tiến sĩ để có được vị trí giáo sư biên chế ở trường.
Ở trời Tây, người đàn ông thành công cưa đổ “con gái rượu“ nhà tiệm bánh mỳ lâu đời nhất Vũng Tàu
Huy kể: 'Bạn bè mình ai thấy ảnh cưới cũng phải khen cách đây hơn 30 năm mà fashion quá, sành điệu quá...'.