Cô gái Việt nghỉ học sớm bươn chải được chàng kỹ sư Pháp theo đuổi bằng trực thăng, cầu hôn 3 lần mới chịu cưới

Gật đầu đồng ý kết hôn với người đàn ông Pháp miệt mài theo đuổi, cô gái Việt khi đó chưa hề có tình cảm dành cho đối phương. Tuy nhiên, sau 15 năm chung sống, mọi chuyện đã thay đổi.

08:43 28/12/2022

Mình có xem chương trình Người Kết Nối và cảm thấy rất ấn tượng trước câu chuyện của chị Lê Thị Mai (42 tuổi, quê Hải PHòng) và chồng là anh Rabuel Sylvain (50 tuổi, quốc tịch Pháp). Ngoài việc ngưỡng mộ tình cảm chân thành của Rabuel dành cho cô gái Việt, mình còn chợt nghĩ đến việc rốt cuộc nên cưới người mình yêu hay cưới người yêu mình thì sẽ được hạnh phúc. 

(Ảnh chụp màn hình chương trình Người Kết Nối)

Theo chia sẻ của chị Mai, thời điểm chị gật đầu đồng ý kết hôn với Rabuel là chị không yêu anh nhưng vì cảm động trước tấm chân tình của anh dành cho mình nên chị đã không từ chối lời cầu hôn. 

Chị Mai sinh ra trong gia đình có 6 anh chị em và gia đình từng có lúc dư dả nhưng sau đó bố của chị gặp thất bại trong công việc nên cả nhà rơi vào cảnh khó khăn. 

Vì hoàn cảnh gia đình, từ lúc 11 tuổi chị Mai đã bắt đầu lăn lộn ngoài đời để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Do nghỉ học từ quá sớm, không có bằng cấp nên chị khó lòng xin được công việc ổn định để đỡ đần gia đình. 

Trong hành trình lăn lộn bươn chải ngoài đời, chị Mai có cơ duyên gặp anh Rabuel tại hong Kong khi chị sang đây lao động. Tiếng Anh của chị khá tốt để giao tiếp và chị đã bắt chuyện với anh Rabuel. “Thấy anh ấy gầy, tóc cắt ngắn giống mấy anh đua ngựa tôi hay xem trong tivi nên tôi tiến tới trêu chứ không có ấn tượng gì cả. Tôi cứ lân la sang nói ‘xin chào, xin chào’. Câu đầu tiên tôi nói với anh là ‘nhìn anh giống anh chăn ngựa thế’”, chị Mai kể lại.

Về phía Rabuel, anh cho biết đã phải lòng chị Mai ngay từ cái nhìn đầu tiên vì cô gái Việt có nụ cười rất đẹp, đầy năng lượng. Hai người trao đổi số điện thoại để liên lạc. 

(Ảnh chụp màn hình chương trình Người Kết Nối)

Sau 3 lần gặp nhau, anh Rabuel ngỏ lời cầu hôn cô gái Việt trong một bữa tiệc sinh nhật của bạn. Thay vì vỡ òa hạnh phúc, chị Mai cho biết cảm xúc lúc ấy có phần xấu hổ, bất ngờ và còn nghĩ có khi chỉ là một trò đùa. Chị chỉ xem anh như một người bạn thay vì người yêu để đồng ý lời cầu hôn. 

“Hôm đó sinh nhật bạn, anh lại hẹn gặp tôi, nên tôi rủ anh đi cùng luôn. Thật lòng lúc đó tôi nghĩ, kêu anh ấy đi cùng thì anh sẽ mua cho tôi một bó hoa để tặng bạn thì tôi sẽ đỡ tốn tiền mua hoa, tôi chỉ cần đưa phong bì cho bạn nữa là được.

Ai ngờ đâu ở trên sàn vũ trường rất đông, anh cứ đứng yên một chỗ không nói không rằng gì cả, rồi tự nhiên anh ấy rút ra một bông hoa từ sau lưng. Cả một sàn đông như vậy mà anh bỗng quỳ xuống cầu hôn làm tôi hết hồn. Tôi vội vàng nói: ‘Ối giời ơi đứng dậy, đứng dậy ngay, thằng này điên’. Tôi nói đúng như vậy luôn, vì thích còn chưa thích thì làm sao mình nhận lời được”, chị Mai kể lại. 

Tuy lần đó chị Mai từ chối nhưng vài tháng sau, anh Rabuel lại tiếp tục cầu hôn chị trong mùa Giáng sinh. Lần này, anh lại quỳ xuống để ngỏ lời với chị Mai trước mặt mọi người và khiến chị cảm thấy không thoải mái. 

“Lúc đó tôi sợ, là sợ chứ không phải sốc nữa rồi. Nghĩ đây không phải là trò đùa nữa rồi, anh rất nghiêm túc nên tôi phải giải thích rõ ràng với anh ngay. Vì thông thường khi mình từ chối lần đầu, người ta sẽ hiểu mình chỉ là bạn thôi nhưng ngờ đâu vài tháng sau lại cầu hôn lần 2, nếu không nói chuyện rõ ràng thì anh cứ nghĩ mình là bạn gái của anh thì gay lắm”, chị Mai chia sẻ. 

(Ảnh chụp màn hình chương trình Người Kết Nối)

Một trong những lý do khiến chị Mai không nhận lời của anh Rabuel là vì môi trường sống từ nhỏ đã ít nhiều ảnh hưởng đến chị. Thường xuyên chứng kiến cảnh gia đình mình và hàng xóm xung quanh “cơm không lành, canh không ngọt” nên lớn lên chị Mai lại sợ cảnh kết hôn lập gia đình. 

Những suy nghĩ có phần không mấy tích cực của chị Mai như một ám ảnh tâm lý và may mắn là chị gặp được Rabuel và anh dành tình yêu dịu dàng, nhẫn nại để thuyết phục được cô gái Việt. 

Khi chị Mai càng cự tuyệt, anh kỹ sư người Pháp lại càng theo đuổi chị mãnh liệt hơn. Thấy vậy, chị “hành” anh rất nhiều bằng việc đưa ra loạt “yêu sách” nhưng anh đều chấp nhận hết. 

“Tôi hành anh tới nỗi anh rủ tôi đi ăn, tôi nói thẳng nếu anh mời tôi thì tôi sẽ rủ thêm 3-4 người bạn của tôi đi cùng. Anh đi cùng thì anh chỉ được đi trước hoặc sau tôi chứ không được đi bên cạnh, không được ngồi cạnh vậy mà anh cũng đồng ý. Còn nhiều điều nữa nhưng anh vẫn chịu được. Giờ nghĩ lại mới thấy thương anh quá”, chị Mai kể lại. 

Thậm chí, có lần anh Rabuel còn đi trực thăng qua ăn với chị để rút ngắn thời gian di chuyển vì đi tàu sẽ mất 1 tiếng/chuyến, còn đi trực thăng chỉ tầm 15 phút. Ăn xong là anh lại tất tả quay về để sáng mai kịp giờ đi làm. Sau này, khi đã kết hôn, anh mới kể chuyện này cho vợ nghe. 

Nghe qua những chi tiết này, mình ít nhiều cảm nhận được tình cảm chân thành mà anh Rabuel dành cho cô gái Việt. Dù bị từ chối lời cầu hôn đến 2 lần lại thêm loạt “yêu sách” nhưng anh kỹ sư vẫn nhẫn nại, bền bỉ chứng minh tình cảm của mình để thuyết phục Mai nhận lời cầu hôn. 

(Ảnh chụp màn hình chương trình Người Kết Nối)

Sau 3 năm theo đuổi kiên trì, đến lần cầu hôn thứ 3, anh Rabuel mới được chị Mai gật đầu đồng ý cưới. Đáng nói là khi đó chị vẫn chưa có tình cảm quá nhiều với anh. 

Tuy vậy, chia sẻ trong chương trình Người Kết Nối, sở dĩ chị đồng ý nhận lời cầu hôn của Rabuel là vì 3 lý do: một là bạn bè thường xuyên vun vào, hai là vì câu nói của người bạn, ba là câu nói của mẹ.

Chị tâm sự: “Bạn tôi có nói một câu: ‘Người phụ nữ thành đạt không phải là người có địa vị xã hội, mà người phụ nữ thành đạt là người có gia đình hạnh phúc’. Bạn bè cũng khuyên tôi rất nhiều, nhưng cái quyết định nhất là lời nói của mẹ, mẹ nói: ‘Hạnh phúc của mẹ là trước khi nhắm mắt được thấy các con có gia đình hạnh phúc, mẹ không muốn trước khi nhắm mắt mà con vẫn hi sinh một đời lo cho gia đình này, như thế mẹ không có vui’”. 

Sau khi kết hôn, chị Mai qua Pháp sinh sống cùng Rabuel và đến nay đã 15 năm. Nhớ lại thời gian đầu, mọi thứ còn nhiều bỡ ngỡ, khó khăn. Từ lần đầu gặp gia đình chồng ở Pháp, cô gái Việt đã chia sẻ thẳng thắn về việc chị không học hết cấp 1, phải sớm bươn chải lo cho gia đình. 

Lắng nghe, gia đình anh Rabuel không hề chê hay không xem trọng cô gái Việt. Bố mẹ chồng của chị Mai dường như không vì điều này để đánh giá, phán xét chị. Thậm chí, họ còn yêu thương và thấu hiểu, động viên chị. 

“Không quan trọng con là ai, con đến từ đâu, học cao hay thấp mà quan trọng là con chính là con, con sống thế nào, sự thông minh của con sẽ là chìa khóa để con mở tất cả cánh cửa”.

Đã 15 năm trôi qua nhưng chị Mai vẫn nhớ như in câu nói của bố chồng trong ngày đầu chị sang Pháp làm dâu. Nhờ đó, chị càng thêm quý mến gia đình chồng cũng như có thêm bản lĩnh để đương đầu với những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống. 

(Ảnh chụp màn hình chương trình Người Kết Nối)

Lúc đầu mới qua xứ người, chị không biết tiếng Pháp lại không có bằng lái xe, không ăn được đồ Tây… nên không khỏi bỡ ngỡ, bị sốc. Tuy vậy, nhờ có sự đồng hành của chồng nên dần dần chị Mai đã làm quen, thích nghi với cuộc sống ở Pháp. 

“Nhà bố chồng cách nhà tôi 450m, anh chồng cách 1km, mẹ chồng cách hơn 50km nhưng trong thời gian học tiếng Pháp, mẹ chồng lúc nào cũng có mặt để giúp đỡ tôi. 3 tháng trời mỗi ngày bà vừa đi vừa về quãng đường 110km, rồi bà đưa tôi đi học, trông con cho tôi. Tôi đi đâu cũng có mẹ hoặc anh chồng đưa đi”, chị Mai xúc động kể lại. 

Phải nói là người phụ nữ này quá đỗi hạnh phúc, may mắn khi có được người chồng yêu thương, đã vậy gia đình chồng còn đồng cảm và hết lòng đón nhận nàng dâu ngoại quốc. 

Trong ngần ấy năm chung sống với nhau, chị Mai cho biết chồng Tây không mấy lãng mạn vì chỉ tặng hoa cho chị được 2-3 lần. Tuy vậy, anh không ngần ngại dành cho chị điều bất ngờ như kỷ niệm 11 năm ngày cưới là thuê trực thăng để hai vợ chồng đi ngắm cảnh ở Monaco. 

“Người Trung Quốc rất coi trọng số 11, năm 11 vì con số này có nghĩa là một lòng một dạ một đời bên nhau. Tôi cũng nói rất bâng quơ thôi, nhưng anh lại để tâm. Thế là kỷ niệm 11 năm ngày cưới, cả gia đình di du lịch ở Monaco, anh đã thuê một chiếc trực thăng lượn trên không trung 20 phút để tôi ngắm cảnh Monaco, cũng là để thỏa ước nguyện chưa bao giờ đi trực thăng của tôi”, người vợ Việt không giấu được hạnh phúc. 

Đôi khi chuyện tình yêu hôn nhân phụ thuộc vào chữ “Duyên”. Chị Mai và anh Rabuel tuy không cùng quốc tịch, ngôn ngữ nhưng họ đã tìm thấy nhau rồi gắn kết như một định mệnh đặc biệt. Người chồng kỹ sư đã bền bỉ theo đuổi, chinh phục trái tim của cô gái Việt và cuối cùng họ đã có cái kết viên mãn cho một chuyện tình xuyên biên giới.

Tags:
Nhập cư trắng tay, bốc hàng trong siêu thị rồi trở thành triệu phú

Nhập cư trắng tay, bốc hàng trong siêu thị rồi trở thành triệu phú

Manny Khoshbin cùng gia đình rời khỏi Iran khi ông mới chỉ 14 tuổi, nhập cư vào Mỹ với 2 bàn tay trắng và làm bốc vác trong siêu thị, tới nay Khoshbin sở hữu khối tài sản cả trăm triệu USD và là nguồn cảm hứng lớn cho những doanh nhân trẻ tuổi.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất