Công ty Nhật để thực tập sinh kỹ năng nước ngoài bơ vơ trong đại dịch
“Tôi không biết phải làm gì. Tôi chưa bao giờ gặp phải tình huống như vậy”. Cao Van Son, 27 tuổi, từ Việt Nam sang Nhật theo chương trình thực tập sinh kỹ năng do chính phủ triển khai. Chưa được một năm, anh bị mất việc, không biết đi đâu về đâu.
11:00 06/11/2020
Tháng 10 năm ngoái, anh đến Nhật và được 1 công ty ở Tokyo tuyển dụng. Anh ở trong ký túc xá của công ty, làm việc chủ yếu ở các khách sạn trong thành phố, và dành dụm tiền gửi về cho cha mẹ. Lúc rảnh rỗi, anh học tiếng Nhật.
Tháng 3 năm nay, ngành khách sạn bị suy sụp vì dịch vi-rút corona, công việc ít dần. Ngày nào anh cũng đợi nhưng chẳng có việc gì. Anh cho biết, vào tháng 5 công ty ép anh thôi việc và ra khỏi ký túc xá.
Anh nói rằng trước khi rời đi, anh bị công ty ép ký giấy “Xác nhận Nguyện vọng”. Giấy này có nội dung xác nhận rằng người ký tự nguyện dừng chương trình thực tập và về nước.
Anh cho biết đã nói với công ty là muốn tiếp tục làm việc vì còn phải trả khoản nợ khoảng 9.500 đôla Mỹ, trong đó anh đã dùng 1 phần để nộp phí làm thủ tục sang Nhật. Anh nói rằng người của công ty quây lấy anh, và anh cảm thấy không còn lựa chọn nào khác ngoài việc ký vào giấy xác nhận.
Cao Van Son nói rằng bị ép ký giấy “Xác nhận Nguyện vọng” và thôi việc.
Theo bộ lao động Nhật Bản, tính đến ngày 28/8 có 3.428 thực tập sinh kỹ năng nước ngoài bị sa thải vì công ty gặp khó khăn về tài chính do ảnh hưởng của dịch vi-rút corona. Nhưng đây chỉ là con số thực tập sinh bị sa thải, chứ không gồm các trường hợp báo là xin thôi việc như Cao Van Son.
Theo Hội Hỗ trợ Cộng sinh Việt-Nhật, một tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ người Việt Nam tại Nhật, có nhiều thực tập sinh giống như Cao Van Son đang cần trợ giúp. Hội cho biết phía công ty thì nói rằng thực tập sinh tự nguyện thôi việc.
Phó giáo sư Saito Yoshihasa của Đại học Kobe, một chuyên gia về các vấn đề liên quan đến lao động người nước ngoài tại Nhật Bản, cho biết: “Có thể có một số lý do khiến các công ty buộc thực tập sinh phải ký giấy như thế này. Nhưng theo tôi, vấn đề chính là họ lo ngại rằng nếu thừa nhận sa thải nhân viên vì khó khăn tài chính, thì sau này khi tuyển thực tập sinh sẽ bị chính phủ xét duyệt nghiêm ngặt hơn”.
Khi NHK liên lạc, công ty nơi anh Cao Van Son từng làm việc vẫn khẳng định họ chỉ sa thải anh sau khi anh xin thôi việc để về nước.
Khó khăn khi tìm công việc mới
Cao Van Son đã thử tìm công việc mới với sự giúp đỡ của Hội Hỗ trợ Cộng sinh Việt-Nhật. Thế nhưng chính giấy “Xác nhận Nguyện vọng” lại cản trở nỗ lực của anh.
Theo quy định ban đầu của chương trình thực tập sinh kỹ năng, thực tập sinh không được tự do chuyển việc. Nhưng vào tháng 4, chính phủ đã thay đổi quy định này. Theo đó, thực tập sinh bị sa thải do ảnh hưởng của dịch vi-rút corona được phép tìm công việc mới thuộc phạm vi 14 ngành nghề, trong đó có nông nghiệp và chăm sóc điều dưỡng, và được phép làm các công việc này trong tối đa 1 năm.
Tuy nhiên, chính sách này không áp dụng với thực tập sinh tự thôi việc. Và nếu căn cứ vào giấy “Xác nhận Nguyện vọng”, thì chính xác là Cao Van Son đã tự nguyện thôi việc.
Anh nói: “Tôi mới đến Nhật chưa được 1 năm, tôi không thể hiểu luật pháp và chế độ của Nhật, rất khó để có được thông tin cần thiết”.
Hội Hỗ trợ Cộng sinh Việt-Nhật đã nhiều lần trình bày với Bộ Tư pháp về trường hợp của Cao Van Son trong suốt 4 tháng. Cuối cùng, bộ đã công nhận trường hợp của anh là bị sa thải do ảnh hưởng của dịch vi-rút corona. Nhờ đó, có triển vọng anh sẽ được làm việc tại một công ty chế biến thực phẩm ở tỉnh Tochigi.
Tuy vậy, cô Yoshimizu Jiho, người đứng đầu Hội Hỗ trợ Cộng sinh Việt-Nhật, nói rằng Cao Van Son là một trong những trường hợp may mắn, còn hầu hết không thể tìm được công việc mới.
Phó giáo sư Saito nói: “Đại dịch vi-rút corona làm bộc lộ rõ mức độ phụ thuộc vào thực tập sinh kỹ năng nước ngoài của các ngành nghề Nhật Bản. Chính phủ tiếp nhận các thực tập sinh này theo chương trình của chính phủ, vì thế đương nhiên là chính phủ cũng phải bảo vệ họ khi họ mất việc làm”.
Tính đến cuối tháng 12 năm ngoái, có khoảng 410.000 thực tập sinh kỹ năng nước ngoài làm việc ở Nhật Bản.
Theo NHK
Muốn biết người trước ʍặt ʍình là quân tử hay ᴛiểᴜ nhân, quan sát 5 ʙiểu ʜiện này sẽ có câu trả ℓời
Người xưa đã để lại kinh nghiệm nhìn người tương đối đơn giản, theo đó, muốn biết người trước mặt mình là quân tử hay tiểu nhân, chỉ cần quan sát 5 biểu hiện sau đây.