Cuộc săn tìm sói ma trên dãy núi Chichibu, Nhật Bản

Hiroshi Yagi đang lái xe qua Công viên Quốc gia Chichibu Tama Kai thì con vật đi lên từ con suối bên trái, đi qua trước mặt anh và dừng cách xe anh khoảng hai mét.

20:00 22/10/2019

Nó không hề tỏ ra sợ hãi khi anh tiến về phía nó, chụp liên tiếp nhiều bức ảnh.

Sinh vật này rõ ràng không ngạc nhiên trước sự hiện diện của con người. Hoặc là nó thoải mái khi có người ở xung quanh, hoặc nó cảm thấy chẳng có gì phải bận tâm, bởi nó là kẻ săn mồi thống trị trong lãnh địa này.

Getty Images

Nguồn ảnh: GETTY IMAGES

"Đó là chuyện hồi 23 năm trước, và khi đó tôi không có nhiều kiến thức chuyên môn cho lắm," Yagi nói. "Nhưng tôi nghĩ, 'đây hẳn phải là một con sói'."

Yagi, một người ham mê leo núi, đã dành nhiều thời gian ở vùng núi quanh Chichibu ở miền trung Nhật Bản, nhưng đó là lần đầu tiên ông đối mặt với một con vật mà ông đã dành phần lớn cuộc đời để tìm kiếm.

"Tôi quyết định thử cho nó một miếng osenbei (một loại bánh phồng gạo), thế là tôi cầm miếng bánh chìa tay về phía nó," Yagi nói. "Tôi thuận tay phải, thế nên tôi dùng tay trái chìa miếng bánh gạo ra và thầm nghĩ nếu như nó cắn vào tay thì tôi cũng sẽ vẫn ổn. "

"Lúc này, nó đứng ngay trước mặt tôi. Tôi đưa cái bánh gạo vào ngay sát miệng nó. Nhưng mà nó không ăn. Nó chỉ đứng đó. Tôi đã thử xem nó có đánh hơi như thú hoang không, nhưng nó không. Nó không ngửi. Và giống như một đứa trẻ mới chào đời, nó không biết gì về mối nguy, cũng không biết sợ là gì."

Chó sói đã tuyệt chủng ở Nhật Bản ít nhất 100 năm, theo các ghi chép khoa học. Xác con sói cuối cùng được biết đến của Nhật Bản đã được mua bởi một nhà động vật học vào năm 1905, và người này đã gửi tấm da sói đến Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London.

Hiroshi Yagi

Một trong số 19 tấm ảnh Yagi chụp được con vật trông giống chó sói đứng trước mặt ông hồi 1996. Nguồn ảnh: HIROSHI YAGI

Những khám phá về xương, lông và phân sói cho thấy tất cả những thứ này đều tồn tại từ trước năm 1905, khiến cho khả năng Yagi nhìn thấy một con sói Nhật Bản còn sống vào đêm tháng Mười đó có vẻ khó tin.

Tại sao Yagi tin chắc rằng mình đã gặp phải một con sói? Bởi vì ông, cũng giống như nhiều người khác ở vùng nông thôn Nhật Bản, đã từng nghe được dấu hiệu của lũ sói vào ban đêm hồi nhiều năm trước.

Các tường trình từ địa phương

Yagi theo đuổi việc tìm kiếm sói Nhật từ khoảng 20 năm trước khi ông nhìn thấy con vật trên vào năm 1996.

Khi đó ông đang làm nhiệm vụ canh gác ban đêm tại một nhà nghỉ trên núi của nhóm leo núi mà ông là một thành viên.

"Tôi nghe thấy một tiếng hú," Yagi nói. "Tôi biết rằng sói Nhật Bản đã bị tuyên bố tuyệt chủng kể từ thời Minh Trị [là triều đại kết thúc vào năm 1912], nhưng tôi nghĩ, 'Một con vật không tồn tại thì không thể hú'."

Và thế là ông bắt đầu cuộc tìm kiếm sói Nhật Bản kéo dài 50 năm nay của mình.

Tối hôm đó, ông đã chụp được những bức ảnh sau khi rón rén nhích đến gần chỉ còn cách chừng một sải tay thứ thánh tích sống này.

Các bức ảnh đã làm bùng lên trí tưởng tượng của cư dân Chichibu địa phương sau khi chúng được một nhà động vật học nổi tiếng người Nhật kiểm nghiệm và mô tả con vật là 'cực kỳ giống sói' nhưng không kết luận rằng đó là con sói thuộc giống đã tuyệt chủng.

Trong khi nhiều học giả vẫn còn hoài nghi về sự tồn tại của chúng thì một số chuyên gia kết luận rằng những con vật trong ảnh Yagi chụp được trông gần giống với chó sói Nhật Bản. Loài động vật này được biết đến với tên gọi 'Chichibu yaken' (tức là 'chó hoang Chichibu').

Chẳng mấy chốc, những cư dân Nhật Bản khác cũng bắt đầu đưa ra những câu chuyện tương tự.

"Mẹ tôi nói với tôi rằng một người bạn của bà ở Chichibu - một bác gái ngoài 50 tuổi - nói đã nhìn thấy một con trông giống như chó sói trong vườn của bà hồi tháng Mười Hai," Alex Martin, một nhà báo người Mỹ gốc Nhật đã bắt đầu cuộc tìm kiếm của mình sau khi nghe câu chuyện của Yagi, nói.

"Có rất nhiều người kể rằng họ đã nhìn thấy hoặc nghe thấy tiếng hú, hay phát hiện ra thứ được cho là xương, phân và lông sói, khiến một số người tin rằng con vật có thể vẫn còn sống và vẫn đang lang thang trên những dãy núi Nhật Bản."

Sói Nhật thường được miêu tả trong văn học và văn hóa dân gian như một con vật huyền bí, theo lời Martin.

Tên chính xác của sói Nhật Bản, hodophilax, dịch ra có nghĩa là 'kẻ bảo hộ con đường', liên quan đến truyền thuyết Nhật Bản 'okuri-okami', có nghĩa là 'sói tiễn chân' hoặc 'sói hộ tống' - sói lẽo đẽo đi theo lữ khách trên những nẻo đường núi, bảo vệ họ trong suốt hành trình.

Các khảo dị khác trong chuyện kể dân gian kể rằng okuri-okami tấn công những lữ khách bị ngã hoặc không tôn trọng sói.

Nhiều khả năng là những huyền thoại được sinh ra từ hành vi trong thực tế của bọn sói; chúng có thể rình rập, đi theo con mồi suốt nhiều cây số trước khi tấn công, khiến người ta cảm giác lầm rằng chúng đang bảo vệ lữ khách.

Sói Nhật được thờ phụng ở Nhật Bản, và đặc biệt được tôn kính ở Chichibu. Nơi đây có nhiều đền thờ động vật này.

Một ngôi đền như vậy, Đền Mitsumine, được cho là do một hoàng tử lập nên. Chàng hoàng tử khi lạc lối trong sương mù của dãy núi Okuchichibu trong lúc đi chinh phục một bộ lạc hiếu chiến đã được một con sói trắng dẫn tới nơi an toàn.

Nghệ thuật và văn học Nhật Bản hiện đại cũng nhắc tới chó sói.

Bộ phim hoạt hình Công chúa Mononoke (1997), dựa trên truyền thuyết về Đền Mitsumine, kể về một nữ thần sói trắng vĩ đại, vị thần đã nuôi dạy đứa trẻ có tên là San (do Yuriko Ishida thủ vai trong phiên bản tiếng Nhật và do Claire Danes đóng trong phiên bản tiếng Anh), người trở thành một trong những nhân vật chính của bộ phim.

"Về mặt cá nhân, tôi phát hiện ra rằng việc nghiên cứu loài vật này liên quan đến nhiều khía cạnh khác nhau - từ khoa học cho tới văn hóa dân gian, lịch sử, tôn giáo và nhiều thứ khác - những thứ giúp phác hoạ nên bức tranh sinh động về việc tâm lý mê tín và các truyền thuyết đóng vai trò lớn tới đâu trong đời sống hàng ngày của Nhật Bản thời tiền hiện đại," Martin nói.

Cuộc tìm kiếm tay ngang

Do kết quả tìm hiểu của Yagi ngày càng được nhiều người biết đến, nhà nghiên cứu lập dị này hiện đang được sự hỗ trợ của khoảng 20 cá nhân khác - tất cả đều là những người nghiệp dư.

"Khi những bức ảnh được công bố, nhiều người khác đã chia sẻ những câu chuyện về việc họ từng nghe thấy tiếng hú hoặc nhìn thấy sói," Yagi nói.

"Điều giống nhau là chúng tôi không đơn độc khi tin vào những gì chúng tôi đã thấy, đã nghe, điều đã dẫn đến cuộc tìm kiếm này. Chính mối liên hệ cá nhân này với con sói đã truyền cảm hứng để chúng tôi có niềm tin là con sói này tồn tại. Và cùng nhau, chúng tôi muốn tìm ra sự thật."

Hiroshi Yagi

Yagi đã cài đặt 70 camera hồng ngoại ở khắp rặng núi Okuchichibu để tìm kiếm thêm bằng chứng. Nguồn ảnh: HIROSHI YAGI

Nhưng Yagi thừa nhận rằng những bức ảnh mà ông chụp được hồi 23 năm trước không phải là bằng chứng rõ ràng mà ông cần.

Giờ đây, việc tìm kiếm đang nhờ đến công nghệ hiện đại để giúp thu thập thêm bằng chứng, bao gồm khoảng 70 máy quay video hồng ngoại nhạy cảm với chuyển động được thiết lập trên rặng núi Okuchichibu.

Khoảng một năm trước, các máy này đã ghi lại cảnh ba con nai chạy qua. Lúc đầu thì mọi thứ có vẻ như cũng không có gì đáng kể mấy, nhưng khi kiểm tra kỹ hơn, Yagi nhận thấy âm thanh đi kèm với hình ảnh dường như là tiếng hú.

"Chúng tôi mang tiếng hú được ghi lại đến chỗ một chuyên gia, và ông ấy đã so sánh nó với tiếng hú của sói phương Đông được giữ tại vườn thú Asahikawa ở Hokkaido," Yagi nói.

"Ông ấy đã tuyên bố rằng có đến 99,5% độ chính xác rằng hai tiếng hú đó là của cùng một loài vật và tôi đã nhận được giấy chứng nhận xác thực cho việc ghi âm sói."

"Khi tôi nghe tiếng hú lần đầu tiên cách đây 50 năm, tôi đã nói với nhiều người rằng tôi tin đó là con sói," Yagi nói. "Tuy nhiên, họ lập luận rằng, 'Nếu nó không tồn tại, thì đó không thể là tiếng hú của nó'. Trong khi tôi tin vào điều ngược lại - tức là nếu có tiếng hú thì có nghĩa là con sói có tồn tại. Và chính sự hoài nghi của người khác đã khiến tôi tìm hiểu câu chuyện cho tới ngày nay. Đôi khi có vẻ như con đường vẫn còn dài."

Trong lịch sử, IUCN đã sử dụng "quy tắc 50 năm" để xác định xem một loài hay phân loài có bị tuyệt chủng hay không, mặc dù hiện tại quy tắc này đã được thay thế bằng cách tiếp cận cụ thể hơn về loài, như đòi hỏi phải thu thập bằng chứng từ các hàng loạt các khảo sát trước khi có thể ra tuyên bố rằng loài đó đã tuyệt chủng.

Trên thực tế thì đối với một số loài vốn đã được theo dõi và nghiên cứu rộng rãi, thời gian 50 năm đó là quá dài, tới mức không cần thiết.

Đối với những người khác, lấy việc không mấy ai nhìn thấy một loài nào đó để nói rằng loài đó tuyệt chủng là một quy tắc tuỳ tiện một cách không hợp lý.

"Không có nhà khoa học phương Tây nào từng nhìn thấy một con sao la hoang dã - một loài linh dương rừng châu Á có sừng dài tuyệt đẹp, là một trong những động vật có vú hiếm nhất trên thế giới," Samuel Turvey từ Hiệp hội Động vật học thuộc Viện Động vật học London nói. "Thông tin về sự phân bố của loài thú này ở Việt Nam và Lào chủ yếu dựa trên các lời kể mang tính giai thoại của các thợ săn và dân làng địa phương."

Trong trường hợp sao la, các nhà khoa học phương Tây nhiều nhất thì cũng chỉ nhìn thấy qua vài tấm ảnh, vì vậy áp dụng quy tắc 50 năm là rất lỗi thời.

"Trong một số trường hợp, các loài có khả năng tuyệt chủng có thể xảy ra ở những vùng cực kỳ xa xôi và không thể tới được, nơi hiếm khi có các nhà nghiên cứu ghé thăm, và vì vậy tình trạng của chúng vẫn chưa được biết đến chứ không phải nhất thiết là đã tuyệt chủng," Turvey nói.

"Sự phức tạp của việc chứng minh sự tuyệt chủng trở nên khó khăn hơn bởi những thách thức lý thuyết mà bạn không thể chứng minh... việc quý vị không tìm thấy một loài thì rất có thể chỉ là bởi quý vị chưa tìm kiếm đủ quyết liệt, hoặc đúng nơi, đúng thời điểm trong năm, chứ không nhất thiết phải là bởi loài đó không còn tồn tại?"

Turvey cảnh báo rằng trong trường hợp không có những cảnh tượng được chấp nhận nhất định trong suốt hơn một thế kỷ, thì sói Nhật Bản khó có thể coi là vẫn tồn tại, tuy nhiên, sự tiếp tục tồn tại đó không phải là không thể xảy ra.

"Điều khiến cho sói ít có khả năng còn tồn tại là do sói là loài động vật có nhu cầu xã hội, sống theo nhóm và phát ra tiếng kêu lớn, điều này khiến chúng dễ bị phát hiện hơn so với một con thú sống đơn độc trong cùng một môi trường sống," Turvey nói.

"Điều này khiến chúng ta đến với điểm mấu chốt trong việc đánh giá số lượng dữ liệu thu được so với chất lượng dữ liệu. Các trường hợp nhìn thấy đã được báo cáo, với ngày giờ được ghi nhận trong hồ sơ, nhưng chúng chưa được xác minh và có thể không thể kiểm chứng, vì vậy chúng tôi không thể chắc chắn là các nhân chứng thực sự nhìn thấy sói."

"Đây là tình huống khó hiểu tương tự mà các nhà khoa học phải đối mặt khi cố gắng xác định khả năng còn tồn tại của các loài 'chính thức' tuyệt chủng khác như hổ Tasmania (còn được gọi là chó sói Tasmania) và chim gõ kiến mỏ ngà."

Một số người vẫn tin rằng thylacine, thường được gọi là hổ Tasmania, vẫn còn tồn tại.

Một nhóm các thám tử nghiệp dư đã đặt camera ở các khu rừng phía nam Tasmania để tìm bằng chứng về sự tồn tại của nó, và vào năm 2017 họ đã công bố một video clip nhằm chứng minh rằng họ đã ghi được hình ảnh con vật, mặc dù chất lượng của đoạn video đó thì khó có thể cho ra được kết luận gì.

"Những báo cáo được thực hiện bởi người dân địa phương sống trong cùng khu vực như những loài có thể bị tuyệt chủng chắc chắn không nên bị bác bỏ," Turvey nói.

"Các báo cáo như vậy thường là nguồn thông tin duy nhất về các loài động vật quý hiếm ở các khu vực rộng lớn nằm ở môi trường sống hẻo lánh, đòi hỏi phải có một khoản kinh phí lớn để khảo sát bằng các phương pháp sinh thái tiêu chuẩn."

Có một cách vững chắc để kết thúc được cuộc tranh luận về việc liệu con sói Nhật Bản có thực sự vẫn đi lang thang trong vùng núi Chichibu hay không, đó là lấy được bằng chứng DNA.

Điều này sẽ có tính thuyết phục mạnh hơn nhiều so với bất kỳ số lượng hình ảnh và ghi âm nào trong việc đưa ra kết luận đó là của những con sói chứ không phải là bọn chó nhà lang thang và biến thành chó hoang.

Nhưng còn có một khả năng khác nữa.

Chó sói có thể giao phối thành công với những con chó nhà đã thuần hóa và sinh ra những đứa con lai, vì vậy có khả năng quần thể sống sót sau ngày tuyệt chủng chính là con cháu của sói với vật nuôi địa phương.

Một con chó lai sói có thể giải thích hợp lý cho con thú trông giống như con sói ngoan ngoãn mà Yagi nhìn thấy hồi 23 năm trước.

Tuy nhiên trong thực tế thì sự giao phối giữa chó sói và chó nhà sẽ ít xảy ra, cho nên khó có khả năng là có đến cả một quần thể chó lai sói được sinh ra và tồn tại.

Nhiều con chó nhà cỡ lớn cũng có thể tạo ra tiếng hú giống như sói - vì vậy, những con chó nhà đi hoang, lạc vào vùng núi cũng có thể là lý do khiến người dân địa phương nghe thấy những tiếng hú.

Việc thu thập và phân tích một cách hệ thống các trường hợp dân địa phương nhìn thấy sói sẽ là bước tiếp theo rất quan trọng để đánh giá xem các loại thông tin được báo về này có cho thấy cách thức sói được phân bố như thế nào hay không, Turvey nói.

Yagi đồng ý.

Nếu họ tìm thấy thêm bằng chứng từ 70 camera được cài đặt thì họ có thể xác định được chính xác hơn việc nên đặt một cái bẫy vô hại ở đâu để có thể lấy được mẫu vật đem đi xét nghiệm DNA.

"Tôi tin rằng tôi rất trong sáng và nhiệt thành trong việc tìm kiếm con sói, đó là lý do tại sao tôi may mắn có được cơ hội nhìn thấy nó," Yagi nói. "Tôi tin rằng tôi đã được Thượng Đế chọn để đảm nhiệm trọng trách đi chứng minh sự tồn tại của sói Nhật Bản. Thật không may, có những người nói 'Không', còn tôi thì chỉ nghĩ là 'Hãy rời khỏi bàn giấy đi! Hãy đi tìm kiếm chúng trong những rặng núi'."

Ông quyết tâm tiếp tục kiên nhẫn thực hiện công việc của mình.

"Về mặt cá nhân mà nói thì tôi tin rằng có một thứ gì đó ở ngoài rặng núi kia, đó có thể là loài động vật đã tuyệt chủng, cũng có thể là hậu duệ của nó. Và nếu bỏ đủ thời gian, tiền bạc và công nghệ, chúng ta sẽ có thể biết nó là gì," Martin, người được Yagi truyền cảm hứng và sẽ tiếp tục nghiên cứu của riêng mình, nói.

Ông đã có manh mối mới.

"Hai tuần trước, mẹ tôi thông báo với tôi rằng bà nghe thấy một loạt tiếng hú bất thường từ khu rừng phía sau nhà Chichibu, khiến tôi phải lắp các camera hồng ngoại trong khu vực," Martin nói. "Tôi đang chờ xem rồi mình sẽ thu được những gì đây."

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.

Tags:
Nữ cảnh sát Nhật tranh thủ bán dâm để tăng thu nhập

Nữ cảnh sát Nhật tranh thủ bán dâm để tăng thu nhập

Một nữ cảnh sát ở tỉnh Hyogo, Nhật Bản mới đây đã xin từ chức sau khi cô bị phát hiện làm gái gọi để kiếm thêm tiền.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất