Cuốn nhật ký trong toilet ở Nhật Bản

Toilet trường học ở Nhật rất sạch sẽ nên không có chuyện học sinh sợ hãi đến mức "trì hoãn", chờ về nhà mới đi vệ sinh.

10:00 23/08/2020

Tôi muốn chia sẻ trải nghiệm của mình về toilet trong trường học ở Nhật Bản bởi vì nó có khá nhiều điều thú vị với tôi, trái ngược với những ký ức về toilet ở Việt Nam khi tôi là một học sinh đến trường mỗi ngày.

Cuốn nhật ký trong toilet ở Nhật Bản - VnExpress

Một ký ức khó quên về toilet ở Việt Nam

Trường mầm non nơi tôi học vào khoảng từ 1993-1995 có một hầm cầu, nhưng con nít thì chẳng bao giờ vào đó, nó dành cho "người lớn". Chắc cũng chẳng dành cho các cô giáo vì các cô đều sống gần đó nên sẽ ưu tiên đi vệ sinh ở nhà. Dường như không có một cái toilet nào đúng nghĩa ở trường mầm non mà tôi học vì xung quanh trường lúc nào cũng đầy phân.

Trường tiểu học thì chỉ cách đó chừng 100m. Điều kiện toilet trong ký ức tôi quả là rất tồi tệ. Có thể kể đến hàng chục sự cố xảy ra một khi bị đau bụng trên trường. Chuyện thường xảy ra nhất là sợ bị dẫm "mìn" trên đường đi ra toilet. Mùi thối của phân, mùi khai của nước tiểu dọc theo bờ rào tờ lớp học ra đến cầu tiêu. Bên trong cầu tiêu thì đúng là một nơi mà không thể tưởng tượng nổi. Cây cỏ mọc hoang bên trong đó bởi vì ngói đã vỡ và ánh sáng chiếu thẳng vào bên trong. Cũng tương tự như bên ngoài, bên trong cầu tiêu cũng đầy phân dưới sàn và khai ngấy mùi nước tiểu.

Trường trung học cơ sở cách đó chừng 500 m thì cũng trong điều kiện tương tự. Mỗi lần bị vào thế bí phải vào nhà vệ sinh thì coi như là một thử thách lớn. Tới tuổi dậy thì cũng là lúc sự ngượng ngùng tăng lên. Đi vào nhà vệ sinh mà để bạn bè khác phải biết thì cũng thấy không thoải mái rồi. "Đi vệ sinh" mặc nhiên trở thành một suy nghĩ tiêu cực vì có quá nhiều thứ dơ bẩn ở đó.

Từ cấp này trở xuống, tôi đều học ở "trường làng" nên gần như hệ thống hạ tầng cơ sở không có, không có hệ thống thoát nước bẩn. Chỉ có hầm cầu nhưng cũng ở dạng đơn sơ chứ không phải bể tự hoại như các bạn thấy sau này.

Đến cấp trung học phổ thông, tôi được "vào phố" để học nên cảm giác lúc đó rất sướng. Tôi bước vào toilet của trường lần đầu tiên trong ngày tựu trường tháng 9 năm 2003 và tôi cảm thấy sung sướng vì so với những trải nghiệm trước đây thì toilet trong trường này phải nói là tuyệt vời.

Có bồn cầu ngồi xổm, có xô nước để dội, có thùng đựng giấy đi cầu. Nhưng có hai thứ cũng chưa được ổn lắm đó là cái máng đi tiểu và sàn. Nó luôn luôn dậy mùi khai mặc dù có thùng nước để sẵn để dội mỗi khi đi tiểu. Có lẽ có quá nhiều học sinh tiểu vào tường hoặc xuống sàn nên lúc nào nó cũng ướt nhẹp.

Toilet trong trường học ở Nhật Bản rất tiện nghi và sạch sẽ

Chính vì những ký ức thời tuổi thơ còn giữ lại đâu đó trong tâm trí nên đi đâu tôi cũng dòm ngó toilet và để ý rất kỹ từng chi tiết trong đó.

Làm trong trường học vì thế tôi để ý khá kỹ về toilet và những hoạt động liên quan. Giáo viên ở Nhật Bản phải tự phân công nhau về trách nhiệm giữ gìn vệ sinh trong trường. Dĩ nhiên, tôi cũng phải đảm đương việc lau chùi toilet như bất kỳ ai.

Trường nơi tôi đang dạy, có khoảng hơn 20 nhân sự, khoảng 60 học trò nhưng có đến 4 toilet cho giáo viên, 10 bồn cầu cho học trò (có cả bồn tiểu đứng cho học trò nam) và có hơn 10 bồn rửa tay, 1 phòng tắm. Các thiết bị bên trong đều rất tiện dụng: có chế độ nước nóng lạnh, điều chỉnh dòng nước chảy trong vòi. Riêng cái bồn cầu thì có không biết bao nhiêu tính năng trong đó, quan trọng nhất là tính năng xịt nước rửa tự động. Tôi rất thích rửa bằng tia nước như thế vì cảm thấy sạch sẽ và thoải mái hơn sử dụng giấy. Dĩ nhiên, vẫn sẽ dùng giấy để lau khô sau đó.

Điều đặc biệt nhất trong toilet đó là một cuốn nhật ký (giống một cuốn sổ) để mỗi khi ngồi vào bồn cầu thầy cô có thể đọc qua những ghi chú dí dỏm của nhau về những điều trong trường. Thường là những dòng ghi chú đó viết về những khoảnh khắc đáng yêu nhất của học trò mà thầy cô thấy ấn tượng.

Không biết có nơi nào đó trên thế giới làm như vậy không? Việc đọc những dòng chữ vui vui trong toilet rất lạ đối với tôi. Tôi còn khá rụt rè trong việc viết lại những trải nghiệm của mình vào cuốn nhật ký này. Tuy nhiên, lần nào vào toilet tôi cũng mở ra đọc những chia sẻ mới trong đó.

Về việc dạy trẻ đi toilet, tôi thấy người Nhật chỉ dẫn rất bài bản và vì thế các em biết giữ gìn vệ sinh cá nhân và cũng biết cách giữ toilet sạch sẽ và ngăn nắp. Các em được "tập huấn" đi toilet đúng cách từ khi bắt đầu có ý thức về tiểu tiện và đại tiện (khoảng gần một tuổi), cũng vì thế mà các em đã có thể tự mình đi toilet và lau chùi cho mình khi mới ba tuổi.

Một vài bước cơ bản mà các em phải biết như:

- Biết cách xin phép đi toilet.

- Biết mở cửa, mở đèn trong toilet.

- Biết mang dép dành riêng để đi vào toilet.

- Biết sử dụng giấy toilet đúng cách.

- Biết đặt dép, đóng cửa, tắt đèn sau khi ra khỏi toilet.

- Biết 6 bước rửa tay đúng cách trước khi trở lại lớp học.

Một điều khác biệt lớn giữ toilet ở Nhật Bản và toilet những nơi tôi từng đến là cái sàn. Nó lúc nào cũng được giữ khô ráo. Được vậy là nhờ ý thức người sử dụng toilet và cả việc lau dọn thường xuyên.

Toilet cho người lớn thì thiết kế gọn gàng, có đủ các hộc tủ chức năng để chứa các dụng cụ. Toilet dành cho trẻ em thì rất bắt mắt với nhiều hoạ tiết và hình ảnh hoạt hình. Nói chung, trải nghiệm bên trong toilet là rất tuyệt vời nên không có chuyện "trì hoãn" việc đi toilet tại trường học để chờ về nhà mới đi.

Tôi trải nghiệm được sự đối lập lớn như vậy về hình ảnh toilet trong quá khứ và những gì nhìn thấy mỗi ngày ở hiện tại. Đó quả là một sự thay đổi vô cùng lớn mà tôi thấy cần phải viết lại để đâu đó những nhà giáo dục tại Việt Nam có thể đọc được và cố gắng cải thiện điều kiện hiện tại cho sạch sẽ hơn, an toàn hơn, tiện nghi hơn cho người sử dụng nói chung mà nhất là cho trẻ em Việt Nam.

Nguồn: vnexpress.net

Tags:
Cơm chan nước lạnh – đặc sản giải nhiệt mùa hè có “1-0-2” ở Nhật Bản

Cơm chan nước lạnh – đặc sản giải nhiệt mùa hè có “1-0-2” ở Nhật Bản

Nhìn bát cơm cứ tưởng là một trò đùa nhưng đây lại là đặc sản độc đáo ở Nhật Bản bạn nhé.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất