Cựu binh Mỹ hơn nửa thế kỷ lưu giữ sổ ghi chép của chiến sĩ Việt Nam
Peter Mathews lưu giữ cuốn sổ ghi chép của một bộ đội Việt Nam từ năm 1967 và nỗ lực tìm người thân của chiến sĩ này để trao trả kỷ vật.
19:41 02/02/2023
"Tôi đã tìm thấy cuốn sổ 93 trang của một quân nhân Việt Nam trong trận chiến ở đồi 724, Đăk Tô tháng 11/1967. Nay tôi rất mong muốn tìm được người thân của chiến sĩ này để trao trả", Peter Mathews, cựu binh Mỹ 77 tuổi đang sống tại bang New Jersey, hồi cuối tháng 1 thông báo trên tài khoản mạng xã hội.
Trong cuộc phỏng vấn với phóng viên Megan Burrow của tờ North Jersey, Mathews cho biết ông vẫn giữ kỹ quyển sổ suốt 56 năm qua, dù không biết rõ chủ nhân của nó là ai. Ông chỉ biết rằng bên trong cuốn sổ là những ghi chép của một người lính có tên là Cao Xuan Tuat, quê quán ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh.
Ông đã lập một website với mong muốn tìm kiếm các đầu mối liên hệ cũng như quay lại Việt Nam và tìm ra chủ nhân những dòng chữ cùng các bức vẽ minh họa khiến ông vô cùng ấn tượng, hay chí ít là trao lại di vật này cho thân nhân của người đó. Hành trình đi tìm chủ nhân quyển sổ cũng là cách để Mathews thật sự đối diện những vết hằn mà chiến tranh để lại trong ông, khép lại những trăn trở suốt bao năm qua về một giai đoạn biến động của cuộc đời mình.
"Ước mơ của tôi là tìm ra người lính năm xưa, đến tận nơi và trả lại cho ông ấy quyển sổ. Tôi mong khép lại quá khứ của mình. Khi đã bước đến tuổi này, tôi nghĩ đã đến lúc làm điều ấy rồi", ông nói trong cuộc phỏng vấn.
Peter Mathews sinh ra tại Hà Lan và di cư sang Mỹ năm 1963. Ông nhập ngũ theo diện nghĩa vụ quân sự vào năm 1966, khi còn cách thời hạn nhận thẻ xanh vài tháng, và sau đó được triển khai đến chiến trường Việt Nam. Ông được huấn luyện làm xạ thủ súng máy, sau đó vài tháng trở thành chỉ huy một tổ đội chuyên chi viện cho các đơn vị ở tiền tuyến.
Mathews tham gia chiến dịch ở Đăk Tô, Tây Nguyên năm 1967, thời điểm giao tranh diễn ra rất dữ dội, theo Michael Rockland, giáo sư nghiên cứu về Mỹ tại Đại học Rutgers, người đã nhiều năm tìm hiểu về cuộc chiến tranh mà Mỹ tiến hành ở Việt Nam.
Ông tìm thấy quyển sổ sau một trận đánh kéo dài khoảng 4 ngày vào tháng 11/1967, khi đang rà soát một điểm tập kết hành trang của bộ đội Việt Nam dưới chân Đồi 724. Ông kể rằng đó là quyển sổ được bọc trong túi bóng kỹ lưỡng, cất trong một chiếc balô tại điểm tập kết.
Bên trong cuốn sổ là những trang vẽ vô cùng khéo léo, cùng những ghi chép bằng tiếng Việt mà ông nghĩ là thơ, nhạc và tự sự. Ông không báo cáo với cấp trên về phát hiện này vì nghĩ đây là một quyển nhật ký chứ không phải tài liệu quân sự.
"Khi ấy, tôi chỉ nghĩ đây là một quyển sổ thật đẹp. Tôi ấn tượng với độ chi tiết và khiếu thẩm mỹ của chủ nhân quyển sổ. Đáng ra tôi nên nộp lại tài liệu này, nhưng tôi không thể rời xa nó. Quyển sổ cũng không giống tài liệu quân sự hay tài liệu mật. Tôi thậm chí không kể về nó với bất kỳ ai", ông kể lại.
Mathews cất quyển sổ vào túi, giữ nó bên mình đến khi kết thúc thời hạn nghĩa vụ vào tháng 12/1967 và trở về Mỹ. Vài tháng sau đó, ông được nhập tịch Mỹ.
Người đàn ông gốc Hà Lan cố gác lại quá khứ chiến tranh, trở lại với cuộc sống hòa bình, kết hôn, sinh con và mở một công ty xây dựng nhỏ. Quyển sổ mà ông nhặt được từ chiến trường được giữ trong một chiếc hộp, cất trên gác mái trong ngôi nhà nhỏ tại Bergenfield, New Jersey.
Mathews không bao giờ quên được quyển sổ đặc biệt của người lính Việt Nam. Ông vẫn thường mang quyển sổ ra, kể lại câu chuyện về nó với người thân, dù ông hiếm khi thật sự trải lòng về ký ức chiến tranh. Các con ông vẫn thường khuyên ông nên mở lòng hơn về những ngày tháng tại Việt Nam, cuộc chiến mà ông cho là "vô nghĩa".
"Điều điên rồ là chúng tôi giết nhau trên ngọn đồi đó, rồi tất cả rời đi nơi khác... Tất cả đều vô nghĩa", Mathews kể lại suy nghĩ của mình khi lên trực thăng rời Đồi 724 vào tháng 11/1967.
Những tò mò về quyển sổ ghi chép sống lại trong tâm trí Mathews khi ông tình cờ nhìn thấy chiếc nón lá trong văn phòng khách hàng hơn một năm trước. Ông bắt chuyện, rồi biết người khách đó có hai con nuôi gốc Việt và từng thăm Việt Nam vài lần. Người khách sau đó đề nghị giúp ông dịch vài trang, làm sáng tỏ phần nào những bí ẩn đã đeo bám ông hơn nửa cuộc đời.
Sau cuộc gặp đó, Mathews bắt đầu chia sẻ một số trang trong quyển sổ lên mạng xã hội, hy vọng tìm thêm thông tin. Ông được biết một giáo sư tại Havard mong muốn nghiên cứu thêm về quyển sổ. Một nhà sưu tầm còn đề nghị mua lại kỷ vật này với giá 1.200 USD.
Andrew Pham, người từng dịch nhật ký của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm tại Mỹ và cựu nhà báo chiến trường Frances Fitzgerald cũng đề nghị ông cân nhắc phương án xuất bản cuốn sổ ghi chép.
Mathews gần đây đã nhận thêm nhiều sự hỗ trợ trong hành trình tìm lại chủ nhân quyển sổ. Một người Mỹ gốc Việt đã liên hệ giúp Mathews thông qua người quen tại Việt Nam để tìm thân nhân của chiến sĩ Cao Xuan Tuat.
Ông Trần Nhật Tân, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Tĩnh, ngày 1/2 nói với VnExpress rằng đơn vị đang phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương xác minh thông tin để hỗ trợ cựu binh Mathews.
Chính quyền huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh của tỉnh Hà Tĩnh cũng đã rà soát và xác định có một liệt sĩ tên Cao Văn Tuất, gần giống với tên của người trong cuốn sổ ghi chép mà cựu binh Mathews nhắc đến.
Trên website của mình, ông Mathews ngày 1/2 cho hay đã "thành công sau 56 năm 81 ngày", khi tìm được hai chị em của chiến sĩ Cao Xuan Tuat và đăng ảnh hai phụ nữ trò chuyện với các quan chức Hà Tĩnh cũng như xem ảnh chụp quyển sổ. Tuy nhiên, ông Tân cho hay quá trình xác minh chưa hoàn thành.
"Nhiều khả năng liệt sĩ Cao Văn Tuất chính là người được đề cập trong cuốn sổ, nhưng còn một số thông tin mà cơ quan chuyên môn cần xác minh thêm", ông Tân nói.
Ông Tân cho biết thêm cơ quan chức năng Hà Tĩnh đang duy trì liên lạc với ông Mathews và cựu binh này đã cung cấp nhiều thông tin liên quan để hỗ trợ tìm liệt sĩ có tên trong cuốn sổ.
"Nếu có kết quả, cơ quan chức năng có thể mời Peter Mathews sang Việt Nam trao trả lại kỷ vật. Việc này nhằm thắt chặt tình đoàn kết, ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam, cũng là dịp để xây dựng tình hữu nghị giữa Việt Nam và Mỹ", ông Tân cho hay.
Mathews cũng đang nỗ lực kêu gọi sự ủng hộ để ông có thể trở lại Việt Nam, tìm lại người bộ đội năm xưa hoặc người thân của ông và trao trả quyển sổ.
"Tôi đã cố lãng quên rất nhiều điều về Việt Nam và hành trình này sẽ khơi lại trong tôi nhiều ký ức, cảm xúc khó tả. Đây cũng là điều tốt cho tôi, khi ít ra tôi đã bắt đầu chia sẻ", ông nói.
Thanh Danh - Đức Hùng
Cả đời đi Mercedes đeo Rolex, thiếu gia nhà giàu "lặng người" trước thử thách sống cùng người nghèo
Một chàng trai con nhà giàu đã chuyển vào sống cùng nhà với một gia đình nghèo khó từng phải chịu cảnh vô gia cư. Khi rời đi, cậu đã để lại cho họ một món quà tuyệt vời. Toàn bộ sự việc nằm trong khuôn khổ một chương trình truyền hình thực tế mới.